Hãy đi và cũng hãy làm như vậy

Thứ sáu - 08/07/2022 19:06 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   618
“Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10, 25).
Hãy đi và cũng hãy làm như vậy

Chúa Nhật – XV – TN – C

Hãy đi và cũng hãy làm như vậy

Cứu giúp hay còn gọi là giúp đỡ, là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của con người. Gọi là thiết yếu bởi nếu không có sự cứu giúp hay giúp đỡ thì sẽ chẳng có ai được cứu giúp, được giúp đỡ trong những khi gặp hoạn nạn, tai ương.

Sự cứu giúp, sự giúp đỡ là cách biểu lộ tình yêu thương đối với tha nhân, tuyệt hảo nhất. Chỉ tiếc rằng, ngày nay việc cứu giúp, việc giúp đỡ đã bị một số người lạm dụng.

Người ta lạm dụng trong việc quyên góp. Người ta lạm dụng trong việc phân phát. Và rất nhiều kiểu lạm dụng khác, không tiện nêu ở đây. Tại sao lại có chuyện xấu xa này? Thưa, nói không sợ sai, đó là do bởi con người đã làm mất đi “tình người”. Và, nói theo cách nói của người Roma ngày xưa, đó là bởi “Con người đối xử với nhau chẳng khác gì chó sói”.

Mà, thật vậy. Cứ nhìn vào cuộc chiến giữa Russia & Ukraine trong mấy tháng vừa qua, nếu là một người có lương tâm, không ai có thể phủ nhận rằng, cuộc chiến đó chẳng khác nào một cuộc chiến giữa “chiên và bầy sói”.

Là một Ki-tô hữu, “tình người” như là điều kiện ắt có và đủ để thiên hạ nhận biết người đó là môn đệ Đức Ki-tô. Thánh Gio-an tông đồ có lời truyền dạy, rằng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).

Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su cũng đã có nhiều lời truyền dạy nói về tình người. Một trong những bài học được Đức Giê-su truyền dạy, và đã được Ngài diễn giải bằng một dụ ngôn, không chỉ tác động đến những người cùng thời, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến với những con người ngày nay. Dụ ngôn đó mang tên “Người Samari tốt lành” và đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 10, 25-37).

**

Vâng, dụ ngôn được kể rằng: Một hôm, có người thông luật kia hỏi Đức Giêsu một câu hỏi, rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10, 25).

Đây không phải là lần đầu tiên có người tìm đến Đức Giêsu để hỏi Ngài một câu hỏi với nội dung như thế. Trước đây, cũng đã có một chàng thanh niên giàu có đến với Đức Giêsu, cũng với ý ngay lành nêu trên.

Với chàng thanh niên giàu có, Đức Giêsu đã dặt ra một số câu hỏi và sau đó đưa ra những lời khuyên, để nhờ đó, anh ta có thể đón nhận được điều anh ta muốn có. Câu hỏi Đức Giê-su đã hỏi, đó là: “Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ.”

Người thanh niên, hôm đó, đã trả lời rằng: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Tốt! Vâng, rất tốt và đó là lý do “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.

Trong tâm tình “yêu mến” Đức Giê-su đã gửi đến chàng thanh niên một lời khuyên bảo: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh ta có mà cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời…”

Một-kho-tàng-trên-trời chẳng phải là “sự sống đời đời” đó sao! Ấy thế mà, anh ta lại “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Vâng, bỏ đi chỉ vì “anh ta có nhiều của cải.”

Trở lại với người thông luật. Với người này, Đức Giê-su đưa ra một câu hỏi, nội dung cũng chẳng khác gì câu hỏi đã đặt ra cho chàng thanh niên (nêu trên), câu hỏi rằng: “Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

Ông-đọc-thế-nào, thưa thầy thông luật? Vâng, thầy thông luật chính là người am hiểu rành rẽ luật. Những điều luật, được ghi trong ngũ thư là những cuốn sách nói rất rõ về Mười Điều Răn, về lề luật, về lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời, ông ta rành “sáu câu”. Thế nên, khi Đức Giê-su đặt câu hỏi, ông ta dư biết phải trả lời như thế nào.

Thật vậy, sau khi nghe câu hỏi của Đức Giêsu, vị thông luật đã trả lời “ngọt sớt”, rằng “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Trời, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.

Vâng, mọi sự tưởng chừng như chấm hết khi Đức Giê-su nói với ông ta rằng: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Thế nhưng, ông thầy thông luật này không chịu dừng ở đó. Không dừng ở đó vì thánh sử Luca cho biết việc ông ta hỏi Đức Giê-su là “để thử Người”.

Để-thử-Người, và để “muốn chứng tỏ là mình có lý, nên ông ta thưa cùng Đức Giê-su rằng: Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Ai! Ai là người thân cận của tôi? Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Đức Giêsu, một lần nữa, Ngài đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn cho đến ngày nay, giới luật pháp quốc tế đã biến nó thành một đạo luật mang tên “luật người Samari nhân hậu”.

Đây là một đạo luật rất cũ, nhưng thiết tưởng chúng ta cũng cần biết, qua phần chia sẻ của Lm. Jude Siciliano, OP, trong một bài giảng về chủ đề người Samari nhân hậu. Ngài linh mục chia sẻ, rằng: “Trong thế giới luật pháp, có ‘luật người Samari nhân hậu’, luật này yêu cầu bảo vệ hợp pháp với những ai giúp đỡ chính đáng cho người khác khi người đó bị thương tích, đau yếu hoặc trong những tình cảnh hiểm nghèo. Luật người Samari nhân hậu này nhằm khuyến khích người khác trợ giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn”.

Trở lại với dụ ngôn “người Samari nhân hậu”. Dụ ngôn được Đức Giê-su kể như sau: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô…” Vâng, nói tới Giê-ri-cô, tưởng chúng ta nên biết, địa danh này còn được gọi là “thành phố chà là – the city of palm trees”. Với bóng chà là xanh tươi, tô điểm phố phường, rừng chà là trù phú, nặng trĩu trái đẹp mắt, dễ nhìn.

Thế nhưng, hôm ấy, hôm người-kia-xuống-Giê-ri-cô thì xảy ra chuyện chẳng đẹp mắt, chẳng dễ nhìn, gì cả! Chuyện chẳng đẹp mắt, đó là người ấy bị “rơi vào tay kẻ cướp”. Chuyện chẳng dễ nhìn, đó là người ấy bị “lột sạch”, bị “đánh nhừ tử”.

Đánh xong, bọn cướp “bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.” Tệ quá, phải không, thưa quý vị! Vâng, rất tệ!

Thế nhưng, chuyện còn tệ hơn thế, đó là: “tình cờ có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy (và) trông thấy người này…” Trông thấy nhưng ngài tư tế lại “quăng cục lơ”. Chuyện kể rằng: “ông tránh qua bên kia mà đi”.

Ông tư tế vừa tránh-qua-bên-kia-mà-đi, thì có “một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy…” Ông Lê-vi có thấy nạn nhân không! Thưa, thánh sử Luca cho biết: ông Lê-vi “cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi”.

Vâng, nói theo cách nói của chúng ta hôm nay, thầy Lê-vi ca bài “gặp nhau làm ngơ… nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ… ơơơ!”

Câu chuyện chưa chấm hết ở đây. Nếu chấm hết thì lấy đâu ra bài học… bài học về “tình người”!

Dụ ngôn được Đức Giê-su kể tiếp rằng: “Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy (nạn nhân), cũng thấy và chạnh lòng thương…”

Ông Samari chạnh lòng thương ư! Đúng vậy. Trong một buổi chiều lộng gió, con tim ông ta văng vẳng “tiếng ân tình (lẫn) tiếng cầu kinh”. Và, tiếng ân tình đã chìm ngập con tim ông ta. Tiếng ân tình đã thúc đẩy ông ta “Lại gần (nạn nhân), lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.”

Chưa hết, hôm sau, chàng Samari còn “lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, chính tôi sẽ hoàn trả lại bác” (x.Lc 10, 35).

Chính ông Samari sẽ hoàn trả… Ông thầy thông luật nghe rất rõ từng chi tiết trong dụ ngôn này. Và, đó là lý do sau khi Đức Giê-su hỏi ông thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Thầy thông luật đã không ngần ngại trả lời rằng “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.

Đúng, chính là ông Samari. Trả lời theo cách của người “Sè-goòng” xưa, đó là: “người đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp chính là kẻ đã ‘chơi hết bóp’ đối với người ấy.”

***

Qua “dụ ngôn người Samari nhân hậu” Đức Giê-su không chỉ gửi đến thầy thông luật một “đáp án” cho câu hỏi “ai là người thân cận của tôi” mà còn để lại nơi ông ta một quan niệm mới về “tình người”.

Đối với thầy thông luật cũng như toàn thể người Do Thái, họ quan niệm rằng “người thân cận” chính là người đồng đạo, đồng hương và đồng chủng tộc. Nhưng với Đức Giê-su, người thân cận (của nạn nhân), chính là người Samari. Và, ngược lại, người thân cận, (của người Samari), chính là nạn nhân. Không ai quen ai cả, nhưng cả hai đều có thể là người-thân-cận của nhau.

“Bất cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta đều là người thân cận. Nếu có lòng cảm thương trong con tim, bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai đang cần sự trợ giúp”. Vâng, đó là lời ĐTC Phan-xi-cô đã nói. Ngài Phan-xi-cô đã nói lên điều này khá lâu, nhưng thiết tưởng lời nói này vẫn còn tính thời sự đối với mỗi chúng ta, hôm nay.

Không còn tính thời sự sao được, khi mà hôm nay chung quanh chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu người “ngồi quanh đây trán in vết nhăn”. Họ nhăn nhó không chỉ vì đói ăn, thiếu mặc, mà còn vì “đói lời Thiên Chúa”. Họ chẳng phải là “những người cần sự trợ giúp của chúng ta” đó sao!

Không ai bắt buộc chúng ta phải trở thành nhân vật người Samari trong câu chuyện dụ ngôn. Thế nhưng, chính lúc chúng ta “trở thành”, chính lúc đó chúng ta mới có thể được gọi là môn đệ Đức Ki-tô.

Đừng ngại ngùng “đi cùng con đường của người Samari nhân hậu”. Đó… đó là lời khuyên của ĐTC Phan-xi-cô trong bài giáo huấn nói về dụ ngôn người Samari nhân hậu.

Thế nên, đừng vội vàng “tránh qua bên kia mà đi” khi chúng ta trông thấy những ai (nạn nhân) đang phải sống trong cảnh u sầu, vì biết đâu, sự hiện diện của chúng ta sẽ đem lại cho họ niềm vui! Đừng vội vàng “tránh qua bên kia mà đi” khi chúng ta trông thấy những ai (nạn nhân) đang sống trong nỗi buồn thất vọng. Vì biết đâu, sự hiện diện của chúng ta sẽ làm cho họ có được niềm cậy trông!

Vâng, trở thành người Samari nhân hậu, rất có thể chúng ta sẽ phải cho… “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng có bao nhiêu”. Đúng, nhận chẳng có bao nhiêu. Thế nhưng, chính việc nhận chẳng có bao nhiêu lại là điều phước hạnh đúng như lời Kinh Thánh dạy: “Cho có phúc hơn nhận”. Phước hạnh đó là gì? Thưa, chúng ta được “vui sống muôn đời”.

Vui-sống-muôn-đời... có ai trong chúng ta lại không muốn như thế, nhỉ! Thế nên, ngay hôm nay, chúng ta hãy “đi cùng con đường của người Samari nhân hậu”. Nói theo cách nói của Đức Giê-su: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Petrus.tran

 Tags: tốt lành, Samari

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây