Tìm nơi vắng vẻ
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao. (Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm không nhằm mục đích trốn tránh sự đời, quay lưng với xã hội, tìm kiếm an nhàn cho riêng mình. Trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, đối diện với sự suy đồi đạo đức nơi quan trường, ông xa lánh danh lợi tìm về với thiên nhiên để giữ lòng thanh bạch, mà tâm trí lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm yêu nước thương dân.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) quê ở làng Trưng Âm, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1535 và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Thơ của ông mang tính triết lý, giáo huấn, ca ngợi ý chí thanh cao của kẻ sĩ, đề cao quan niệm sống nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan, tìm về với thiên nhiên thuần khiết để giữ lòng trong sạch, để tu dưỡng tinh thần, để giữ vững hai chữ thiện lương.
Sống Nhàn là một nét tư tưởng và văn hóa rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là của giới trí thức. Sống Nhàn là lối sống hợp với tự nhiên, hợp với việc tu dưỡng nhân cách, dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ. Có thể nói, Sống Nhàn là cả một học thuyết triết học lớn.
Trong thời đại 4.0 ngày nay, bị chi phối bởi những công nghệ truyền thông tuyệt hảo, với những phương tiện kỹ thuật số đa dạng và không thể tách rời, làm thế nào để Sống Nhàn, làm thế nào để tìm nơi vắng vẻ mà cầu nguyện?
Các phương tiện Truyền thông Xã hội là những món quà của Thiên Chúa, như Công đồng Vatican II đã giải thích trong Sắc Lệnh Inter Mirifica. Phương tiện truyền thông đã mang lại cho Giáo hội nhiều cơ hội thuận tiện để truyền giáo và huấn giáo, nhất là trong đại dịch Covid-19 mới đây. Nhưng công nghệ truyền thông cũng đã tạo ra một thế giới của những ảo vọng mang tính kỹ thuật số, và người ta không còn thời gian cho sự suy tư tĩnh lặng.
Cuộc sống mà không có sự tĩnh lặng khiến tâm sinh lý con người dễ bị căng thẳng và mệt mỏi (stress). Vậy, hãy thử loại bỏ hoàn toàn phương tiện truyền thông kỹ thuật số khỏi cuộc sống của mình, trong khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Suy gẫm 5 phút Lời Chúa để tìm lại sự phong phú về đời sống thiêng liêng và tinh thần. Dành thời gian lắng nghe những âm thanh, và chiêm ngắm vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên trong thinh lặng. Ngồi một mình, nhâm nhi tách cà phê, tịnh tâm và suy nghĩ để nhận ra nguồn cảm hứng từ Chúa Thánh Thần.
Việc thoát ra khỏi bon chen cuộc sống, thoát ra khỏi tiếng ồn kỹ thuật số để đi vào sự tĩnh lặng, không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta, nhưng còn là phương thế thiêng liêng giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Như kinh nghiệm của Thánh Gioan Thánh Giá: “Chính trong thinh lặng lại là nơi Thiên Chúa cất tiếng!”
Theo tục lệ của người Do Thái, Chúa Giêsu cầu nguyện mỗi ngày 3 lần: buổi sáng khi mặt trời mọc, buổi chiều vào lúc cử hành hy tế trong đền thờ Giêrusalem (3 giờ chiều) và ban tối khi màn đêm buông xuống.
Các sách Tin Mừng ghi nhận, Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); sau khi chữa bệnh tại nhà ông Simôn (Lc 4,42); đêm trước khi chọn các 12 Tông đồ (Lc 6,12); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Lc 5,16); trước khi biến hình (Lc 9,28); khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; nơi vườn Cây Dầu; trên Thánh giá (Lc 23,34.46); v.v…
Khi trời hừng sáng, Chúa Giêsu đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ, để tìm chút thinh lặng, để cầu nguyện, để gặp gỡ Cha. (x Lc 4,42). Chúa Giêsu không chỉ mải mê phục vụ cho đám đông dân chúng, Ngài còn ưa thích tìm nơi vắng vẻ, một mình cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Trước đám đông dân chúng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt, nhưng Ngài vẫn luôn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (Lc 4,43).
Sau khi giảng dạy lần đầu tiên trở về, các Tông Ðồ tụ họp chung quanh Chúa Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. (Mc 6,30-31).
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, khi thành công cũng như khi thất bại. Xin ban cho chúng con biết tìm kiếm chút thinh lặng giữa cuộc đời bon chen, xao động để cầu nguyện, để tìm ra ý Chúa, để nhận ra nguồn cảm hứng từ Thần Khí và sức sống của Chúa.
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn