Linh đạo tu trên Đất Việt.

Thứ tư - 08/06/2022 06:55 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   451
Cuộc sống tu đi từ giản đơn của đời thường đến những chỗ rộng lượng từ bi, giống như loài tre trúc.
Linh đạo tu trên Đất Việt.

Linh đạo tu trên Đất Việt.

 
 
Bàng bạc hương kinh trong đời sống thường ngày, ở đâu cũng thoáng nghe tiếng chuông vọng lại với mùi hương nhang đọng lời nguyện cầu. Người Việt, do đó, không cần xuất giá vẫn có thể là đi tu, tu thân ngay tại nhà, tu thân giữa dòng đời, tu thân ngay giữa công việc của nhân sinh. Ai cũng cần tu để bớt dần cái xấu và đạt dần đến cao thượng.
Người dân dã quan niệm tu theo ba cấp bậc: Tu nhà, tu chợ, tu chùa. Theo thứ tự cấp bậc đó, người Việt quan niệm rằng tu nhà là thông thường phổ biến nhất, có thuận hoà trong gia đình mới thuận hoà với tha nhân. Tu nhà lấy việc hiếu kính làm chính. Tu chợ, “chợ” có nghĩa ở nơi buôn bán, cũng có nơi hiểu “chợ” là nơi kinh thành, đô thị. Tu “chợ”, như vậy là tu giữa đường đua tranh, giữa những nơi thật giả đan kẽ, giữa những bon chen tìm kiếm của cải, danh lợi, quyền thế. Tu chợ, vì thế rất khó, nhưng chính ví khó như vậy mới chính đáng là đường tu. Tu “chợ” lấy việc hiếu đễ làm chính, nghĩa là sống được tốt lành với người khác là tu. Sau hết mới là tu chùa, tu chùa theo sau những giai đoạn, tu nhà, tu chợ, là đường tu không phải tránh hết việc đời, hoặc hiểu sai lầm cách cơ bản: “Trốn việc quan đi ở chùa”; có những người trốn việc như thế thật, nhưng đó không phải là tất cả, người Phật giáo không giới hạn việc những người phát tâm vào nương náu nhà Phật. Ai cũng có thể tu, để chánh lại giác, chánh lại niệm…
 Con đường tu chùa cho nên có một ý nghĩa rất lớn, họ là những người đã từng trải qua những cuộc dâu bể, họ là những người biết cảm thông với sự khổ đau của nhân sinh, biết cảm thương với sự khốn khó, biết nhạy cảm với những ai thất vọng… Tu chùa vì thế, không còn phải là trốn việc quan, nhưng là để cảm thông nhiều hơn với những ai khốn khó, thất vọng trong cuộc đời. Chính vì lẽ ấy, trong những muộn phiền của đời sống, người ta hay tìm đến nhà Phật để tham vấn, để được cõi lòng từ bi của những bậc tu đại lượng rủ bóng. Người đi tu giống như khóm tre trúc che bóng giữa dòng cuộc đời dâu bể, để ai đó mệt mỏi vì đường xa, gánh nặng vì lao nhọc, buồn phiền vì cảm thấy cô đơn đều tìm thấy nơi nương tựa. Vì thế, tu mà thiếu lòng từ bi, thì thiếu nhiều lắm trong cuộc sống. 
Với thuyết của Hồng Phạm[1], người ta không phải đi tìm Đạo ở nơi xa, cũng chẳng tìm Đạo ở bên ngoài mà tìm Đạo ngay rất gần. Con đường muốn lên cao thì khởi đi từ chỗ thấp, như muốn đi xa khởi đi từ gần. Con đường lên cao vì thế không là quá cao đối với mọi người, con đường đi xa cũng không xa quá đối với mọi người. Ai cũng có thể đi, ai cũng có thể lên và cứ bước đi là là kéo xa lại gần, cứ lên từng nấc là cao hơn lên một chút.
Tu với người Việt là tu từ, có nghĩa là luyện đức từ bi, từ bi từ miếng nước, chỗ nghỉ chân cho khách dặm đường, vì thế có chum nước trước nhà, có ngôi đình để dừng chân. Tu không ở đâu xa, một miếng nước, một chỗ nghỉ chân, đâu đâu cũng có thể gặp thấy tấm lòng rộng mở ấy qua chum nước đầu hè, qua ngôi đình đầu làng, qua bờ tre trúc. Nếu lắng nghe tâm hồn Việt chẳng mất công tìm kiếm lắm cũng gặp thấy khung cảnh Tin Mừng ngày xưa Chúa Giêsu rao giảng: "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."[2].
Cuộc sống tu đi từ giản đơn của đời thường đến những chỗ rộng lượng từ bi, giống như loài tre trúc.
Theo cách lên cao, cứ thử nhìn từng đốt tre, cuộc sống là sự trải dần vượt qua những giai đoạn, từ thấp lên cao. Mỗi giai đoạn được ghi khắc một dấu, đường càng lên cao lại càng thanh thoát, bớt đi những vẩn đục, bớt đi những tỵ hiềm, bớt đi những ràng buộc. Người ta thường thấy từng đốt tre, mỗi khắc dấu đi lên là mỗi khắc dấu nhỏ lại, tu là quên mình, là chấp nhận bé đi, để kế thừa được lớn lên. Càng vươn lên càng thêm những cành lá, tranh thủ thêm diệp lục tố mà trao nhựa sống cho những tầng lớp kế thừa. Vừa lên cao lại vừa không xa cách, vừa toả bóng mà vừa không chiếm hữu cho mình. Đạo bất viễn nhân là thế, cho nên con đường tu là gạn đục khơi trong, là làm cho sức sống ngày càng thêm dồi dào.
Với con đường tu thênh thang, mỗi gia đình đều có những vị tư tế, không nơi nào mà nhiều tư tế đến thế. Cha mẹ cung kính dâng chén nước, nén hương, dĩa quả như những vị tư tế cung kính nhất. Lễ vật tuy mọn hèn nhưng đầm ấm tấm lòng của người dành cho gia tiên. P. Mus nhận xét: “người Việt không làm việc, họ tế tự”. Cuộc sống như một cuộc cử hành, đầy trang trọng uy nghi, một bên lòng thành một bên hiến tế. Những quang gánh nặng, những giọt mồ hôi, tất cả là như chắt chiu để dâng trên bàn thờ tiên tổ. Cuộc sống như vậy dù nghèo, đơn sơ, đạm bạc mà không khổ. Vẫn cứ êm ả sáng hương chiều lễ, như những dòng sông xuôi nước bên hàng tre rũ bóng.
Đi tìm hương lễ của dân Việt, người ta gặp được lòng trìu mến chân chất, như lòng thanh dịu mát của những hàng tre, khóm trúc, như lời kinh tự nhẹ nhàng gửi cho gió ngàn thương. Một lần đến và một đời lưu luyến, nhớ những con đường tâm linh đất Việt rợp bóng tre trúc.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây