Không ai trên đời này sống mãi mà không chết đi. Cái chết đi ấy có những gì để sinh nhiều hạt khác hay không, tùy theo cách sống mỗi người. Cuộc sống có kết thúc là điểm kết công bằng cho mọi người. Có hạt chết đi trổ sinh những mầm non khác. Có hạt chết đi và thối rữa luôn, không sinh gì thêm được.
Suy nghĩ về cái chết có thể dẫn đến những thái độ tiêu cực. Sống buông thả, bất cần vì nghĩ đàng nào cũng chết. Chỉ có điều khi đã suy sụp, bệnh đau nằm nhìn trần nhà mới hối tiếc, sao đã hoang phí một thời gian dài ăn chơi. Bạn bè ban đầu còn đến, lâu ngày cũng chỉ còn một mình với những lọ thuốc, chai nước biển, nằm ngấp ngoái.
Ngay như ông Gióp, sống đàng hoàng, tử tế, ngay thẳng, liêm chính. Khi sa cơ, bạn bè cũng chế giễu, khinh bỉ: “Đến bao giờ các anh còn hành hạ tôi, còn dùng lời lẽ mà đay nghiến? Các anh nhục mạ tôi đến cả chục lần rồi, ăn nói cộc cằn với tôi mà không biết xấu hổ!” (Giop 19, 2 – 3).
Suy nghĩ về cái chết cũng đừng sống vội, ai rồi cũng tới đó. Sống vui tươi, làm việc, thư giãn, bồi bổ thể lý, tinh thần, tâm linh mỗi ngày. Biết buông bỏ, tập chết đi từng ngày những tính toán ích kỷ, buồn giận, lo âu, muộn phiền. Vui cũng sống, buồn cũng phải sống. Dù ở nghịch cảnh nào ông Giop vẫn luôn kiên vững: “Tôi vững bước theo đường công chính, không rời bỏ, lòng tôi không xấu hổ thẹn thùng về bất cứ ngày nào trong đời tôi.” (Giop 27, 6). Buông bỏ tất cả những lời thi phi, sống niềm tin vào Chúa, không hổ thẹn về chính mình. Thật sự là cuộc đời gương mẫu!
Và thời đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời con người là những lúc sống để chờ chết. Khi thì bị bỏ rơi, khi thì bệnh không thể chữa khỏi, khi thì tuổi già cao niên. Biết bao đợi chờ trong khắc khoải, phiền hà con cháu, hơi hám mùi bệnh nhân, sống đời thực vật... Đau khổ này, chỉ xin Chúa mau cất đi, nhận cho như đã cùng đường nỗi đau khổ thập giá. Không thể hiểu hết ý nghĩa của đau khổ này và cũng rất khó để đón nhận sự thối rữa trong thân xác còn sống. Giai đoạn thụ động, từ những việc cá nhân nhất cũng không tự làm cho mình được nữa, chờ người khác giúp mình. Trước đây mình có thể giúp người này, người kia, việc nặng, việc nhẹ, không hề chi. Giờ đây chẳng làm gì cho mình được gì nữa! Một người đã bị lấy mất hết, chẳng gì còn gì, ngoài sự sống lay lất. Đau đớn, hèn mọn, nhỏ bé vô cùng. Chỉ mong Người cất đi!
Giáo hội mời gọi chăm sóc bệnh nhân trong những lúc cùng cực đau thương là điều cần thiết. Giảm đau đớn tinh thần và thể xác, là việc bác ái cao cả. Giáo hội không cho phép những hình thức an tử, trợ tử, kết thúc nhanh sự sống, không thể qua khỏi bằng thuốc hay ngưng cung cấp nước, thực phẩm. Hết thuốc chữa, nhưng không thể bỏ qua việc chăm sóc.
Hạt lúa chết đi, thối đi! ở giai đoạn cuối chuyển sinh, đau thương, nhục nhã, chẳng còn gì, tất cả chỉ là chờ đợi. Xin Người là tất cả của con và xin Người nhận cho một cuộc đời kết thúc!
Lm Giuse Hoàng Kim Toan