14/02/2021
CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN – B
Mồng Ba Tết. Thánh hóa công ăn việc làm
Mt 25,14-30
SIÊNG NĂNG VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI
“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)
Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại, những yến bạc là vốn liếng ông chủ giao cho nhân viên để đầu tư để sinh lợi, chứ không phải là đồng tiền nhàn rỗi cất giấu trong két sắt. Yến bạc, đó là ơn Chúa ban “tuỳ theo khả năng riêng mỗi người.” Bổn phận trước tiên của chúng ta là nhận thức được yến bạc Chúa trao và dâng lời cảm tạ Chúa vì mọi sự mình có đều là hồng ân Chúa ban. Mỗi người có sứ mạng dùng những khả năng ấy để sinh lợi cho Nước Trời. Người nhận được nhiều không vì thế mà huênh hoang tự đắc, vì ai được Chúa ban cho nhiều, thì phải sinh lợi nhiều hơn (x. Lc 12,48); còn người nhận được một nén cũng không buồn phiền tự ti, vì Chúa không đòi hỏi vượt quá sức riêng mỗi người như Ngài nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2Cr 12,9).
Mời Bạn: Dân gian thường nói: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày.” Kinh “Cải tội bảy mối” dạy “Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.” Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chừa bỏ tính lười biếng, để luôn siêng năng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân ngay trong công việc làm ăn và đời sống gia đình và cộng đoàn của mình.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một việc hữu ích để phục vụ những người thân của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng công việc làm ăn của gia đình con trong năm mới này nơi sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết cộng tác với ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, để ra công làm việc không chỉ cho đời sống vật chất đời này, nhưng còn cho hạnh phúc Nước Trời mai sau.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN – B
Mồng Ba Tết. Thánh hóa công ăn việc làm
Ca nhập lễ
Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi
Hoặc
Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân lành Chúa trên chúng con và xin Chúa củng cố việc tay chúng con làm ra
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã nuốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: St 2, 4b-9. 15
“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa”.
Bài trích sách Sáng Thế.
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.
Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp ca: Tv 103, 1-2a, 14-15, 24, 27-28
Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác.
Xướng: Ngài khiến cỏ xanh mọc ra cho súc vật, và cây cối để con người xử dụng, để từ trong đất con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp lánh dầu thơm, và bánh cơm tâm can người được bỗ dưỡng.
Xướng: Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.
Xướng: Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo.
Alleluia và Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 67, 20
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 5, 16-20
“Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, các người Do thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, các người Do thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Thật, Ta bảo thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì, nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục”.
Ðó là lời Chúa.
– – – – – – – – – – – –
Hoặc: Mt 6, 31-34
“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai“.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Ðó là lời Chúa.
– – – – – – – – – – – – –
Hoặc: Mc 4,26-29
“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất, người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa lễ vật này, cùng với mọi công việc chúng con sẽ làm trong năm mới. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời Tiền Tụng
Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Chính Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha, và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế.
Chính vì thế, hiệp cùng các Thiên thần và các thánh nam nữ, chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển và đồng thanh chúc tụng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể. Ước chi thần lương này giúp chúng con hăng hái chu toàn mọi việc sao cho đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
AI KHÔNG CHỊU LÀM THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN!
LỜI CHÚA: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 4,10-11).
CÂU CHUYỆN: SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn để gieo cỏ trước lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả cày bừa để đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: “Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ”. Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng không chịu làm việc và chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.
THẢO LUẬN: 1) Thánh Kinh dạy gì về lao động trí óc và tay chân? 2) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì trong Năm Mới này?
SUY NIỆM
Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên nhiên và có toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi sáng tạo loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
1) Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên:
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).
2) Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét:
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) và luôn sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, và qui hướng mọi việc theo thánh ý của Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo sự vất vả chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau: “Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
3) Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau:
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc của chủ đi chôn vì sợ hãi thay vì yêu mến chủ. Anh ta đã bị mất những gì đang có.
4) “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” :
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,33-35).
5) Chúng ta phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: “Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế “.
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn cứu độ loài người khi sử dụng những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái… và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.
LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời.- Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN – B
Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến! Trong đạo Do Thái, người mắc bệnh phong cùi là người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, hoặc vào rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Tiếp xúc với người bệnh phong cùi ắt bị coi là ô uế nên chẳng ai dám đến gần họ. Loại bệnh nhân này, không những bị đau đớn vì những vết thương hành hạ trên thân xác, mà còn đau đớn vì bị nhục trong tâm hồn. Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong này, đưa tay chữa lành họ. Lòng yêu thương đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Chúng ta cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi… Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu để Người chữa lành. Muốn được như thế giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối.
Ca nhập lễ
Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Lv 13, 1-2. 44-46
“Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại”.
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.
“Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11
Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ
Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian!
Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”.
Xướng: Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng.
Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 31 – 11, 1
“Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia
Phúc Âm: Mc 1, 40-45
“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bắt chước người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đến xin Chúa Giêsu xóa đi những mặc cảm đè nặng trong tâm hồn, chữa lành những vết thương gặm nhấm trái tim, xoa dịu những nỗi đau đang vò xé tâm tư mà dâng lên những ước nguyện chân thành:
1. “Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”,— Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa thấm nhuần tinh thần xót thương của Đức Kitô, luôn sẵn sàng đón nhận, săn sóc mọi con chiên mà Chúa đã trao phó cho các ngài.
2. “Anh em hãy noi gương tôi như tôi đã noi gương Đức Kitô”.— Xin cho các Kitô hữu can đảm, kiên trì phấn đấu làm sáng danh Chúa, theo gương Thánh Phaolô luôn làm đẹp lòng Chúa và mọi người.
3. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” – Xincho những người phong cùi đang sống trong đói khổ và cô đơn, gặp được những tâm hồn từ thiện bác ái, sẵn sàng giúp họ bớt tuyệt vọng, cảm thấy niềm vui và an ủi.
4. “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” – Xin cho mọi người trong giáo xứ ý thức được tình trạng của bản thân, mà biết khiêm tốn và tin tưởng chạy đến quyền năng thương xót của Chúa nơi Bí tích Hoà Giải, để được thanh tẩy và chữa lành.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con được thoát ách tội lỗi bằng chính giá máu châu báu của Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ tới tình thương tha thứ của Chúa, mà siêng năng tới nguồn suối cứu độ Chúa dành sẵn cho chúng con, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…
Bài giảng
Phong cùi
Bệnh cùi là một chứng bệnh hay lây, và theo quan niệm của người Do Thái, dưới cái nhìn tôn giáo, thì bệnh cùi là do tác động của một thứ thần ô uế. Người mắc bệnh cùi bị liệt vào hàng những kẻ dưới quyền lực của ma quỷ và lẽ đương nhiên họ không được quyền chung đụng với người trong sạch. Theo lề luật Do Thái, có cả những khoản quy định tình trạng xã hội của những kẻ mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này. Họ bị tách biệt khỏi cộng đồng loài người, cả về phương diện xã hội lẫn tôn giáo.
Đoạn Tin Mừng tuy ngắn ngủi nhưng đầy chi tiết giúp chúng ta hiểu được tầm mức và ý nghĩa hành động của Chúa Giêsu. Thực vậy chính người mắc bệnh phong cùi đã đi bước trước. Anh đến với Chúa và van xin Ngài cho anh được lành sạch. Lời van xin bao gồm nhiều ý nghĩa. Anh muốn Chúa Giêsu cho anh được lành và qua đó, cho anh trở thành người sạch và được gia nhập cộng đồng xã hội.
Hành động của người mắc bệnh quả là táo bạo. Anh đã liều lĩnh vượt ra khỏi những điều luật lệ quy định là phái xa tránh người khác, thậm chí còn phải la to để người khác biết mà tránh. Anh đến với Chúa Giêsu, để trình bày tình trạng của mình, cũng như ý muốn được chữa lành. Hành động liều lĩnh này hẳn phải xuất phát từ lòng tin tưởng không những ở quyền năng của Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh, mà nhất là ở lòng nhân từ thương yêu của Ngài, muốn giải thoát người ta khỏi bệnh tật. Chắc là anh đã từng được nghe thiên hạ nói về Ngài. Diễn tiến của sự việc cho thấy anh đã không tin tưởng hão huyền. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước thái độ và lòng tin của anh. Và Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa anh.
Nhìn vào hành động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài cũng đã không ngần ngại vi phạm điều lề luật quy định vì Ngài đã giơ tay đặt trên người bệnh. Dĩ nhiên, không thể coi đoạn Tin Mừng này như là một sự khuyến khích cho việc vi phạm lề luật, nhưng cách xử sự của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy còn có những cái quan trọng hơn cả việc tuân giữ lề luật, hay nói cách khác, lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Bằng chứng là tiếp đó chúng ta lại thấy Chúa Giêsu căn dặn người được lành hãy đi trình diện cùng trưởng tế, dâng của lễ theo luật Maisen. Một nghi thức mà tất cả những người được khỏi bệnh cùi, vì lý do nào đều phải làm để được công khai và chính thức tuyên bố là mình được khỏi, được sạch và do đó được quyền vào lại trong cộng đồng xã hội.
Người mắc bệnh phong cùi là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn tội lỗi, vì tội lỗi cũng chính là thứ phong cùi thiêng liêng, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên hôi thối và chết dần chết mòn. Bởi đó, với một lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu, để được chữa lành, để được tha thứ, nhờ đó, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa và với anh em, sợi dây liên kết này vốn đã đứt đoạn do tội lỗi của chúng ta.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn