Đừng khước từ lời mời ân sủng…

Thứ sáu - 13/10/2023 19:33 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   332
Thánh Mát-thêu, một trong số mười hai môn đệ, đã ghi lại dụ ngôn này với tiêu đề: “Dụ ngôn tiệc cưới.”

Chúa Nhật XXVIII – TN – A
Đừng khước từ lời mời ân sủng…

tbd 141023a


Kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội mất hết ơn lành, theo lời Kinh Thánh ghi lại, thì “sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất”. Không để cho sự gian ác tồn tại và phát triển, Thiên Chúa đã đoán phạt con người bằng một trận hồng thủy. (x.St 6, 5-7).

Thế nhưng, “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta”, cho nên, Thiên Chúa đã ban cho con người một Đấng Cứu Thế.

Hơn hai ngàn năm xa trước đó, Đấng Cứu Thế đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa (con người)”. Ngài chính là Giê-su người Na-da-rét. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng.

Một ngày nọ, trong một lần đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3, 16-18).

Hồi ấy, đã có kẻ “không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” Họ từ chối “lời mời ân sủng” của Thiên Chúa. Và tất nhiên, Đức Giê-su có lời lên án. Đã có lần Ngài trực tiếp nói họ là những kẻ cứng lòng tin. Và có lần Ngài dùng dụ ngôn như một cách nói lời lên án của mình. Thánh Mát-thêu, một trong số mười hai môn đệ, đã ghi lại dụ ngôn này với tiêu đề: “Dụ ngôn tiệc cưới.”

**
Dụ ngôn được kể, rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Vâng, tiệc cưới do một ông vua làm chủ tiệc, chắc hẳn sẽ là vinh dự cho những ai được mời! Đúng vậy. Rất, rất vinh dự.

Ấy thế mà, khi “nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.”

Không nản lòng, “nhà vua lại sai các đầy tớ khác đi và dặn họ: Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới.”

Than ôi! lần mời thứ hai, cũng chẳng có ai tham dự. Chuyện kể rằng: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại còn bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn…” Tệ hơn nữa, có “những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.”

Hai lần bị từ chối, đầy tớ bị hành hung đến chết, chuyện kể tiếp rằng: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng.”

Rồi khi những rắc rối đã được loại bỏ, nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ng đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”.

Các người đầy tớ đã đi. Họ “đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại…” Cuối cùng, “Phòng tiệc cưới đầy thực khách”.

***
Tưởng chúng ta nên biết, cái cách ông chủ sai đầy tớ đi mời quan khách diễn tả trong dụ ngôn chính là phong tục của người Do Thái, thời đó. Đối với những bữa tiệc quan trọng như tiệc cưới, thiệp mời luôn được gởi đi trước, và thời gian đãi tiệc không được xác định rõ, cho đến khi mọi việc đã xong, chủ bữa tiệc mới sai đầy tớ đi mời lần cuối cùng. Đó là lý do, qua dụ ngôn, chúng ta đọc được đoạn văn ghi rằng: “đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước”.

Bây giờ, chúng ta cùng trở lại câu chuyện dụ ngôn. Vâng, qua câu chuyện dụ ngôn, Đức Giê-su muốn nói đến một sự thật phũ phàng, rằng: “quan khách đã được mời trước” nhưng lại từ chối không đến, chính là những người Do Thái, tiêu biểu là nhóm Pha-ri-sêu, các thầy thông luật, v.v…

Xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn họ làm dân riêng của Người. Nay, khi Con Thiên Chúa đến thế gian, họ được mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, tiếc thay! họ đã khinh d, đã từ chối lời mời đó.

Khi Con Thiên Chúa là Đức Giê-su tuyên bố: “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” Họ, “Người Do Thái liền xầm xì phản đối.” Mô tả sự kiện bi thương này, tông đồ Gio-an viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (x.Ga 1, 11).

Và, kết quả là Thiên Chúa (ông chủ tiệc cưới) chuyển lời mời gọi đến với tất cả mọi người, “bất luận tốt xấu”, trong số người đó, có chúng ta.

Có-chúng-ta. ĐTC Phan-xi-cô khẳng định như thế. Và, đó là lý do ngài Phan-xi-cô có lời chia sẻ đáng ghi nhớ, rằng: “Chúa cũng gọi những người xấu. Tôi có thể nói: ‘Không, tôi xấu lắm, tôi đã làm nhiều điều...’. Không. Ngài gọi bạn: ‘Đến, hãy đến, cứ đến!’. Chúa Giêsu đã dùng bữa với những người thu thuế, họ là những người tội lỗi công khai, ở đó, họ là những người xấu… Chúa Giê-su, Thiên Chúa không sợ những thương tích trong tâm hồn của chúng ta bởi nhiều điều xấu, vì Ngài yêu chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta.” (nguồn: internet).

Vâng, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta, lời mời ân sủng. Nhưng thật đáng tiếc! Tiếc vì những lý do quan khách trong dụ ngôn đưa ra để khước từ dự tiệc rất có thể cũng là lý do của chúng ta, hôm nay.

Đó không hẳn là những lý do xấu. Chúng ta phải đi làm. Chúng ta bận buôn bán. Chúng ta còn đó một gia đình cần cơm ăn áo mặc, v.v… Thật “đáng yêu” khi chúng ta không khước từ lời mời để đi bar, để đi đến vũ trường, để nhậu nhẹt say sưa, hoặc để làm những việc bất nhân, thất đức.

Nhưng, rất có thể vì những lý do tưởng như là hợp lý (nêu trên) khiến chúng ta dễ bận rộn với những “điều tạm bợ chóng qua” mà quên đi những điều đem lại “sự sống đời đời.” Do vậy, đừng quá chú trọng vào những lời mời gọi của thế gian mà hãy lắng nghe tiếng mời gọi dịu dàng của Đức Giê-su: “Hãy đến cùng Ta… hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (x.Mt 11, 28).

Thế nên, thật ý nghĩa cho việc chúng ta cùng nghe lời chia sẻ của một vị truyền giáo, lời chia sẻ, rằng: “Thảm kịch của đời sống chính là những cái tốt thường làm hỏng điều tốt nhất. Người ta có thể quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho cuộc đời mình, quá bận rộn với việc tổ chức và quản trị đời sống mà quên đi chính đời sống.” (nguồn: internet). Tất nhiên, chúng ta nên hiểu, đời sống ở đây chính là “đời sống đức tin”.

Trong dụ ngôn, Đức Giê-su còn nói đến hình phạt dành cho những ai khước từ lời mời dự tiệc. Vâng, đừng xem đó như là một sự dọa dẫm, nhưng hãy xem như một lời “cảnh báo”, cảnh báo rằng, nếu khước từ, chúng ta sẽ có một sự mất mát lớn.

Sự mất mát lớn, đó là mất niềm vui của tiệc cưới, “một bữa tiệc cưới Thiên Đàng”, nơi chúng ta sẽ được đồng bàn với Đức Giê-su, với Cha Ngài, với Chúa Thánh Thần.

****
Trở về với thực tại cuộc sống hôm nay. Hôm nay, Đức Giê-su chính là người “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách”. Đầy tớ của Ngài là những vị Giám Mục, là những vị linh mục. Các quan khách là chính chúng ta.

Những vị đầy tớ Giám Mục, đầy tớ linh mục sẽ “thỉnh” chúng ta đến tham dự “Bữa Tiệc Thánh Thể”. Các vị đầy tớ này sẽ nói, rằng: “Này cỗ bàn đã xong…” Và rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian: Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Chúng ta sẽ đến tham dự! Hay chúng ta sẽ khước từ! Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta tham dự, đừng quên “mặc y phục lễ cưới”.

Tại sao lại đừng quên? Thưa, là bởi, trong câu chuyện dụ ngôn, khi “quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới”, nhà vua mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? Người ấy câm miệng không nói được gì.” Kết quả, kết quả thật khủng khiếp. Người “không mặc y phục lễ cưới”, bị những người phục dịch, “trói chân tay… quăng ra chỗ tối tăm… ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Kính thưa quý vị. Quý vị có kinh ngạc và khó hiểu về điều này! Nếu có… vâng, nếu có, chúng ta hãy cùng nghe ĐTC Phan-xi-cô, trong một buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, đã có lời chia sẻ, rằng: “Chúa đặt ra một điều kiện: mặc áo cưới. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện dụ ngôn. Khi phòng đã chật kín, nhà vua đi vào và chào đón những vị khách của giờ cuối, nhưng ông thấy một trong số họ không mặc y phục lễ cưới, loại áo mà mỗi khách được nhận như một món quà ở lối vào. Khi họ đến, họ ăn mặc thế nào, họ không ăn mặc kiểu lễ hội.

Nhưng họ được tặng một loại áo choàng ở lối vào, một món quà, một món quà miễn phí. Và người không mặc y phục là vì đã từ chối món quà, món quà miễn phí đó, đã tự mình loại trừ chính mình: vậy nhà vua không thể làm gì khác hơn là đuổi người ấy ra bên ngoài. Tại sao vậy? Bởi vì anh ấy không chấp nhận món quà. Bởi vì lời mời gọi của Chúa Giêsu, lời mời gọi của Thiên Chúa là một món quà. Là một ân sủng.”

Nếu xưa kia, khi tham dự tiệc cưới, Chúa đặt điều kiện: phải mặc y phục lễ cưới, thì hôm nay, khi tham dự Bữa Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su, qua môi miệng thánh Phao-lô, Ngài cũng đặt điều kiện, điều kiện rằng: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này… Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (x.1Cor 11, 27-29). Nên chăng, gọi điều kiện này là y-phục-lễ-cưới của chúng ta, hôm nay!

Trở lại buổi đọc Kinh Truyền Tin của ĐTC Phan-xi-cô với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Hôm ấy, ĐTC có lời dạy rằng: “Y phục lễ cưới - chiếc áo choàng này, là một món quà - tượng trưng cho lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không, miễn phí. Đó là ân sủng. Lời mời của Chúa, ngay cả việc Chúa đưa bạn đến dự tiệc, cũng là một ân sủng. Không có ân sủng, bạn không thể tiến một bước trong đời sống Kitô hữu. Tất cả đều là ân sủng.”

Vâng, tất cả đều là lời mời ân sủng. Được tham dự Bữa-Tiệc-Thánh-Thể là ân sủng Chúa ban. Ân sủng Chúa ban cho chúng ta, đó là “sẽ được sống muôn đời” (x.Ga 6, …58).

Do vậy, “đừng khước từ lời mời ân sủng.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây