Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 16/05/2022 10:55 |
533
Vu khống là tội trọng, đi ngược với các giới răn của Chúa.
Giáo Hội dạy gì về vu khống?
Elena Dijour | Shutterstock
GIÁO HỘI DẠY GÌ VỀ VU KHỐNG? Philip Kosloski WGPQN (14.5.2022) - Vu khống là tội trọng, đi ngược với các giới răn của Chúa. Giáo hội Công giáo bảo vệ những giáo huấn của Chúa Giêsu, khi nhấn mạnh đến phẩm giá của con người. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLCG) coi việc vu khống như tội nghịch với giới răn thứ 8: “Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta đã “mặc lấy con người mới, là con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24). “Một khi đã cởi bỏ sự gian dối” (Ep 4,25), họ phải “từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2,1)”. “Làm chứng dối và thề gian. Khi được phát biểu công khai, một khẳng định nghịch với chân lý mang tính nghiêm trọng đặc biệt. Trước tòa án, lời nói như thế trở thành việc làm chứng dối. Khi quả quyết như thế mà còn thề, thì đó là thề gian. Những cách hành động này góp phần vào việc hoặc kết án người vô tội, hoặc gỡ tội cho phạm nhân, hoặc gia tăng hình phạt cho bị cáo. Những cách hành động này làm phương hại cách nghiêm trọng đến việc thực thi công lý và sự công bằng của bản án do các thẩm phán tuyên ra”. (GLCG số 2475-2476) Xúc phạm con người Sách Giáo lý còn liệt kê những thái độ xúc phạm của một người gây ra cho người khác và làm tổn thương thanh danh của họ:
“Sự tôn trọng thanh danh của các nhân vị cấm mọi thái độ và mọi lời nói có thể gây thiệt hại cách bất công cho họ. Sẽ có lỗi khi: - Phán đoán hồ đồ, nghĩa là khi không có đủ cơ sở mà, ngay cả một cách thầm lặng, cho một khiếm khuyết về luân lý nơi người lân cận, là có thật. - Nói xấu, nghĩa là khi không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của kẻ khác cho những người chưa biết; - Vu khống, nghĩa là khi dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người đó. (GLCG số 2477) Như sách Giáo lý đã nhận xét: “Những chuyện riêng tư, mặc dầu không có lời thề giữ kín, cũng không được tiết lộ nếu có hại cho tha nhân, trừ khi có lý do nghiêm trọng và tương xứng.” (GLCG số 2491) Do đó, không cần thiết phải công khai chỉ ra những khuyết điểm của người khác. Chính Chúa Giêsu đã yêu cầu chúng ta nên giải quyết một số vấn đề cách riêng tư trước khi đưa sự việc ra tòa: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18, 15-17). Vì thế, vu khống là một tội trọng đi ngược với các điều răn của Chúa, nhưng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này đó là luôn luôn kín đáo và khuất mắt mọi người. G. Võ Tá Hoàng Chuyển ngữ từ: it.aleteia.org (13.5.2022) Nguồn: gpquinhon.org