Thông thường cái đẹp phải hoàn hảo, không tỳ vết, không khiếm khuyết. Nhưng cái đẹp ấy không thuộc về con người phàm trần, ngoài cái đẹp hoàn mỹ Chúa ban cho Đức Maria. Con người thường phàm của ta chẳng bao giờ hoàn hảo, nhưng Chúa vẫn ban cho cái đẹp trong cái không hoàn hảo của nó.
Vẻ đẹp trong cái khiếm khuyết. Một nghệ thuật trong thuyền học của Nhật Bản tìm kiếm vẻ đẹp trong cái không hoàn hảo gọi tên là Wabi – Sabi. Tối giản và khiếm khuyết là hai điều kết hợp trong tự nhiên. Nếu quan sát thiên nhiên, ta sẽ thấy cả hai chiều kích của cái đẹp của cây cỏ, thảo mộc, vừa xanh tươi vừa vàng úa. Một hiện tượng bình thường của của cuộc sống vừa mạnh mẽ nhưng cũng vừa yếu mềm, vừa tươi trẻ nhưng cũng vừa già nua theo tuổi tác, vừa thánh thiện và cũng vừa tội lỗi. Không có gì là hoàn hảo trong các tố chất tạo nên đời sống của ta. Trong cái không hoàn hảo ấy, cái đẹp ẩn hiện trong nó tính chất của thời gian, vừa thấy đó mà cũng vừa vụt qua đó. Vẻ đẹp không hoàn hảo là ta đón nhận nó như nó là. Thiên Chúa cũng với điều ấy, Người đón nhận ta trong cái đẹp không hoàn hảo của ta, như ta là, không như ta có. “Ta đã yêu thương ngươi bằng tình yêu muôn thưở và lòng thương xót của Ta dành cho ngươi” (Gr 31, 3). Thiên Chúa yêu thương ta chỉ vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16)
Vẻ đẹp không hoàn hảo trong nó ta tìm được một nét đẹp của Thiên Chúa ban tặng cho nó, không thể đặt tên. Khi ngắm nhìn sự vật trong cái méo mó, sần sùi của nó qua dòng thời gian. Giống như ta nhìn ngắm những bộ rễ của các cây cổ thụ. Ta nhìn nó khám phá ra vẻ đẹp của nó qua cái cằn cỗi, sần sùi, nhiều u cục, mang đến nhiều cảm xúc qua mỗi lần chiêm ngắm. Vẻ đẹp, ta không cần biết tỷ lệ vàng, không có một tiêu chuẩn nào để đánh giá, ta chỉ thấy vẻ đẹp vì nó đẹp. Vẻ đẹp ấy cũng nói lên bản chất con người của ta, dù bên ngoài hình thù xấu xí như thế nào, vẻ đẹp Chúa ban tặng cho ta vẫn là “hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa”. Tìm vẻ đẹp ấy nơi con người, ta dễ cảm mến và yêu thương những con người quanh ta, dù không cần biết họ là ai, chỉ biết đó là “Hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26).
Cái không hoàn hảo khác với sự mất trật tự, xáo trộn, bừa bãi. Không hoàn hảo từ trong cái tự nhiên, phai nhạt dần theo thời gian, chấp nhận những ước mơ không thành dù đã cố gắng. Chấp nhận con người khiếm khuyết của ta với những cố gắng sắp xếp lại những hư mất của một thời đã qua. Con người chấp nhận sự thiếu vắng hoàn hảo của chính mình, có khi tự cười cho chính ta vì những ngớ ngẩn, sai lỗi. Trong việc đón nhận những khiếm khuyết của ta, ta mới có thể đón nhận và cảm thông sự không hoàn hảo nơi người khác. Triết lý sống cái không hoàn hảo nơi ta là để ta sống với người khác trong cảm thông và tha thứ.
Vẻ đẹp của tàn phai giống như vẻ đẹp của mùa Thu. Một mùa lá đổ muôn màu, chuẩn bị cho sự rơi rụng. Mùa của tàn phai được ngắm nhìn qua lăng kính của ngày sang Đông. Tuổi già với những cánh cửa khép dần lại. Quy luật của thời gian, trở về với lối sống thanh đạm, vườn khô, đơn giản với chiếc ấm trà cũ kỹ, những rêu phong của sỏi đá, những chiếc bàn gẫy bên căn nhà cổ xưa. Lối sống mộc mạc ấy gợi lên một vẻ đẹp của tàn phai, năm tháng trôi dần, chuẩn bị cho một tâm hồn thanh tao không vấn vương bụi trần. Một tuổi già được ca ngợi vẻ đẹp của cầu nguyện, đời phó dâng: “Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con, để con tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau.” (Tv71, 18)
Hoà hợp, tinh khiết, giản đơn, bình dị, thành kính, tất cả những từ ngữ ấy nối kết với cái không hoàn hảo của ta, làm nên cái đẹp của một tâm hồn vươn cao.
Chúa yêu thương ta! Ta trở nên đẹp vì chính ta không hoàn hảo. Một mùa Thu trong mắt Chúa.
L,m Giuse Hoàng Kim Toan