Cách đặc biệt, trong hơn một thập kỷ vừa qua, phong trào di dân trở thành điểm nóng thời sự, chủ yếu do những xung đột chính trị và đói nghèo gây nên. Thế giới nói chung và Châu Âu nói riêng nhìn vào dòng người di cư này với thái độ khá bối rối: vừa thương hại, vừa dè dặt trong tiếp nhận. Đằng sau cái nhìn đó là tâm thế của những người nghĩ rằng mình là ‘chủ nhà’ với cuộc sống ổn định, với đất nước an bình; chỉ những người kia mới là ‘di dân’. Vì thế, dù có thể có những tấm lòng trắc ẩn và hành động hào phóng nhất định, nhưng thường thì trong thâm tâm người ta vẫn nghĩ về dòng người di dân như một gánh nặng từ nơi khác mang đến cho đất nước, cho dân tộc họ.
Nhưng cơn đại dịch Corona đang nhắc cho toàn nhân loại hiểu rằng, về cơ bản, tất cả chúng ta đều mang thân phận di cư, theo nghĩa là tất cả đều phải đối diện với hiện trạng hoặc viễn tượng bất ổn. Từ đất nước đông dân nhất thế giới (Trung Quốc), cho tới đất nước có bề dày lịch sử thống trị mang tầm đế quốc (Ý), từ những nước giàu mới nổi như Hàn Quốc, cho tới đất nước siêu cường số một hiện tại (Mỹ), tất cả đều rơi vào những tình cảnh hoảng loạn và bàng hoàng. Phía sau những tiếng gào thét ở Vũ Hán, những đường phố vắng lặng ở trung tâm Roma, hay những tranh giành mua khẩu trang ở Hà Nội, là những nỗi lo âu và hoang mang cực độ. Không phải chỉ những nước bị dịch bùng phát mới lo lắng, và cũng không phải chỉ những ai bị nhiễm mới hoang mang, mà toàn thể thế giới đều ở trong tâm trạng bất ổn, vì không ai dám chắc sẽ không đến lượt mình.
Nhưng đại dịch này cũng chỉ như một biến cố điển hình, soi rọi rõ hơn vào bức tranh bất ổn nói chung của thế giới con người mà thôi. Các sử gia thường dùng công thức khái quát hoá, nên mới có những sử liệu ghi rằng đã tồn tại những quốc gia với nền hoà bình, ổn định và thịnh vượng kéo dài nhiều trăm năm, trong đó dân chúng được hưởng an bình và hạnh phúc. Thiết tưởng, lịch sử nhân loại chưa từng thực sự tồn tại một quốc gia nào như vậy; có chăng chỉ là sự thịnh vượng và yên ổn chung chung mà thôi, còn dân chúng, và ngay cả những người cầm quyền, vẫn luôn phải đối diện với những lo âu thường trực. Chúng ta thử nhìn lại lịch sử thế giới khoảng 100 năm vừa qua như một ví dụ điển hình: trong nửa đầu, cả thế giới bị xâu xé bởi hai cuộc chiến tranh thế giới; ở nửa sau, nhân loại tiếp tục sống trong tình trạng chia rẽ và lo sợ bởi cuộc Chiến Tranh Lạnh; và khi cả thế giới tưởng được bước vào một giai đoạn ổn định và hoà bình, thì Chủ nghĩa Khủng Bố xuất hiện, đặc biệt sau sự kiện ngày 11 Tháng Chín, 2001. Đó là chưa kể những cuộc chiến tranh, xung đột và thiên tai khác diễn ra rải rác trong thời gian đó. Như thế, trong phạm vi thế kỷ qua, chưa có một khu vực hay một quốc gia nào thực sự có được hoà bình và ổn định kéo dài hơn một đời người!
Có lẽ điều đó thuộc về bản chất mầu nhiệm cuộc sống con người ở trần thế này. Những con virut Corona đang nhắc chúng ta hiểu rằng chẳng ai có thể tự đảm bảo hay chọn lựa cho mình một nơi chốn hoàn toàn ổn định và an bình. Cuộc sống tự nó mang tính mầu nhiệm: nó vượt qua mọi mong muốn kiểm soát, mọi tính toán làm chủ của con người. Chẳng có ‘nghị quyết’ hay ‘sắc lệnh’ nào có thể giúp chúng ta khống chế được mọi tình huống; chẳng có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào khiến chúng ta làm chủ được mọi biến cố có thể diễn ra; và cũng chẳng có vàng bạc nào mua thêm được một giây tuổi thọ!
Chắc hẳn dịch virus Corona cũng sẽ trôi qua, và chúng ta trở lại với cuộc sống bình thường, dù sẽ có những xáo trộn nhất định; rồi phần lớn nhân loại cũng sẽ nhanh chóng quên đi đại nạn này để tiếp bước. Âu đó cũng là một điều tốt lành, vì nếu không có khả năng quên đi ký ức đau thương, con người khó mà tồn tại được! Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nếu chúng ta xoá sạch mọi ký ức, chúng ta lại không thể trưởng thành trong tư cách là những con người, vì không thể xây dựng thành văn hoá, lịch sử, lối sống; và ta cũng không thể có tri thức, vì thiếu nền tảng để biết đặt ra các câu hỏi. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu những ký ức như trận đại dịch này được lưu lại nơi tâm trí con người, không phải theo kiểu ẩn ức đau buồn và hoảng sợ, mà dưới dạng một ý thức về thân phận di cư của con người, hay nói một cách tích cực hơn – theo ngôn ngữ đức tin – dưới dạng một lời nhắc nhở liên tục về ơn gọi hành hương của nhân loại. Đó là ý thức rằng thế giới này tự nó không phải là nơi hoàn hảo dành cho con người. Dù tiến bộ đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không thể hy vọng về một cuộc sống hoàn toàn an bình và ổn định, thư thái và thoả mãn, trong đó con người không có bất cứ một nỗi lo âu hay sợ sệt nào. Vì thế, mặc dù nên nhìn thế giới và đời sống dương gian này như một quà tặng hay một ân huệ, nhưng con người cần ý thức rằng nó chỉ là cuộc lữ hành của mình mà thôi. Chúng ta được mời gọi đảm nhận cuộc sống trần thế này với tất cả niềm vui, trách nhiệm và nhiệt tâm xây dựng, nhưng đồng thời phải hướng đến một quê hương trọn vẹn hơn được hứa ban ở chốn vĩnh hằng. Để sống ơn gọi này, chúng ta phải chân thành với cảm nhận rất người của mình về sự bất ổn của đời sống này, không phải để bi quan và thất vọng, mà ngược lại, để sống tích cực và bình tâm.
Thứ ký ức như thế chắc hẳn sẽ biến đổi tâm thức và lối sống của nhân loại. Khi ý thức được bản chất bấp bênh của cuộc sống, chúng ta biết bớt đi tâm thế tham lam, tranh đua và tích trữ. Trong thời gian đại dịch, hình ảnh của một người phụ nữ rất giàu ở Vũ Hán khóc lóc bất lực và ném tiền từ trên toà nhà của mình xuống đường chắc hẳn đã đánh động rất nhiều con người, nhất là những ai đang dành cả đời tham lam vơ vét của cải. Nếu những hình ảnh đó ít nhiều còn đọng lại trong ký ức của chúng ta sau khi trở lại đời sống thường nhật hậu Corona, hẳn nó có sức lay động và biến chuyển tâm thức và lối sống của mình. Ký ức về kinh nghiệm cả một cộng đồng đối diện với đại dịch cũng nhắc chúng ta rằng số phận mọi con người thật ra rất gần nhau, gắn chặt với nhau. Vì vậy, chỉ có sự tương trợ, gánh vác cùng nhau và cho nhau mới có thể tạo ra một xã hội tốt nhất cho cuộc lữ hành dương thế của tất cả chúng ta.
Não trạng đó cũng giúp chúng ta biết cảm thông và cư xử thích đáng hơn với những nhóm di dân cụ thể đang phải xa quê hương vì nhiều lý do khác nhau. Chúng ta sẽ không còn nhìn họ như những gánh nặng mà mình có thể chấp nhận hay từ chối cách tuỳ ý nữa. Ngược lại, ta hiểu rằng họ chỉ đang mang vác một cách điển hình về thân phận di cư của toàn thể nhân loại. Việc đón nhận và đồng hành với họ không còn chỉ là vấn đề của lòng thương xót nữa, mà còn là vấn đề cùng sống liên đới với nhau trong thân phận chung đó. Chỉ như thế chúng ta mới thực sự sống sung mãn nhân tính của mình trong gia đình nhân loại.
Đó là bài học và là con đường chính Đức Ki-tô Giê-su đã dạy và đã thực hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa không chọn lựa ‘đứng ngoài cuộc’ hay đứng bên lề để quan sát sự bấp bênh của nhân loại. Ngài chọn cách đi vào, đụng chạm, ôm ấp và đón nhận chính thân phận bấp bênh đó. Đó là cách Thiên Chúa nhập cuộc vào thế gian trong thân phận con người; để cho tính chất bấp bênh của phận người đụng chạm mình. Thiên Chúa đã thực sự kết hợp với con người qua sự chung chia và mang vác thân phận mỏng giòn của nhân tính, để cuối cùng đưa thân phận đó vào trong vinh quang của Phục Sinh.
Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News