Trung thành

Thứ ba - 26/09/2023 06:37 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   270
Trung thành ở đây có nghĩa làm mọi việc, giữ mọi sự từ trái tim. Nếu không phát xuất từ trái tim, hoặc từ tâm ngay lành mọi sự đều vô nghĩa, không giá trị

Trung thành

tbd 270923a


Thường thì ta nghe từ trung thành nghĩa là giữ nghĩa trước sau như một. Khi chiết tự trung thành ta lại thấy ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.

Chữ trung thành gồm hai chữ trung và tâm. Trung thành ở đây có nghĩa làm mọi việc, giữ mọi sự từ trái tim. Nếu không phát xuất từ trái tim, hoặc từ tâm ngay lành mọi sự đều vô nghĩa, không giá trị.

Người ta thường nói nghĩ bằng trí óc, nhưng trí óc lại thường không hiểu lý lẽ bằng trái tim. Trái tim con người có một cách suy nghĩ kỳ lạ. Không triết lý sâu xa mà thấu suốt tâm can. Không lý luận mà nhiều thương cảm. Không biện minh mà thấu hiểu. Chẳng biết trái tim có gì mà có cách hiểu biết sâu xa. Khi Chúa nói: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55, 8). Cách Chúa làm chẳng thể hiểu bằng lý trí mà chỉ cảm được bằng trái tim. Ta có thể cảm nghiệm điều này ngay trong gia đình. Người con được cha mẹ yêu thương hơn cả lại là người con hư hỏng, hoang đàng, ông bà thường ăn chay, cầu nguyện cho nó.

Trái tim như người ta nói nó có lý lẽ của nó. Giống như Herman Hesse khi viết “Câu chuyện dòng sông”. Đã bao lần qua dòng sông ấy mà với chỉ cần một lần nghiệm ra đã thấy phần nào chân lý cuộc đời. Ta cũng vậy, mọi thứ, mọi ngày đều bình thường, bỗng một ngày nhận ra cuộc đời đầy ý nghĩa, từ một chùm hoa nở, từ một cô bé mỉm cười buổi sáng. Ta mất bao năm lặn lội tìm hương vị cuộc sống, nhưng hương vị ấy lại có thể bất ngờ từ điều đơn giản.

Phát hiện ra chữ tâm trong chữ trung, ta phần nào hiểu chữ trung thành bấy lâu nay ta sống. Ta sống bằng trái tim nhiều hơn những lý lẽ nên ta có sức chịu đựng nhiều hơn. Ta có sức mạnh từ nội tâm nhiều hơn để vượt qua những trở ngại của yêu thương.  Có nhiều người đã đi qua trong đời sống gia đình nhiều năm, tỏ bày chung thuỷ được là do trái tim để vượt qua sóng gió. Cảm nhận được bằng trái tim yêu thương, gác qua những đụng chạm, sẵn sàng tha thứ, đón nhận những thiếu sót của nhau.

Trung thành bởi vì ta có trái tim, sống bằng trái tim, suy nghĩ bằng trái tim. Ta cảm nhận điều mình sống hơn là biết cái mình đang sống. Đành rằng không thể không biết nhưng cái biết vẫn chỉ là một phần để yêu thương hơn, quý giá hơn, cảm nhận hơn cuộc sống đang chảy tràn. Nó giống như những trang thơ, có những quy tắc nhưng có nhiều hơn khi có những ý nghĩa của từ ngữ sâu lắng. Ta nghe vừa biết nhưng cũng vừa thấy rung cảm từ trái tim. Hồn của câu chữ là như vậy, làm cho ta nghiệm, làm cho ta cảm qua đó. Ta trung thành bởi vì ta không chỉ sống bằng lý trí mà còn bằng con tim.

Qua ngôn sứ Edêkiel ta hiểu phần nào khi Thiên Chúa muốn cho dân Israel trung thành với Người. Thiên Chúa không thay đổi lý lẽ, luật lệ, giáo huấn mà Thiên Chúa thay đổi họ bằng trái tim: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11, 19). Một trái tim mới, đó là phần quan trọng trong việc trung thành của dân mới thuộc về Thiên Chúa. Và ngay cả Thiên Chúa khi Người trung tín trong mọi lời hưa, Thiên Chúa cũng giữ sự trung tín ấy bằng cả trái tim: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31, 3).

Thiên Chúa khởi sự trung tín bằng trái tim yêu thương của Người nên Người lúc nào cũng: “Chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8). Vì ở đó con người chúng ta mới có thể ở lại trong tình thương của Người để sống lại trung thành với giáo huấn của Người. Khi ta sống bằng trái tim ta sẽ biết thương cảm đến con người của ta đã được Thiên Chúa xót thương và ta sống thương cảm đến anh chị em ta bằng trái tim biết thương cảm ấy.

Trung thành là nhờ trái tim giữ được trung tín. Xin Chúa đổi mới tim con, tâm hồn con.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây