Cuộc thương khó liên quan gì đến tôi?

Thứ sáu - 31/03/2023 23:16 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   335
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã qua đi, nhưng nó có ảnh hưởng gì tới cuộc đời tôi ngày hôm nay hay không.

Cuộc thương khó liên quan gì đến tôi?
Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A

 

 

Chúng ta đã nghe bài thương khó rất nhiều lần. Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta xúc động, dù chỉ là một giây lát nào đó, vì cảm nhận được rằng chính vì yêu tôi mà Chúa phải chịu thương khó như thế không? Có bao giờ chúng ta được đánh động, để quyết tâm biến đổi đời sống mình tốt hơn, để Chúa bớt đi một đòn roi đập vào thân thể, bớt đi một mũi gai đâm thấu vào đầu, bớt đi chút sắc nhọn của lưỡi đòng làm chảy máu con tim yêu thương của Chúa.

Chúng ta đã nghe cuộc thương khó bằng một thái độ như thế nào? Có thể chúng ta nghe cách bàng quan, vì câu chuyện tang thương này đã xảy ra hai ngàn năm rồi. Nó đã thuộc về quá khứ, chẳng còn liên quan gì tới hôm nay và không dính dáng gì tới cuộc đời tôi. Có thể chúng ta phẫn nộ và trách Giuđa đã bán Chúa, Phêrô chối Chúa, các thượng tế và kỳ mục bày mưu tính kế hãm hại Chúa, Philatô nhu nhược không dám tha Chúa, đám đông dân chúng ba phải lúc thì tung hô lúc thì đả đảo Chúa. Cũng có thể chúng ta đau xót khi nhìn thấy Chúa phải chịu bao nhiêu roi đòi, nhục mạ, khinh khi, khạc nhổ, thách thức… mà vẫn lặng thinh, không nói một lời.

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã qua đi, nhưng nó có ảnh hưởng gì tới cuộc đời tôi ngày hôm nay hay không. Đó là mới là điều quan trọng. Chúng ta được mời gọi tiếp cận cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong các nhân vật, để khám phá ra chính mình, và biết mình phải làm gì để Chúa bớt chịu đau thương.

Giuđa đã bán Chúa để lấy ba mươi đồng bạc. Đó là cái giá để mua một người nô lệ thời bấy giờ. Giá của Chúa cũng không hơn gì một người nô lệ rốt hết trong xã hội. Giuđa là một môn đệ thân tín, được Chúa chọn lên bậc tông đồ, được làm thủ quỹ quản lý tiền bạc cho Chúa và nhóm Mười Hai. Thế mà ông lại chỉ điểm cho người ta bắt Chúa. Chúng ta không hiểu được hết động cơ của ông, nhưng việc bán Chúa là một việc đáng trách. Tệ hơn nữa, ông bán Chúa bằng một nụ hôn. Tại sao ông không chỉ thẳng mặt, nêu đích danh Chúa Giêsu mà lại hôn Chúa như thế? Người ta chỉ hôn nhau khi yêu nhau. Nụ hôn là dấu chỉ của tình yêu, nay lại trở thành dấu chỉ của sự phản bội.

Lắm khi chúng ta cũng bán đứng Chúa và những người thân yêu của mình như Giuđa vì một chút lợi lộc chóng qua. Có những người dùng lời nói hết sức ngọt ngào, nhưng với mục đích là dụ dỗ và lừa lọc người khác, làm họ phải lao đao lận đận rồi bỏ trốn. Có những người một tay ôm vợ con nhưng tay kia lại chìa ra để nắm lấy một bàn tay khác. Có người thì sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm của mình để lấy một chút lợi lộc, bán tình anh em để lấy một vài mét đất vô tri vô giác, bán lòng hiếu thảo với cha mẹ để đổi lấy sự yên thân cho chính mình và gia đình. Như thế, rất có thể, chúng ta không bán Chúa, nhưng lại sống giống y như Giuđa vậy.

Chúng ta trách Phêrô chối Chúa, không chỉ một mà là những ba lần. Một vài giờ trước đó, ông đã thề rằng dù ai có bỏ Chúa thì con cũng không bao giờ bỏ Chúa, con sẵn sàng chết vì Chúa. Chúng ta thấy hình ảnh của mình trong thánh Phêrô không? Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa nhưng có khi nào chối bỏ Chúa không? Rất có thể chúng ta không chối Chúa công khai, nhưng chối trên giấy tờ, chối trong cách ăn nết ở của chúng ta. Tin Chúa mà không làm theo lời Chúa dạy. Có đạo mà không sống đạo, khiến cho đời sống đạo và đời sống thường nhật như hai đời sống tách biệt nhau, song song với nhau.

Đám đông dân chúng tung hô nghênh đón Chúa Giêsu vào thành thánh, vì cứ tưởng Chúa sẽ làm vua, và họ sẽ được hưởng lợi lộc trần gian. Nhưng rồi, họ thất vọng vì Chúa Giêsu không làm vua theo cách họ mong đợi. Thế là, họ lại cùng nhau hò la đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Chúa gì chẳng như chúng tôi mong đợi gì hết. Chúa gì không làm theo lời chúng tôi cầu xin. Cho nó chết! Đóng đinh nó vào thập giá. Có khi chúng ta cũng có mặt trong đám đông ba phải ấy, chỉ theo Chúa vì lợi lộc chứ không phải vì niềm tin, vì tình yêu.

Suy nghĩ một chút về một vài nhân vật trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu như thế, cũng đủ thấy con người chúng ta dễ thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen như trở bàn tay. Bài Tin mừng hôm nay có thể phản chiếu cả cuộc đời của mỗi người chúng ta. Hôm nay tung hô, chúc tụng Chúa, ngày mai gào thét: đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá. Hôm nay yêu thương, ngày mai oán thù. Hôm nay vui tươi, ngày mai buồn sầu. Hôm nay hiền hòa, ngày mai hung dữ. Hôm nay tin tưởng, ngày mai nghi ngờ. Đó là những mặt tích cực và tiêu cực đang cùng tồn tại trong con người chúng ta. Chúng ta sẽ vác thánh giá với Chúa, sẽ sống với Chúa trong cuộc tử nạn và phục sinh với khuôn mặt nào đây?

Chúa Giêsu vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời. Mỗi ngày Chúa Giêsu vẫn đang vác thập giá của chúng ta lên đồi Canvê vì yêu thương chúng ta. Bao lâu chúng ta không chịu thương chịu khó, thì bấy lâu, Chúa Giêsu vẫn còn phải chịu khó chịu thương vì phần rỗi của chúng ta. Bao lâu chúng ta còn sống trong vũng lầy tội lỗi, thì bấy lâu, Chúa Giê-su còn có lý do để tiếp tục vác Thánh Giá lên Calvê và chịu chết vì chúng ta. Lạy Chúa, xin cho con được cùng chết với Chúa, để được cùng Chúa phục sinh vinh hiển. Amen.

Giuse hạt bụi tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây