23.11.2021
THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, tử đạo
Thánh Côlumbanô, Viện phụ
Lc 21, 5-11
HƯỚNG VỀ ĐỀN THỜ VĨNH CỬU
Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21, 6)
Suy niệm: Năm 70 sau CN, thành Giêrusalem bị thất thủ và bị thiêu rụi, tướng Rôma là Titô đã bắt 97.000 người làm tù binh, và cho cày một luống cày chính giữa Đền thờ. Thế là chấm dứt ngôi Đền thờ nổi tiếng, để rồi trong gần 2000 năm, câu chúc luôn nằm trên môi miệng người Do Thái là “Hẹn năm sau về Giêrusalem.” Những lời tiên tri của Đức Giêsu đã được ứng nghiệm! Thế nhưng, với con mắt đức tin, ta khám phá ra một ý nghĩa khác về ngôi đền thờ như Đức Giêsu nói: “Hãy phá huỷ đền thờ này và trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại.” Từ nay ngôi đền thờ vĩnh cửu mọi người phải qui hướng về là con người Đức Giêsu phục sinh. Mọi người đều được mời gọi bước vào Đền thờ-Đức Kitô phục sinh để gặp gỡ Thiên Chúa.
Mời Bạn: Nhớ rằng thân xác mỗi người cũng là đền thờ Thiên Chúa. Phải qui hướng, gắn bó với Đức Kitô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Cần thường xuyên thanh tẩy đền thờ-tâm hồn bằng ơn thánh của bí tích hoà giải.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn kính trọng thân xác, không quá chiều chuộng, cũng chẳng khinh rẻ vì ý thức thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa .
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con. Xin biến đổi tâm hồn con thành nơi cư ngụ của Chúa.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 2, 31-45
“Thiên Chúa khiến một vương quốc dấy lên và tàn phá hết các vương quốc”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, Ðaniel tâu vua Nabukôđônôsor rằng: “Tâu đức vua, đức vua chiêm bao thấy một tượng to lớn; tượng ấy rất cao sang rực rỡ, đứng trước mặt vua, hình dung thật đáng sợ hãi. Ðầu tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt, bàn chân nửa sắt nửa sành. Ðang lúc vua trông thấy thế, thì có tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải do tay người ta làm, tảng đá ấy rớt trúng chân tượng nửa sắt nửa sành, làm nó đổ nát tan tành: Bấy giờ sắt, sành, đồng, bạc, vàng, đều tan nát một trật, bị gió cuốn đi mất, không còn tìm thấy đâu nữa: như bụi mùa hè trên sân lúa; còn tảng đá làm vỡ bức tượng, đã trở thành núi lớn choán khắp địa cầu.
Chiêm bao là như thế: tâu đức vua, thần xin giải thích chiêm bao trước mặt đức vua. Hoàng thượng là vua các vua. Thiên Chúa trên trời đã ban cho hoàng thượng vương quốc, sức mạnh, quyền thế, và vinh quang. Người còn trao vào tay hoàng thượng nhân dân các nước, thú đồng và chim trời, để hoàng thượng cai quản mọi sự. Vậy chính đức vua là đầu bằng vàng. Sau đức vua, thì có một vương quốc khác bằng bạc, kém hơn đức vua, sẽ dấy lên. Sau đó, có một vương quốc thứ ba bằng đồng, sẽ cai trị khắp địa cầu. Kế đó là vương quốc thứ tư bằng sắt. Sắt tàn phá và chế ngự mọi vật thế nào, thì nước này cũng tàn phá và chế ngự mọi sự như vậy. Ðức vua trông thấy chân và ngón chân nửa sành nửa sắt, đó là nước sẽ phân rẽ; đức vua trông thấy sắt sành lẫn lộn với nhau, đó là nền tảng nước kiên cố như sắt. Ngón chân nửa sắt nửa sành, là vương quốc sẽ nửa mạnh nửa yếu. Ðức vua trông thấy sắt lộn với sành: (chúng sẽ pha loại lai giống người với nhau), nhưng không thể hoà hợp với nhau, như sắt chẳng hoà hợp với sành vậy.
Trong thời đại có những vương quốc ấy, Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không hề bị tàn phá và không bị trao cho dân tộc khác, sẽ tàn phá và huỷ hoại các nước này; nó sẽ đứng vững muôn đời. (Cũng như) Ðức vua trông thấy tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải (do) người ta làm, nó đã tàn phá sành, sắt, đồng, bạc và vàng. Ấy Thiên Chúa cao cả đã tỏ ra cho vua những sự sẽ xảy đến sau này: Ðây mới thật là chiêm bao, là lời giải thích rất chân thành”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 57. 58. 59. 60. 61
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời
Xướng: Hãy chúc tụng Chúa đi, mọi công cuộc của Chúa, hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, các thiên thần của Chúa.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn cõi trời cao.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, ngàn nước trên cõi cao xanh.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, muôn đạo thiên binh của Chúa.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 14-19
“Ðã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã nhìn thấy có đám mây trắng: trên đám mây có ai ngồi giống như Con Người, đầu đội triều thiên bằng vàng và tay cầm liềm sắc bén. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Ðấng ngồi trên đám mây mà rằng: “Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi”. Ðấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: “Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi”. Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12. 13
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13b).
Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở!
Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 5-11
“Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: “Chính ta đây và thời gian đã gần đến”, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ca hiệp lễ
Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
NGÀY PHÂN BIỆT… (Lc 21, 5- l1)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái… Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!
Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một kỷ niệm buồn tủi với nước mắt…
Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc… Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu…
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.
Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
RỒI SẼ QUA ĐI
(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIV TN – Đn 2,31-45; Lc 21,5-11) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Niên lịch Phụng vụ đang dần kết thúc. Mẹ Giáo hội cho đoàn tín hữu nghe trích đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ với chủ đề nghiêng về “những sự sau”. Hôm nay, ngày thứ Ba sau Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa qua bài đọc trích sách Đanien và bài Tin Mừng thánh Luca cách nào đó giúp chúng ta nhìn nhận một hiện thực của các hiện hữu thế trần đó là mọi sự rồi sẽ qua đi.
Một vương triều hùng mạnh thời đế quốc Babilon rồi cũng sẽ qua. Và các vương triều khác lại tiếp nối thay nhau hưng, thịnh, suy, tàn qua hình ảnh một bức tượng người khổng lồ với nhiều phần chi thể khác nhau về kết cấu chất liệu và đã bị phá hủy tan tành. Đây là điềm chiêm bao mà vua Nabucôđônôdo đã thấy trong giấc ngủ nhưng không thể hiểu cho đến khi Đanien dù không nghe biết trước nhưng vẫn kể lại được và giải thích rành mạch ý nghĩa. Ý nghĩa chính đó là các vương triều thế gian dù có hùng mạnh đến đâu rồi cũng qua đi. Chỉ có vương triều của Thiên Chúa mới tồn tại mãi đến thiên thu.
Bài Tin Mừng thánh Luca tường thuật những lời tiên báo của Chúa Giêsu về sự sụp đổ tan hoang của Đền thờ Giêrusalem dù rằng hiện nay nó đang rực rỡ huy hoàng. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6). Sau hơn ba mươi năm lời tiên báo của Chúa Giêsu đã thành hiện thực khi quân đội Rôma đến dẹp loạn đã phá hủy tất cả thành bình địa. Qua sự sụp đổ của Đền thờ, Chúa Giêsu còn hướng cái nhìn của các môn đệ đến ngày chung tận của thế giới. Đền thờ rồi sẽ qua đi. Thế giới này rồi cũng sẽ qua đi.
Mọi thực tại thế trần đều có tính lữ thứ, vô thường. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu lưu ý các môn đệ đó là nguyên nhân cũng như các dấu chỉ của sự diệt vong các thực tại đời này. Không phải vô cớ mà các vương triều sụp đổ và sự sụp đổ ấy cũng không quá bất ngờ vì thường được báo hiệu qua những dấu chỉ trước đó. Lịch sử cho thấy một vương triều suy vong đều được thấy trước bởi sự tàn bạo của các hôn quân hay sự hoang dâm vô độ của những bạo chúa. Và thường có một thời gian xã hội rơi vào cảnh loạn lạc.
Trước sự vô thường của thế trần này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết sống tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức để biết sống tự do dù đó là những điều tự nó là tốt như chức vị, quyền lực, hay của cải hay là những điều xem ra không may mắn như tai ương, hoạn nạn, bị đối xử cách bất công… vì biết rằng mọi sự sẽ qua đi, tất cả đều là vô thường. Kitô hữu chúng ta không dừng lại ở động thái “vô chấp” như anh em Phật tử, nhưng chúng ta sống tự do là để sẵn sàng hơn trong việc xây đắp tình yêu, vì chúng ta tin rằng dù mọi sự sẽ qua đi nhưng tình yêu mãi tồn tại đến thiên thu (x.1Cr 13,13).
Trong tình cảnh loạn lạc, nhiễu nhương, hỗn độn thì thường có đó chuyện “đục nước béo cò”. Chúa Giêsu căn dặn chúng ta phải khôn ngoan, đừng làm cớ cho kẻ xấu lừa gạt, trục lợi. Những gì Chúa Giêsu nói xưa thì đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, trong cả mấy thập niên gần đây. Số người mê lầm chạy theo những lời tiên báo về ngày tận thế là không ít và hậu quả “tiền mất tật mang” là có thật. Chính vì thế thái độ sống tỉnh thức trong tự do của Kitô hữu phải có đó tính tích cực và trưởng thành. Dù biết rằng mọi sự rồi sẽ qua đi nhưng chúng ta cần phải biết “săn tay áo” khi công lý, tình yêu và sự thật mời gọi chúng ta dấn thân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn