Giá trị của Ki-tô hữu là từ bỏ mình

Thứ bảy - 01/07/2023 04:30 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   274
“Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.

Chúa Nhật XIII – TN – A
Giá trị của Ki-tô hữu là từ bỏ mình

 

Tin và đi theo Đức Giê-su là một sự thách thức. Sự thách thức đầu tiên, gói gọn trong năm chữ “phải từ bỏ chính mình”. Nhóm Mười Hai môn đệ xưa, chính là những người tiên phong cho sự thách thức này.

Với hai anh em An-rê và Phê-rô, khi đáp lời mời gọi đi theo Đức Giê-su, chuyện kể rằng: “hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” Còn với hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an ư! Thưa, “các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” Nói không sợ sai, bốn người môn đệ này đã “ra đi không vương thê nhi”.

Phần thánh Mát-thêu, cũng không là ngoại lệ. Kinh Thánh ghi lại rằng: “Đức Giê-su đi ngang trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi. Ông đứng dậy (tất nhiên là bỏ hết mọi sự đang có) đi theo Người.”

Vâng, có thể nói, mười hai người đi theo Đức Giê-su, tuy khác nhau về thân thế sự nghiệp, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là khi đáp lời mời gọi của Thầy Giê-su họ đã bỏ hết, bỏ hết mọi sự, và đi theo Ngài.

**
Thật ra, Đức Giê-su không đặt ra thách thức nào cả. Có chăng, những điều Ngài đặt ra chẳng qua chỉ là những tiêu chuẩn, những tiêu chuẩn người môn đệ của Ngài phải thực hiện.

Tiêu chuẩn người môn đệ của Ngài phải thực hiện, là gì? Thưa, như đã nói ở trên, thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: từ-bỏ-chính-mình. Vâng, Đức Giê-su đã có lời tuyên bố: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Có một ai đó đã nói: “Chẳng ai có thể đi một lúc hai con đường. Cuộc sống luôn đặt con người trước những lựa chọn, mà chọn là từ bỏ.” Quan điểm của Đức Giê-su cũng là thế.

Một ngày nọ, có một chàng thanh niên thuộc loại “con nhà giàu”, anh ta tìm đến Đức Giê-su và xin đi theo Ngài. Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với anh ta rằng: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Thật đáng tiếc, khi nghe lời truyền dạy đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi… vì anh ta có nhiều của cải” (x.Mc 10, 22).

Một người khác muốn đi theo Ngài, nhưng lại “xin phép về chôn cất cha con trước đã”, Đức Giê-su có lời bảo ban, rằng: “Anh hãy đi theo tôi. Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”.

Đúng, cuộc đời thì luôn có những vui buồn, những vui buồn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thế nhưng, một khi muốn đi theo Đức Giê-su, đừng xem đó như là lý do cho sự trì hoãn quyết định của mình.

Riêng với nhóm các môn đệ, Đức Giê-su có lời truyền dạy mạnh mẽ hơn. Ngài truyền dạy rằng: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.

Những lời truyền dạy của Đức Giê-su là thế đó. Thế nhưng, đừng nghĩ rằng đó là một sự đòi hỏi “quá đáng”. Và cũng đừng cho rằng lời truyền dạy này mâu thuẫn với điều răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ”.

Cách nói của Đức Giê-su chỉ là cách nói quyết liệt mà người Do Thái thường dùng. Văn chương Cựu ước (của Do Thái giáo) không có kiểu nói so sánh “hơn hay kém”. Đức Giêsu, khi nói như thế, Ngài muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một chọn lựa.

Muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải đặt Ngài lên hàng ưu tiên số một trong bậc thang giá trị của con người. Và, đó chính là lý do Đức Giê-su truyền dạy những người môn đệ của mình, rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.

Như đã nói ở trên chọn-là-từ-bỏ. Đừng nghĩ rằng đây là một việc làm quá khó. Đó là quy luật “để sống và lớn lên”. Một, một tác giả vô danh đã có lời chia sẻ: “Thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm. Ðứa bé chẳng thể nào trưởng thành, nếu nó sống mãi bằng sữa mẹ. Từ bỏ thường là những cắt đứt đau đớn, như mổ một khối u.”

Quá đúng và còn hơn thế nữa. Từ bỏ không chỉ là quy luật để sống và lớn lên nhưng còn là phương cách đem đến cho mọi người niềm vui và hạnh phúc.

Thì đây! Nếu chúng ta từ bỏ thói ích kỷ, chẳng phải là chúng ta đem đến cho mọi người niềm vui và hạnh phúc về một tình yêu thương bất tận của chúng ta, đó sao! Đó chỉ là một sự từ bỏ điển hình trong muôn vàn điều chúng ta cần từ bỏ.

***
Không chỉ nói đến việc phải “từ bỏ mình”, Đức Giê-su còn kêu gọi người môn đệ cần có lòng hiếu khách.

“Lòng hiếu khách”, Lm. Charles E.Miller gọi đó là “một dạng nhân nghĩa cao đẹp, đôi lúc phát xuất từ những căn do đáng kinh ngạc nhưng mang lại kết quả bất ngờ.” Câu chuyện người phụ nữ Su-nêm như một điển hình cho lời nhận định nêu trên.

Vâng, chúng ta hãy nghe ngài Lm.Charles kể câu chuyện này (được ghi trong sách các vua quyển 2): “Người phụ nữ Su-nêm không phải là dân Israel. Tuy dân Su-nêm thường coi rẻ bất cứ người Israel nào vì coi họ là ngoại kiều, bà nhìn nhận ông Ê-li-sa là một ‘thánh nhân của Thiên Chúa’. Bà thuyết phục chồng cho ngôn sứ tá túc. E-li-sa chấp nhận hành vi hiếu khách này, vốn bắt nguồn từ một căn do đáng kinh ngạc. Và phần thưởng bất ngờ cho người phụ nữ là trong vòng một năm, bà sinh hạ đứa con trai mà ông bà từ lâu hằng mơ ước.”

Tưởng chúng ta cũng nên biết, “bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già”. và để “nên làm gì cho bà ấy” khi bà ấy “quá lo lắng bận rộn” cho ngôn sứ Ê-li-sa. Thế nên, ông Ê-li-sa đã cầu xin cho bà rằng: “vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai” (x. 2V 4, 8-11). Lời cầu xin của ngôn sứ E-li-sa đã thành sự.

Đó là chuyện xảy ra thời Cựu Ước. Còn hôm nay, thì sao! Thưa, hôm nay Đức Giê-su khẳng định: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” (x.Mt 10, 40-41).

Thế nên, đừng sợ khi phải tỏ-lòng-hiếu-khách. Nếu không tỏ lòng hiếu khách, có nguy cơ chúng ta sẽ bị “giằng co ray rứt suốt đời”.

Do vậy, đừng phớt lờ điều Đức Giê-su phán dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Xưa, người phụ nữ Su-nêm, nhờ tỏ lòng hiếu khách với một “thánh nhân của Thiên Chúa”, phần thưởng dành cho bà là “một con trai, đứa con bởi thịt máu của bà.”

Nay, khi tỏ lòng hiếu khách “với nhau”, phần thưởng của chúng ta là… là gì nhỉ! Thưa, Lm.Charles nói: “Chúng ta cũng lãnh nhận một con trai, không phải đứa con trai bởi thịt máu mình, mà là người Con Hằng Hữu của Thiên Chúa là Cha. Vươn ra với tha nhân, đó là chúng ta vươn ra với chính Đức Ki-tô.”

Ngài Charles còn có lời chia sẻ rằng “Là người Công Giáo, chúng ta tin Đức Giê-su Ki-tô hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể… Chúng ta còn phải xác tín mãnh liệt rằng: Người còn hiện diện trong những con người: khi phục vụ tha nhân, đó là ta phụng sự Người, ngoảnh mặt làm ngơ với người khác, đó là ta phớt lờ Người”.

Giáo Hội có lời dạy rằng: “Thứ nhất: cho kẻ đói ăn. Thứ hai: cho kẻ khát uống. Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.”

Đừng, đừng quên, Đức Giê-su cũng đã có lời phán truyền: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (x.Mt 25, 39).

Vâng, từ bỏ chính mình là điều người môn đệ của Đức Giê-su phải yêu quý và thực hiện. Bởi đó là “cách chúng ta biểu lộ đúng đắn đức tin của mình”. Lm.Charles khuyên chúng ta như thế.

Nói cách khác, “giá trị của Ki-tô hữu là từ bỏ chính mình.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây