Chúa Nhật XXVIII – TN – B
Đừng bỏ đi – Đừng bỏ Chúa
Sống và được sống đời đời, đó là điều không ai lại không ước mơ, không ai lại không ấp ủ trong lòng. Người xưa, nhất là những bậc vua chúa, họ luôn tìm mọi cách để được trường sinh bất tử.
Nói tới ước mơ trường sinh bất tử, xưa, có một truyền thuyết kể rằng: “Ở Trung Quốc và Nhật Bản đều lưu truyền cùng một câu chuyện giống nhau về truyền kỳ Từ Phúc vượt biển Đông tìm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng.
Theo ghi chép trong sử sách cổ tịch của Trung Quốc, Từ Phúc là một phương sĩ vô cùng thông minh, tinh tế và gan dạ. Sau khi Tần Thủy Hoàng hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ, xây dựng Trường Thành, ông ta bắt đầu theo đuổi giấc mơ trường sinh bất tử.
Năm 219 trước công nguyên, Từ Phúc được mời vào cung của Tần Vương và tự nguyện đến ba hòn đảo tiên được ghi trong “Tiên Hải kinh” có tên là Phùng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu ở biển Đông để tìm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng.
Chuyến đầu tiên, Từ Phúc thất bại trở về. Ông ta nói với Tần Vương rằng, muốn có được thần dược, cần phải có đủ lễ vật là ba nghìn đồng nam, đồng nữ cho thần tiên. Đồng thời trên biển thuyền gặp cá kình cản đường nên cần phải có cung lớn và vũ khí để đuổi cá.
Mọi điều kiện đưa ra đều được Tần Thủy Hoàng đáp ứng đầy đủ với mục đích để Từ Phúc nhanh chóng có chuyến ra biển Đông lần hai. Kết quả Từ Phúc ra đi và không trở lại. Ông ta đã xưng vương ở một vùng thảo nguyên mênh mông rộng lớn phía Đông”. (nguồn: internet).
Vâng, câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết. Từ thuở tạo thiên lập địa, chưa có ai được trường sinh bất tử, chưa có ai có được sự sống đời đời. Ngoại trừ Đức Giê-su Ki-tô. Chính Ngài là Đấng có thẩm quyền ban sự sống đời đời.
Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã tuyên phán rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết”.
Không-bao-giờ-phải-chết ư! Có thật thế không? Thưa, rất thật. Và, sự thật là đã có người đến gặp Đức Giê-su và xin bí quyết “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đó là một chàng trai. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.
**
Câu chuyện được thánh Mác-cô thuật lại rằng: Hôm ấy, “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người…”
“Có một người chạy đến, quỳ xuống…” Vâng đây là một hành động chưa có tiền lệ. Chưa có tiền lệ, vì thường thì khi có ai đó tìm đến Đức Giê-su, họ đi với một đám đông, chứ không đi một mình, như người này.
Người này đi một mình, và khi gặp được Đức Giê-su, lạ thật, anh ta không xin chữa bịnh cho mình, hoặc là xin chữa cho người thân của mình. Anh ta hỏi Đức Giê-su một câu hỏi, một câu hỏi không thể không gây ngạc nhiên cho mọi người, rằng: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. (x.Mc 10, …17).
Gọi Đức Giê-su là “Thầy Nhân lành” ư! Đúng. Ngài là Đấng nhân lành. Ngài đã thể hiện sự nhân lành qua việc chữa lành nhiều người ốm đau, bệnh hoạn, tật nguyền. Ngài đã tha thứ lỗi lầm cho những ai lầm lỡ. Và, Ngài từng “khiến một cậu bé ở thành Na-in đã chết, nay được sống lại”.
Có phải vì thế mà anh thanh niên này tin rằng, một người có thể “cải tử hoàn sinh” há lẽ lại không có “bí quyết trường sinh bất tử” chăng!
Trước những lời (tạm gọi là khen) của chàng thanh niên, Đức Giê-su thẳng thắn nói: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”.
Đúng, “trừ một mình Thiên Chúa”. Vua David, được cho là tác giả sách Thánh Vịnh, có lời rằng: “Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người” (x.Tv 43, 9).
Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Thế nên, trên núi Sinai, Người đã ban hành những lề luật thể hiện sự nhân lành: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”.
Này! anh bạn trẻ kia, “Hẳn anh biết các điều răn” này chứ! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su đã hỏi anh ta như thế.
Nếu… nếu hôm nay Đức Giê-su hỏi câu hỏi này với chúng ta? Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời, rằng: “Thưa Ngài! Con đã học thuộc lòng từ hồi còn nhỏ… hồi rước lễ lần đầu!”
Với chàng thanh niên, hôm đó, anh ta đã trả lời hơn cả như thế: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.
Vâng, đúng là hơn chúng ta. Anh ta không chỉ “học” nhưng còn “hành”, còn tuân giữ, nữa cơ! Và, đó là lý do Đức Giê-su đã: “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.
Để thể hiện “lòng yêu mến”, Đức Giê-su đã ưu ái truyền đạt cho anh ta một điều, một điều mà, nếu anh ta thực hiện, sự-sống-đời-đời sẽ là”gia nghiệp” của anh ta. Hôm ấy, Đức Giê-su bảo anh ta, rằng: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.
Nghe Đức Giê-su nói như thế, anh ta phản ứng thế nào nhỉ! Thưa, lòng khao khát có được sự sống đời đời làm gia nghiệp của anh ta, như quả bong bóng xì hơi. Thánh sử Mác-cô cho biết: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Bỏ đi “vì anh ta có nhiều của cải”.
***
Nếu là Tần Thủy Hoàng, là người cũng rất muốn có sự-sống-đời-đời làm gia nghiệp, ông ta có bỏ đi không? Riêng tôi, tôi không biết.
Anh thanh niên đã “bỏ đi”. Bỏ đi vì “tiếc của”. Bỏ đi vì, ai không tự dưng “đi bán những gì mình có” đem cho những kẻ “bá vơ”, nghe sao được!
Khoan, đừng vội mỉa mai anh ta. Tại sao? Thưa, vì rất có thể… rất có thể chúng ta cũng sẽ “bỏ đi”. Có… có nhiều lý do khiến chúng ta cũng sẽ “bỏ đi”, không còn màng đến “sự sống muôn đời”.
Đây, sau biến cố 30/04/1975, (và ngay cả bây giờ cũng vậy), đã có không ít người “bỏ đi”. Mục kê khai tôn giáo của bản sơ yếu lịch lý, không ít người đã “bỏ đi” hai chữ Công Giáo.
Vâng, cũng là vì “tiếc”. Tiếc thay hai chữ Công Giáo, vì nó không có cơ hội kết nạp đảng. Tiếc thay hai chữ Công Giáo, vì nó khó tiến thân trong cơ quan, trong xí nghiệp, nơi mà đảng viên là những thành phần ưu tiên. Rất… rất nhiều tiếc thay vì hai chữ Công Giáo, không thể liệt kê ra đây.
Trở lại câu chuyện chàng thanh niên. Đức Giê-su không phàn nàn gì về việc giàu có của chàng thanh niên. Qua lời yêu cầu anh ta “hãy đi bán…”, Ngài muốn dẫn anh ta (và nay là chúng ta), đến một cuộc sống “trọn đầy đức ái”, một nhân đức, như lời thánh Phao-lô nói, rằng: “cao trọng hơn cả” (x.1Cor 13, …13).
Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban. Thật vậy, sách sáng thế ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, Đức Chúa đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”.
Và còn ông Gióp nữa, ông ta được mệnh danh là người giàu có số một trong số các con cái Phương Đông (x.G 1, 2).
Thế nên, chỉ sợ mình không “có nhiều của cải” như chàng thanh niên, thôi! Còn, nếu “có nhiều” thì hãy sống một cuộc sống trọn-đầy-đức-ái. “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4,31).
Chưa… còn nữa. Đừng “vô cảm” như ông nhà giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó”. Đừng vênh vang tự đắc, khi ta “ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, rồi liếc mắt nhìn thấy “một người nghèo khó… thèm được những thứ trên bàn ăn của (ta) rớt xuống mà ăn cho no”, ta làm ngơ “quăng cục lơ”!
Đừng thế! Nếu không, thì sẽ không tránh khỏi lời Đức Giêsu quở mắng, mắng rằng: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”
Vâng, “quê lắm”! Hãy nghe Ngài ví kìa: “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa!” (Mc 10, 25).
****
Hôm nay, chúng ta có thể là một chàng thanh niên. Có thể ở tuổi trung niên. Và, có thể đang chuẩn bị “chầu Chúa”.
Vâng, dù có ở độ tuổi nào, chúng ta cũng hãy tự hỏi: “Tôi đã chạy đến, quỳ dưới thánh giá Chúa, và hỏi Ngài, hỏi rằng: Chúa Ơi! Ngài có ban cho con sự sống đời đời?”
Câu hỏi có “vô duyên”không? Thưa có, có là bởi: Chúa ban cho mỗi chúng ta rồi. Lm. Kim Long tái xác định, rằng: “Trong khi tạo dựng đất trời cho muôn vật được sinh sống, trước khi con xuất hiện trên đời, thì Chúa đã yêu con”.
Chúa Giê-su cũng đã nói rồi: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Là tín hữu Công Giáo, chẳng phải là chúng ta “(đã) tin vào Con của Người”, đó sao! Thế thì, cớ gì Chúa không ban cho chúng ta sự sống đời đời, nhỉ!
Đó… đó là niềm vui. Thế nhưng, vui chứ chưa phải là mừng. Chưa phải là mừng, là bởi, Satan cũng tin Chúa. Nói đến điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta không chỉ nói “tôi tin”, nhưng còn phải “sống đức tin” nữa.
Vâng, phải sống đức tin. Và, sống đức tin chính là “thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”. Đức Giê-su đã truyền dạy, như thế. (x.Mt 7, 21).
Kinh Thánh có ghi lại rất nhiều “ý-muốn-của-Cha-Thầy”. Và, những ý muốn đó, có thể ví như những chiếc cầu, những chiếc cầu giúp chúng ta vượt qua đại dương trần thế đầy cám dỗ, để bước vào Nước Trời, nơi không còn sự chết, nơi chúng ta được hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Chúng ta hãy nghe ý-muốn-của-Cha: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.
Chúng ta hãy nghe ý-muốn-của-Cha: “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 1, 2).
Ý-muốn-của-Cha là thế. Thế thì, cớ gì chúng ta không thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su “bán những gì anh có mà cho người nghèo”!
Cớ gì chúng ta không “bán bớt thời gian” của cá nhân mình, để dành cho gia đình, cho vợ (chồng), cho con cái!
Cớ gì chúng ta không bán-bớt-thời-gian của riêng mình, để dành cho công việc “thăm viếng”, thăm viếng trẻ em mồ côi, thăm viếng kẻ liệt, thăm viếng những người già neo đơn!
Đừng quên, làm những công việc đó, Đức Giê-su nói: “là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (x.Mt 25, 40).
Làm cho chính Đức Giê-su, chẳng phải là làm theo “ý muốn của Cha là Đấng ngự trên trời”, đó sao! Hãy nghe, lời Đức Giê-su phán hứa: “Chẳng hề có ai (làm theo ý muốn của Cha)… lại không nhận được sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (x.Mc 10, …30).
Lời Chúa đã phán hứa, là vậy. Vấn đề còn lại là quyết định của mỗi chúng ta. Hãy tự quyết định và hãy nhớ, nhớ rằng: muốn nhận được sự sống vĩnh cửu ở đời sau, thì đừng “bỏ đi”, như chàng thanh niên đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”.
Vâng, đừng bỏ đi – đừng bỏ Chúa.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn