TƠ HỒNG TÂY

Thứ ba - 11/04/2023 08:52 | Tác giả bài viết: Taru Jos. Giang Tiến Thêm |   412
Tâm tình biết ơn kính nhớ Cha Giáo Anrê Trần Xuân Cương

TƠ HỒNG TÂY
Tâm tình biết ơn kính nhớ Cha Giáo Anrê Trần Xuân Cương

LBT 110423a


Mười một tuổi.

Tôi ngơ ngác trong môi trường Chủng Viện.

Hết lớp 5 trường làng còn chưa trôi chảy chữ Quốc ngữ, giờ còn phải học thêm môn Pháp Văn “xanh xít đớp đít” thật ngán ngẩm, tôi sợ nhất là khi Cha giáo Anrê Trần Xuân Cương bước chân lên bục, nụ cười chúm chím, nhỏ nhẹ một câu khá quen thuộc: “Đon nơ moa uyn phơi đờ pa pi ê xin vu pờ le!”. Mười phút là thời gian căng thẳng và ám ảnh khủng khiếp, để rồi nhận lại cái “phơi đờ pa pi ê” của mình với cặp trứng ngỗng.

Học dốt cũng là một trong nhiều khuyết điểm đã khiến tôi không được tiếp tục trong Chủng viện nữa. Thế là thoát được môn Pháp Văn lủng củng. Ấy thế mà cái tiếng Tây kia vẫn đeo đẳng nhiều năm trong đời tôi. Điểm đặc biệt là tuy tôi không thân thiện với nó, nhưng nó lại lập một kỳ tích trong mối tơ hồng của đời tôi. Chuyện là thế này...

Trong làng có ông thầy đồ nho rất hay chữ và mến khách. Nhưng với tôi, thứ đáng mến hơn đó là cô con gái út dễ thương mỹ miều của ông: một người con gái thùy mị, nết na, kín đáo, nhưng vẫn không dấu được sự tươi tắn và thông minh.  Sau nhiều cú lượn lờ, cũng đến lúc cô chớp chớp đôi hàng mi cong đáp trả cú đá lông nheo của tôi...
Rồi việc phải đến đã đến.

Hôm ấy thầy đồ cao hứng ra điều kiện ngắn gọn: “Anh đối được câu này thì anh sẽ toại nguyện: Chuồng gà kê áp chuồng vịt”

Nghĩ thầm: dễ ợt. Tôi vận dụng chữ nho: Thiên trời, địa đất, thất mất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, kê gà, áp vịt... đây rồi chứ đâu. Chỉ là 2 cái chuồng gà vịt kê sát nhau, có gì là to tát.

Tôi đã nhầm to, không đơn giản như tôi tưởng. Vì cụ đồ khá thâm nho khi đặt chữ gà đi với chữ kê, và chữ áp với chữ vịt. Vốn liếng chữ Nho “học lỏm” chỉ có bấy nhiêu, thế là bó tay. Bầu trời như sụp đổ. Viễn cảnh cô em yêu dấu dường như tuột khỏi tầm tay!

Hình ảnh Cha giáo Cương chợt xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi mạnh dạn đề nghị: “Con đối chữ Nho thì bình thường thôi ạ, nhưng để cho Đông Tây hòa hợp, thầy cho con đối chữ Tây được không ạ?” Thầy dễ dãi: “Ta trọng cái sự học, chứ không phân biệt Tây Ta, anh cứ tự nhiên.” Chỉ đợi có thế, tôi liền xuất khẩu: “Con chuột ra bớp con bò”. Thầy đồ tắc lưỡi rất đắc ý: “Tuyệt, rất tuyệt! Chữ ra sát với chuột và chữ bớp đi với chữ bò, khá khen.” Rồi thầy quyết định ngay: “Sáng mai anh sang giúp ta sửa sang lại nhà cửa để chúng ta tiến hành hôn lễ nhé.”

...Gần trưa, đang “phờ râu” chuyển gạch, cát, đá cho thợ, mồ hôi mồ kê đầm đìa, cô em xinh đẹp đến gần làm tôi quên hết mệt nhọc. Em chớp nhẹ hàng mi: “Dạ anh nghỉ tay, bố bảo em ra mời anh vào dùng bữa, ba ba đã chín ạ.” À thì ra trưa nay thầy đãi món thịt ba ba, ưu ái mình thế chứ. Thế nhưng tôi bỗng giật thót người khi nhận ra cái nheo mắt đầy tinh quái của cô, mồ hôi lại vã ra như tắm. Gì nữa đây, ba ba đã chín... ba ba là chín... chữ nghĩa đâu nữa mà đối được bài toán nhân này? Cha giáo Cương ơi! Ngài còn giúp con không? Lần này nữa đi Cha...

Xúc xẻng cát lên xe rùa, giọng tôi vang vọng lên vội vã, như đuổi theo bóng dáng em đang khuất dần sau cánh cửa, nhưng thực ra cố tình để thầy nghe: “em nói với thầy cát cát đầy xe rồi anh vào” (Quatre: 4, Seize: 16).

Bữa trưa hôm ấy, không một điều gì lưu lại trong tôi, trừ ánh mắt trìu mến của thầy nhìn cô gái út với giọng rất hãnh diện: “Con rể của ta không hổ danh là dân Chủng Viện.”

(Đây là câu chuyện thật một trăm phần trăm, còn mọi người cho bao nhiêu cũng được.)

 

Taru Jos. Giang Tiến Thêm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây