Cầu nguyện như hơi thở

Thứ tư - 05/10/2022 06:10 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   440
Cầu nguyện giúp con người ý thức về chiều kích thiêng liêng. Cầu nguyện cần có hai yếu tố: Thực tâm và bền bỉ.
Cầu nguyện như hơi thở

Cầu nguyện như hơi thở

 
 
 
 
Tôn giáo nào cũng dạy cầu nguyện. Con người không chỉ thân xác, cần ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi. Con người biết mình chỉ là cát bụi, nếu không có phần hồn thiêng sống động, phần xác như không hồn. Cầu nguyện giúp con người ý thức về chiều kích thiêng liêng. Cầu nguyện cần có hai yếu tố: Thực tâm và bền bỉ.
Thực tâm.
Cầu nguyện trước tiên là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Giống như con người cần đối thoại với nhau để thiết lập tương quan, dù là tương quan gì. Con người được Thiên Chúa thiết lập tương quan: Cha và con, Đấng sáng tạo và con người là thụ tạo: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64, 7).
Con người thực tâm khi cầu nguyện vì biết mình bất toàn về mọi mặt. Sự sống giới hạn, ước mơ không cùng. Cám dỗ và tội lỗi, bất xứng và đam mê.
Cầu nguyện là lắng nghe Lời Chúa. Con người tự nhiên là muốn lắng nghe, ngay cả trước khi biết nói, đứa trẻ đã bắt đầu nghe. Nghe là một khả năng tự nhiên, muốn được nghe và nghe được tiếng nói chân tình nhất của cha, của mẹ, của người thân nói lời yêu thương. Thiên Chúa nói một cách như thế trong thâm tâm của mỗi người. Người nói Lời yêu thương, chỉ bảo đường lành, khuyến khích, gia tăng niềm tin yêu, cảnh báo sự dữ. Thế nhưng, khi con người biết nói, biết đáp lại, con người bắt đầu cũng biết cãi, biết chối từ, gạt đi những điều dạy bảo đường lành, thích nghe điều giả dối, và cũng chối từ Lời của Thiên Chúa. Con người thích theo ý riêng hơn ý muốn của Chúa.
Cầu nguyện là thưa chuyện cuộc đời với Chúa. Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 6). Như một người bạn thân tình, cầu nguyện là nói với Chúa bằng tâm nguyện, không cầu kỳ, hoa mỹ. Lòng chân thành là cách tỏ bày tốt nhất có thể dâng lên Chúa.
Bên bỉ
Cầu nguyện không hệ tại ở cảm xúc, lúc cao hứng, lúc chán nản muốn buông xuôi. Bền tâm lúc vui cũng như lúc buồn, khi hăng hái cũng như khi buồn chán. Cầu nguyện đều đặn, không câu nệ thời gian phải đạt được lâu giờ. Cầu nguyện cần có thời gian dành riêng với Chúa, thời lượng vừa phải, cốt yếu ở việc thường xuyên.
Cầu nguyện vắn tắt trong ngày mỗi khi nghỉ ngơi hay thư giãn, khi làm việc hay khi học hành. Giống như cách nói “Khi hút thuốc có thể cầu nguyện, khi cầu nguyện thì không hút thuốc”. Cầu nguyện tắt trong ngày có một tác dụng đặc biệt là thánh hoá mọi công việc làm, mọi thời gian sống.
Chúa Giêsu dạy cầu nguyện luôn, khi dành thời gian với Chúa, khi cùng Chúa làm việc. Cầu nguyện cần thiết như hơi thở cần cho cuộc sống.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây