Năm Gia Đình Amoris Laetitia
... Câu chuyện bắt đầu…
Cổ tích giữa đời thường - Đạo diễn: Trần Thanh Huy
Vạn sự khởi đầu nan
Loan được sinh ra bình thường như bao cô bé khác, cũng được hưởng một tuổi thơ đầy yêu thương và thơ mộng. Chuyện bất thường xảy ra năm em lên 8 tuổi: Xương sống của cô bé không còn đủ sức sống, và Loan phải nằm liệt một chỗ. Gia đình của Loan là người Việt hồi hương từ Campuchia về An Giang. Cuộc sống no ấm tạm đủ qua ngày. Với khả năng của gia đình và điều kiện y tế của địa phương, căn bệnh của Loan chỉ có thể được điều trị cầm chừng. Cuối cùng, các bác sĩ kết luận rằng cô bé sẽ nằm liệt suốt đời, vì xương sống bị vẹo không thể chống đỡ cơ thể được.
Loan cố gắng học được đến lớp 8. Khi căn bệnh trở nặng và cô bé không còn ngồi lên được nữa, cô đành từ bỏ ước mơ đến trường. Loan học chấp nhận bệnh tật như là định mệnh, vì các bác sĩ đều khẳng định căn bệnh của cô không chữa được. Đó là thời điểm năm 2004…
Trong cảnh cô đơn và bệnh tật của mình, Loan tha thiết ước mong có một người bạn. Nhưng đâu ai có thể suốt ngày ở một chỗ với cô! May quá, thời gian ấy gia đình Loan có một chiếc radio. Chính chiếc radio này đã trở nên người bạn thân thiết nhất của cô bé. Tình cờ, một hôm trong mục giải đáp về y khoa trên radio, Loan nghe thấy một trường hợp được mô tả giống như bệnh của mình. Vị bác sĩ trên radio nói rằng bệnh này chữa được, nhưng tốn rất nhiều tiền. Chiếc radio bắt đầu thắp lên trong Loan niềm hy vọng.
Hành trình tìm lại bước chân
Ba mẹ của Loan là người Công giáo, nhưng trong thời gian chiến tranh gia đình phải chạy sang Campuchia. Ở đó một thời gian dài không có nhà thờ. Khi trở về An Giang, họ cũng sống cách nhà thờ mấy chục cây số. Từ lâu gia đình Loan không thực hành đời sống đạo nữa. Và Loan cũng chưa được rửa tội. Tuy nhiên, mẹ của Loan vẫn dạy Loan đọc những kinh đơn sơ và cầu nguyện với Đức Mẹ.
Dù chỉ có thể tưởng tượng về một người được gọi là Đức Mẹ, nhưng với niềm hy vọng được thắp lên từ chiếc radio, Loan luôn cầu xin Đức Mẹ cho mình được chữa lành. Đây là ước mơ đầu tiên trong một loạt ước mơ của một cô gái bước vào tuổi 16. Và Đức Mẹ đã chúc lành cho những ước mơ của Loan, ngang qua những cuộc gặp gỡ với những con người cụ thể.
Năm ấy, gia đình Loan quyết định bán hết đất đai để chữa bệnh cho cô bé. Gia tài họ có trong tay chỉ vỏn vẹn 80 triệu đồng. Lên đến Sài Gòn, họ mới biết việc phẫu thuật phải tốn 135 triệu. Bác sĩ phụ trách ca phẫu thuật là một người tốt bụng. Ông không thể giúp họ số tiền ấy, nhưng ông giới thiệu cho họ một cô Việt kiều hảo tâm ở Úc.
Qua buổi gặp gỡ đầu tiên, cô Việt kiều từ chối giúp Loan. Cũng phải, vì với số tiền lớn như vậy cô ấy có thể làm được nhiều dự án và giúp được cho nhiều người hơn. Cô an ủi Loan, nhưng cô không thể giúp. Cuộc gặp gỡ thất bại làm Loan khóc nức nở. Cô lại chạy đến với Đức Mẹ và cầu xin như thế này: “Xin cho con cảm nhận lại cảm giác bước đi được, dù chỉ một ngày.” Thật kỳ diệu, vài ngày sau cô Việt kiều gọi điện cho Loan. Cô ấy đồng ý tài trợ cho Loan trong ca phẫu thuật.
Sau ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, Loan đã đi lại được. Cô bé vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc của người được sống lại một cuộc sống mới.
Ước mơ và những cuộc gặp gỡ
Nhưng rồi niềm vui qua mau, và những ngày hạnh phúc lại vô chừng ngắn ngủi. Chỉ hai năm sau, trong một tai nạn xe đạp, thanh inox bắt dọc xương sống của Loan bị bung ra, và các ca phẫu thuật lại liên tục tiếp diễn... Hành trình 14 lần các cuộc đại phẫu thuật, trải dài trong suốt 10 năm, vẫn không thể trả lại cho Loan một cuộc sống bình thường.
Loan lại trở về tới tình trạng đôi chân hoàn toàn bị tê liệt. Ước mơ sống một cuộc sống bình thường chóng vánh vuột khỏi tầm tay. Chắc cô bé sẽ thất vọng lắm phải không? Không đâu! Lần này đã khác rồi, và đức tin của Loan cũng đã đủ lớn. Với nét mặt lạc quan và vui tươi, cô bé nói: “Con chỉ xin Đức Mẹ cho con khả năng đi lại bình thường chỉ một ngày thôi cũng được, mà Đức Mẹ đã cho con tới 2 năm. Vậy là quá đủ cho con rồi!” Ơn của Đức Mẹ là quá đủ. Nhưng soi vào những ước mơ trong lòng mình, Loan vẫn thấy còn thiếu một điều vô cùng quan trọng: Cô muốn được rửa tội để trở thành người Công giáo. Nhưng làm thế nào được? Vì chính bố mẹ của cô cũng đâu còn đi nhà thờ nữa…
Nhưng Chúa luôn có cách để thực hiện những phép lạ của Chúa. Trong thời gian nằm viện, Loan được quen biết các chị trong một nhóm Lòng Chúa Thương Xót. Họ đến đều đặn mỗi tuần để thăm hỏi và làm việc bác ái với các bệnh nhân. Loan không ngại ngần bày tỏ với họ ước muốn được làm con Chúa. Thế là các chị chia nhau dạy giáo lý tân tòng cho Loan, và chuẩn bị mọi điều cần thiết để Loan được đón nhận vào lòng Mẹ Giáo Hội. Một chị trong nhóm đã nhận làm Mẹ đỡ đầu cho Loan. Chị trở thành người mẹ thứ hai, nâng đỡ và hỗ trợ Loan rất nhiều điều.
Vậy là ước mơ thứ hai đã thành hiện thực. Nhưng chưa hết đâu. Loan là cô bé rất giàu ước mơ. Có Chúa và Đức Mẹ thương mình như vậy, đã liên tục chúc lành cho những ước mơ của mình như vậy, thì tại sao không ước mơ những chuyện lớn lao hơn chứ! Một cô bé ở tuổi của Loan có thể ước mơ chuyện gì lớn lao nhỉ? Được một lần mặc áo cô dâu và có được một mái ấm gia đình của riêng mình. Ước mơ ấy nghe như chuyện không tưởng!
Tình yêu có lý lẽ riêng
Chiếc Radio vẫn là người bạn thân thiết của Loan, đặc biệt là chuyên mục tâm sự trong chương trình mỗi Chủ Nhật. Cảm động với những câu chuyện được nghe, Loan cũng viết về câu chuyện của mình và gởi về radio. Dù Loan chỉ học đến lớp 8, nhưng nhờ kinh nghiệm thực tế của cuộc đời, bài tâm sự chân tình của Loan đã được phát trên radio, và đã đánh động nhiều người. Bài tâm sự ấy đã mang “Bạch mã hoàng tử” đến với cuộc đời của Loan.
Một ngày nọ bình thường như bao ngày, cửa phòng của Loan ở bệnh viện bỗng xịch mở, một anh chàng thò đầu vào hỏi to: “Phòng này ai tên Loan?”. Họ gặp nhau đơn giản vậy đó! Chàng thanh niên ấy tên là Tài, quê ở Đồng Tháp. Nghe được lời tâm sự của Loan trên Radio, anh chàng xin nghỉ việc vài ngày, lặn lội lên Sài Gòn, đến tận bệnh viện để thăm người con gái làm lòng anh thương mến ngay từ câu chuyện trên Radio.
Họ đã có 4 năm để làm quen và yêu nhau, để thương nhớ và hờn giận nhau. Qua tất cả, Tài vẫn kiên trì đến thăm và chăm sóc Loan, nhất là trong thời điểm khó khăn của những lần đại phẫu thuật. Các chị trong nhóm Lòng Thương Xót vun đắp cho ý định hôn nhân của hai đứa. Nhưng chuyện này phiêu lưu và bấp bênh quá. Loan không thể tự đi lại được, thậm chí còn không tự mình ngồi lên xe lăn được. Tài thì chỉ là công nhân bình thường, lương chỉ đủ để trang trải qua ngày với mẹ già. Họ đến với nhau làm sao được? Lấy gì để đảm bảo cho cuộc sống của nhau? Cả hai đều đắn đo và e sợ. Nhưng khi tình yêu đã thuận lòng, khó khăn nào có thể ngăn cản được người ta đi về phía trước? Thế là họ quyết định tiến đến hôn nhân…
Trái tim thắm nở đóa hồng
Để hai trái tim thật sự có thể hòa chung một nhịp đập, điều kiện duy nhất mà Loan đưa ra để tiến đến hôn nhân đó là Tài phải gia nhập Đạo Công Giáo. Loan ước mơ mái ấm gia đình của mình là mái ấm gia đình có đạo, dưới bóng chở che của Đức Mẹ.
Vậy là trong thời gian Loan nằm bệnh viện tại Sài Gòn, Tài vừa chăm sóc Loan vừa học giáo lý với các chị trong nhóm Lòng Thương Xót. Cả hai cùng học giáo lý: Loan học giáo lý hôn nhân, Tài vừa học giáo lý dự tòng vừa giáo lý hôn nhân. Loan kể: “Anh Tài học giáo lý còn nhanh hơn con!”
Gian nan lớn nhất mà Tài phải vượt qua chính là gia đình của mình. Trong gia đình Tài không ai theo đạo Công giáo, và Tài là con trai duy nhất. Tài đã phải khá vất vả để thuyết phục bà và mẹ về hai điều lạ lùng trong cuộc hôn nhân của mình: một là cưới một cô gái khuyết tật và hai là mình theo đạo Công giáo. Cuối cùng, Tài đã được cho phép dù không được ủng hộ nhiều lắm...
Cuộc hôn nhân diễn ra đẹp như trong cổ tích. Loan được mặc áo cô dâu trong nhà thờ. Ước mơ thứ tư của cô đã thành hiện thực theo cách không ngờ. Nhờ Thánh Lễ cưới năm ấy, lại thêm một ước mơ khác của Loan thành hiện thực. Chuyện là từ khi được chịu phép rửa, Loan cũng nung nấu trong lòng mình ước mong ba mẹ mình thực hành đức tin trở lại. Nhờ đám cưới kỳ diệu của con gái, với sự hiện diện của nhiều người dễ mến, ba mẹ của Loan đã chủ động đến nhà thờ, xin được làm phép hôn phối cho cuộc hôn nhân mà họ đã sống mấy chục năm trời. Đây là ước mơ thứ năm thành hiện thực…
Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan
Sau khi cưới nhau, cả hai vợ chồng về quê sinh sống và thỉnh thoảng lên Sài Gòn để kiểm tra sức khoẻ của Loan. Tài hết sức thương vợ, vừa chịu thương chịu khó để làm lo cho cuộc sống của hai vợ chồng trẻ với người mẹ già. Loan dù không làm được gì nhiều nhưng cũng có thể ngồi xe lăn dọn dẹp nhà cửa. Điều đặc biệt là khuôn mặt của Loan lúc nào cũng nở nụ cười và tinh thần lạc quan không bao giờ thiếu trong lời nói của cô. Một người đã được trải qua bao nhiêu phép lạ trong cuộc đời của mình, còn gì có thể làm người ấy muộn phiền và mất lòng tin nữa chứ!
Trong cuộc hôn nhân của đôi bạn trẻ, có một bí mật mà chỉ có họ biết với nhau: Loan hầu chắc không thể có con. Trải qua 14 lần phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật cắt bàng quan và đặt bàng quan giả, cộng với hệ thống xương sống yếu, Loan không thể mang thai nếu không muốn gặp nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Bác sĩ theo dõi ca của Loan từ đầu đã cảnh báo điều đó. Hai người đến với nhau bằng tình yêu, và họ chấp nhận ngay từ đầu rằng có thể họ sẽ sống suốt đời với nhau mà không có con cái.
Nhưng ước mơ về một mái nhà có tiếng khóc trẻ thơ chưa bao giờ từ bỏ Loan. Loan âm thầm gởi gắm ước mơ ấy vào lời lời kinh nguyện hằng đêm của mình.
Hai năm sau ngày cưới, Loan phát hiện mình mang thai. Điều mà các bác sĩ cảnh báo và lo sợ đã xảy ra. Thêm nữa, Loan lại bị bệnh động kinh và phải uống thuốc hằng ngày với liều lượng cao. Thứ thuốc ấy chắc chắn 90% sẽ làm cho đứa trẻ sẽ bị dị tật, nếu nó được sống và được cho chào đời. Giải pháp mà các bác sĩ và những người bà con tốt lành đưa ra đó là phá thai. Chính Loan cũng chao đảo trong suy nghĩ của mình: “Nếu con là người bình thường, con sẵn sàng cưu mang đứa con bị tật nguyền. Nhưng chính con còn không tự chăm sóc cho mình được, nên con không muốn con của con bị khổ…”
Thế là niềm vui mang thai không khỏa lấp được vô vàn nỗi lo trong lòng cặp vợ chồng trẻ. May mà Loan còn có người mẹ đỡ đầu và các linh mục quen biết ở Sài Gòn. Họ nhất mực khuyên Loan không nên phá thai, vì dù thế nào đi nữa đứa con vẫn là con của mình. Đâu thể giết nó từ trong lòng mẹ…
Cuối cùng thì tình yêu đã chiến thắng. Tài và Loan quyết định giữ lại đứa trẻ và chấp nhận mọi rủi ro. Để không gây hại cho con, Loan quyết định không uống thuốc động kinh nữa, sẵn sàng chấp nhận mọi cơn đau và hậu quả. Một phép lạ khác xảy ra: chẳng có hậu quả gì khi Loan bỏ thuốc, mặc dù trước đó nếu Loan không uống thuốc dù chỉ một ngày thì sẽ bị co giật dữ dội.
Tài vẫn đưa Loan đi khám thai định kỳ. Có điều khiến hai bạn và mọi người lo lắng: cân nặng của thai nhi không tăng. Mọi hình thức siêu âm chẩn đoán được thực hiện, ngay cả chọc ối cũng không phát hiện dị tật trừ việc thai nhi chỉ được 1kg vào cuối tháng thứ 8. Cặp vợ chồng và những người quen biết đều lo lắng. Và chỉ có một điều duy nhất họ có thể làm đó là cầu nguyện. Phép lạ lại xảy ra. Trong tháng thứ 9, cân nặng của thai nhi tăng một cách đột phá, đủ điều kiện để cho đứa trẻ chào đời.
Đến cuối tháng thứ 9, bác sĩ khuyên Loan nên nhập viện sớm. Với tình trạng của Loan, chắc chắn Loan không thể sinh bình thường nhưng phải mổ. Sau khi hoàn tất mọi chẩn đoán, cuối cùng các bác sĩ đề nghị Tài phải ký vào mẫu đơn đồng thuận vì ca phẫu thuật chỉ có xác suất hành công 50-50, để có thể cứu mẹ hoặc con.
Trước khi lên bàn mổ, Loan được một linh mục xức dầu. Và tôi, người viết những dòng này, chính là linh mục đã đến bệnh viện Từ Dũ để xức dầu cho Loan. Chúng tôi đều không cho Loan biết về tình trạng thực của mình, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của cô. Sau khi được xưng tội, xức dầu và rước lễ, Loan được đưa vào phòng mổ. Ca mổ diễn ra với nhiều chuyên viên của hai bệnh viện. Trừ các khoản viện phí, các chuyên viên đã mổ miễn phí. Loan không có bảo hiểm y tế.
Ca mổ thành công. Một đứa đứa trẻ bình thường chào đời. Sáu tháng sau, tôi - người đã cử hành Bí Tích Xức Dầu cho mẹ - làm phép Rửa Tội cho đứa con. Mọi người đều trầm trồ vì câu chuyện có một kết thúc có hậu và đẹp như mơ.
Tôi tạ ơn Chúa vì những phép lạ liên tiếp diễn ra, biến đời sống đầy thăng trầm sóng gió của một kiếp người đẹp như một câu chuyện cổ tích. Với bệnh nghề nghiệp của một người làm truyền thông, tôi nói chuyện và mời một nhóm bạn thực hiện một phóng sự ngắn về gia đình này. Một năm sau, cuối năm 2018, chúng tôi đã thực hiện phóng sự. Sau một ngày quay phim, anh đạo diễn đã phải thốt lên: “Câu chuyện kỳ diệu quá. Anh chồng là người tuyệt vời, làm chất xúc tác cho những ‘phép lạ’ tiếp theo xảy ra.”
Thời gian này Loan không thể đến nhà thờ hằng tuần, nhưng Tài đi lễ và livestream thánh lễ cho Loan ở nhà tham dự.
Hiện tại, Tài và Loan cùng người mẹ già sắp phải trả lại ngôi nhà mà họ đang ở nhờ. Trong quá trình chạy chữa bệnh cho Loan, họ đã bán hết mọi sự.
Tôi đã đề nghị Loan hãy có thêm một ước mơ, và hãy cầu nguyện với Đức Mẹ về một ngôi nhà cho cả gia đình. Hiển nhiên, Chúa cần những bàn tay con người để cho ước mơ của Loan được thành hiện thực…
Văn Yên, SJ - Vatican News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn