Đoán xét và xét đoán

Thứ hai - 20/06/2022 17:26 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   405
Đoán và xét. Nghĩa của hai động từ này bắt đầu từ đoán. Nghĩa là không chắc chắn, thấy vậy nhưng có vậy thực vậy chăng? Chưa biết ngọn nguồn và bắt đầu đoán.
LC 20 6
LC 20 6

Đoán xét và xét đoán


 
 
Thế nào là đoán xét? Nghĩa của từ này thực nghĩa Chúa muốn dạy điều gì với chúng ta? Đoán và xét hay xét và đoán?

Đoán và xét. Nghĩa của hai động từ này bắt đầu từ đoán. Nghĩa là không chắc chắn, thấy vậy nhưng có vậy thực vậy chăng? Chưa biết ngọn nguồn và bắt đầu đoán. Cái đoán chừng này nó phản ánh trung thực cái bụng của người đoán “nghĩ bụng ta suy ra bụng người”. Nên khi đoán theo ý riêng và cũng xét theo ý riêng. Biết nó là đoán không chắc đúng, nên kéo theo người ủng hộ để cái đoán kia trở thành “chân lý thuộc số đông”. Trong luận lý học, hay trong logic học, các thầy cũng đã dạy: “không nên đặt giả thiết sai”, sai với sai thành đúng, đúng cần đúng hết. Chúa cũng dạy “đừng đoán xét” là vậy.
Xét và đoán. Nghĩa là cũng đã xem xét vấn đề để đi tới kết luận, nhưng ngặt nỗi kết luận có thể đúng hoặc sai. Có nhiều việc thấy vậy mà không như vậy. Câu chuyện sau cho thấy điều này:
Nồi cơm của Khổng Tử
Khổng Tử dẫn học trò chu du đến Liệt Quốc, cảm thấy thất vọng nên lại quyết định đi Trần Quốc và Thái Quốc. Mới đi được nửa đường thì gạo mang theo đã hết, nên chỉ biết hái rau dại nấu canh ăn. Suốt bảy ngày trời không được ăn một hạt cơm nào, Khổng Tử đói đến lả cả người, chỉ biết nằm ngủ cho đỡ mệt.
Đệ tử của Khổng Tử là Nhan Hồi đi kiếm được một ít gạo mang về nấu cơm cho Khổng Tử ăn.
Đang nằm nghỉ bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại thành nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi vội đưa cơm lên miệng.
Khổng Tử nhìn thấy vậy, trong lòng cảm thấy thất vọng nhưng không nói gì và giả vờ như không nhìn thấy.
Một lúc sau cơm chín, Nhan Hồi bưng cơm đến mời Khổng Tử ăn. Khổng Tử đứng dậy nói: “Hôm nay, lúc ngủ ta mơ thấy người phụ thân đã chết của ta, nếu mà cơm này sạch sẽ thì ta muốn cúng ông trước rồi mới ăn”.
Nhan Hồi thưa: “Không được, vừa rồi tro củi đã rơi vào trong nồi làm bẩn cơm, con thấy vậy nghĩ bụng nếu bốc chỗ cơm bẩn này đem ném đi thì rất tiếc, nên đã bốc cơm bẩn lên ăn. Cơm này không còn tịnh, thầy đừng lấy cúng phụ thân”.
Khổng Tử nghe xong cảm động nói: “Ta tin vào con mắt của mình, nhưng mà con mắt cũng không hoàn toàn đáng tin cậy; ta dựa vào tâm mình, nhưng tâm cũng không hoàn toàn đáng tin cậy. Các đệ tử phải nhớ: Để hiểu rõ và đánh giá một người, thật sự là không dễ dàng” (Theo Lã Thị Xuân Thu”)
Xét đoán cần không? Xét là cần để có thể mở toang cánh cửa hiểu biết. Nếu không có xem xét trước thì không có tiến bộ. Xét để đoán, nó giống như bài toán cấu trúc lặp và rẽ nhánh. Bài toán này cần, để tính toán đúng kết quả sau cùng. Bài toán này cần học hỏi và hiểu biết. Nhất là về con người chịu ảnh hưởng từ gia đình, môi trường, cá nhân từ nhận thức thuở thai nhi đến tuổi ổn định lên ba, rồi nền giáo dục...
Phức tạp xét về về con người, nhưng vẫn có môn học để giải quyết vấn nạn của con người, như các môn tâm lý học chiều sâu, xuyên bản ngã, tội phạm học, ứng dụng… Khoa tâm lý học chiều sâu ngày nay rất cần thiết để chữa trị cho con người để sống thực với mình và với người.
Xét đoán không thể thiếu học hỏi, nếu chỉ theo cảm xúc, bản năng, rất tai hại cho chính bản thân, như Chúa dạy: Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7, 2) bởi theo tâm lý phóng chiếu (Projection) nó đang tố cáo chính người đang xét đoán.
Chúng ta có thể giúp anh chị em mình nên hoàn thiện, nhưng cần cầu nguyện để Chúa cứu chữa và sự hiểu biết bằng tri thức cần thiết của bản thân.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây