TÂM ĐIỂM NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM ĐIỂM

Thứ năm - 15/04/2021 01:51 | Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện |   1075
Tâm điểm không phải là tâm điểm. Vị thầy muốn nói rằng thành công trong cuộc thi không phải là trọng tâm của cuộc sống, mà phải có những mục đích khác cao hơn.
TÂM ĐIỂM NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM ĐIỂM

TÂM ĐIỂM NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM ĐIỂM


Có câu chuyện kể rằng: Tại một ngôi làng nọ, cứ đến mùa xuân, dân làng tổ chức lễ hội bắn cung để chọn ra những chàng trai tài giỏi về cung tên. Đây là một giải thưởng cao quý và ai cũng mơ ước. Năm ấy ở trên một ngọn núi không xa làng, bỗng xuất hiện một vị ẩn sỹ được cho là rất giỏi về cung tên. Ấy vậy là từng đoàn trai làng lũ lượt kéo nhau lên núi xin làm đệ tử mong được thầy chỉ giáo.

Vị thầy nầy rất ít nói và dường như cũng không mặn mà với việc có nhiều đệ tử, và quả thật cũng không ai biết rõ tài cung tên của ông có thực hay chỉ là tin đồn. Từng tốp trai làng âm thầm rút lui, chỉ còn lại một nhóm nhỏ là kiên trì ở lại. Vị Thầy yêu cầu họ nhiều điều chẳng liên quan gì đến cung tên cả: mỗi ngày tập quan sát từng cánh hoa rừng mọc và nở ra, từng con chim nhỏ trên cành đi săn mồi và làm tổ, cảnh vật sinh động của thiên nhiên diễn biến vào buổi sáng khác với buổi chiều thế nào… và kể cho thầy nghe.

Chỉ một thời gian ngắn gần kỳ thi, thầy mới chỉ cho họ vài kỹ thuật nhỏ về cung tên. Ấy thế mà năm ấy nhóm học trò từ trên núi xuống đã đạt được thành tích xuất sắc, họ cùng có một nhận định: họ nhìn thấy cái tâm điểm quá rõ ràng và quá lớn đến nỗi khó mà bắn trật ra ngoài được!

Sau lễ hội, họ rủ nhau lên núi để tạ ơn thầy và muốn hỏi cho ra lẽ: tại sao họ thành công dễ dàng như vậy? - Họ chờ mãi mới thấy thầy xuất hiện trong chốc lát, thầy chỉ nói với họ một câu: “Tâm điểm không phải là tâm điểm”, rồi lui bước vào trong – dường như không muốn nói chuyện nhiều.

Nhóm học trò ngày ấy lớn lên và sinh sống ở nhiều vùng trời khác nhau. Lâu lâu họ gặp nhau, kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình, về vị thầy năm xưa và nhất là về câu nói bí ẩn của thầy. Họ nghiệm ra rằng: hầu hết các thành viên trong nhóm họ đều thành công trong cuộc sống, lý do tại sao vậy? Tại sao tâm điểm lại không phải là tâm điểm?

Lời bàn của người viết.

Mỗi ngày tôi vẫn đọc và nghe nhiều câu chuyện, nhưng tại sao câu chuyện này cứ lưu lại mãi trong trí nhớ? - Vì câu nói ‘tâm điểm không phải là tâm điểm’ gợi hứng cho ta một quan niệm sống. Tại sao nhóm ‘đệ tử kiên trì ở lại’ lại thành công trong cuộc thi và trên trường đời?

Tâm điểm không phải là tâm điểm. Vị thầy muốn nói rằng thành công trong cuộc thi không phải là trọng tâm của cuộc sống, mà phải có những mục đích khác cao hơn. Điều này cũng gợi ý cho tôi và cho bạn rằng: tiền bạc, tài năng, thành công không phải là tâm điểm cuộc đời này, tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác sẽ được Chúa ban cho. Mỗi ngày cứ lo làm tròn việc bổn phận như phương tiện thánh hóa bản thân và để mưu sinh, nhưng đó cũng không phải là tâm điểm mà có điều quan trọng hơn phải nhắm đến là tình yêu khi làm những việc đó, làm vì yêu Chúa.

Tại sao thầy chỉ vẽ rất ít về cung tên mà nhóm bạn trẻ lại thành công và còn thành công hơn nữa trong cuộc đời? – Đây là những con người có tính kiên trì và có bản lãnh, có óc quan sát, không bị phân tâm, và nhất là họ áp dụng bí quyết của thầy vào cuộc sống: biết tìm kiếm những giá trị cao hơn.Cuộc sống nói với chúng ta rằng: có những người làm việc không phải vì tiền mà vì tình người, tình Chúa, nhưng rồi tiền lại tìm đến với họ, như câu nói: có đức mặc sức mà ăn.

Nguyễn Văn Thiện

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây