ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Thứ sáu - 04/11/2022 08:04 | Tác giả bài viết: |   422
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng phản đối chiến tranh, kêu gọi tự do tôn giáo thực sự, nhìn nhận quyền của phụ nữ, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và nói về khái niệm quyền công dân.
ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain
 

Tông du Bahrain: ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain về Đối thoại

Tại Diễn đàn Đối thoại Bahrain vào sáng Thứ Sáu 4/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng phản đối chiến tranh, kêu gọi tự do tôn giáo thực sự, nhìn nhận quyền của phụ nữ, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và nói về khái niệm quyền công dân. Ngài nhấn mạnh rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị bôi nhọ.

ĐTC tham dự Bế mạc "Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người

Thứ Sáu 4/11/2022, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Bahrain, Đức Thánh Cha có 3 hoạt động chính: tham dự buổi bế mạc “Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người”; gặp các thành viên của Hội đồng Bô lão Hồi giáo; và cuối cùng là gặp gỡ Đại kết và Cầu nguyện cho Hoà bình.

Tông du Bahrain: Diễn văn của ĐTC tại buổi bế mạc Diễn đàn Bahrain về Đối thoại

“Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người”

“Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người” có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật nổi bật từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, được tổ chức bởi Hội đồng Bô lão Hồi giáo, Hội đồng Tối cao về Hồi giáo và Trung tâm Toàn cầu Vua Hamad về Chung sống Hòa bình. Với mục đích xây dựng những nhịp cầu đối thoại, các phiên họp trong chương trình của Diễn đàn tập trung vào việc thúc đẩy sự chung sống toàn cầu và tình huynh đệ con người, về vai trò của các tôn giáo và học giả trong việc đối diện với những thách thức của thời đại, về đối thoại liên tôn và về đạt đến hòa bình thế giới.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Nghi thức Cây Hoà bình

Sau khi cử hành Thánh lễ riêng, vào lúc 9 giờ 45 phút giờ Bahrain, tức là 1 giờ 45 trưa giờ Việt Nam, từ dinh thự nơi ngài lưu trú trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha đi xe đến Quảng trường Al-Fida, gần Cung điện Hoàng gia Sakhir, cách nơi cư trú 650 mét.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Đến Quảng trường nơi tổ chức Diễn đàn, Đức Thánh Cha được Quốc vương của Bahrain và Đại Giáo trưởng Hồi giáo Ahmad Muhammad Al-Tayyeb của Đại học al-Azhar tiếp đón. Sau đó các vị cùng đi vào ngôi vườn cạnh đó để thực hiện nghi thức Cây Hoà bình, trong đó Đức Thánh Cha đã tưới nước cho một cây cọ được trồng trong vườn.

Sau nghi thức Cây Hoà bình, Đức Thánh Cha với Quốc vương Bahrain và Đại Giáo trưởng Hồi giáo Al-Tayyeb tiếp tục tiến về khán đài trong khi hai máy bay trực thăng treo cờ của Vatican và cờ của Bahrain bay lượn trên Quảng trường.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Diễn văn bế mạc Diễn đàn

Buổi bế mạc Diễn đàn bắt đầu với bài diễn văn của Quốc vương của Bahrain và sau đó là diễn văn của Đại Giáo trưởng Hồi giáo của al-Azhar.

Hai vùng biển - Đông và Tây phương

Tiếp đến là diễn văn của Đức Thánh Cha, trong đó ngài nhắc lại tên Bahrain có nghĩa là “hai vùng biển”. Ngài nhắc lại một câu nói cổ xưa, “Điều mà đất đai chia cắt thì biển hợp lại”, và nói thêm rằng nhìn từ trên cao, “Trái đất của chúng ta trông giống như một vùng biển xanh bao la, nối liền những bờ biển khác nhau. Từ bầu trời, nó dường như nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một gia đình duy nhất: không phải là các hòn đảo, mà là một quần đảo lớn.” Ngài khẳng định rằng đây là điều mà Đấng Tối Cao muốn đối với chúng ta và Bahrain, một quần đảo gồm hơn ba mươi hòn đảo, có thể tượng trưng cho ước muốn đó.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng chúng ta đang sống trong thời đại được kết nối chưa từng có, nhưng lại chia rẽ nhiều hơn là đoàn kết. Do đó, tên Bahrain có thể giúp chúng ta suy tư: ‘hai biển’ mà nó nói đến là vùng nước ngọt của các suối nước dưới biển và vùng nước lợ của Vịnh. Tương tự như vậy, ngày nay chúng ta thấy mình đang nhìn ra hai vùng biển với hương vị trái ngược nhau: một mặt là biển êm đềm và ngọt ngào của sự chung sống, mặt khác là sự thờ ơ cay đắng, bị ô nhiễm bởi những cuộc đụng độ và bị giao động bởi những cơn gió của chiến tranh, với những đợt sóng tàn phá của nó luôn gây xáo trộn hơn, có nguy cơ vùi lấp tất cả mọi người. Và, thật không may, Đông và Tây ngày càng giống như hai vùng biển đối nghịch nhau. Ngược lại, chúng ta ở đây cùng nhau vì chúng ta có ý định ra khơi trên cùng một vùng biển, chọn con đường gặp gỡ hơn là đối đầu, con đường đối thoại được Diễn đàn này chỉ ra: “Đông và Tây vì sự cùng tồn tại của con người”.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Những hậu quả cay đắng

Sau những cuộc chiến kinh hoàng trong lịch sử, chúng ta lại đang đứng trước bờ vực của một sự cân bằng mong manh và chúng ta không muốn chìm xuống đáy. Theo Đức Thánh Cha, “trong khi phần lớn dân số cảm thấy mình được liên đới với nhau bởi những khó khăn thì một ít người nắm quyền lực lại tập trung vào một cuộc đấu tranh kiên quyết cho lợi ích đảng phái, lặp lại các ngôn ngữ lỗi thời, thiết kế lại các khu vực ảnh hưởng và các khối đối lập. Thay vì chăm sóc cho những điều xung quanh chúng ta, chúng ta đùa với lửa, với tên lửa và bom, với vũ khí gây ra nước mắt và chết chóc, bao phủ ngôi nhà chung bằng tro tàn và hận thù.”

Đức Thánh Cha cảnh báo: “Đây là những hậu quả cay đắng nếu chúng ta tiếp tục nhấn mạnh những mặt đối lập thay vì sự thông hiểu, nếu chúng ta cố chấp áp đặt các mô hình và tầm nhìn chuyên quyền, đế quốc, dân tộc chủ nghĩa và mị dân của chính mình, nếu chúng ta không quan tâm đến văn hóa của người khác, nếu chúng ta không lắng nghe tiếng kêu của dân thường và tiếng nói của người nghèo, nếu chúng ta không ngừng phân chia con người thành người tốt người xấu, nếu chúng ta không cố gắng hiểu nhau và cộng tác vì lợi ích của tất cả. Những lựa chọn này đang ở trước mặt chúng ta. Bởi vì trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta chỉ tiến bước bằng cách cùng nhau chèo; nếu chúng ta chèo một mình, chúng ta đi chệch hướng.”

Trong khi hy vọng vào cuộc gặp gỡ tốt đẹp và giải quyết những khác biệt giữa phương Tây và phương Đông, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng quên khoảng cách giữa miền Bắc và miền Nam của thế giới, đừng bỏ qua sự bất bình đẳng, nạn đói và thảm hoạ biến đổi khí hậu. Đức Thánh Cha kêu gọi sự dấn thân và nêu gương của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc giải quyết những vấn đề trên, đồng thời đề ra ba thách đố cần giải quyết.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Cầu nguyện

Trước hết là việc cầu nguyện, điều chạm đến trái tim con người. Đức Thánh Cha lưu ý rằng “những bi kịch mà chúng ta đang phải chịu đựng, những chia rẽ nguy hiểm mà chúng ta đang trải qua, và ‘những điều mất cân bằng mà thế giới hiện đại đang gặp phải được liên liên kết với một sự mất cân bằng cơ bản hơn bắt nguồn từ trái tim của con người’. Do đó, rủi ro lớn nhất không nằm ở các đối tượng cụ thể, thực tại vật chất hay thể chế, mà là ở con người chúng ta có khuynh hướng khép mình trong sự non nớt của chính chúng ta, trong nhóm của chúng ta, lợi ích vụn vặt của chúng ta.”

Do đó, Đức Thánh Cha nói, “cầu nguyện là điều cần thiết để thanh tẩy chúng ta khỏi tính ích kỷ, tư duy khép kín, tự quy chiếu, giả dối và bất công. Những người cầu nguyện nhận được sự bình an trong lòng; họ không thể không làm chứng cho điều này và mời gọi những người khác, trên hết là bằng tấm gương của họ, không trở thành con mồi cho một chủ nghĩa ngoại giáo hạ giá con người thành những gì họ bán, mua hoặc giải trí, nhưng ngược lại, khám phá lại phẩm giá vô hạn được ban cho mỗi người.”

Cần tự do tôn giáo thực sự

Để cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói rằng cần tự do tôn giáo. “‘Một tôn giáo cưỡng ép thì không thể đưa một người vào tương quan có ý nghĩa với Thiên Chúa’. Bất kỳ hình thức cưỡng bức tôn giáo nào đều không xứng đáng với Đấng Toàn năng, vì Người không giao thế giới cho những nô lệ, nhưng giao cho những sinh vật tự do, những người mà Người hoàn toàn tôn trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết đảm bảo rằng sự tự do của các thụ tạo phản ánh quyền tự do tối cao của Đấng Tạo Hóa, đảm bảo rằng những nơi thờ phượng luôn được bảo vệ và tôn trọng ở mọi nơi, và việc cầu nguyện được ủng hộ và không bao giờ bị cản trở.”

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Thách đố thứ hai: Giáo dục

Thách đố thứ hai là giáo dục, về cơ bản nó liên quan đến tâm trí. Ngài nhấn mạnh: “Nếu sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình, thì giáo dục là bạn của sự phát triển, với điều kiện là nền giáo dục thực sự phù hợp với nam giới và nữ giới như những sinh vật năng động và có tương quan.” Đức Thánh Cha nói về cách giáo dục tâm trí con người: bằng cách khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau. Bởi vì nói rằng chúng ta khoan dung thôi thì chưa đủ: chúng ta thực sự phải nhường chỗ cho người khác, cho họ quyền và cơ hội. Đây là một cách tiếp cận bắt đầu với giáo dục và nó là một cách mà các tôn giáo gọi là hỗ trợ.”

Ba ưu tiên giáo dục khẩn cấp

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh ba ưu tiên giáo dục khẩn cấp. Thứ nhất là sự công nhận phụ nữ trong lãnh vực công cộng: cụ thể là quyền “học hành, làm việc, [và] tự do thực hiện các quyền chính trị và xã hội của họ. Thứ hai, “bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em” (sđd), để các em được lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và hỗ trợ, để không phải sống trong cảnh đói khát và bạo lực. Thứ ba, giáo dục quyền công dân, để sống trong cộng đồng, trong sự tôn trọng lẫn nhau và luật pháp. Cần có sự cam kết để chúng ta có thể “thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và từ chối việc sử dụng thuật ngữ các nhóm thiểu số theo cách phân biệt đối xử, gây ra cảm giác cô lập và tự ti.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

Thách đố thứ ba: Hành động - lên án và chống chiến tranh tôn giáo

Thách đố cuối cùng Đức Thánh Cha đề ra là hành động. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain nói rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị bôi nhọ. Đức Thánh Cha khẳng định: “Tất cả những người theo tôn giáo đều bác bỏ những điều này vì chúng hoàn toàn không chính đáng. Họ mạnh mẽ bác bỏ sự báng bổ của chiến tranh và sử dụng bạo lực. Và họ luôn đưa sự từ chối này vào thực tế.”

Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, “tuyên bố rằng một tôn giáo là hòa bình thì chưa đủ; chúng ta cần phải lên án và cô lập những thủ phạm của bạo lực lạm dụng danh nghĩa của tôn giáo. Cũng không đủ khi chúng ta tránh sự bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cần phải chống lại chúng.” Do đó cần phải ngừng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng các nỗ lực biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng các phương tiện truyền thông.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng những người có tôn giáo, như là những người yêu chuộng hòa bình, cũng phản đối chạy đua vũ trang, chiến tranh thương mại, nhưng ủng hộ tình huynh đệ, đối thoại và hòa bình. Và ngài mời gọi: “Chúng ta hãy theo đuổi con đường này; chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với anh chị em của chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục hành trình hướng tới sự hiểu biết và thông hiểu về nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy củng cố mối dây liên kết giữa chúng ta, không giả hình hay sợ hãi, nhân danh Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đưa chúng ta lại với nhau trên thế giới này như là những người bảo vệ anh chị em của chúng ta.”

Sau khi ký sổ lưu niệm, Đức Thánh Cha lên xe trở về nơi lưu trú để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain

 Hồng Thủy - Vatican News
 

  Tông du Bahrain: Diễn văn của ĐTC tại buổi bế mạc Diễn đàn Bahrain về Đối thoại

Tại Diễn đàn Đối thoại Bahrain vào sáng Thứ Sáu 4/11/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng phản đối chiến tranh, kêu gọi tự do tôn giáo thực sự, nhìn nhận quyền của phụ nữ, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và nói về khái niệm quyền công dân. Ngài nhấn mạnh rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị bôi nhọ.

 

TÔNG DU BAHRAIN
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Bế mạc Diễn đàn Bahrain về Đối thoai: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người
Awali, 4/11/2022

 

Kính thưa Đức Vua, quý Hoàng thân,
Thưa người anh em Tiến sĩ Al-Tayyeb, Đại Giáo trưởng Hồi giáo của Al-Azhar,
Thưa hiền huynh Bartôlômêô, Thượng phụ Đại kết,
Thưa quý vị chức sắc chính quyền tôn giáo và dân sự, quý ông bà!

Tôi chân thành chào quý vị, biết ơn về sự tiếp đón đã nhận được và về việc tổ chức Diễn đàn đối thoại này, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Quốc vương Bahrain. Quốc gia này lấy tên từ vùng biển của mình: từ Bahrain gợi lên "hai vùng biển". Chúng ta nghĩ về nước của biển, nơi đưa các vùng đất tiếp xúc và các dân tộc giao tiếp, kết nối các dân tộc xa xôi. Một câu nói cổ xưa nói rằng "Điều mà đất đai chia cắt thì biển hợp lại". Và hành tinh Trái đất của chúng ta, nhìn từ trên cao, trông giống như một vùng biển xanh bao la, nối liền những bờ biển khác nhau. Từ bầu trời, nó dường như nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một gia đình duy nhất: không phải là các hòn đảo, mà là một quần đảo lớn. Đây là điều mà Đấng Tối Cao muốn đối với chúng ta và đất nước này, một quần đảo gồm hơn ba mươi hòn đảo, có thể tượng trưng cho ước muốn đó.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại mà nhân loại, được kết nối chưa từng có, nhưng lại chia rẽ nhiều hơn là đoàn kết. Cái tên "Bahrain" vẫn có thể giúp chúng ta suy tư: "hai biển" mà nó nói đến là vùng nước ngọt của các suối nước dưới biển và vùng nước lợ của Vịnh. Tương tự như vậy, ngày nay chúng ta thấy mình đang nhìn ra hai vùng biển với hương vị trái ngược nhau: một mặt là biển êm đềm và ngọt ngào của sự chung sống, mặt khác là sự thờ ơ cay đắng, bị ô nhiễm bởi những cuộc đụng độ và bị giao động bởi những cơn gió của chiến tranh, với những đợt sóng tàn phá của nó luôn xôn gây xáo trộn hơn, có nguy cơ vùi lấp tất cả mọi người. Và, thật không may, Đông và Tây ngày càng giống như hai vùng biển đối nghịch nhau. Ngược lại, chúng ta ở đây cùng nhau vì chúng ta có ý định ra khơi trên cùng một vùng biển, chọn con đường gặp gỡ hơn là đối đầu, con đường đối thoại được Diễn đàn này chỉ ra: "Đông và Tây vì sự cùng tồn tại của con người".

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng, sau một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng thập kỷ khiến thế giới phải hồi hộp, giữa bao cuộc xung đột thảm khốc ở mọi nơi trên thế giới, giữa những lời buộc tội, đe dọa và lên án, chúng ta lại đang đứng trước bờ vực của một sự cân bằng mong manh và chúng ta không muốn chìm xuống đáy. Một nghịch lý xảy ra: trong khi phần lớn dân số thế giới thấy mình đoàn kết bởi những khó khăn giống nhau, bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng lương thực, sinh thái và đại dịch nghiêm trọng, cũng như bởi sự bất công ngày càng tai tiếng trên hành tinh, một số ít người nắm quyền lực lại tập trung vào một cuộc đấu tranh kiên quyết cho lợi ích đảng phái, lặp lại các ngôn ngữ lỗi thời, thiết kế lại các khu vực ảnh hưởng và các khối đối lập. Chúng ta dường như đang chứng kiến ​​một kịch bản bi thương và ngây ngô: trong khu vườn của nhân loại, thay vì chăm sóc cho những thứ xung quanh chúng ta, chúng ta đùa với lửa, với tên lửa và bom, với vũ khí gây ra nước mắt và chết chóc, bao phủ ngôi nhà chung bằng tro tàn và hận thù.

Đây là những hậu quả cay đắng, nếu chúng ta tiếp tục nhấn mạnh những mặt đối lập thay vì sự thông hiểu, nếu chúng ta cố chấp áp đặt các mô hình và tầm nhìn chuyên quyền, đế quốc, dân tộc chủ nghĩa và mị dân của chính mình, nếu chúng ta không quan tâm đến văn hóa của người khác , nếu chúng ta không lắng nghe tiếng kêu của dân thường và tiếng nói của người nghèo, nếu chúng ta không ngừng phân chia con người thành người tốt và người xấu, nếu chúng ta không cố gắng hiểu nhau và cộng tác vì lợi ích của tất cả. Những lựa chọn này đang ở trước mặt chúng ta. Bởi vì trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta chỉ tiến bước bằng cách cùng nhau chèo; nếu chúng ta chèo một mình, chúng ta đi chệch hướng.

Ở giữa biển khơi đầy giông bão xung đột, chúng ta hãy lưu giữ trước mắt mình Tài liệu về Tình Huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống, trong đó chúng ta hy vọng về một cuộc gặp gỡ có kết quả giữa phương Tây và phương Đông, hữu ích cho việc chữa lành các căn bệnh của mỗi bên[1]. Chúng ta ở đây, những người tin vào Chúa và vào anh em, để từ chối "tư tưởng cô lập", cách nhìn thực tại bỏ qua biển cả nhân loại khi chỉ tập trung vào dòng chảy hạn hẹp của chính nó. Chúng ta muốn các khác biệt giữa Đông và Tây được giải quyết vì lợi ích chung, mà không lơ là một khác biệt khác vẫn phát triển không ngừng và mạnh mẽ: khoảng cách giữa miền Bắc và miền Nam của thế giới. Sự xuất hiện của các cuộc xung đột không được làm cho chúng ta không nhìn thấy những bi kịch tiềm ẩn của nhân loại, ví dụ như thảm họa của sự bất bình đẳng, theo đó hầu hết những người cư trú trên Trái đất phải trải qua sự bất công chưa từng có, nạn đói đáng xấu hổ và thảm hoạ của biến đổi khí hậu, một dấu hiệu của việc chúng ta thiếu chăm sóc cho ngôi nhà chung.

Khi nói đến những vấn đề như vậy, điều mà chúng ta đã thảo luận trong những ngày này, các nhà lãnh đạo tôn giáo chắc chắn phải dấn thân và nêu gương tốt. Chúng ta có một vai trò cụ thể, và Diễn đàn này đã mang đến cho chúng ta thêm cơ hội trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ của chúng ta là khuyến khích và hỗ trợ gia đình nhân loại của chúng ta, phụ thuộc lẫn nhau nhưng đồng thời lại đứt kết nối, cùng nhau chèo ra khơi. Do đó, tôi muốn đề xuất ba thách đố gợi lên từ Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại và từ Tuyên bố của Vương quốc Bahrain; chúng ta đã suy tư về những thách đố này trong những ngày này. Những thách đố này liên quan đến việc cầu nguyện, giáo dục và hành động.

Trước hết, việc cầu nguyện, điều chạm đến trái tim con người. Sự thật mà nói, những bi kịch mà chúng ta đang phải chịu đựng, những chia rẽ nguy hiểm mà chúng ta đang trải qua, và “những điều mất cân bằng mà thế giới hiện đại đang gặp phải được liên kết với một sự mất cân bằng cơ bản hơn bắt nguồn từ trái tim của con người” (Gaudium et Spes, 10). Đó là nguyên nhân tối hậu của chúng. Do đó, rủi ro lớn nhất không nằm ở các đối tượng cụ thể, thực tại vật chất hay thể chế, mà là ở con người chúng ta có khuynh hướng khép mình trong sự non nớt của chính chúng ta, trong nhóm của chúng ta, lợi ích vụn vặt của chúng ta. Đây không phải là một thất bại của thời đại chúng ta: nó đã có mặt từ thuở ban đầu của loài người và với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, nó có thể được khắc phục (xem Fratelli Tutti, 166).

Vì lý do này, việc cầu nguyện, việc mở rộng trái tim của chúng ta với Đấng Tối Cao, là điều cần thiết để thanh tẩy chúng ta khỏi tính ích kỷ, tư duy khép kín, tự quy chiếu, giả dối và bất công. Những người cầu nguyện nhận được sự bình an trong lòng; họ không thể không làm chứng cho điều này và mời gọi những người khác, trên hết là bằng tấm gương của họ, không trở thành con mồi cho một chủ nghĩa ngoại giáo hạ giá con người thành những gì họ bán, mua hoặc giải trí, nhưng ngược lại, khám phá lại phẩm giá vô hạn được ban cho mỗi người. Các tín đồ của các tôn giáo là những người yêu chuộng hòa bình, khi họ hành trình cùng với những người khác trên trái đất này, với sự dịu dàng và tôn trọng, mời gọi họ hướng ánh nhìn lên trời cao. Họ mang đến với lời cầu nguyện của họ những thử thách và hoạn nạn của tất cả mọi người, như hương thơm dâng lên Đấng Tối Cao (x. Tv 141,2).

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, có một tiền đề thiết yếu, và đó là tự do tôn giáo. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain giải thích rằng “Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta thực hiện món quà được Chúa ban là quyền tự do lựa chọn” và do đó, “một tôn giáo cưỡng ép thì không thể đưa một người vào tương quan có ý nghĩa với Thiên Chúa”. Bất kỳ hình thức cưỡng bức tôn giáo nào đều không xứng đáng với Đấng Toàn năng, vì Người không giao thế giới cho những nô lệ, nhưng cho những sinh vật tự do, những người mà Người hoàn toàn tôn trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết đảm bảo rằng sự tự do của các thụ tạo phản ánh quyền tự do tối cao của Đấng Tạo Hóa, đảm bảo rằng những nơi thờ phượng luôn được bảo vệ và tôn trọng ở mọi nơi, và việc cầu nguyện được ủng hộ và không bao giờ bị cản trở. Cấp giấy phép và công nhận quyền tự do thờ phượng là chưa đủ; cần đạt được tự do tôn giáo thực sự. Không chỉ mọi xã hội, mà mọi tín ngưỡng đều được kêu gọi tự kiểm tra về mặt này. Chúng được kêu gọi đặt câu hỏi xem mình có ép buộc các thụ tạo của Thiên Chúa từ bên ngoài, hay giải phóng chúng từ bên trong; có giúp con người từ chối sự cứng nhắc, hẹp hòi và bạo lực hay không; có giúp các tín đồ phát triển trong sự tự do đích thực, không phải là làm những gì chúng ta muốn, mà là hướng bản thân đến điều tốt đẹp mà vì đó chúng ta đã được dựng nên.

Nếu thách đố về cầu nguyện liên quan đến trái tim, thì thách đố thứ hai, đó là giáo dục, về cơ bản liên quan đến tâm trí. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain tuyên bố rằng "sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình". Đúng là, ở những nơi thiếu cơ hội cho giáo dục, chủ nghĩa cực đoan gia tăng và các hình thức của chủ nghĩa bảo thủ bắt đầu mọc rễ. Tuy nhiên, nếu sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình, thì giáo dục là bạn của sự phát triển, với điều kiện là nền giáo dục thực sự phù hợp với những người nam nữ, là những sinh vật năng động và có tương quan. Một nền giáo dục không cứng nhắc và không cố hữu, nhưng mở ra trước những thách đố và nhạy cảm với những thay đổi văn hóa; không tự quy chiếu và cô lập, nhưng chú ý đến lịch sử và văn hóa của người khác; không trì trệ, nhưng ham học hỏi và cởi mở để đón nhận các khía cạnh khác nhau và thiết yếu của một gia đình nhân loại mà chúng ta thuộc về. Bằng cách đó, nó có thể đi vào trọng tâm của các vấn đề và không tuyên bố mình có câu trả lời dễ dàng để giải quyết các vấn đề phức tạp, nhưng thay vào đó sẵn sàng chấp nhận khủng hoảng mà không nhìn nó theo lý luận của xung đột. Logic của xung đột luôn đưa chúng ta đến chỗ bị huỷ diệt. Khủng hoảng giúp chúng ta suy nghĩ và trưởng thành. Vì thật không xứng đáng đối với trí óc con người khi nghĩ rằng quyền lực nên thắng vượt lý trí, đưa các phương pháp của quá khứ vào các vấn đề ngày nay, áp dụng các mô hình dựa trên công nghệ hoặc sự tiện lợi đơn thuần cho lịch sử và văn hóa của con người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặt câu hỏi, cho phép bản thân được thử thách, học cách tham gia đối thoại một cách kiên nhẫn, tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu lịch sử và văn hóa của người khác. Đó là cách giáo dục tâm trí con người: bằng cách khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau. Bởi vì nói rằng chúng ta khoan dung thôi thì chưa đủ: chúng ta thực sự phải nhường chỗ cho người khác, cho họ quyền và cơ hội. Đây là một cách tiếp cận bắt đầu với giáo dục và nó là một cách mà các tôn giáo gọi là hỗ trợ.

Cụ thể, tôi muốn nhấn mạnh ba ưu tiên giáo dục khẩn cấp. Thứ nhất là sự công nhận phụ nữ trong lãnh vực công cộng: cụ thể là quyền “học hành, làm việc, [và] tự do thực hiện các quyền chính trị và xã hội của họ” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Về điều này, cũng như trong các lĩnh vực khác, giáo dục là con đường dẫn đến sự giải phóng khỏi những di sản lịch sử và xã hội trái ngược với tinh thần liên đới huynh đệ, điều để nhận biết những người thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận.

Thứ hai, “bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em” (sđd), để các em được lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và hỗ trợ, để không phải sống trong cảnh đói khát và bạo lực. Chúng ta hãy dạy người khác, và tự học cách nhìn những cuộc khủng hoảng, vấn đề và chiến tranh qua đôi mắt của trẻ thơ: đây không phải là dấu hiệu của sự ngây thơ, mà là của sự khôn ngoan nhìn xa trông rộng, bởi vì chỉ khi chúng ta quan tâm đến các em thì sự tiến bộ sẽ được phản ánh một cách hồn nhiên chứ không phải là trong lợi nhuận, và dẫn đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và nhân văn hơn.

Giáo dục bắt đầu từ trung tâm của gia đình và tiếp tục trong một cộng đồng, làng xã hoặc thành phố. Thứ ba, tôi nhấn mạnh đến việc giáo dục quyền công dân, để sống trong cộng đồng, trong sự tôn trọng lẫn nhau và luật pháp. Ngoài ra, tầm quan trọng đặc biệt của “khái niệm về quyền công dân”, điều “được dựa trên sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ”. Ở đây, cần có sự cam kết để chúng ta có thể “thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và từ chối việc sử dụng thuật ngữ các nhóm thiểu số theo cách phân biệt đối xử và gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Việc sử dụng sai mục đích của nó mở đường cho sự thù địch và bất hòa; nó hủy bỏ bất kỳ thành công nào và tước đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân, những người mà do đó bị phân biệt đối xử” (sđd).

Và như thế, chúng ta đi đến thách đố cuối cùng trong ba thách đố của chúng ta, điều liên quan đến hành động, chúng ta có thể gọi là các khả năng của con người chúng ta. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain nói rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị bôi nhọ. Tất cả những người theo tôn giáo đều bác bỏ những điều này vì chúng hoàn toàn không chính đáng. Họ mạnh mẽ bác bỏ sự báng bổ của chiến tranh và sử dụng bạo lực. Và họ luôn đưa sự từ chối này vào thực tế. Vì tuyên bố rằng một tôn giáo là hòa bình thì chưa đủ; chúng ta cần phải lên án và cô lập những thủ phạm của bạo lực lạm dụng danh nghĩa của tôn giáo. Cũng không đủ khi chúng ta tránh sự bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cần phải chống lại chúng. “Đây là lý do tại sao cần phải ngừng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng các nỗ lực biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải được coi là tội ác quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Sự khủng bố đó phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Cả chủ nghĩa khủng bố ý thức hệ.

Những người có tôn giáo, như là những người yêu chuộng hòa bình, cũng phản đối cuộc chạy đua đến việc tái vũ trang, đến chiến tranh thương mại, đến thị trường của cái chết. Họ không ủng hộ "những liên minh chống lại một số nước", nhưng là những con đường gặp gỡ với tất cả. Không khuất phục trước các hình thức của chủ nghĩa tương đối hay chủ nghĩa đồng bộ dưới bất kỳ hình thức nào, họ theo đuổi một con đường duy nhất, đó là tình huynh đệ, đối thoại và hòa bình. Đây là những thứ họ ủng hộ. Các bạn thân mến, chúng ta hãy theo đuổi con đường này; chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với anh chị em của chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục hành trình hướng tới sự hiểu biết và thông hiểu về nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy củng cố mối dây liên kết giữa chúng ta, không hề giả hình hay sợ hãi, nhân danh Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đặt chúng ta lại với nhau trên thế giới này như là những người bảo vệ anh chị em của chúng ta. Và nếu các thế lực khác nhau giao dịch với nhau dựa trên lợi ích, tiền bạc và quyền lực, chúng ta có thể cho thấy rằng một con đường gặp gỡ khác là khả thi. Có thể và cần thiết, bởi vì vũ lực, vũ khí và tiền bạc sẽ không bao giờ vẽ nên một tương lai hòa bình. Vì vậy, chúng ta hãy gặp gỡ nhau vì lợi ích của nhân loại và nhân danh Đấng yêu thương nhân loại, Đấng có tên là hòa bình. Chúng ta hãy thúc đẩy các sáng kiến ​​cụ thể để đảm bảo rằng hành trình của các tôn giáo lớn sẽ ngày càng hiệu quả hơn và tiếp tục, là một lương tâm hòa bình cho thế giới của chúng ta! Và ở đây, tôi gửi lời kêu gọi chân thành của mình đến tất cả mọi người để chiến tranh ở Ucraina chấm dứt và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc.

Đấng Tạo hóa mời gọi chúng ta hành động, đặc biệt là nhân danh tất cả những thụ tạo của Người, những người vẫn chưa tìm thấy một vị trí thích hợp trong chương trình nghị sự của những người có quyền lực: người nghèo, người chưa sinh ra, người già, người ốm yếu, người di cư ... Nếu chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa của lòng thương xót, không lắng nghe người nghèo và cho người không có tiếng nói một tiếng nói, thì ai sẽ làm điều đó? Chúng ta hãy đứng về phía họ; chúng ta hãy cố gắng hết sức để giúp đỡ người bị thương tích và bị thử thách nặng nề! Khi làm như vậy, chúng ta sẽ kéo phúc lành của Đấng Tối Cao xuống trên thế giới của chúng ta. Xin Người soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta và nối kết trái tim, tâm trí và sức lực của chúng ta (x. Mc 12,30), để việc thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta được kết hợp bằng một tình yêu cụ thể và huynh đệ đối với tha nhân. Để cùng nhau, chúng ta có thể là những ngôn sứ của cộng đồng, những nghệ nhân của sự hiệp nhất và những người xây dựng hòa bình.

[1] Phương Tây có thể khám phá ra ở phương Đông những phương pháp chữa trị cho những căn bệnh tâm linh và tôn giáo do chủ nghĩa duy vật thịnh hành gây ra. Và phương Đông có thể tìm thấy ở phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải phóng nó khỏi sự yếu kém, chia rẽ, xung đột và suy thoái khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Điều quan trọng là phải chú ý đến sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, những điều là một thành phần quan trọng trong việc hình thành tính cách, văn hóa và nền văn minh của phương Đông. Tương tự, việc củng cố mối quan hệ của các quyền cơ bản của con người để giúp đảm bảo một cuộc sống xứng đáng cho tất cả mọi người nam nữ ở Đông và Tây cũng quan trọng. (Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình và sự Chung sống, 4/9/2019.

 

  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây