Bộ tranh thật thương “Sài Gòn trong những ngày giãn cách”: Trọn vẹn nghĩa tình hai chữ đồng bào!
Những ngày này, Sài Gòn đang bị “bệnh”. Sự yêu thương và đồng cảm, tất cả muốn dành cho Sài Gòn, vì Sài Gòn. Ai cũng muốn góp thêm một “tí gì đó” giúp thành phố mau hồi phục.
Trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội vì Covid-19, hoạ sĩ Lê Sa Long giới thiệu lên trang Facebook cá nhân bộ tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách”. Tác giả khắc hoạ phong cảnh, sinh hoạt tuy đời thường nhưng nhân ái của người Sài Gòn, chân dung những nhân vật đang hết mình vì sự bình yên của thành phố thân thương trong những ngày “hoạn nạn”.
Hoạ sĩ Lê Sa Long gọi những bức tranh như cuốn sổ “ghi chép” sự kiện đại dịch kinh hoàng, khó quên trong cuộc đời. Anh vẽ từ giữa tháng 5, khi hướng dẫn sinh viên ký hoạ thực tế đời sống sinh hoạt Sài Gòn.
0h ngày 31/5, TP.HCM chính thức giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Anh bắt đầu hoàn thiện các bức tranh phong cảnh và sinh hoạt đời thường, vẽ thêm chân dung những nhân vật hết mình vì cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 như ca sĩ Hà Anh Tuấn, bác sĩ Thanh Thúy (Bệnh viện Trưng Vương)…
Hiện anh đang hoàn thiện gần 40 bức tranh và cho biết sẽ vẽ thêm! “Dự kiến, sau khi dịch Covid-19 tại TP.HCM được kiểm soát, tôi sẽ tổ chức triển lãm tranh và ra mắt bộ sách ảnh đánh dấu kỷ niệm Sài Gòn vượt qua đại dịch. Tôi cũng sẽ trích tiền bán tranh để đóng góp quỹ giúp người khó khăn”, anh nói.
Hãy cùng “nhìn ngắm” Sài Gòn trong những ngày giãn cách, qua những bức tranh và câu chuyện của hoạ sĩ Lê Sa Long.
Không sao đâu, Sài Gòn thân thương sẽ vượt qua cơn “cúm” này thôi!
Ở Sài Gòn, bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh thể hiện tính bộc trực, hào sảng như thùng trà đá miễn phí, bánh mì “ai cần cứ lấy”, những hiệp sĩ bắt cướp, quán cơm 2.000, quần áo 0 đồng, những chuyến xe nhân ái, những giao dịch “đưa nhiêu đưa”, những ATM gạo, siêu thị 0 đồng, những bữa ăn cho bà con nghèo ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng.
Tất cả đang hoạt động hết mình trong những ngày thành phố giãn cách vì Covid-19. Sài Gòn đang trọng bệnh, hơi thở có phần “xìu xìu”.
Nhưng không sao đâu, Sài Gòn thân thương sẽ vượt qua cơn “cúm” này thôi.
- Vì sao ư?
- Vì Sài Gòn… là Sài Gòn mà.
Thế thôi!
Đầu tháng 6/2021, con đường Ngô Đức Kế, quận 1, cơn mưa đêm những ngày đầu giãn cách. Khu phố sầm uất, nhộn nhịp, nhiều nhà hàng, quán bar. Thế mà khi dịch tràn đến, chỉ có vài ánh đèn vàng le lói dưới cơn mưa đêm! Bóng người cầm dù cô đơn quá!
Đường Ngô Đức Kế, quận 1, những ngày đầu giãn cách
Hay đường Vũ Huy Tấn, phường 3, quận Bình Thạnh về khuya, chỉ có người bán bánh mì dạo Sài Gòn thơm bơ “hai ngàn một ổ” lẻ loi.
“Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông
Gợi bao nhiêu cho cùng …”
(Trích bài hát: Đêm Nhớ Về Sài Gòn. Nghệ sĩ: Trầm Tử Thiêng)
Anh bạn người Sài Gòn gốc, rất mê Sài Gòn, hiện đang định cư bên Mỹ cùng gia đình, gọi điện dặn tui: “Long ơi! Sài Gòn phố, nhớ nghen…”
Đường Vũ Huy Tấn, phường 3, quận Bình Thạnh khi màn đêm buông xuống
Hồ Con Rùa - nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh lẻ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn hoa lệ học, tôi được cô bạn xinh xinh rủ ra ngồi ăn bò bía. Đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon độc đáo học trò “Sì Gòn”.
Giờ em đã đi rất xa. Nhưng mỗi lần ngang qua, tôi vẫn tưởng như em còn ngồi đâu đó nghiêng nghiêng mái tóc dài. Sáng 20/6, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn! Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu...
“Đường xưa lối cũ” giờ đã giăng dây vì Covid-19
Sài Gòn giãn cách, trọn vẹn nghĩa tình hai chữ “đồng bào”
Đầu tháng 6, tôi gặp người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn, nói: “Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi! Dịch giã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống!”
Nghe mà nhói trong lòng. Chỉ có chú cún nhỏ mà bà nuôi được 5 tháng vẫn hồn nhiên quấn quýt bên bà…
Bức tranh có tên “Người đàn bà và con chó nhỏ”
Mười một giờ trưa, bên ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bà bán vé số người Quảng Ngãi đang quệt mồ hôi, hoặc có thể là nước mắt, than: “Ế lắm chú ơi. Sáng giờ chỉ bán được có mấy tờ, chú ủng hộ giùm”.
Mua vội bà vài tờ, chỉ an ủi sơ rồi vội vã đi, như người có lỗi… Tôi chỉ mơ mình là triệu phú để bớt đi những lời thở than.
“Mơ là triệu phú” là tên của bức tranh này!
Khi Sài Gòn giãn cách, để trọn vẹn nghĩa tình hai chữ “đồng bào”, các mạnh thường quân đã chung tay tạo nên một tấm khiên đủ lớn để nâng đỡ những hoàn cảnh lay lắt vượt qua đại dịch. Và những “Gian hàng 0 đồng, kết nối yêu thương” ra đời từ đó.
“Gian hàng 0 đồng” với các loại thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như gạo, dầu ăn, mắm, muối, các loại rau củ quả,… tuy không nhiều nhưng đủ để bà con đang khó khăn ấm no trong những ngày chiến đấu đẩy lùi Covid-19.
Đại dịch khiến cuộc sống người dân biết bao khó khăn, nhưng không vì thế làm mai một tấm lòng nghĩa tình bao lâu nay của người Sài Gòn. Người Sài Gòn vừa giàu vật chất vừa giàu tình nghĩa!
Gian hàng 0 đồng, nét đẹp người Sài Gòn, san sẻ khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh
“Chú bán vé số ơi, nhận giùm thùng mì này về dùng. Khi cần chú cứ đến chỗ thiện nguyện này nghen!”
Quán cơm trưa 0 đồng, ai cần cứ lấy!
ATM lướt ống độc đáo ở nhà thờ Tân Sa Châu, phường 2, quận Tân Bình, phục vụ bà con vượt qua đại dịch.
Mỗi ngày, ATM sẽ hoạt động vào 3 khung giờ sáng, trưa và chiều. Trong một buổi, phát khoảng 300 phần quà, mỗi phần quà gồm 1kg gạo, 5 gói mì, 3 trứng gà và 1 phần khoai lang.
Các phần quà được chia sẵn, khi có người đến nhận, tình nguyện viên của nhà thờ sẽ đưa thực phẩm qua đường ống. Người dân đến nhận hỗ trợ được hướng dẫn lấy nhanh chóng, không cần phải xếp hàng và đảm bảo khoảng cách.
“Đặc sản” ATM lướt ống, xin hân hạnh phục vụ bà con!
Sài Gòn mau hồi phục nhen!
Nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng), đang làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, hằng ngày vắt sữa nuôi bé gái 7 tháng tuổi, gây xúc động mạnh.
Mẹ của bé đi chợ tiếp xúc với F0 hồi nào không hay rồi nhiễm bệnh, lây luôn cho chồng và hai đứa con. Người mẹ suy hô hấp nặng đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Còn bố và hai đứa con nhỏ được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương. Nhìn vào ai cũng xót thương nên đồng nghiệp sắp xếp chỗ tốt nhất trong khoa cho 3 bố con nằm chung.
Riêng bé gái 7 tháng tuổi, gần bằng tuổi con chị, vẫn còn bú sữa mẹ dù đã được tập bú sữa công thức khi vào viện. Cháu chưa quen, nên đói khóc. Cứ sau ca trực, bác sĩ Thuý lại vắt sẵn sữa của mình cho vào tủ lạnh, rồi mỗi ngày đến bệnh viện gửi tặng riêng cho bệnh nhi Covid-19.
Bé gái 7 tháng tuổi rất ngoan, mỗi lần bú no đều nằm ngủ ngon lành dưới chân bố, còn anh trai thì tha hồ lăn lộn trên giường bên cạnh.
Sau 18 năm nữa, bé gái lớn lên trở thành thiếu nữ, khi kể về trận đại dịch lịch sử này, hẳn cô sẽ không bao giờ quên thời gian mình được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ - bác sĩ Thanh Thúy!
Riêng tôi, khi vẽ mặt và chân tay của bé, thấy rõ là cô bé hiếu động, nhìn thấy cưng gì đâu!
Bức tranh có tên “Dòng sữa ngọt ngào”
Ngày của cha qua đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ đến hoàn cảnh của ông Trần Văn Hưng (58 tuổi) cùng cậu con trai Trần Hiệp Tài (34 tuổi, bại não bẩm sinh) vẫn thấy xúc động!
