Năm Thánh Giuse – NVMN 9.6.2021

Thứ năm - 10/06/2021 11:27 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1032
Năm Thánh Giuse đã đi được nửa chặng đường kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố (8.12.2020) để mọi người chạy đến với Ngài, khẩn cầu với Ngài, xin Ngài che chở, chuyển cầu hầu mong được thoát khỏi đại dịch Covid-19 kinh hoàng, và noi gương bắt chước những nhân đức của Ngài mà sống trọn thân phận lữ thứ giữa trần gian này
Năm Thánh Giuse – NVMN 9.6.2021

 

 
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4



NVMN 9.6.2021

 
Năm Thánh Giuse

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Năm Thánh Giuse đã đi được nửa chặng đường kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố (8.12.2020) để mọi người chạy đến với Ngài, khẩn cầu với Ngài, xin Ngài che chở, chuyển cầu hầu mong được thoát khỏi đại dịch Covid-19 kinh hoàng, và noi gương bắt chước những nhân đức của Ngài mà sống trọn thân phận lữ thứ giữa trần gian này.

Tìm hiểu đời sống của thánh Giuse để noi gương bắt chước các nhân đức của Ngài cũng là niềm vui của mỗi người.

 Thánh Kinh Cựu Ước cho chúng ta một khuôn mặt, có thể gọi là “tiên trưng” của thánh Giuse: tổ phụ Giuse. Ngoài việc cùng tên gọi, cuộc đời 2 vị có nhiều điểm tương đồng.

* Cùng chung tên gọi: Giuse (hay Yuse từ tiếng Ý: Giuseppe, tiếng Hy Lạp: Ἰωσήφ, từ tiếng Anh: Joseph) theo nguyên ngữ có nghĩa là “Thiên Chúa tăng thêm” (St 30,22-24), trong nguyên gốc Hípri là Yôsep viết tắt của Yêhôsep, ghép bởi hai từ “Yhw ” (Yahweh) và “ysp”. Tổ phụ Giuse được nhắc đến gần 200 lần trong Cựu Ước và 8 lần trong Tân Ước. Thân sinh của ông là Giacóp, cũng trùng tên như thân sinh của thánh Giuse (Mt 1,16). Thân mẫu là bà Rakhen, người mà ông Giacóp yêu mến và vất vả làm không công đến 14 năm để được cưới nàng làm vợ. Bà đã mất sau khi sinh Bengiamin trên đường về quê Bêlem (St 35,16-19).

* Những giấc mộng. Một điểm tương đồng khá nổi bật là cả hai đã nhận mạc khải qua những giấc mộng. Tổ phụ Giuse đã nhận được những giấc mộng báo trước sự nghiệp của mình như: những bó lúa cúi rạp trước mặt hay mặt trời, mặt trăng cùng những ngôi sao sụp lạy (St 37,5-9); ông cũng giải thích giấc mộng của quan chước tửu và quan ngự thiện (St 40,1-23), hay của vua Pharaô (St 41,1-33). Cả hai đã nắm bắt được những ý định của Thiên Chúa qua giấc mộng.

 * Ai cập. Tổ phụ Giuse đã bị anh em mưu toan ám hại và nếm cảnh lưu vong tại Ai cập (St 37,18-28). Thánh Giuse đưa Hài Nhi và Mẹ Người sang Ai cập để tránh cuộc tàn sát của vua Hêrôđê (Mt 2,13-16).

* Các vua. Thánh Giuse đưa Hài Nhi và Mẹ Người sang Ai cập vì vua Hêrôđê sợ bị tiếm quyền và trở về  khi vua đã băng hà (Mt 2,13-20). Tổ phụ Giuse tuy được lòng vua Pharaô, nhưng ông cũng biết trước khi vua này băng hà thì dân Ítraen sẽ bị áp bức và buộc phải rời bỏ Ai cập (Xh 1,8...).

* Công chính. Tổ phụ Giuse là người ngay chính, không chiều theo lời dụ dỗ (St 39,7-20). Thánh Giuse là người công chính và không muốn xúc phạm đến Đức Maria (x. Mt 1,18-25).

* Trách nhiệm. Tổ phụ Giuse được giao phó nhiều chức vụ quan trọng: quản lý ở nhà quan Pothiphar (St 39,4), quản đốc trại giam (St 39,22), quản đốc hoàng gia Pharaô và quản trị toàn xứ Ai cập (St 41,41-45). Thánh Giuse chịu trách nhiệm trông coi thánh gia tại Bê lêm, Ai cập, Nadarét (1).

Năm 1870, đức thánh cha Piô IX, qua sắc lệnh Quemadmodum Deus (8.12) tuyên bố thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Hội Thánh.

Lòng sùng kính và yêu mến thánh Giuse tại Việt nam được bắt nguồn từ những nhà truyền giáo đầu tiên. Cha Đắc Lộ tỏ bày: “Ngày 12 tháng 03 năm 1627, lễ Thánh Gregoriô, tôi và thầy Anton Marques xuống tàu tại Áo Môn (Macau / Ma cao) để sang Đàng Ngoài. Chúng tôi vượt biển, thuận buồm xuôi gió cho tới chiều ngày thứ bảy. Khi toan vào cửa, bỗng bão nổi lên với nhiều hình quái dị khiến mọi người kinh hãi. Nhưng qua hôm sau là lễ Thánh Giuse thì biển yên sóng lặng, hình quái gở đã biến đi, nên chúng tôi vào cửa bình an. Cửa ấy, dân địa phương gọi là cửa Bạng (Thanh Hoá), nhưng chúng tôi đặt tên là Cửa Thánh Giuse, hầu kính nhớ ơn Ngài đã phù hộ chúng tôi tới đó bình an”.

Đức cha Lambert de La Motte, giám mục tiên khởi Đàng Trong, trong chuyến thăm giáo đoàn Đàng Ngoài, ngài họp Công Đồng Đàng Ngoài tại Phố Hiến, Hưng Yên ngày 14-2-1670, đã long trọng xin Thánh Giuse làm Quan thầy của Giáo Hội Đàng Ngoài. Đức Thánh Cha Clêmentê X châu phê ngày 23-12-1673.
 
Đức Thánh Cha Innôcentê XI đã ban hành Tông hiến Tông Hiến Sacrosancti Apostolatus (Thánh vụ Tông đồ) ngày 17-8-1678, tôn nhận Thánh cả Giuse là quan thầy các giáo phận truyền giáo Trung Hoa (với cả Đàng Trong, Đàng Ngoài, Lào, đại Hàn, Hung Nô).

Hội đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư ngày 11-10-1997 gửi Công đồng Dân Chúa nhân dịp Hội nghị thường niên diễn ra tại Hà Nội ngày 6 – 11.10.1997, đã nhất trí xác nhận tôn vinh Thánh cả Giuse là Quan thầy Giáo Hội Việt Nam (2).

Có nhiều giáo phận chọn Thánh Giuse làm bổn mạng như: Tổng giáo phận Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc, Thanh Hóa, ... cùng nhiều nhà thờ, dòng tu và muôn vàn các tín hữu chọn Ngài làm bổn mạng.

Khi nạn đói khủng khiếp xảy ra tại đất nước Ai cập, dân chúng chạy đến cầu cứu với vua Pharaô. Nhà vua đã nói : “Ite ad Joseph” – Hãy đến cùng Giuse. Toàn thể đất nước Ai cập đã vượt qua được nạn đói bình an.

Giữa đại dịch Covid-19 kinh hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở Năm Thánh Giuse để mọi tín hữu chạy đến khẩn cầu với Ngài, xin Ngài cầu bầu, nâng đỡ và soi sáng để chúng con biết sống tin yêu, phó thác trong cuộc sống đầy những khó khăn bủa vây.

Lạy thánh cả Giuse, xin cứu giúp chúng con ...

                                                                                  Nguyễn Thái Hùng

+++++++++++

1. x. Linh mục Phan Tấn Thành, Sứ mạng của Thánh Giuse, trong cuộc đời Chúa Giêsu và Hội Thánh, nxb Đồng nai, 2021, trang 59-60)


2.https://web.archive.org/web/20160304130313/http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=240
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây