Bữa cơm – Lễ Vượt Qua của Chúa

Thứ bảy - 18/06/2022 08:37 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   567
Chúa dùng chính bữa ăn cuối cùng của Chúa lập Bí tích Thánh Thể, lập bí tích truyền chức, trao lời cuối cùng.
Bữa cơm – Lễ Vượt Qua của Chúa

Bữa cơm – Lễ Vượt Qua của Chúa


 
 
Bữa cơm của người và Lễ Vượt Qua của Chúa có những tương đồng. Có những điều đặc biệt hơn khi Chúa dùng chính bữa ăn cuối cùng của Chúa lập Bí tích Thánh Thể, lập bí tích truyền chức, trao lời cuối cùng.
Ngày xưa chỉ mâm cơm đạm bạc cũng đã là quý khi thết đãi nhau. Khi ở lại dùng cơm với nhau, mượn vài ly rượu nói chuyện tâm tình, ngỏ lời cùng nhau. Ngày xưa bữa cơm thân mật thường không hò hét như bây giờ, 1, 2, 3. Vô! Bữa cơm rượu đôi khi đối nhau vài câu thơ, những câu chuyện đẹp, những ý nguyện hay, trao đổi công việc, hoặc cám ơn nhau.
Mâm trên mâm dưới không là cỗ trên cỗ dưới như người ta ganh đua: “Miếng đầu làng hơn một sàng xó bếp”. Thường sắp xếp chỗ như vậy có ý dễ bắt chuyện với nhau hơn khi cùng một lớp tuổi, lớp ngành nghề, bạn bè. Bữa cơm cũng có phép tắc “kính trên nhường dưới”, dạy lễ phép cho con cháu. Bữa cơm là một hiệp thông, là nơi xây lại tình người, gia tăng thêm lòng yêu mến, ân cần với nhau.
Bữa ăn gắn kết tình anh chị em với nhau. Với người Do Thái chung bàn với nhau mang tính chất của hiệp thông. Đặc biệt hơn khi cùng hiệp thông trong bàn ăn Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu.
Chúa đã mời gọi các môn đệ sống với Chúa trong “tình bạn thắm thiết”: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (Ga 15, 14) Tình bạn của nhưng người ngồi chung bàn tiệc, để nói cho nhau về những điều tốt đẹp, giữ gìn nhau như đã từng “chia ngọt sẻ bùi với nhau”. Rửa chân cho nhau, phục vụ nhau trong tình thương mến. Dám chết cho nhau để tình bạn được gọi tên đúng nghĩa.
Ăn uống là truyền tải đạo lý phép tắc “Uống nước nhớ nguồn”, những vất vả của người làm ra: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.  Những lời dạy ấy luôn gợi nhớ công ơn người đi trước đã khai hoang, lập điền, con cháu có mảnh đất cày cấy, trồng trọt, đâu tự nhiên mà có. Rồi bao đời giữ gìn, vun trồng, giữ màu cho đất để cây được xanh tươi. Bữa cơm vì thế có ý nghĩa “tạ ơn” khi đặt bát cơm trắng, chén nước tinh sạch trên bàn thờ gia tiên, trước khi dọn bữa cho mọi người.
Trong Lễ Vượt Qua, bánh được dùng là bánh tinh tuyền, rượu nho tinh tuyền, không thêm đường thêm muối, không thêm các dầu mỡ nấu nướng. Bánh từ bột không lên men được nướng lên, rượu nho ép từ nho chín qua năm tháng ủ lên men tự nhiên. Những gì tinh tuyền nhất được dùng dâng lên như lễ vật lòng thành. Trong bữa ăn tối, Chúa đã dâng bánh và rượu, đọc lời chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha.
Ở mâm cơm đãi nhau, người chủ cũng sẽ nói ý nghĩa của bữa cơm này. Mọi người dùng cùng chia sẻ buồn, vui, hiếu, hỷ. Bữa cơm mang một thông điệp của tình yêu.
Khi vào bàn tiệc vượt qua, chủ tiệc sẽ nói ý nghĩa việc “tưởng niệm”, nhắc lại sự kiện Chúa đã dẫn đưa dân ra khỏi Ai Cập, bao thế hệ đã được Chúa dẫn qua những thử thách gian nan để có được mảnh đất là quê hương. Những người trước đã sống chết giữ đạo nghĩa Chúa, giữ được quê hương trường tồn. “Tưởng niệm” là sống thực tại của ân nghĩa xưa, nay con cháu vẫn còn được tiếp tục hưởng ân đức. Tạ ơn là một hành vi diễm phúc của con cháu được thừa hưởng. Bàn tiệc cũng được gọi là bàn tiệc “Tạ Ơn”.
Bữa ăn chia sẻ sự sống cho nhau. Đôi khi chúng ta quên mất ý nghĩa sâu xa này của bữa ăn. Bữa ăn không chỉ là ăn vì cám ơn, hay giao hoà hoặc chia vui, sẻ buồn, ý nghĩa đặc biệt nhất là chia sẻ sự sống cho nhau. Mất đi các ý nghĩa trên thì “miếng ăn là miếng nhục”. Khi ý thức chia sẻ sự sống cho nhau trong bữa cơm, chúng ta sẽ nhận ra “Đây là bàn cơm do sức lao công của người thết đãi, đây là thành quả của những mồ hôi ước mắt rơi trên ruộng đồng, nơi công trường, nơi làm việc”. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự trân quý của người thết đãi, lòng yêu thương của người mời vào bàn cơm. Nếu không, chúng ta sẽ xem thường, đôi khi đánh giá, bàn tiệc to, nhỏ, nghèo nàn, thịnh soạn. Phân biệt giàu nghèo, sang hèn…
Bữa tiệc ly của Chúa có các môn đệ chung bàn. Một bàn ăn mang tình yêu của những người thương mến. Khi Chúa bẻ bánh trao cho từng người, đó là dấu chỉ nối kết tình yêu thương. Giuđa cũng được trao bánh như thế, Chúa biểu hiện một tình yêu mến, thương xót vì yếu đuối của Giuđa. Chúa trao sự sống của Người cho các môn đệ. Không chỉ là bánh, mà chính thân mình Người sẽ bị nộp, máu Người sẽ đổ ra để cho con người được sống. Tấm bánh bẻ ra mang một ý nghĩa mới, một tình yêu chết cho người mình yêu. Chia sẻ sự sống, không là của ăn hư nát mà là của ăn “Nước Trời”. Không là của ăn vật chất mà là của ăn “thiêng liêng”, nuôi dương linh hồn và thể xác.
Thánh Phaolô viết cho tín hữu Corintho: “Thưa anh em, khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cor 10, 16 – 17).
Chúa đã thêm vào sau lời chúc tụng bánh và rượu điều mới mẻ: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1Cor 11, 24 – 26)
Thánh lễ không thể thiếu trong đời sống Giáo Hội, giống như không thể thiếu bàn ăn từ mỗi gia đình. Đó là sức sống, là nguồn tình yêu chia sẻ sự sống cho nhau, như cha mẹ ra sức làm việc có đủ tài chính nuôi con ăn học. Thiên Chúa đã hy sinh chính mình để nên của lễ dâng lên Chúa Cha, và chuộc tội cho nhân loại. Giá của hy sinh là sự sống.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây