Đồng hành với Lớp Giuse (phần 2)
Tai nạn hy hữu của cha Trần Thế Thành
Cha Trần Thế Thành bị tai nạn! Tôi nghe tin mà giật mình, không hiểu sao Ngài trèo lên tầng mái nhà thờ làm gì để bị té sập trần rơi xuống gác đàn. Tại những vị trí này tôi không lạ gì, bởi những năm 2000, thời gian làm nhà thờ tôi cũng đã từng thám hiểm nơi đây. Khi ấy có nhiều người khuyên tôi không nên mạo hiểm, một phần bản thân tôi không lành lặn gì nhưng với tinh thần trách nhiệm nghĩ rằng mình làm trong Ban giám sát mà chẳng biết rõ mô tê là một điều thiếu sót. Nghĩ tới đó tôi hoàn toàn cảm thông cho cha xứ Thổ Hoàng… Bây giờ xa quê đã 15 năm, trở thành người xa xứ nên khi có những thông tin liên quan, trong lòng không khỏi băn khoăn. Tôi liên lạc với Ban thường vụ Hội đồng Giáo xứ và cung cấp những thông tin liên lạc về bạn mình cho anh em Lê Bảo Tịnh rõ cho tới khi trực tiếp liên lạc được với Cha.
Chuẩn bị vào tháng Thánh Giuse, bổn mạng của Giáo xứ, các bạn trẻ thanh trung niên tập trung làm công tác tại khuôn viên nhà thờ. Có một số làm trên cao, vệ sinh lại tượng Thánh Giuse để sơn mới. Trong khi đó Cha xứ một mình lên gác đàn, mục đích để tìm hiểu lát ván một lối đi trên những đà trần, thuận tiện cho việc bảo trì hệ thống điện. Cha lần theo những thanh râu sắt được gắn sát tường làm thang và leo lên mái trần. Trên độ cao đó không may Ngài trợt tay mất thăng bằng rơi xuống tấm trần và trượt xuống gác đàn. Những bạn trẻ bên ngoài chỉ nghe một tiếng động lớn nhưng không hiểu vấn đề gì. Vị trí rơi của Cha xứ kế cận sau lưng tượng Thánh Giuse ở tiền sảnh… Tôi hình dung rõ từng vị trí này và thầm nguyện cầu Thánh Cả gìn giữ Cha xứ. Cha Thành nói với tôi: ‘những thanh sắt làm thang được chôn vào tường hơi nhỏ nên khi nắm tay vào có cảm giác lỏng lẻo. Rất may, nếu Cha rơi vào dầm bê tông thì không biết chuyện gì xảy ra. Tôi chợt nghĩ, Thánh Giuse đã ra tay một cách ngoạn mục! Sau tiếng động một vài người vào nhà thờ tìm hiểu mới phát hiện ra tình trạng của Cha xứ. Tin dữ đồn xa làm mọi người lo lắng. Ở độ cao tầm 7 m nếu không có tấm trần làm giảm lực, có lẽ Ngài đã đi rồi. Kết quả kiểm tra MRI, Ngài không bị chấn thương não. Các khám nghiệm khác cho biết bệnh nhân bị gãy 5 sườn gây chứng tràn dịch màng phổi, gãy xương chậu. Bệnh viện ITO, nơi tiếp nhận đầu tiên có vẻ như hơi bối rối về việc xử lý tràn dịch màng phổi nên đã có quyết định chuyển người bệnh qua Chợ Rẫy. Anh em LBT tại Sài Gòn đã trong tư thế chuẩn bị hỗ trợ bạn mình nếu chuyển qua Chợ Rẫy. Bác sỹ Trịnh Thanh Tiến nguyên là Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của bệnh viện Nhi Đồng 2, thành viên của lớp Giuse đã liên lạc với cha Nguyễn Ý Định để thông qua cha Định liên hệ với em rể của Ngài là BS. Trưởng khoa Xương khớp trong trường hợp được BV. Chợ Rẫy tiếp nhận. Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội đang đề cao, ngăn chặn dịch covid. Chợ Rẫy đòi hỏi phải có chứng nhận kiểm tra covid. Chờ đợi test covid phải mất hơn 24 giờ. Trong khi bệnh nhân cần phải cấp cứu gấp. Sau đó BV.ITO đã liên hệ chuyển bệnh nhân cấp cứu tại BV.115. Chiều tối cùng ngày, bệnh nhân chuyển viện cấp cứu. 21g30 vào phòng giải phẩu, 8g00 sáng hôm sau trở lại phòng bệnh, tình trạng sức khỏe tốt dần lên. Trong thời gian tới, bệnh nhân cần bồi dưỡng có sức khỏe để tiếp tục xử lý phần khớp háng. Trong thời gian này, nhiều anh em đã vào thăm nhưng không thành vì quy định của bệnh viện rất nghiêm nhặt. Nguyễn Văn Sáng và Phan Đình Khương cũng quà cáp lỉnh kỉnh nhưng cũng không được vào.
Vợ chồng Ngữ Thành và tôi khởi hành từ Bà Rịa lúc 2g30 chiều thứ sáu, hy vọng sẽ kịp thăm Cha Thành tại BV.115. Tôi đã liên lạc trước với người đại diện của HĐGX Thổ Hoàng đang lo việc phục vụ và chăm sóc Cha. Tuy nhiên không thể nói trước được việc gì, lưu lượng xe trên đường có vẻ như tấp nập hơn những ngày thường, một phần trên các tuyến đường được lắp đặt camera nên các tài xế chạy xe rất dè dặt. Ra khỏi hầm chui Thủ Thiêm đã hơn 4 giờ chiều, thành phố tấp nập xe cộ ngược xuôi. Vào thành khoảng thời gian này không thể hứa hẹn điều gì trước. Len lỏi đi qua quận 10 giữa những dòng xe chật cứng để tới bệnh viện 115 trong giờ tan tầm quả thật khó khăn. Bác tài là một người lão luyện nhưng cũng cảm thấy hết sức chật vật trên đường phố Sài Gòn. Băng qua đường Nguyễn Tri Phương, bẻ cua trái về Sư Vạn Hạnh là tới cổng số 3 BV.115. Chiếc xe Limousine dừng lại để chúng tôi xuống, đột nhiên tài xế vỗ trán la lên: “Chết rồi, sao mình dốt thế. Bảng cấm từ 6g00 – 22g00, trong khi nhìn đồng hồ mới 5 giờ”. Chúng tôi nhìn lại đã thấy 2 police đứng trước đầu xe. Một sự nhầm lẫn tai hại, phải trả giá. Bác tài tự chất vấn mình nhầm lẫn về giờ giấc niêm yết vì giờ cấm vào lúc 6 giờ mà bây giờ mới 5 giờ chiều. Tuy nhiên trong những tình huống xô bồ hiện tại ở một thành phố đông đúc như Sài Gòn, đã lún sâu vào thì không có cơ hội quay đầu… Chúng tôi xuống xe, để tài xế tự xử lý với người thi hành công vụ. Bước qua cổng bệnh viện, một cảnh nhốn nháo chen chúc nhau. Ở những nơi này phải cẩn thận, đề phòng những kẻ gian lợi dụng cảnh chen lấn để có hành vi bất hảo. Tôi được hướng dẫn đi vào cổng khám bệnh làm các thủ tục khai báo y tế, tiến vào trong và có người ra dẫn vào. Tuy nhiên cổng dành riêng cho người khám bệnh đã đóng lúc 16g30. Thời điểm này duy nhất chỉ còn cổng dành riêng cho những người nuôi bệnh ra vào nhưng kiểm tra thẻ và so sánh chứng minh nhân dân nghiêm nhặt nên đành chịu không thể vào trong được. Tôi gọi cho Mr.Sửu, người hiện chăm sóc Cha đưa thẻ nuôi bệnh ra nhưng cũng đành chịu không thể vào được. Chúng tôi đành phải gửi quà cho người nuôi bệnh cầm vào.
Chúng tôi liên lạc với tài xế và quay lại đường Nguyễn Tri Phương, cũng vừa lúc xe rà tới đón chúng tôi. Trên xe tôi liên lạc lại với Cha Thành để thông cảm không thể vào gặp được. Ngài cho biết tình trạng tương đối tốt hơn nhiều. Đúng ra Ngài được xuất viện vào ngày lễ Thánh Giuse. Tuy nhiên sau khi rửa vết thương phát hiện tại một vị trí còn bị chảy dịch nên sau đó lại nhập viện lại để kiểm tra. Nếu không có gì khác, sang tuần sẽ xuất viện trở về giáo xứ… Chúng tôi quay trở ra ngã tư Bình Phước, nơi tư gia con trai thứ 2 của vợ chồng Ngữ Thành để chuẩn bị gặp gỡ những người bạn của gia đình cho tiệc mừng lễ Thánh Giuse. Buổi tối nơi không gian thoáng đãng, ngoại vi thành phố, khu dân cư này như thoát khỏi cảnh ồn ào náo nhiệt, những người bạn của Ngữ Thành, đồng thời là những người tôi quen biết quây quần với nhau bên chiếc bàn tròn thưởng thức những món ăn dân dã mà chủ nhân đã chuẩn bị trước và chúc tụng mừng lễ Giuse… Nhà thơ Nguyễn Thế Hùng rất nhiệt tình khi nhận được điện thoại, anh đã mất đi thính giác sau một lần sốt viêm não. Vì thế linh cảm trở nên nhậy bén và đoán trước đề tài mọi người đang trao đổi để có thể tham gia câu chuyện rôm rả. Cuộc nói chuyện vì thế chuyển đề tài bất ngờ nhưng rất vui vẻ vì ai cũng hiểu. Chúng tôi chuẩn bị cho cuộc hành trình vào lúc 3g00 sáng hôm sau, lên đường về vùng Daksong mừng ngày họp mặt của lớp Giuse tại Hòa An.
Trở lại câu chuyện của cha Trần Thế Thành. Cha xuất viện và trở về giáo xứ bình an. Nỗi khát khao của người Linh mục trở về nhiệm sở rất chân thành. Ở nơi đây người Linh mục được sống giữa giáo dân, được làm công việc mục vụ, những điều giản dị nhưng linh thiêng, gắn bó một đời người với Thiên Chức. Tôi hiểu những tâm tư này vì bạn bè tôi là Linh mục. Anh em ở nhà đã chuyển cho tôi những thông tin và hình ảnh về Cha. Không nơi nào bằng quê nhà. Một tháng nằm trong bệnh viện với bao nỗi niềm. Không những tôi mà hầu như mọi người đều có suy nghĩ: ‘Thánh Giuse quan thầy của Cha, của Giáo xứ, Thánh Cả của Giáo Hội đã ra tay gìn giữ Cha, đã biến điều không thể thành có thể’. Nhìn hình ảnh Cha lạc quan, vui vẻ mà trong lòng thoải mái, tin yêu… Ban đầu tôi chỉ có ý định viết về ngày mừng lễ của lớp Giuse tại giáo xứ Hòa An, nhưng dòng chảy của tư tưởng lại muốn tôi chia sẻ cặn kẽ mọi vấn đề. Nguyện xin Thánh Giuse gìn giữ chúng con. Tôi lỡ hẹn với Hoàng Văn Kha về bài viết tường trình ngày gặp mặt của lớp Giuse. Cái tội dông dài của tôi kéo dài tới kỳ 3 may gì mới trả xong nợ. Bây giờ xa quê, lâu lâu mới gặp lại anh em, thỏa nỗi khát khao. Mong mọi người thông cảm.
Hoàng Công Nga