Những linh mục tuyến đầu trong đại dịch
admin
2020-03-19T18:12:06-04:00
2020-03-19T18:12:06-04:00
https://lebaotinhbmt.net/quan-van/nhung-linh-muc-tuyen-dau-trong-dai-dich-186.html
https://lebaotinhbmt.net/uploads/news/2020_03/ccct-t3-2020g.jpg
Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột
https://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 19/03/2020 18:10 |
897
Tôi đã khóc thầm khi nghe tin nhiều linh mục đã qua đời trong đại dịch Covid-19. Cho tới ngày 19-3, tại Miền Bắc nước Ý đã có ít nhất 28 linh mục là nạn nhân của con virus này[1]. Số là trước đó, họ đã tiếp xúc với các bệnh nhân. Đó là trách nhiệm của người mục tử luôn muốn gần gũi với con chiên.
Những linh mục tuyến đầu trong đại dịch Covid-19
Tôi đã khóc thầm khi nghe tin nhiều linh mục đã qua đời trong đại dịch Covid-19. Cho tới ngày 19-3, tại Miền Bắc nước Ý đã có ít nhất 28 linh mục là nạn nhân của con virus này[1]. Số là trước đó, họ đã tiếp xúc với các bệnh nhân. Đó là trách nhiệm của người mục tử luôn muốn gần gũi với con chiên.
Ngoài các hệ thống y tế, Giáo Hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã có nhiều chỉ dẫn cụ thể để Giáo Hội có thể đồng hành với mỗi con chiên.
Hai điều có thể kể ra ở đây:
1. Thánh lễ
Thiên chức của linh mục là dâng thánh lễ. Qua đó, Mình và Máu Thánh Chúa có thể đến được với giáo dân. Trước tình trạng khẩn cấp của dịch, dĩ nhiên, cử hành thánh lễ cũng phải bị hạn chế. Nhiều nhà thờ phải đóng cửa. Nhiều nơi vẫn được phép dâng thánh lễ với nhóm nhỏ. Trong hoàn cảnh đó, giáo dân âu sầu một, linh mục lo lắng mười. Lo vì trong hoàn cảnh này, giáo dân của mình đang cần sự gần gũi và giúp đỡ của Thiên Chúa. Là linh mục, các ngài dĩ nhiên không thể làm ngơ trước tiếng kêu thống thiết của người dân. Họ cần bí tích chữa lành các thương tích trong tâm hồn và trên thân xác, do bệnh tật và cái chết gây nên.
Trước mệnh lệnh của nhà nước, dĩ nhiên, các ngài cần tuân theo với nhiều sáng kiến. Nhiều linh mục dâng thánh lễ online, gọi điện hỏi thăm, thông báo, lắng nghe và tư vấn. Chẳng hạn bên nước Ý, cha Giuseppe Corbari yêu cầu giáo dân gửi hình, để ngài in ra, đặt trên ghế, và vậy là người mục tử với giáo dân có thể gần gũi nhau[2].
Chúng ta tin rằng, thánh lễ online, rước lễ thiêng liêng cũng mang lại nhiều ơn huệ như những lần chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ. Dịch sẽ qua đi, đời sống của giáo xứ sớm ổn định, mọi điều sẽ tốt đẹp. Linh mục và giáo dân thêm gần nhau hơn, hiểu nhau hơn trong biến cố tang thương này.
2. Xức dầu bệnh nhân
Đây là bí tích người đau yếu mới cần. Hẳn là nhu cầu này tăng gấp bội cùng với mức độ lây lan của dịch bệnh. Giáo dân cần được trợ giúp bằng phương dược thiêng liêng: Bí tích xức dầu bệnh nhân. Bởi thực tế còn rất nhiều người ước ao được ơn chết lành, nghĩa là được lãnh nhận bí tích sau cùng.
Với ý nghĩa trên đây, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19-03-2020 như sau:
“Xức dầu bệnh nhân luôn phải là việc ưu tiên trong thừa tác vụ linh mục. Quí cha có nghĩa vụ đi xức dầu thánh và mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, ngay cả trong những lúc dịch bệnh hay những thời khắc nguy hiểm, để đem đến cho họ sự sống thiêng liêng và niềm hy vọng vào giây phút quan trọng nhất của cuộc đời. Nếu từ chối, chúng ta phải tự hỏi mình làm linh mục để làm gì.”[3]
Đó không chỉ là những chỉ dẫn kịp thời, nhưng còn là những tâm tình thật đẹp mà Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Năng muốn dành cho các linh mục đi trong tuyến đầu. Dĩ nhiên các linh mục phải cẩn trọng bao nhiêu có thể[4]. Nhưng giữa muôn vàn người bệnh, hiểm nguy là điều khó tránh khỏi. Bởi đó, chúng ta đau xót khi biết nhiều linh mục, với trái tim giàu lòng thương xót, không quản ngại gần gũi với bệnh nhân trong giờ phút cuối. Cũng như các y bác sĩ, những linh mục của Chúa cần can đảm hy sinh mạng sống vì thừa tác vụ thánh; bởi đó là một hiến tế thánh thiêng cao đẹp của đời linh mục!
Dịch Covid-19 là nỗi lo chung của cả nhân loại tại thời điểm hiện nay. Mỗi người một trách nhiệm, mỗi giáo dân thêm lời cầu nguyện, mỗi linh mục thêm can đảm nơi tuyến đầu, hy vọng đại dịch sớm qua đi. Hóa ra, giữa cảnh chết chóc, chúng ta vẫn thấy nhiều linh mục đang sống nỗi đau này bằng cách chia sẻ với những bệnh nhân. Họ là những giáo dân, những người cần được ơn Chúa. Chẳng hạn Đức cha Beschi người Ý đau buồn chia sẻ:
“Chúng tôi đang sống nỗi đau này bằng cách chia sẻ nó với cộng đoàn của chúng tôi, với số người nhiễm bệnh, người bệnh và số người chết cao. Chúng tôi không tách rời khỏi cộng đoàn của chúng tôi, ngay cả trong cái chết”[5].
Mục tử Giêsu
Trong Tin Mừng chúng ta nhận thấy mục tử Giêsu giàu lòng thương xót. Ngài thích gần gũi với người ốm đau bệnh tật. “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mc 2,17). Chính Đức Giêsu là thầy thuốc khi xưa, hằng chữa lành thể xác và linh hồn cho các bệnh nhân.
Có người đưa tay ý kiến: “Chúa Giêsu khác, các linh mục khác!” Đừng quên, linh mục được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư Tế, hành động trong cương vị của Đức Giêsu. Chúa Giêsu luôn là mẫu gương cho các linh mục noi theo. Lúc đại dịch này, các linh mục lại là hình ảnh sống động về Thiên Chúa. Nơi đó, người ta thấy được sự xoa dịu nỗi đau, được an ủi và chữa lành tâm hồn. Bởi đó các linh mục, hơn bao giờ hết, lại là những người cùng với các y bác sĩ chữa lành cho những ai nhiễm phải con virus này.
Những linh mục tuyến đầu muốn mang Chúa Giêsu đến với mỗi người bệnh, nhất là những người đang hấp hối. Ở Việt Nam, tạ ơn Chúa, là chưa có ai chết vì Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Ý, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha,v.v..., nạn nhân tăng lên từng giờ. Nơi đó vai trò của người mục tử, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các linh mục có thể giúp được nhiều giáo dân trong giai đoạn khó khăn này.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nạn nhân Covid-19. Cùng nhau hướng về các y bác sĩ, nhất là các linh mục của Chúa. Họ cũng đang chạy đua trên tuyến đầu chống dịch. Ước sao linh mục, hơn lúc nào hết, là dấu chỉ của sự gần gũi. Họ có thể giúp biết bao linh hồn được bình an. Xin cầu nguyện thật nhiều cho các ngài.
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