Đức tin đại học

Thứ hai - 09/11/2020 07:30 |   624
Tôi vào đại học năm nay với một mớ giả thiết mình thực tình tin là đúng và không còn gì để tranh luận nữa. Ấy thế mà chỉ sau buổi học đầu tiên, mọi điều tôi tin, hoặc cho là đúng, đều đã bị phá cho tan tành.
Đức tin đại học
Đức tin đại học
Vũ Văn An dịch
 
Tôi vào đại học năm nay với một mớ giả thiết mình thực tình tin là đúng và không còn gì để tranh luận nữa. Ấy thế mà chỉ sau buổi học đầu tiên, mọi điều tôi tin, hoặc cho là đúng, đều đã bị phá cho tan tành.
 


Cái học đại học đã làm bể chân móng niềm tin ngay ở dưới chân tôi. Tôi thấy mình yếu hẳn, giao động và lo lắng - và đó quả là điều tôi không muốn chút nào.

Những trí thức gia khổng lồ như Aristotle, John Stuart Mill, Thomas Aquinas và Niccolo Machiavelli nhẩy xổ ra ồ ạt tấn công tôi trực diện với những câu hỏi không thể nào chịu thấu. Đại loại là ‘cô em tin gì vậy?’, ‘cô em có tin cậy Chúa không?’

Tôi nặn đầu nặn óc, chao đảo tìm cho ra câu trả lời. Ngày này qua ngày nọ, tôi tìm về cốt lõi của niềm tin - cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Những câu hỏi tôi có thể hỏi thì vô số. Tôi không biết hết các câu hỏi người ta đã hỏi Chúa nhưng tôi biết Chúa Giêsu có câu trả lời và Người là chính câu trả lời.

Tôi đang học môn lịch sử tại Đại Học Macquarie. Tôi có thể cho bạn hay môn lịch sử này đã đem lại cho bộ óc tôi nhiều điều lạ lắm. Lịch sử bao giờ cũng liên hệ đến tra vấn và đối với một số câu hỏi ta chẳng thấy câu trả lời đâu. Tra vấn dẫn đến hoài nghi và hoài nghi tất yếu dẫn đến tình trạng thấy điều gì cũng không chắc chắn - ít nhất là trong kinh nghiệm của tôi. Tôi bắt đầu tra vấn mọi điều tôi cho là đúng từ xưa đến nay, nhưng không tìm ra câu giải đáp nào thỏa mãn cuộc tra vấn của mình và thế là tôi trở thành một cá nhân cô độc và rất nhỏ nhoi, nhỏ nhoi vô cùng.

Tuy nhiên, chính trong sách Giảng Viên, tôi tìm được an ủi và, lạ lùng thay, câu trả lời. Trong câu 1:18, soạn giả viết: Càng khôn càng sầu, càng biết càng đau. Điều này nghe ra có vẻ tiêu cực dữ nhưng chính cái tiêu cực lại đem lại niềm hy vọng cho tôi, bởi nó thực quá. Lúc ấy tôi đâu muốn gì ngoài cái có thực (reality). Tôi không muốn những câu trả lời sâu xa bóng bẩy. Tôi chỉ muốn có Chúa và muốn biết một Thiên Chúa có thực. Mọi điều tôi học trước đây trong tư cách một Kitô hữu nay thẩy đều bị thách thức. Tôi cần phải hòa giải đức tin của tôi với lý trí của tôi. Trước khi được giáo dục, tôi không cần phải làm điều này. Tuy nhiên, giáo dục - kiến văn - đã khiến tôi phiền muộn vì tôi nhận ra rằng những giả thiết và chính cuộc đời tôi thực sự nhỏ nhoi biết bao.

Nhờ học lịch sử, tôi có dịp lục lọi đời sống người khác, quan sát ký ức thế giới và mổ sẻ chúng. Tôi biết cái lượng sống nhỏ nhoi đó và khi nhìn lại tôi thấy một thế giới đôi khi hỗn loạn, gây kinh hoàng, bạo tàn và bất công.

Đương nhiên tôi đặt vấn nạn: Chúa ở chỗ nào trong tất cả những điều này? Thế giới chúng ta đang vật vã với những ký ức thống khổ. Dĩ vãng đôi khi khá bí hiểm đối với những gì nó nắm giữ và càng đi sâu vào cõi xa xưa, ta càng thấy cuộc đời trở nên tối nghĩa huyền nhiệm.

Sống như một Kitô hữu trong đại học là điều không dễ khi các giả thiết của bạn không ngừng bị thách thức bởi sự hỗn mang trí thức và nhân bản bao quanh. Tuy nhiên, qua các vấn nạn và mù mờ của mình, tôi đã nhìn thấy sự đơn giản tươi đẹp của Đức Giêsu. Không có nét gì hỗn mang nơi Người và trong lịch sử, một mình Người đứng đó với sứ điệp hy vọng và sự thật. Người là sự thật. Giờ đây, giữa kỳ nghỉ lục cá nguyệt, tôi đã có thể nhìn thấy một chút trật tự trong cái hỗn mang và một chút ý nghĩa cho cái thân phận hiện sinh cho đến nay vô nghĩa của mình.

Tôi không nghĩ các vấn nạn và nghi hoặc tự chúng là những điều xấu. Thiên Chúa đã ban cho ta bộ óc và tôi tin rằng Người muốn ta xử dụng nó. Khi kéo đời tôi, các niềm tin và các giả thiết của tôi vào cuộc vấn nạn, đại học đã giúp tôi làm giầu thêm đức tin của mình. Nó khiến tôi thắm nhiệt hơn với những điều mình tin.

Tôi không tin cuộc vấn nạn đã chấm dứt ở đây. Trái lại, tôi tin rằng nó là một thành phần trong diễn trình sở hữu đức tin. Đức tin được thử nghiệm bởi điều ta biết và cả bởi điều ta không biết - ít nhất đó là điều tôi giả thiết. Đức tin là tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa, bằng lòng rằng ta không biết hết câu trả lời cho các vấn nạn cuộc đời nhưng qua Đức Giêsu ta sẽ tìm ra chúng.

Câu trả lời cho cuộc đời nằm ngay ở chính con người Đức Giêsu Kitô. Sống như một người bước chân theo Đức Kitô trong đại học không phải là một trách vụ dễ dàng. Tôi thấy tôi không ngừng tranh đãu để hòa giải đức tin của mình với điều tôi giả thiết là lý trí. Một điều tôi khám phá ra là đôi khi đức tin không tiện nghi thoải mái chút nào, trái lại rất khó chịu gồ ghề.

Khi nhìn lên Đức Giêsu chịu đóng đinh và thấy ra nỗi thống khổ Người phải chịu, tôi tin rằng Người không bao giờ hứa hẹn điều đó là điều dễ làm. Cuộc đời, tình yêu và Thiên Chúa thẩy đều là huyền nhiệm. Thánh kinh không đưa lại cho ta mọi câu trả lời cho những vấn nạn mà cuộc đời hất tung vào ta. Và tôi tin rằng Chúa muốn như vậy vì đức tin để làm gì khi mọi sự đều rõ ràng như ban ngày ban mặt.

Nicola Myton
The Catholic Weekly, August 2, 1998

Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây