BÀI 95 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG

Thứ năm - 10/11/2022 02:24 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   292
“Anh em hãy nên hòan thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện” (Mt 5,48).
tải xuống
tải xuống
BÀI 95
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHỮA TRỊ BÊNH ĐÁI ĐƯỜNG  
 
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Anh em hãy nên hòan thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện” (Mt 5,48).
2. CÂU CHUYỆN : BỆNH “ĐÁI ĐƯỜNG” VÀ THUỐC CHỮA TRỊ.
- Khi đến nhà ga phi trường hay vào một nhà hàng ăn hay khách sạn thì điều gây ấn tượng trước nhất, và cũng là cơ sở để khách đánh giá về trình độ văn minh và chất lượng phục vụ của nơi đó chính là WC, toa-lét hay nhà vệ sinh.
- Tại thành phố Hồ chí Minh chính quyền mặt trận đã có chương trình vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, nhưng các nhà quy họach thiết kế lại không quan tâm đến WC, là nhu cầu sinh họat tối cần thiết này. Khi đi trong thành phố đông xe cộ và người qua lại, tôi hiếm khi nhìn thấy một nhà WC hay toa-lét công cộng. Do đó ở một số con đường có nhiều cây lớn, thỉnh thỏang lại thấy một vài tấm lưng của người đàn ông úp người vào tường vào bụi cây, và một dòng nước vàng tràn ra vỉa hè phía sau. Một buổi tối nọ, khi có dịp ngang qua một đường phố sầm uất, có nhiều quán cóc trên vỉa hè gần khu trung tâm quận I, khách khứa ngồi la liệt ăn uống trên hè đường. Tôi ngồi xuống một chiếc bàn có người ăn xong vừa đứng dậy và kêu một chai bia giải khát. Sau đó tôi nói bâng quơ với mấy người khách cùng bàn : “Không biết nhà vệ sinh ở đâu nhỉ ?”. Một anh nói giọng Bắc chỉ giáo ngay : “Ông này chỉ được cái vẽ chuyện ! Ở đây làm gì có nhà vệ sinh ! Mà nếu có cũng tội gì vào đó để phải ngửi cái mùi hôi hám. Ông cứ ra chỗ bụi cây kia rồi tha hồ xả !” 
- Tìm được nhà vệ sinh công cộng đã khó. Nhưng tìm được rồi lại càng khó sử dụng do tình trạng hôi hám bẩn thỉu không thể chịu nổi. Khi nói chuyện về vấn đề này, một anh bạn có kể câu chuyện sau : Một hôm anh ta chở bạn gái đi hóng mát ở bến Bạch Đằng. Đang yên lành bỗng nhiên anh ta cảm thấy một cơn “buồn” ập tới. Anh chạy xe lòng vòng một hồi mà không kiếm thấy một nhà vệ sinh công cộng nào để giải quyết “bầu tâm sự”. Vì tự trọng và không muốn bị mất điểm trước cô bạn gái mới quen, anh không thể bạ đâu “tè” đó, nên đành phải kiếm cớ trở về nhà, trong sự bực bội khó chịu của cô nàng.
- Còn một cô bạn của tôi thì thổ lộ : “Một hôm em phải nhịn suốt một tiếng đồng hồ mới tìm ra nơi “giải quyết”. Nhưng khi vào đến nơi thì thấy tối thui do công tắc điện hư, nước dội không có, và một mùi xú uế xộc thẳng vào mũi khiến em muốn nôn ọe. Em đành cố chạy xe về nhà để tránh phải ngửi cái mùi hôi hám kinh khiếp kia”.
- Một khách du lịch đứng tuổi từ Hà-nội vào TP Hồ chí Minh tham quan đã phát biểu: ”Thu tiền phí phục vụ cũng đúng thôi. Nhưng cũng phải làm sao cho người sử dụng đỡ bị ấm ức vì bị tốn tiền vô ích. Bây giờ nhiều người không những có nhu cầu vào toa-lét giải quyết cơn “buồn” kia xong là ra ngay, mà có thể họ còn cần một ít xà bông để rửa tay, cần một tấm gương soi, một lược chải lại đầu tóc cho đàng hòang. Nếu được như vậy thì dù có phải trả phí dịch vụ thêm một vài ngàn thì chắc ai nấy cũng sẵn lòng”.
3. SUY NIỆM :
Lời đề xuất trên đây chắc cũng không quá khó để thực hiện trong thành phố của chúng ta. Ước mong các cơ quan hai ngành vệ sinh môi trường và du lịch văn hóa quan tâm nghiên cứu để thành phố có thêm nhiều nhà WC lưu động được phân bố tại nhiều địa điểm, vừa đảm bảo vẻ mỹ quan, vừa an tòan vệ sinh để khi cần người ta có thể dễ dàng tìm thấy và bảo đảm chất lượng phục vụ.
Tuy nhiên trong thời kỳ quá độ này, chắc mỗi người chúng ta đều nhất trí là phải biết nín nhịn, để chỉ xả “bầu tâm sự” đúng chỗ đúng nơi. Tránh tình trạng “tưới cây” bừa bãi như một vị khách du lịch nước ngòai đã nêu nhận xét như sau : “Người Việt các ông thật kỳ lạ : Khi hôn nhau bày tỏ tình cảm chính đáng ngòai đường phố thì các ông ngại ngùng xấu hổ. Nhưng khi cần là các ông cứ vô tư “xả nước thải” bừa bãi tại bất cứ nơi công cộng nào mà chẳng cảm thấy xấu hổ gì cả !!!”
4. SINH HOẠT :
Theo bạn, nhận xét của ông khách du lịch nước ngòai về bệnh vô tư “đái đường” của một số người Việt đúng sai thế nào ? Để phòng ngừa bệnh “đái đường”, bạn nên làm gì trước khi ra đường ? Nếu chẳng may bị “buồn” bất tử ngòai đường, bạn cần làm gì để chứng tỏ là người có văn hóa ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin giúp chúng con ngày một nên hoàn thiện trong cách ăn nết ở văn minh lịch sự. Cho chúng con ý thức giữ gìn vệ sinh chung qua việc không xả rác bừa bãi ở nơi công cộng, không “đái đường” nhưng biết ứng xử tốt đẹp để nên người trưởng thành về nhân cách và góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng văn minh sạch đẹp hơn.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây