Y Phục Xứng Kỳ Đức
Sau khi ăn trái cấm, khác biệt đầu tiên mà A- Dong và E-Va nhận ra là thấy mình trần truồng (dù trước đó vẫn trần truồng). Nhận thức này chứng minh con người đã đánh mất phẩm giá vì phạm tội. Qua việc hai ông bà đi kiếm gì đó để che thân nhằm bảo vệ lại nhân phẩm mình, Y Phục và giá trị của nó đã có một vị trí rất quan trọng đối với cuộc sống con người.
Ngày nay, y phục mang rất nhiều vai trò trong đời sống chúng ta và nó không ngừng phát triển theo đà tiến bộ của xã hội:
- Y phục có chức năng giữ ấm cơ thể, bảo vệ sự sống con người.
- Y phục có vai trò phân định nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội (đồng phục…): Trong học đường, nơi công sở, các chuyên ngành…
- Y phục dùng để phân biệt đẳng cấp xã hội: Giữa giàu với nghèo, giữa người quyền thế và thường dân, giữa nhà chuyên môn và công nhân viên…
- Y phục giúp nhận diện văn hóa dân tộc, phân chia sắc màu quốc gia…
- Và đặc biệt trên tất cả: Y phục phản chiếu nhân phẩm con người. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc, ta đã có ngay một đánh giá tương đối một ai đó. Về tư cách: kín đáo hay lả lơi, giản dị đơn sơ hay màu mè hình thức. Về lối sống: sạch sẽ hay dơ bẩn, ngăn nắp hay bầy hầy. Về đạo đức: nghiêm trang hay nhố nhăng, đứng đắn hay buông thả…
Bởi thế, Y Phục Xứng Kỳ Đức là vậy. Tin Mừng Matthêu (22, 11-14): Có những kẻ vô dự tiệc cưới mà vẫn bị tống xuống hỏa ngục, lý do là vì không mặc lễ phục cưới. Không phải vì anh ta nghèo nên bị khinh, vì anh ta hèn nên bị loại… Mà do “Chiếc áo nhân phẩm” của anh quá rách nát, tồi tệ.
Hãy mặc cho tâm hồn mình những trang phục đẹp nhất của bác ái, yêu thương, cùng với y phục bên ngoài xứng hợp của con người biết coi trọng nhân phẩm và tư cách mình.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn