Con người có Tổ có Tông
Ông bà tôi gốc Ninh Bình, di cư vào Nam năm 1954 và gần 30 năm sau tôi mới chào đời. Nguồn gốc rõ ràng, nhưng sinh ra và lớn lên trong Nam nên chẳng biết chút gì về văn hóa cội nguồn Kinh Bắc.
Miền nam hai mùa mưa nắng với đồng lúa bát ngát, màu vàng bông bí, điêng điểng, sắc tím bằng lăng, hồng tươi hoa phượng… đi vào văn hóa tinh thần con người nam bộ cách nhẹ nhàng, lãng nạn, phóng khoáng. Miền nam không có mùa thu, nhưng cái buồn tượng hình của sông nước mênh mông mùa mưa lũ với lục bình trôi, giậu đổ bìm leo, mù u bướm vàng… gợi tâm tư bồng bềnh xao xuyến, nhẹ như từng con sóng, từng cơn gió êm dịu mơn man mà buồn đến tái tê cõi lòng.
“Nhánh mù u con bướm vàng không đậu
Câu ca từ thuở thơ dại ru sang
Sông quê trường làng con đò trên cát lở
Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng”.
(Đinh Trầm Ca).
Miền nam quyến rũ vậy đó, nhưng sao tôi vẫn bị mùa thu Hà Nội hấp dẫn một cách lạ thường:
Dù chưa một lần đến đây, nhưng cảm giác mùi Hoàng lan, của hoa Sữa, hương Bưởi, Quỳnh hương… cứ như đang quanh quẩn vương trên người.
Dù chưa một lần dừng chân đứng ngắm, nhưng hình ảnh “Rặng Liễu đìu hiu đứng chịu tang”, của “Cây Bàng, nóc phố, mảnh trăng… mồ côi mùa đông” sao khiến lòng thổn thức dạt dào trong sự cô đơn trống vắng…
Dù chưa một lần đóng vai “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”, nhưng như đã cảm được “nỗi buồn len lén tâm tư”, như đã chạm vào “cái rét đầu đông”, đã nếm được “cơn gió mùa thu mang theo hương cốm mới”, đã cảm cảnh hoàng hôn thấp thoáng trên con sóng Tây Hồ...
Thật đúng với câu “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Lời mời gọi của tổ tiên nơi quê hương Kinh Bắc là tiếng lòng sâu thẳm trong cõi tâm hồn của những người con xa xứ như chúng tôi. Sự liên kết huyết nhục đã lưu truyền cho nhau cái hồn của nguồn cội, của văn hóa và những giá trị tinh thần khác.
Tháng 11 đối với người Công giáo chúng ta là cơ hội tuyệt vời để cảm nghiệm sâu sắc giá trị này. Bầu khí của tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn đưa chúng ta vào mối liên kết với ông bà tổ tiên mình, một mối liên kết cao cả và thiêng liêng vượt trên tri thức tầm thường của con người.
Từ mối liên hệ cội nguồn tổ tông, chúng ta khám phá ra một lời mời gọi cao vời trên tất cả: “Hỡi con người, trở về cát bụi đi!”. Lời mời gọi của Thiên Chúa đưa ta về với cùng đích cuộc sống. Chúng ta tin chắc mình có tổ có tông, thì đó chính là cơ sở để ta khẳng định sự hiện hữu của Đấng Tuyệt Đối tác tạo mình. Đấng đó vẫn hằng ngày mời gọi ta sống thiện tâm, mời gọi ta hy sinh và công hiến, mời gọi tìm về hạnh phúc tuyệt đối nơi Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(12/10/2020)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn