Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 21/09/2022 09:35 |
437
Đắm mình hằng ngày trong Lời Chúa là một trong những cánh cửa thiết yếu dẫn chúng ta đến trái tim tràn đầy tình yêu ấy.
5 LÝ DO NÊN ĐỌC LỜI CHÚA HẰNG NGÀY Clement Harrold
WHĐ (19.9.2022) - Trong những năm gần đây, tại nhiều nơi trên thế giới, con số những người quan tâm đến việc nghe, đọc, và học hỏi Kinh thánh có dấu hiệu phục hưng. Chẳng hạn như nhà tâm lý học người Canada, Jordan Peterson, đã thu hút sự hấp dẫn toàn cầu với những bài dẫn giải dài trên kênh YouTube về sách Sáng thế; hoặc như chương trình Podcast “Bible in a Year” của Linh mục Mike Schmitz, Hoa kỳ duy trì hơn 400.000 người nghe hằng ngày trong suốt năm 2021.
Điều này phần nào cho thấy rằng hiện nay nhiều người, và đặc biệt là những người trẻ, đang tìm kiếm một thứ gì đó hơn nữa. Chúng ta tìm kiếm ý nghĩa, mục đích, điều mới lạ. Nói một cách căn bản hơn, chúng ta tìm kiếm một câu chuyện - một câu chuyện có thật - có thể giúp chúng ta hiểu tại sao thế giới lại như vậy, và chúng ta đang đứng ở đâu trong thế giới ấy. Là một người Công giáo, tôi tin rằng Kinh thánh cung cấp cho chúng ta câu chuyện có thật đó, vì vậy đây là 5 lý do tại sao chúng ta nên đọc Kinh thánh hằng ngày.
1. Lời Chúa dạy chúng ta về chúng ta là ai
Ngày nay, sống trong một thế giới có quá nhiều sự mồ côi về thể chất và tinh thần, không ít người trong chúng ta thấy bối rối khi không biết mình là ai, và mình ở đây để làm gì. Là Lời thánh và được linh hứng từ Thiên Chúa, Kinh Thánh giúp chúng ta giải đáp những khát vọng sâu xa nhất trong lòng mình. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 27), và Thiên Chúa yêu chúng ta nhiều đến nỗi, dù chúng ta có làm gì, thì vẫn chẳng bao giờ có thể thoát khỏi sự hiện diện của Ngài (Tv 139, 9-10). Kinh Thánh dạy chúng ta rằng căn tính của chúng ta không phụ thuộc vào địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, sự giàu có, sức khỏe thể chất, hoặc thành tích của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta được xác định, trước hết và trên hết, bởi tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta. Ngài là Đấng ban tặng cho chúng ta căn tính, và mạc khải về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta.
2. Lời Chúa đòi hỏi chúng ta nên trọn vẹn hơn
Với quá nhiều sai lạc đang diễn ra trong Giáo hội và trên thế giới khiến người ta dễ cảm thấy tuyệt vọng. Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu sự thánh thiện có thực tế không, có lẽ đừng bận tâm đến ước muốn nên thánh nữa. Tuy nhiên, bài học quan trọng mà Kinh Thánh đem lại cho chúng ta đó là nên thánh không chỉ là điều khả thi mà còn là điều cốt yếu! Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi và yêu cầu: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các contrên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Từ " hoàn thiện" trong tiếng Hy Lạp trong ngữ cảnh này là teleios, có liên quan đến từ "teleological" trong tiếng Anh, nhằm nói đến mục đích hoặc mục tiêu. Nói cách khác, khi mời gọi chúng ta nên hoàn thiện, Đức Giêsu thực sự đòi hỏi chúng ta nên hoàn thiện đúng với con người mà chúng ta được dự định để trở thành. Việc đọc Lời Chúa mỗi ngày giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc trở nên môn đệ trọn vẹn hơn của Đức Giêsu Kitô, và một phiên bản trọn vẹn hơn của chính mình.
Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái mô tả Sách Thánh là “lờisống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4, 12). Có lẽ đôi khi chúng ta rất khó để tin vào điều này, nhất là khi chúng ta thường xuyên tham dự Thánh lễ trong nhiều năm, và có cảm giác như chúng ta đã nghe những câu chuyện giống nhau hàng nghìn lần trước đây. Nhưng thường thì hội chứng “quen quá hoá nhàm” này là triệu chứng của sự lười biếng nghiêm trọng về mặt thiêng liêng và trí tuệ của chúng ta. Sự thật là Lời Chúa luôn sống động và hoạt động, và nếu chúng ta dành cả cuộc đời để đọc và nghiên cứu thì cũng chỉ mới tiếp xúc được với bề mặt của chiều sâu và sức mạnh khôn lường của nó. Việc nuôi dưỡng thói quen tiếp xúc với Kinh thánh hằng ngày giúp chúng ta nhận ra thực tế này, và nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn thay đổi cuộc đời của mình, và thậm chí muốn thay đổi thế giới, chúng ta cần bắt đầu bằng việc lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với chúng ta.
4. Lời Chúa đưa ra phương thuốc chữa trị đối với sự hỗn loạn của thế giới
Với quá nhiều hỗn độn, tuyệt vọng, và chia rẽ trong thế giới ngày nay, Lời Chúa mang lại một ốc đảo của bình an và niềm vui mà tự thâm sâu ai trong chúng ta cũng khao khát. Một trong những điều tuyệt vời về Sách Thánh đó là Lời Chúa không bao giờ là một thực tại đường mật. Bạn chỉ cần nhìn vào hình ảnh của ông Gióp trong Cựu Ước, hoặc đồi Can-vê trong Tân Ước, để nhận ra vấn đề. Kinh Thánh là một bộ sưu tập sách trọn vẹn về con người theo cùng một cách mà Đức Giêsu là một con người trọn vẹn. Kinh thánh đi vào tình trạng hỗn độn của thế giới, giống như Đức Kitô đón nhận sự hỗn loạn của nhân loại. Giống như Đức Kitô, Kinh thánh cũng chứa đựng điều thánh thiêng bên trong, và đó là điều khiến Kinh thánh trở nên thật phi thường. Việc đọc Lời Chúa giúp lấp đầy chúng ta với đức cậy vô song của Kitô giáo. Đức cậy mang lại cho chúng ta viễn cảnh về cuộc sống phong phú hơn nhưng không lạc quan ngây thơ, vì nhận ra rằng hành trình dương thế của chúng ta có thể gian nan, nhưng vì biết được đích đến của mình, nên những đau đớn, khổ sở có giá trị nhất định của nó, và Kinh thánh luôn có đó để dạy chúng ta về điều này.
5. Lời Chúa giúp chúng ta gặp gỡ Con người Đức Kitô
Việc hằng ngày tiếp xúc với Lời Chúa được viết ra giúp chúng ta gặp gỡ Lời hằng sống của Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô – trong cầu nguyện và trong Thánh Thể cách trọn vẹn hơn. Dom Celestin Charlier, một tu sĩ Biển Đức người Pháp, từng nói rằng trong kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta như là Kitô hữu, Thánh Thể là sự sống, và Sách Thánh là ánh sáng. Chúng ta không thể coi nhẹ cái này hay cái kia. Bằng việc kết hợp cả hai, chúng ta mở lòng để tiếp cận Đức Giêsu theo những cách thức mới mẻ và thú vị. Giống như bất kỳ người bạn thân thiết nào, Đức Giêsu muốn lắng nghe những nhu cầu của chúng ta, nhưng hơn thế, Người cũng muốn đáp ứng những nhu cầu đó bằng cách chia sẻ trái tim của Người cho chúng ta. Đắm mình hằng ngày trong Lời Chúa là một trong những cánh cửa thiết yếu dẫn chúng ta đến trái tim tràn đầy tình yêu ấy.