Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 30/01/2021 08:26 |
682
Để theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp chúng ta bước ra biển đời. Do đó chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng về sự sống
VÌ SAO KI-TÔ HỮU NGÀY NAY ÍT QUAN TÂM ĐẾN VIỆC ĐỌC THÁNH KINH? Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (28.1.2021) – Ngày 22-1-2021 vừa qua, trên trang web Giáo phận Qui Nhơn (gpquinhon.org) có đăng bài viết tựa đề “Sáu lý do người Công giáo nên đọc Thánh Kinh”, theo đó tác giả đã khẳng định rằng, chỉ cần một trong sáu lý do này là đủ để thay đổi thói quen của chúng ta. Nhân mở đầu bài này, chúng ta tạm liệt kê tóm tắt sáu điều nêu trên, như sau:[1]
1.- Thánh Kinh là Lời Chúa đang nói với chúng ta
2.- Thánh Kinh chất chứa sự khích lệ
3.- Đọc Thánh Kinh sẽ giúp chúng ta thành những nhà truyền giáo tốt hơn
4.- Khi đọc Thánh Kinh chúng ta sẽ tập trung vào những gì thực sự quan trọng
5.- Đọc Thánh Kinh dạy chúng ta cầu nguyện
6.- Càng đọc Thánh Kinh, chúng ta càng có thể nghe rõ tiếng Chúa
Xét như vậy chúng ta thấy rằng, việc đọc Thánh Kinh đối với Ki-tô hữu là một bổn phận rất nên và cần thực hiện mỗi ngày, với cách thức nào đó tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Lý do đơn giản của việc NÊN và CẦN đọc Thánh Kinh mỗi ngày là, Thánh Kinh là một trong những cuốn sách có số độc giả đông nhất và dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa ngỏ lời tình yêu cứu độ cho con người. Với Thánh Giê-rô-ni-mô, ngài còn khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô”. Vì thế, ngài đã hy sinh suốt cuộc đời để khám phá và sống trọn vẹn sứ điệp của Lời Chúa. Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng ta cùng bàn về ba vấn đề chủ chốt, đó là: 1- Lý do chúng ta cần đọc Thánh Kinh; 2- Lợi ích của việc đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa; 3- Vì sao ngày nay nhiều người trong chúng ta ít quan tâm việc đọc Thánh Kinh?
I.- LÝ DO CHÚNG TA CẦN ĐỌC THÁNH KINH
Cách đây một năm, vào sáng ngày 26-1-2020, ĐTC Phan-xi-cô đã cử hành thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô nhân ngày Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ nhất. Nhân dịp này, ĐTC khuyến khích các tín hữu đọc và lắng nghe Lời Chúa để nghe tiếng Chúa mời gọi sám hối thay đổi đời sống mỗi ngày, để Lời Chúa đưa chúng ta ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng.[2]
Cũng theo bản tin này, trong bài giảng, ĐTC tập trung vào sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Ngài là Lời của Thiên Chúa, đến trần gian để nói với chúng ta bằng lời và cuộc sống của Người. Đức Thánh Cha giải thích 3 điểm: cách thế, nơi chốn và đối tượng của lời rao giảng của Chúa Giêsu.
Đặc biệt, ĐTC đã lưu ý rằng, những người đầu tiên đón nhận lời Chúa Giê-su giảng dạy là những người đánh cá, những người không được chọn theo điều kiện khả năng hay đạo đức, nhưng là những người lao động. Người gọi họ từ cuộc sống của họ, nơi họ ở và như chính họ là, để tham gia vào sứ mạng của Người. Và họ ngay lập tức bỏ lưới theo Người, bởi vì họ bị thu hút bởi tình yêu.
ĐTC nhấn mạnh: “Để theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp chúng ta bước ra biển đời. Do đó chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng về sự sống”.
ĐTC đã kết thúc bài giảng bằng lời mời gọi “Hãy dành chỗ cho Lời Chúa. Mỗi ngày hãy đọc cẩn thận vài câu Kinh Thánh”. Và ngài khuyên chúng ta luôn có cuốn Kinh Thánh bên cạnh, trên ghế bành ở nhà, trong túi áo, trên điện thoại. Hãy để Lời Chúa linh hứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, chiếu sáng bóng đêm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta bằng tình yêu.
Đặc biệt là cuối thánh lễ này, ĐTC đã trao sách Kinh Thánh cho 40 người đại diện cho các hoàn cảnh sống khác nhau, từ các giám mục đến linh mục, từ các tín hữu Công giáo đến tín hữu các hệ phái Ki-tô giáo khác, từ giáo lý viên đến những người tình nguyện, từ hiến binh đến lính Thụy Sĩ, từ cảnh sát đến quân cảnh, từ bác sĩ đến y tá, người già, người khuyết tật, vv. Các tín hữu tham dự thánh lễ cũng được nhận mỗi người một cuốn Kinh Thánh.
Nhân đây cũng xin nhắc lại thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2005 chủ đề “Sống Lời Chúa”, trong đó giáo huấn đã nhấn mạnh về việc “Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh”, như sau:[3]
“Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời. Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.
“Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. “Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta”
Cũng theo thư Mục Vụ năm 2005, HĐGMVN đã nhấn mạnh rằng: “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu (MK 22). Thánh Giê-rô-ni-mô đã viết: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’ (được trích trong MK 25). Do đó, bận tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao cho mọi tín hữu có thể tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày. Cụ thể là:
- Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước; - Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn; - Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức; - Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.”
II.- LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHÚNG TA ĐỌC - LẮNG NGHE – SUY NIỆM LỜI THIÊN CHÚA
Bên cạnh việc đọc Thánh Kinh, chúng ta còn phải tập trung việc nghe, suy gẫm và thi hành Lời Chúa nữa. Thực tế chỉ ra rằng chúng ta chỉ “Nghe” Lời Chúa nhiều hơn là “Lắng nghe” Lời Người. Trong khi “Nghe” thì hời hợt, thoáng qua, lơ đãng, mau quên...thì “Lắng nghe” là thái độ cần thiết giúp ta nghe Lời Chúa một cách chăm chú, với tất cả tinh thần và tâm trí của con cái yêu mến Cha mình. Khi lắng nghe Thiên Chúa nói với mình, chúng ta sẽ khám phá ra điều này, đó là Thiên Chúa không những dạy bảo chúng ta đường ngay nẻo chính, nhưng còn muốn đối thoại với chúng ta, muốn bộc lộ ý định yêu thương dành cho chúng ta, và muốn tâm sự với chúng ta nữa.
Vậy lý do nào khiến chúng ta phải siêng năng và sốt sắng lắng nghe Lời Chúa? Trước hết, Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý về Mạc khải đã viết:“Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội thánh và là sức mạnh của đức tin, lương thực nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội thánh”(MK số 21).
Khi đi sâu vào Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy trong đó một kho tàng cực kỳ phong phú, bổ dưỡng và hữu hiệu. Như trong Is 55 Chúa đã phán: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống...Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 3. 10-11).
Lời Chúa không chỉ là lời nói, chữ viết, thông điệp suông mà còn là một sức mạnh quyền năng và sống động. Khi tiếp nhận Lời Chúa với một đức tin chân thành và thái độ khiêm tốn, chúng ta sẽ khám phá trong đó hàm chứa những nội dung thật phong phú, đa dạng và một khi được Lời Chúa thấm nhập vào, chúng ta sẽ được bồi dưỡng, tái sinh và biến đổi.
2.1. Lời Chúa là lời mạc khải
Nói về tính chất mạc khải của Lời Chúa, Giáo lý Hội thánh Công Giáo nhấn mạnh, “Để mạc khải chính mình cho loài người, Thiên Chúa đã đoái thương dùng ngôn ngữ loài người mà nói với họ: ‘Lời của Thiên Chúa, diễn đạt bằng ngôn ngữ nhân loại, trở nên giống tiếng nói loài người, cũng như khi xưa Ngôi Lời của Cha hằng hữu đã trở nên giống như con người khi mặc lấy xác phàm yếu đuối của chúng ta’ (DV 13). Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói có một Lời là Ngôi Lời duy nhất, trong Người, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại (Dt 1, 1-2)” (số 101-102).
Khi đón nhận Lời mạc khải của Thiên Chúa, tâm trí chúng ta sẽ được khai mở về một chân trời mới, bao la diệu vợi. Thực vậy, “Chân trời mới quan trọng nhất, mà Lời Chúa hé mở cho tôi thấy, là tôi có một Người Cha trên trời. Đời sống của tôi là chuyến đi về Trời để gặp Cha của tôi. Chuyến đi này có vô vàn trắc trở. Tôi phải biết đón nhận Chúa Cứu độ và ơn Chúa đổi mới tôi. Chân trời này chan chứa tình yêu thương.”[4]
2.2. Lời Chúa là lời sáng tạo và hành động
Trong Cựu Ước, Lời Chúa là lời sáng tạo. Chỉ một lời Chúa phán mà vũ trụ, trời đất, vạn vật, con người được tạo dựng (x. St 1, 3-26).
Lời Chúa cũng bao hàm quyền năng hành động. Thực vậy, “Chỉ một lời, Đức Giê-su hoàn tất các phép lạ là những dấu chỉ của Vương Quốc Thiên Chúa (Mt 8, 8. 16; Ga 4, 50-53). Cũng chỉ một lời, Ngài hoàn tất nơi các tâm hồn những hiệu quả thiêng liêng mà các phép lạ này biểu tượng, như sự tha thứ tội lỗi (Mt 9, 1-7 ss). Chỉ một lời, Ngài thông ban quyền năng của mình cho Nhóm Mười Hai (Mt 18, 18; Ga 20, 23) và thiết lập những dấu chỉ của Giao ước mới (Mt 26, 26-29 ss). Như thế, trong Ngài và qua Ngài, Lời sáng tạo hành động, thực hiện sự cứu rỗi ở trần gian.”[5]
Lời Chúa là một hiện thực sống động, vì thế khi chúng ta chăm chú lắng nghe và để cho Lời ấy thẩm thấu vào tâm trí mình thì bản thân mình sẽ được biến đổi. Sẽ xảy ra một cuộc sáng tạo mới, một cuộc tái sinh nhờ Lời Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. “Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi... Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn Thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng ” (1Pr 1, 23. 25).
2.3. Lời Chúa đem lại niềm vui và sự sống
Trong Cựu Ước, Lời Chúa luôn là niềm vui của vị ngôn sứ. Chẳng hạn, “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh” (Gr 15, 16). Lời Chúa cũng đem lại sự sống cho những ai lắng nghe và tin vào Người. Các môn đệ đi theo Chúa Giê-su đã nhận ra rằng Lời Chúa có khả năng đem lại cho kẻ tin sự sống viên mãn, đời đời. Như lời tuyên tín của tông đồ Phê-rô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).
Đối với các tín hữu thời Tân ước thì Lời Chúa chẳng những là sứ điệp mạc khải từ Thiên Chúa, nhưng còn là chính bản thân Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể làm người. Khi lắng nghe Lời Chúa chính là lúc chúng ta chấp nhận đi vào tương quan mật thiết với Chúa Ki-tô, Đấng là đường, là sự sống và là sự thật. Như Chúa đã khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5, 24); “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7).
2.4. Lời Chúa là lời yêu thương, vỗ về, ủi an
Lắng nghe và đi sâu vào Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy Lời Chúa thật ngọt ngào dịu êm. Lời Chúa luôn đem lại yêu thương và thúc giục yêu thương. Lời Chúa như tấm lòng người mẹ hiền, luôn gần gũi con cái để vỗ về ủi an. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30). Thánh sử Gio-an cũng đã nhắc lại lời của Đức Giê-su: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em ” (Ga 15,12). Thánh Phao-lô trong thư Roma đã quả quyết: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15, 4).
2.5. Lời Chúa có sức chữa lành và hoán cải
Trong lịch sử Hội thánh, có khá nhiều Ki-tô hữu trở nên những vị thánh nổi tiếng nhờ tác động kỳ diệu của Lời Chúa. Tác động hướng dẫn và hoán cải. Trường hợp thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê: “Thánh Phanxicô sinh năm 1506 tại miền xaviê thuộc địa phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình giàu sang, quyền quí, vị vọng. Thánh nhân có trí thông minh đặc biệt, nên vào năm Ngài lên 19 tuổi, cha mẹ ngài gửi ngài qua Paris để tiếp tục công việc đèn sách. Tám năm sau đó, ngài tốt nghiệp đại học và trở thành giáo sư danh tiếng tại nước Pháp. Thánh nhân lúc đó miệt mài chạy theo danh vọng trần tục. Ngài coi trần gian là tất cả. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, cao sâu, huyền bí nào ai hiểu nổi. Một lời của Chúa đã khiến Phanxicô thay đổi tất cả: Ðược lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?’. Chúa đã dùng miệng lưỡi của thánh Ignatiô cũng là thầy dạy ngài để nói lên điều đó. Chính lời Chúa đã biến đổi cuộc đời của ngài tận căn. Chúa đã chiếm đoạt con tim của ngài toàn vẹn. Thánh nhân đã trở thành khí cụ bình an đem Tin Mừng cho người Á Châu...”[6]
Trường hợp của thánh nữ Tê-rê-xa HĐ Giê-su: “Có những người sống thánh chỉ nhờ lời Chúa hướng dẫn, chẳng hạn Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ viết: ‘Trong Phúc âm, tôi tìm được tất cả những gì cần thiết cho tâm hồn bé nhỏ đáng thương của tôi. Tôi luôn tìm thấy ở đó những ánh sáng mới, những ý nghĩa ẩn giấu và mầu nhiệm…Nhờ kinh nghiệm, tôi hiểu và biết rằng ‘Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta’ (Lc 17,21). Đức Giêsu không cần sách vở, cũng không cần các tiến sĩ để dạy dỗ các tâm hồn. Chính Ngài là vị tiến sĩ lớn nhất, Ngài giảng dạy không cần những lời ồn ào’. Khi lần lượt đọc các chương 12 và 13 của thư thứ nhất Corintô, thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi sâu xa, và vui mừng thốt lên là mình sẽ trở thành tình yêu trong Nhiệm thể Đức Kitô.”[7]
2.6. Lời Chúa là lời soi sáng và dạy dỗ
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Khi tiếp xúc Lời Chúa, chúng ta khám phá ra rằng Lời Chúa chính là nguồn sáng giúp soi sáng chúng ta trong đời sống đức tin này.
Những lúc chúng ta rơi vào tình trạng tăm tối, khốn cùng nhất thì lúc đó Lời Chúa sẽ là nguồn sáng dẫn ta ra khỏi chốn u mê, lầm lạc, chết chóc. Đức Giê-su nói với người Do thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, ).
Những lúc chúng ta lo lắng về cuộc sống này, thì có tiếng Chúa bên tai ta nhắc nhở ta về việc tin tưởng vào Chúa quan phòng (x. Mt 6, 25-34).
Những lúc chúng ta chạy theo đam mê tiền bạc của cải trần gian, thì có tiếng Chúa nhắc bảo chúng ta về việc phải tích trữ cho mình kho tàng bền vững trên trời (x. Mt 6, 19-21).
Những lúc dường như cuộc đời mất phương hướng, chúng ta rơi vào tình trạng tuyệt vọng, chán nản cùng cực. Khi đó Lời Chúa bỗng xuất hiện trong tâm trí ta: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5, 16-18); “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 6).
2.7. Lời Chúa chứa đựng chân lý và sự thật
Chúng ta luôn xác tín một điều quan trọng này là, Lời Chúa chứa đựng sự thật tuyệt hảo. Bởi chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6); “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17, 17). Thiên Chúa là sự thật, là chân lý cho nên những lời của Người cũng là chân lý và sự thật.
Khi tiếp nhận Lời Chúa, chúng ta vững tâm, tin tưởng rằng mình không sai lạc, lầm đường. Sự thật có sức mạnh giải phóng chúng ta, như thánh sử Gioan đã ghi lại: “Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: ‘Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông’ ” (Ga 8, 31-32). Sự thật chứa đựng trong Lời Chúa sẽ đem lại tự do và bình an. Đó là ơn huệ của Thần khí mà chỉ có những ai tin tưởng và thuộc về hàng ngũ con cái Thiên Chúa mới có được.
Tóm lại, chúng ta có đủ lý do để xác tín rằng việc đọc Thánh Kinh, việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa là tối cần thiết đối với đời sống đức tin của người Ki-tô hữu, vì nếu chúng ta lơ là điều này, thì chứng tỏ mình chưa phải là môn đệ của Chúa.
III.- TẠI SAO ÍT NGƯỜI CÔNG GIÁO QUAN TÂM VIỆC ĐỌC THÁNH KINH?
Có thể nói, ngày nay hầu hết các tín hữu Công Giáo chúng ta đều giữ đạo khá chu đáo nhưng lại ít quan tâm đến việc đọc và học Thánh Kinh, cũng như suy gẫm Lời Chúa hằng ngày, coi đó như bổn phận trọng yếu của mình. Đó là một thực trạng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ và thúc đẩy ta tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm cải thiện tốt tình hình đáng quan tâm này.
3.1. Thực trạng Ki-tô hữu một vài nơi đối với việc đọc Thánh Kinh
Trong bài viết có tựa đề “Tại sao ít người đọc Kinh Thánh?”, tác giả trang vietcatholicsydney.net đã đưa ra một số thông tin và những con số thống kê đáng lưu ý tại Mỹ về việc đọc Thánh Kinh, như sau:[8]
“Trong một thế giới ngày càng bị tục hóa, quyển Thánh Kinh vẫn có mặt và không phải chỉ dành cho các tín hữu ngoan đạo nhất. Ở Mỹ, trong các phòng ở khách sạn vẫn còn để quyển Thánh Kinh trong ngăn kéo ở bàn đầu giường. Dù vậy, trong một nghiên cứu gần đây của văn phòng Nghiên Cứu Lối Sống (LifeWay Research) ở Mỹ, hơn một nửa dân số Mỹ chưa bao giờ đọc hoặc rất ít khi đọc Thánh Kinh. Nghiên cứu còn cho biết: “Dưới một phần tư những người đọc Thánh Kinh biết đọc một cách có hệ thống. Trong khi có đến một phần ba không có thói quen mở ra đọc”.
“Ông Scott McConnell, giám đốc trung tâm nghiên cứu Lối Sống (LifeWay) cho biết: Đa số người Mỹ thật sự không biết có gì trong quyển Thánh Kinh, vì họ gần như không bao giờ mở sách ra. Ông giải thích: Trong số những người giữ đạo thường xuyên, chưa đến một nửa đọc Thánh Kinh mỗi ngày.
Văn phòng Lối Sống dò hỏi 1000 người Mỹ về tương quan của họ với Thánh Kinh, thì kết quả là 10% chưa bao giờ đọc, 13% đọc được vài câu, 30% đọc một vài đoạn hay một vài câu chuyện trong Thánh Kinh. Trong khi có 1 phần 5 người Mỹ đọc hết quyển Thánh Kinh ít nhất một lần. Con số này gồm 11% người đọc trọn Thánh Kinh một lần, 9% đọc nhiều lần, 12% đã đọc gần như trọn quyển và 15% đọc ít nhất được một nửa.
Nhưng theo Stephen J. Binz, tác giả của một loạt sách về nghiên cứu Thánh Kinh, thì đó không phải là chuyện thiết yếu. Quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng Ông nhận xét : Sự thông hiểu Lời Chúa để biến đổi con người không tùy thuộc vào số lượng. Nó tùy thuộc vào chất lượng nhiều hơn, dựa trên các phương pháp mà Giáo hội mang lại cho chúng ta. Đọc một hay nhiều lần không quan trọng. Đó không phải là chuyện mang lại sự gặp gỡ giữa chúng ta với Lời Chúa.
“Mọi cách đọc Thánh Kinh sẽ không hoàn hảo nếu nó không đưa chúng ta đến cầu nguyện. Thời gian đọc Thánh Kinh trở thành một cuộc đối thoại, qua đó chúng ta nghe tiếng Chúa trong bản văn, và chúng ta đáp lại Ngài trong lời cầu nguyện và qua cuộc sống được biến đổi.”
Bài báo trên cũng đưa ra một vài con số đáng lưu ý như sau:
“Cuộc nghiên cứu của trung tâm Lối Sống đưa ra một số lý do, theo đó vào khoảng 27% số người Mỹ không đọc Thánh Kinh vì không cho đó là chuyện ưu tiên, 15% không có thì giờ, 13% nói là đã đọc đủ, 9% không đọc một cách chung, 9% cho rằng Kinh Thánh không phải dành cho họ, 6% không có Thánh Kinh, 10% không đồng ý với nội dung của Thánh Kinh.
Và đây là một số kết quả khác của cuộc nghiên cứu: 22% đọc Thánh Kinh mỗi ngày, một cách có hệ thống, 35% không bao giờ mở sách ra, 30% đọc khi họ cần, 19% đọc thường xuyên những đoạn mình thích, 17% mở tình cờ và đọc đoạn trước mặt, 27% đọc những đoạn người khác khuyên đọc, 16% đọc để giúp người khác.
Người Tin Lành (36%) có thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày hơn là người Công Giáo (17%). Người Mỹ nào càng đi nhà thờ thì họ càng có khuynh hướng đọc Thánh Kinh mỗi ngày, phụ nữ đọc Kinh Thánh nhiều hơn đàn ông, 35% cho rằng Thánh Kinh thay đổi đời họ, 36% cho rằng đó là sự thật, 52% cho rằng Thánh Kinh là nguồn của các giá trị đạo đức, 14% nghĩ rằng Thánh Kinh đã lỗi thời…”
Đó là chuyện ở bên nước Mỹ, còn tại Việt Nam thì sao?
Hiện nay có lẽ chưa có một cuộc khảo sát sâu rộng nào để tìm hiểu việc đọc Thánh Kinh của tín hữu Việt Nam, do đó mà chưa có một thống kê cụ thể nào nói lên thực trạng này. Dù sao HĐGMVN qua thư Chung năm 2005 về chủ đề “Sống Lời Chúa” đã lưu ý một cách khái quát đến thực trạng Ki-tô hữu chưa quan tâm việc đọc Thánh Kinh, như sau:
“Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.” (số 8)
Sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của Thánh Kinh thì chúng ta ai cũng biết cả rồi. Tuy nhiên, xét phạm vi cá nhân mỗi tín hữu thì liệu cuốn Thánh Kinh đã trở thành vật bất ly thân chưa? Như lời mời gọi của ĐTC Phan-xi-cô: “Hãy dành chỗ cho Lời Chúa. Mỗi ngày hãy đọc cẩn thận vài câu Kinh Thánh”.
Và ngài cũng khuyên chúng ta luôn có cuốn Kinh Thánh bên cạnh, trên ghế bành ở nhà, trong túi áo, trên điện thoại. Hãy để Lời Chúa linh hứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, chiếu sáng bóng đêm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta bằng tình yêu.
Tuy vậy, trên thực tế, có lẽ trong các tín hữu chúng ta, nhiều người chưa từng chạm tay đến một cuốn Thánh Kinh. Trong khi từng giây từng phút kè kè bên họ là chiếc smartphone hiện đại. Vậy thì làm sao họ biết đến Chúa Ki-tô? Cũng có người, một cách nào đó, đã có dịp tiếp xúc với Thánh Kinh nhưng chưa một lần mở ra đọc và suy gẫm. Trong khi họ mất hàng giờ để theo dõi chương trình giải trí trên TV hay trò chuyện trên mạng. Vậy thì làm sao họ có thể nghe được Lời Chúa nói với chúng ta, có thể thu hút bởi tình yêu của Chúa, có thể hoán cải nhờ tác động kỳ diệu của Lời Hằng Sống nói với chúng ta thông qua Thánh Kinh?
Cũng có nhiều trường hợp chúng ta mở Thánh Kinh ra đọc, nhưng rồi mất tập trung, đầu óc phân tán, chúng ta không đủ kiên nhẫn và bình tâm để nghe Chúa nói và để Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn mình. Và chúng ta bỏ cuộc. Cũng có người thỉnh thoảng mở Thánh Kinh ra đọc nhưng đọc một cách thụ động, tò mò hơn là đọc và suy gẫm bằng sự lắng nghe Lời Chúa nói với mình, để đón nhận sự sống giữa muôn ngàn tiếng nói của thế tục, trần gian.
Vậy để tìm ra nguyên nhân của những thái độ trên, “Chúng ta phải thừa nhận rằng, phần không nhỏ các tín hữu Công giáo ít khi dự một chương trình đào tạo liên quan đến những vấn đề như phương pháp đọc Thánh Kinh; hoặc có người gợi ý những câu hỏi, những đề tài để giúp họ suy niệm Lời Chúa. “Vì vậy, họ không biết phải bắt đầu từ đâu, hệ lụy là đôi khi họ đọc Lời Chúa nhưng không mấy khi nhận ra Lời Chúa là lời ngỏ với chính bản thân. Sau nữa, có những người nghe Lời Chúa, nhưng lại nghĩ Lời Chúa nói cho người khác, cho tập thể chứ không phải cho mình, chính vì thế không có được sự gặp gỡ cá vị với Chúa. Vì vậy, họ không thường xuyên tìm đọc Thánh Kinh để sống tương quan mật thiết với Chúa.”[9]
3.2. Những lý do chính khiến các Ki-tô hữu ngày nay ít quan tâm việc đọc Thánh Kinh.
Trong phạm vi bài viết này, xin mạn phép đưa ra 3 lý do chính khiến các tín hữu Công Giáo ngày nay ít quan tâm đến việc đọc Thánh Kinh. Đó là: 1- Nhận thức chưa đúng về vai trò của Thánh Kinh trong đời sống đức tin; 2- Kiến thức về Thánh Kinh còn rất hạn chế; 3- Lối giữ đạo còn tập trung vào luật lệ, nghi lễ và kinh kệ.
3.2.1. Nhận thức chưa đúng về vai trò của Thánh Kinh trong đời sống đức tin
Mỗi khi nghe đọc xong bài Sách Thánh hay nghe công bố xong một đoạn Tin Mừng, chúng ta mạnh mẽ đáp lại câu xướng “Đó là Lời Chúa” bằng câu đáp “Tạ ơn Chúa!” hay “Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa!”. Đó là theo nghi thức bên ngoài và theo thói quen sẵn có, còn tự thâm tâm ta, sự lắng nghe và để cho Lời Chúa thấm vào tâm hồn mình thì không biết được bao nhiêu phần trăm?…
Sự xác tín về Lời Chúa phải bắt nguồn từ nhận thức “Đó là Lời Chúa”, một sự thánh thiêng mà chúng ta phải kính cẩn đón nhận như lãnh nhận Thánh Thể Chúa vậy. Thánh Kinh không phải là cuốn sách để nghe hay để đọc cho vui, nhưng là cơ hội giúp ta “tiếp xúc” với Thiên Chúa để đón nhận sự sống thần linh.
Thực vậy, “Bộ Kinh Thánh không phải chỉ nói cho loài người biết về Chúa, mà sách còn là cách thế Chúa dùng để bày tỏ ý muốn cứu rỗi loài người, và thông ban bản thân Người cho chúng ta. Vì vậy đọc Kinh Thánh vừa để biết Chúa vừa để lĩnh sự sống thần thiêng Chúa ban. Đó cũng là cách thế người phàm được gặp gỡ thân mật với Chúa.”[10]
Nhiều người trong chúng ta, nhất là người lớn tuổi, vẫn coi Thánh Kinh là sách viết về những câu chuyện đạo, nghe cho biết và đọc vì tò mò. Còn lắng nghe, đọc, suy, sống…thì ít ai quan tâm.
Linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế, OP, trong bài viết tựa “Phải đọc Kinh thánh thế nào?”, đã nêu ra vấn đề như sau:
“Nói đến Kinh Thánh với người lớn tuổi, thường người ta nhớ lại những chuyện trong sách Sấm Truyền cũ. Hồi ấy, Kinh Thánh chưa được dịch sang tiếng bản quốc và phổ biến rộng rãi. Thường là mấy cuốn sách kể các tích chuyện trong Kinh Thánh được trình bày với những tranh vẽ ngây ngô nhưng hấp dẫn. Vì vậy, người ta mới đồng hóa những chuyện này với các sách chuyện dành cho trẻ con, như các sách vẽ tranh hoạt hình của Walt Disney dành cho thiếu nhi bây giờ. Nhưng Sách Thánh không chỉ kể những tích chuyện mà đàng sau còn có ý nghĩa nữa. Đó mới là điều quan trọng vì những chuyện ấy bày tỏ cho chúng ta ý định của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Người.”[11]
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, Thánh Kinh là cuốn sách được thêm vào trong đời sống đức tin, có hay không cũng không quan trọng. Thực ra, chúng ta cần nhận thức rằng, “Khi đọc Thánh Kinh chúng ta sẽ tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dùng thời gian đọc Thánh Kinh để xem tin tức, nghe nhạc hoặc lướt các trang mạng xã hội? Đời sống Kitô giáo cơ bản là một cuộc đấu tranh để nắm giữ Chúa ở trung tâm của đời sống và tập trung vào những điều quan trọng. Đọc Thánh Kinh thường xuyên, giúp chúng ta đương đầu với cuộc sống theo cái nhìn của Thiên Chúa ngay lúc đầu, để tránh những điều đang lôi kéo sự chú ý của chúng ta nhưng thực ra thì không quan trọng.”[12]
Linh mục An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J, trong bài viết có tựa “Giáo dân học hỏi Kinh Thánh”, đã làm rõ vấn đề, như sau:
“Có thể nói Giáo hội Công Giáo từ hơn 50 năm nay đã không ngừng muốn cho mọi giáo dân có cơ hội học hỏi Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Phải nhìn nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng. Người Công Giáo Việt Nam quen đọc kinh lần chuỗi và thực hành những hình thức đạo đức khác. Có người giáo dân nghĩ rằng việc học Kinh Thánh là điều khó, là việc dành riêng cho các linh mục tu sĩ, chính vì thế họ sợ tiếp cận với Sách Thánh. Có người không thấy hứng thú khi đọc Lời Chúa, nên cuốn Tân Ước vẫn nằm yên một chỗ. Có nhóm thích chia sẻ Lời Chúa, nhưng lại không thấy cần tìm hiểu xem bản văn Lời Chúa thật sự muốn nói gì.
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã lấy sách Đệ-nhị-luật để nói với tên cám dỗ trong hoang địa: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra’ (Đnl 8,3). Người Công Giáo chẳng những được nuôi bằng bàn tiệc Mình Chúa mà còn bằng bàn tiệc Lời Chúa nữa (DV 21). Thiếu một trong hai, là đặt mình trong tình trạng thiếu thốn. Chúng ta đã có nhiều hình thức biểu lộ sự kính trọng đối với Bí Tích Thánh Thể như dọn mình rước lễ, rước kiệu hay chầu Mình Thánh Chúa. Điều đó là tốt, nhưng Công Đồng Vaticanô II nhắc chúng ta: ‘Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa’ (DV 21). Làm sao bày tỏ sự tôn kính đối với Kinh Thánh nếu không phải là cầm lấy sách Thánh mà đọc, nghiền ngẫm, tìm hiểu ý nghĩa, cầu nguyện với sách Thánh bằng cách suy niệm hay chiêm niệm, và cuối cùng là thực hành Lời Chúa? Có người bảo nếp sống đạo của người Việt còn hời hợt, hình thức, chưa có bề sâu, chưa có nền vững. Điều đó có đúng không? Dựa vào Công Đồng, ta có thể tìm thấy câu trả lời: ‘Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn’ (DV 21). Chúng ta đã quá quen với câu này: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), nhưng quả thật nhiều người Công giáo ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với Lời Chúa.
Để thân quen với Lời Chúa, chúng ta cần dành thời gian để học hỏi. Kinh Thánh là một bộ sách cổ, được viết trong nhiều thế kỷ. Ngay bộ Tân Ước cũng đã cách xa chúng ta gần hai ngàn năm. Các tác giả Sách Thánh là những người Do-thái sống trong những thời đại lịch sử khác nhau, sống trong nền văn hóa, xã hội và phụng tự khác chúng ta. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi gặp những đoạn văn khó hiểu và thậm chí gây sốc trong Kinh Thánh. Vô tri bất mộ, để có ‘lòng yêu mến nồng nàn và sống động đối với Kinh Thánh’ (Hiến Chế về Phụng Vụ số 14) người giáo dân cần học hỏi không ngừng qua các bài dẫn nhập, các sách chú giải, và những khóa học.”[13]
3.2.2. Kiến thức về Thánh Kinh còn rất hạn chế
Có thể nói, phần đông Ki-tô hữu chúng ta còn rất mù mờ về Thánh Kinh. Một phần do chủ quan chúng ta nghĩ rằng đọc kinh, xem lễ, nghe giảng…thế là đủ, còn việc học, đọc Thánh Kinh và suy gẫm Lời Chúa là việc của các linh mục, tu sĩ. Từ cách nghĩ đó mà phần đông chúng ta không sắm cho cá nhân mình hay ít ra cho gia đình mình một cuốn Thánh Kinh trọn bộ Tân và Cựu Ước, để đọc riêng hay đọc chung, để suy gẫm Lời Chúa. Ngoài ra, chúng ta cũng không tìm đọc những tài liệu hướng dẫn về cách đọc Thánh Kinh sao cho đúng, cho hiệu quả. Bên cạnh đó, có thể chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội để tham gia các lớp Giáo Lý Kinh Thánh được mở ra cho các thành phần Dân Chúa, cấp giáo xứ hay giáo phận…
Đó là nói qua về phía chủ quan các tín hữu. Còn phía giáo quyền, mức độ quan tâm có lẽ cũng còn giới hạn. Thử hỏi, trong phạm vi giáo xứ, có mấy nơi tổ chức các lớp giáo lý hay lớp bồi dưỡng Thánh Kinh cho người trưởng thành? Có mấy nơi phát động phong trào “Mỗi gia đình một cuốn Thánh Kinh”? Có mấy nơi mục tử đích thân đến các gia đình để đọc kinh tối và giúp chia sẻ Lời Chúa? Có mấy nơi quy tụ những nhóm nhỏ để giúp nhau học hỏi và chia sẻ Lời Chúa? vv…
Các câu hỏi có lẽ còn nhiều và giáo dân chúng ta chờ đợi câu trả lời từ phía giáo quyền và các mục tử chăn dắt đời sống thiêng liêng của tín hữu.
3.2.3. Lối giữ đạo của đa số tín hữu còn tập trung vào luật lệ, nghi lễ và kinh kệ
Ở trên chúng ta cũng đã đề cập sơ qua đến việc phần đông tín hữu chúng ta vẫn còn duy trì cách giữ đạo theo thói quen tập trung nhiều vào nghi lễ, luật lệ và kinh kệ, trong khi việc đọc-học-suy gẫm Thánh Kinh thì chúng ta lại ít quan tâm. Đây là một lỗ hổng lớn trong đời sống đức tin của nhiều người.
Chúng ta thử hình dung, đa số giáo dân chúng ta, nhất là các bạn trẻ, mỗi tuần tham dự thánh lễ Chúa Nhật một lần, nên chỉ được nghe Lời Chúa một lần trong phần Phụng Vụ Lời Chúa và qua việc nghe giảng lễ của linh mục. Nếu chúng ta tập trung hiệp thông thánh lễ, tích cực theo dõi, lắng nghe Lời Chúa và nếu bài giảng đạt chất lượng cao thì chúng ta đã được hưởng lợi ích thiêng liêng phần nào rồi. Nhưng nếu chúng ta lơ là, không quan tâm, tham dự thánh lễ một cách máy móc, chiếu lệ…thì coi như mọi sự xem ra vô ích và uổng công!
Chúng ta nhận thấy rằng, đời sống đức tin của nhiều Ki-tô hữu bị ảnh hưởng không ít bởi các hiện tượng tục hóa và do nhu cầu “cơm áo gạo tiền” chi phối. Một tuần chỉ tham dự thánh lễ một lần, hằng ngày không có thời gian quy tụ để đọc kinh và chia sẻ Lời Chúa trong gia đình. Rất nhiều người cũng không có thời gian tham gia các hội-đoàn-nhóm trong giáo xứ để có cơ hội làm việc đạo đức và tham gia học hỏi Lời Chúa. Thậm chí có nhiều người đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa Nhật, thì chỉ muốn “đi trễ về sớm”, tìm chỗ bên ngoài nhà thờ để đứng ngồi thoải mái, mát mẻ, lại có không ít người ngồi trên xe hút thuốc hay chuyện trò, cũng có người lấy điện thoại ra vào facebook xem, nghe và liên lạc với ai đó vv…
Chúng ta thử dò hỏi các bạn trẻ Công Giáo xem ngày nay họ thích đọc Thánh Kinh, say mê nghe Lời Chúa hay là ghiền mạng xã hội hơn, thì câu trả chắc là thiên về mạng xã hội hơn. Điều đó chứng tỏ rằng Thánh Kinh và Lời Chúa chưa có sức hút mạnh mẽ khiến cho chúng ta phải thay đổi sự chọn lựa ưu tiên cho mình. Thiết nghĩ, ngay bây giờ chúng ta phải có can đảm vượt qua ranh giới từ “giữ” Đạo đến “sống” Đạo, đặc biệt trong các việc đạo đức phải chọn vị trí ưu tiên cho Lời Chúa trong Thánh Kinh. Khi tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa, chúng ta sẽ được tiếp nhận sự sống mới, sự sống thần linh diệu vợi, nhờ đó Lời Chúa có tác động mãnh liệt biến đổi con người và cuộc sống ta nên giống Chúa Ki-tô.
Mỗi người trong chúng ta đều mang danh Ki-tô hữu, tức là “người-có-Đức-Kitô”. Tức là chúng ta đang sống sự sống của Đức Ki-tô và ta có thể tự hào nói như thánh Phao-lô, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế, tất cả con người và cuộc sống của chúng ta phải lấy Chúa làm mẫu gương và phản ánh hình ảnh Chúa trước mặt người khác. Chúa đã nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,18).
Chúng ta noi gương Chúa là để làm chứng nhân cho Chúa và làm chứng tá Tin Mừng của Ngài. Thông qua con người và cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta, mọi người thấy được ánh sáng Tin Mừng của Chúa, biết rõ bản chất đích thực của đạo Chúa và có thể cảm nhận được vinh quang Thiên Chúa ngay trong cuộc sống dương thế này. ĐTC Phao-lô VI đã nhấn mạnh vai trò và giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng, như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”./.