Bao lần ông tuyệt vọng khi nhìn đứa con khờ khạo vốn chỉ biết cười. Nay con đang khóc vì cơn sốt mà mình không một xu dính túi. Rồi họ đã dìu nhau bước qua sự cùng cực ấy, bằng tình thương của một người cha...
Vợ ông qua đời vì bệnh tiểu đường năm anh Tài 19 tuổi. Ông Hưng ngày ngày chạy xe ôm, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để nuôi con. Bất kể trời mưa hay nắng, ông vẫn không quản ngại khó khăn, miệt mài chạy từng cuốc xe ôm với hi vọng kiếm đủ tiền lo cơm ngày 3 bữa cho đứa con trai bệnh tật.
Covid-19 bùng phát, bác xe ôm già thất nghiệp, bữa cơm chiều của 2 cha con cũng chẳng đủ no… May sao nhiều người biết tin, mang đến nhu yếu phẩm và tặng ông một chiếc xe máy để qua dịch làm kế sinh nhai.
Ông tâm sự: “Mấy hôm trước người ta tìm đến giúp đỡ, tặng quà nhiều lắm. Giờ chú thấy đủ rồi, mọi người có lòng tốt chú biết ơn dữ lắm nhưng dành mấy phần quà đó cho các bà bán vé số, họ cũng khổ. Chú không muốn nhận thêm đồ ăn, đồ uống nữa đâu, chú khó khăn thiệt nhưng nhiều người cũng vậy, mình khổ hơn người ta là có đứa con tật nguyền, nhưng tạm thời chú cảm thấy đủ rồi”.
Tôi vẽ ông Hưng với hình ảnh đôi tay ôm hai vai Tài như muốn che chở con, còn Tài thì cười và chỉ vào ba như muốn nói: “Người cha vĩ đại của tui đó!”.
Cha và con
“Con chào ông bà cô dì chú bác, con đi cách ly...”
Tối 24/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chia sẻ clip xúc động về một bệnh nhi Covid-19 mới 5 tuổi một mình lên xe y tế đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19.
Được biết, người cha bị nhiễm Covid-19, mẹ bé là F1 đã cách ly tập trung. Bé sống với bà ngoại và dì, rồi người bà cũng mắc Covid-19.
Nhìn hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình xa gia đình, leo lên chiếc xe cấp cứu, thương vô cùng.
Từ bên kia bờ Thái Bình Dương xa xôi, ông bạn tui có xem và hôm đó gọi về hỏi thăm tình hình Sài Gòn rồi “đặt hàng” Long vẽ hình ảnh bé lúc xoay người chuẩn bị lên xe. Ông nói vui “cú xoay người thần thánh như hoa hậu Hen dzậy đó, cưng ghê! Ông sớm gửi qua tui để tui treo làm kỷ niệm trận dịch bệnh kinh hoàng đầu thiên niên kỷ...”
Tui bảo, khỏi cần nói cũng đã vẽ xong, bạn không tin thì mình đưa lên Facebook sớm cho bạn xem, nghen!
“Một thiên thần trong mùa dịch”
Những ngày này, Sài Gòn đang bị “bệnh”. Sự yêu thương và đồng cảm, tất cả muốn dành cho Sài Gòn, vì Sài Gòn. Ai cũng muốn góp thêm một “tí gì đó” giúp Sài Gòn mau hồi phục, qua đó thể hiện tình yêu nơi mảnh đất đã đùm bọc che chở, nuôi sống mình!
Tính đến sáng 28/6, TP.HCM vượt 3.200 ca Covid-19. Dịch bệnh đã lan rộng khắp 22/22 quận huyện và TP. Thủ Đức, hình thành hơn 20 chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn gốc với biến chủng Delta, lây lan nhanh, bùng phát mạnh. Đợt dịch thứ 4, TP cũng ghi nhận 7 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm hơn 1,1 triệu người. Hiện ngành y tế đang nỗ lực hết sức để khoanh vùng, truy vết nhằm kiểm soát dịch bệnh.
- Tác giả bài viết: Minh Nhân
- Ảnh: Hoạ sĩ Lê Sa Long
Nguồn: Doanh nghiệp và Tiếp thị 10:37 28/06/2021
* Họa sĩ Lê Sa Long sinh ra ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), lớn lên ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), học tập và lập nghiệp tại TP.HCM. Anh gắn bó với thành phố này khoảng 30 năm. Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những “người tình âm nhạc”. Tháng 10/2020, họa sĩ Lê Sa Long ra mắt bộ tranh và tập sách ảnh cùng tên “Khẩu trang và người nổi tiếng”. Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh và trích 80 triệu đóng góp quỹ người nghèo, quỹ phòng chống Covid-19.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn