Nhân vật mùa vọng
Người từ trong hoang địa bước ra sau những năm tháng chiêm niệm sau lần gặp Chúa ngay từ lòng mẹ. Gioan tẩy giả, ngài đã thấm sâu về tình yêu nên khi rao giảng “Hãy sám hối” với giọng đanh thép làm người nghe xốn xao cõi lòng. Ngài đã nghiệm thấy gì trong tình thương của Chúa sau năm tháng trièn miên ở hoang địa.
Con người của hoang địa là con người chiêm niệm. Thời ấy có một nhóm người không khuất phục quyền cai trị của đế quốc Roma, họ đi vào hoang địa sống ở đó. Một số nhóm theo nhóm này nhóm kia, như nhóm Sa đốc, nhóm biệt phái, nhóm Zelot (nhóm nhiệt thành)… Gioan tẩy giả không biết rõ có gia nhập nhóm Esseni không? Nhưng một điều chắc chắn ở nơi hoang địa ấy cũng như nhóm Esseni, họ sống đời nhiệm nhặt, hướng tới đời sống thánh thiện. Họ chiêm niệm, ghi chép Thánh Kinh, khám phá ra tình yêu Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử thăng trầm của dân tộc.
Gioan tẩy giả có lẽ là người thấm thía lời ngôn sứ đi trước như Isaia với sứ điệp “Hãy dọn đường cho Chúa, mở lối cho người”, nhất là với lời hiệu triệu “Hãy an ủi dân ta” (Is 40, 1). Dân đang ở trong bóng tối của ngày lưu đày xa quê hương tại Babilon. Ở đó, dân khóc than vì tội lỗi của họ mà họ đã mất đền thờ, mất cả quê hương, phải lưu lạc xa xứ. “Bên sông Babilon, ngồi tôi khóc” (Tv 137), đã vậy: “Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên: "Hát đi, hát thử đi xem Si-on nhạc thánh điệu quen một bài!” (Tv 137, 3). Nỗi đau tận cùng, biết than thở cùng ai. Chúa nói với Isaia “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”. Lời an ủi ấy không phải là lời nói suông, Thiên Chúa sẽ dùng bàn tay của vua dân ngoại mà đưa dân Israel trở về quê hương. Vua Kirô lên ngôi năm - 550 đến năm – 538 ông ra sắc chỉ cho dân Israel về. Trước khi ra về dân Israel còn được tặng trâu bò, của cải có được mang về gầy dựng lại. Gioan tẩy giả làm sao không bùi ngùi, thấm đẫm lòng thương xót của Thiên Chúa?
Gioan còn nghiệm thấy ở Giêrêmia một lời thấm khía khác vệ tình yêu thương của Chúa: “Ta đã yêu thương ngươi bằng tình yêu muôn thửo và đã dành cho ngươi lòng thương xót của Ta”. Một tình thương gắn bó lấy từ kinh nghiệm hôn nhân của sách Hôsê. Một tình yêu của Chúa đã bị dân bội phản, vậy mà Chúa vẫn còn nài nỉ nó: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2, 16). Suy nghĩ hoài không thể nào hiểu hết được tình yêu của Chúa dành cho con người. Nếu còn khám phá ra lại càng thấy Thiên Chúa yêu thương một cách hết mực: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, Ta sẽ chẳng bỏ ngươi bao giờ” (Tv 26, 10).
Thấm thía tình yêu và chính tính tình yêu làm cháy bỏng người ra đi rao giảng. Gioan tẩy giả đã bước ra khỏi hoang địa mà kêu to lên: Hãy dọn đường cho Chúa, mở lối cho Người đến!” Lời ấy như sấm rền vang làm lay động lòng người, họ tuôn đến xem vị ngôn sứ này. Thời ấy đâu phải có một mình ngôn sứ Gioan mà có nhiều ngôn sứ khác cũng đang rao giảng. Sức mạnh của lời nói của Gioan như có mãnh lực cuốn hút người nghe. Lời vừa có tính chất dịu êm, vừa có tính chất sống còn “Cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây” (Mt 3, 10). Người ta nhìn Gioan với lòng ngưỡng mộ, dù bên ngoài khắc khổ như một triết gia thời cổ: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1, 6); nhưng lời của ông thì lại như một đấng Mesia mà họ đang chờ đợi (Lc 3, 15).
Lời của Gioan vang vọng núi rừng, hoang mạc. Những tâm hồn sỏi đá, gai góc kia cũng giật mình, xem xét lại đời mình và đến gặp Gioan để chịu phép rửa. Lời của Gioan đánh động, gây cảm xúc dâng trào, lẫn lộn, bối rối cho người nghe, người ta hỏi ông trong từng trường hợp: “Chúng tôi hay tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10).
Lời của Gioan tẩy giả hôm nay ta nghe lại cũng tự hỏi: Ta phải làm gì? Người từ hoang địa nói với ta: Hãy dọn đường cho Chúa đến bằng việc suy đi nghĩ lại Lời Chúa. Những nẻo sống quanh co đời ta, những đồi núi kiêu căng, những hố sâu tội lỗi lấp cho phẳng. Thực thi đức ái, sống yêu thương. Dọn một nơi Chúa sinh hạ trong tâm hồn, chính Chúa Đấng bình an dưới thế cho nhân loại chúng ta.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan