Lá thư người con thứ

Thứ bảy - 19/03/2022 04:11 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   625
Hình ảnh cha trong trái tim con hôm nay, mở ra cho con thấy tình yêu của cha.
Lá thư người con thứ

Lá thư người con thứ


 Cha kính mến!
Kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời là những kỷ niệm về cha, khi con đang ở nơi chuồng heo này. Có bao giờ cha kể những lao nhọc của cha. Cha là chỗ dựa cho con, cha đã đưa con vào cuộc đời, dẫn con qua những nẻo đường gian nan. Chưa một lần cha kể những sợi tóc bạc trên mái đầu cha và ai nhớ ai quên những ngày mình đã đi qua, đôi khi cha mờ nhạt trong kí ức con, bởi cuộc sống của con vội vã, ham chơi và sa đoạ.

Hình ảnh cha trong trái tim con hôm nay, mở ra cho con thấy tình yêu của cha. Người ta đối đãi con không bằng con heo trong chuồng, muốn ăn những thức ăn heo ăn mà không được ăn.

Con đòi chia gia tài ngay khi cha còn sống. Con biết rằng, đối với quan niệm chung của người Việt Nam, con muốn khai tử cha ngay khi cha còn sống. Cha là bầu trời, cha là mạch suối, cha không trách cứ con. Dòng sông có bao giờ hiểu nguồn suối tuôn chảy. Âm thầm lặng lẽ trong đau xót, cha cho con số tiền lớn hơn như con được hưởng. Con muốn lớn lên ngoài vòng tay của cha, cha chấp nhận tất cả, để con kinh nghiệm hơn về tình thương của cha. Cha không hề trách mắng con dầu chỉ một lời, mà con có biết đâu, lòng cha nhói đau, những khi con muốn nói không cần đến tình cha.

Thế rồi con lặng lẽ ra đi, không một lời tiễn biệt cùng cha, không một lần ngoái lại để thấy bóng cha đang lặng lẽ, ngẩn ngơ. Cha, bóng gầy lại gầy hơn vì niềm thương xót. Cha hẳn đã biết, rời khỏi vòng tay cha là cả một bể trời lo âu. Con đâu thể ngờ xa cha là cả một đại dương cám dỗ. Cha chấp nhận cho con tất cả để con lớn lên trong kinh nghiệm của con, để con đủ trưởng thành và tự lập.

Những ngày ở bên cha, con đâu thể biết nỗi buồn nơi cha, như lời sám hối của một người cha: “Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, nhìn đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn vuông sân chái bếp, con gà con chó, cây ổi cây xoài và những đứa con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ bươn trải kiếm tiền, con đâu biết gian nan cực nhọc lo toan, mệt nhọc và đôi khi mang cả những tức tối từ xưởng về nhà. Các con lánh cha những khi ấy và sự cách xa giữa cha con bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt ấy. Nhiều khi cha nghĩ tủi buồn, bên cạnh bà tiên hiền, cha trở thành lasat. Cha không muốn như vậy nhưng trời sinh ra vậy. Mẹ con chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Mẹ là tình cảm cha là lí trí. Dẫu sao cha cũng ân hận không biết tỏ tình thương của cha thế nào và cách nào với các con” (trích Bông hồng cho cha, Võ Hồng). Những lần cha buồn tủi với sự lạnh nhạt của con, với sự khó chịu của dâu của rể.

Chính tình yêu của cha, khi con ra đi rồi, con mới nghiệm thấy: Cuộc đời cũng cần có những bóng mát được che bằng cánh tay của mẹ của cha. Có những lần thất bại, thua cuộc trong đời, con nhận ra nỗi vất vả của cha, sự lam lũ của mẹ. Người ta thường nói: Đằng sau dấu chân chim là cả một đời mẹ gánh gạo nuôi con. Những dấu chân chim vẫn để lại trên cát cuộc đời con, khi con vất vả lo âu trong cuộc sống, khi con bận tâm sống khỏi những lường gạt, con mới hiểu giá trị của những dấu chân ấy.

Nếu con thành công ngay ở bước đầu, có lẽ con sẽ không hiểu được tình cha, nhưng con cám ơn tình trời đã cho con nếm mùi thất bại. Bao nhiêu tiền cha chia cho, con đã làm mất sạch. Có cuộc thua nào đau như thế nữa trong cuộc đời của con. Đằng sau sự khủng hoảng kinh tế là sự nghèo đói. Con không đủ can đảm đi làm người ăn xin, con cũng không đủ liều mạng để đi trộm cắp, cũng không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Chính tình yêu của cha, nhờ thấy được nghị lực của cha, con cần sống lương thiện bằng nghiệp chăn heo của con. Cái xấu không có ở trong cái nghề lương thiện, con muốn gầy dựng lại, dù chỉ trong việc làm lương thiện thấp kém nhất mà người ta dành cho con. Nhưng dễ thường người ta chấp nhận cho một sự bằng lòng ấy. Con muốn sống bằng bàn tay lao động của mình. Vẫn là khó, người ta không dễ dàng cho con một môi trường sống. Cho dù chỉ muốn được ăn những gì heo được ăn mà cũng không được. Đau xót không cho một thân phận làm người, khi người ta dám bỏ ra cả ngàn đồng để mua lấy con chó và trả lương cho người chăm sóc con chó vài trăm đồng, nhưng có dễ gì họ giúp nhau vài chục đồng để chia cho những kẻ bên vực nghèo đói đối diện với cái chết. Con người có thể mất hàng trăm ngàn cho việc tiêu diệt sự sống chứ không dám can đảm và cao thượng đón nhận sự sống là hồng ân.

Kinh nghiệm ở đáy của vực thẳm này, con mới hiểu được thế nào là mặt trái của cuộc đời. Nó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo, nó không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách, áo ôm và càng không phải là chỗ cho kẻ cô đơn thất thế,  tội lỗi, vấp ngã làm lại cuộc đời.

Với tất cả những gì con kinh nghiệm, chỉ còn một con đường trở về xin tha thứ và làm công cho cha, bởi vì dẫu sao đi nữa làm công cho cha vẫn còn có cái mà ăn. Tại sao con lại luôn nghĩ cái ăn  như thế, bây giờ con mới hiểu thân phận của những người nghèo khó, đến nhu cầu tối thiểu nhất của con người. Trước đây con khinh khi họ là những con người không nghĩ xa hơn cái bụng của mình, thực tế đã cho con một kinh nghiệm khác. Cái kinh nghiệm mà con đã mua được bằng cái giá thất bại của mình, để từ đây con thông cảm hơn với những người nghèo khó. Hãy cho họ những cơ hội tốt hơn để gầy dựng cuộc sống, chắc chắn họ sẽ là những công dân cần cù và hết tình yêu, trách nhiệm với công việc. 

Trên con đường trở về có biết bao nhiêu chuyện quẩn quanh trong đầu con như thế.
Trở về bên cha, để mong sống lại tình yêu đã hơn một lần con làm đổ vỡ. Cha có thể coi con như người làm công của cha, nhưng điều con tha thiết hơn cả, là xin cha tha thứ cho con tất cả. Con hy vọng vào tình thương của cha, bởi con biết rằng cha vẫn rộng tình tha thứ.

Từ đàng xa con đã thấy bóng cha đầu ngõ, con có biết đâu, từ ngày con khăn gói ra đi, từng chiều cha vẫn mong con về trước ngõ. Lòng con sao khỏi rộn ràng sau một lần vấp ngã, con lại gặp được chính tình yêu của cha lớn hơn cuộc đời của con. Những người cha trong các gia đình luôn nặng tình nghĩa như thế.  Con còn nhớ như in hôm nọ: Mẹ đi chợ mua trái cam về cho cha vì nhớ tới cha vất vả sớm hôm ngoài đồng, cha nghĩ tới con tuổi đang còn lớn, nên cần ăn hơn, con nghĩ tới mẹ, đã bạc mái đầu mà vẫn chưa một ngày được nghỉ ngơi. Mẹ thương con, dành lại cho con nụ cười thơ ấu. Trái cam đi hết một vòng rộng hơn trái đất.

Vừa về tới đầu ngõ, cha chạy lại ôm con, và hôn lấy hôn để, giọt nước mắt vừa mừng vừa khóc cho tội của con cứ tuôn chảy giàn giụa. Làm sao con có thể nói hết những câu con đã chuẩn bị sẵn, để xin cha tha thứ và coi con như người làm công. Vì con đã hiểu hơn hết tình yêu của cha. Con chỉ còn thưa: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa. Dường như trong vòng tay của cha, con lại được sống lại thời thơ ấu của con. Những lúc con làm cho cha buồn giận, con thường chạy vội lại nói với cha những câu đại loại như thế, nhưng lần này con nói thật lòng con hơn bao giờ hết, lời xin thứ  tha.

Nếu con có thể kể về cha được nhiều hơn nữa, con sẽ kể niềm vui mừng lớn nhất nơi cha: Đứa con đã mất và nay tìm thấy. Có bao giờ cha đánh mất con đâu, tất cả chỉ là lỗi tại con muốn chống lại tình yêu của cha. Cha cho con đôi cánh, cha cho con bầu trời. Và trong vùng trời tự do của cha, cha cho con tùy quyết định. Con đã sai lầm, bầu trời của cha là tình yêu vô hạn, con có muốn  bay xa hơn nữa vẫn là những giới hạn của đôi cánh bay mỏi mệt. Cha đón con về trong thất bại của con, mặc lại cho con những gì con đã đánh mất. Con đã lớn lên rất nhiều trong tình yêu của cha và trong kinh nghiệm cuộc đời.

Nếu có ra đi lần này, trong tim con chắc chắn mang theo hình bóng cha, con sẽ thành công bởi có tình yêu của cha trợ lực. Con sẽ hạnh phúc bởi lòng cha hằng yêu thương sẽ đi với con cùng trời cuối đất. Con sẽ thành công nhờ kinh nghiệm của cha và con sẽ minh chứng trong trần thế có một tình yêu mang tên gọi: Tình cha. Và trần thế có nhiều cơ hội hơn cho những kẻ cô đơn, nghèo đói, cùng khốn, đau khổ bởi có tình yêu hiện diện.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây