Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 29/09/2022 06:29 |   474
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,3)

01.10.2022
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Mt 18, 1-5

“TRỞ LẠI MÀ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ”
Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.(Mt 18, 3)

Suy niệm: Để trả lời cho câu hỏi về vị thứ trong Nước Trời của các môn đệ, Chúa Giê-su đặt một em nhỏ ở giữa các ông và cho biết điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời là trở lại mà nên như trẻ nhỏ.” Cánh cửa Nước Trời là cánh cửa hẹp chỉ những người “bé nhỏ” theo tinh thần Tin Mừng mới vào được mà thôi.
- “Nên như trẻ nhỏ” là luôn sống với tâm hồn thanh khiết, vì ai có tâm hồn trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5, 8).
- “Nên như trẻ nhỏ” là tín thác giao phó đời mình trong tay cha mẹ. Người môn đệ của Chúa luôn đi theo sự hướng dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần chứ không tìm cách “điều khiển” Chúa theo ý mình muốn.
- “Nên như trẻ nhỏ” là luôn vâng phục làm theo những gì cha mẹ dạy bảo theo mẫu gương Người Con Chí Ái của Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha “vì điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm như vậy” (Ga 5, 19).

Mời Bạn: Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã chọn con đường thơ ấu thiêng liêng là trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Bạn hãy cùng thánh nhân bước đi trên đường thơ ấu dẫn đến Nước Trời này bằng cách nỗ lực sống với tâm hồn thanh khiết, luôn nương tựa đời mình vào Chúa và sống đức ái theo châm ngôn: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn; làm những việc tầm thường với lòng mến phi thường.

Sống Lời Chúa: Sống tinh thần phục vụ, yêu thương vô vị lợi với tha nhân thay vì tìm tiếng khen, danh dự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin chọn Chúa là phần sản nghiệp, là chén phúc lộc dành cho con. (x. Tv 16, 4)

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ
Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa mở cửa Nước Trời cho những người bé mọn. Xin cho chúng con hằng ngày biết theo chân thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giêsu bước đi trên con đường phó thác để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh Nhan. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.
Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-4
“Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm nhiều việc kỳ diệu nơi thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giêsu. Xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận nhóm lên trong lòng chúng con lửa mến yêu xưa đã thúc đẩy thánh nữ Tê-rê-xa hiến cuộc đời cho Chúa để cầu xin cho mọi người được ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại tu viện Carmel ở Lisieux, ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong thánh năm 1925; từ đó lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 1 tháng 10. Thánh nữ được chọn làm bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với thánh Jeanne d’Arc, và bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xavie.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02 tháng 01 năm 1873, con gái út của một gia đình đã có bốn cô con gái. Ông Louis Martin, cha cô, là một thợ sửa đồng hồ đã nghỉ việc; bà Zélie Guérin, mẹ cô, gánh vác gia đình bằng việc trông coi một cửa hiệu đăng-ten. Bà qua đời khi Têrêxa chưa đầy năm tuổi. Ông Martin cùng năm cô con gái dời đến ở Lisieux; Têrêxa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Giáng sinh năm 1886, một cuộc “hoán cải” diễn ra nơi cô: những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất; cô đạt được sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong tu viện Carmel ở Lisieux, tại đây đã có hai chị gái của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan (Thérèse de l’Enfant-Jésus et de la Sainte-Face). Têrêxa sống trong tu viện Carmel ở Lisieux được 9 năm, cho tới khi qua đời; tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh – đặc biệt sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng – và các thi ca thần bí của thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ bây giờ đã sớm đạt tới một mức thánh thiện rất cao. Năm 1893, chị Têrêxa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnès yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác của chị trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này về sau được in ra hàng triệu bản, vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, “con đường nhỏ”, và góp phần biến Lisieux thành một nơi hành hương được cả thế giới công giáo biết đến.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ diễn tả khoa linh đạo siêu vời của thánh nữ Têrêxa, bắt đầu bằng Ca Nhập lễ, lấy ý tưởng trong Đệ Nhị Luật (32, 10-12) . . . “Tựa chim bằng giương cánh đỡ con và cõng trên mình, duy một mình Thiên Chúa dẫn dắt dân.”

Lời nguyện trong ngày lấy ý tưởng trong Mt 11, 25, cầu xin Thiên Chúa – Đấng mở cửa Nước Trời “cho những người bé mọn”– cho chúng ta “biết theo chân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bước đi trên con đường phó thác”. Ngay từ 3 tuổi, Têrêxa đã hứa không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì; giờ đây con đường chị đi đã dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự bỏ mình và phó thác hoàn toàn. Đó là “con đường nhỏ” mà thánh nữ nói đến trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn: “Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quí và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao. Vì vậy con nài xin Chúa, Đấng toàn phúc ở trên trời, xin nhận con làm con Chúa . . . Ôi Người Yêu của con, con nài xin Ngài ghé mắt đoái nhìn vô số những tâm hồn bé mọn; con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đáng dược Ngài yêu thương.”

Điệp ca của bài Benedictus: “. . . hãy trở nên giống trẻ thơ” làm vang lên Tin Mừng của thánh lễ (Mt 18, 1-4): Thật, tôi bảo thật anh em: Nếu anh em không hoán cải và trở nên giống trẻ thơ . . . “Trẻ thơ” đối với thánh Têrêxa Lisieux là người “chấp nhận tất cả”, với thái độ vâng phục và phó thác của Người Đầy Tớ đau khổ (xem sách Isaia) không ngừng thưa lên: Này con đây ! Chương trình sống này đã có khi Têrêxa chọn tên mình lúc vào dòng Carmel: Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Đủ loại thử thách không ngừng giúp thanh luyện chị và dẫn chị tới mức độ thánh thiện ngày càng cao hơn. Đời sống hằng ngày trong tu viện, “cái lạnh chết người”, tình trạng khô khan thiêng liêng, những cám dỗ về đức tin, những cơn đau do xuất huyết phổi . . . “Hồi ấy con không hề nghĩ phải chịu đau khổ rất nhiều để đạt sự thánh thiện …”, chị viết trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn (Thủ bản A). Tất cả điều này làm chứng một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho tác động của Thánh Thần và hoàn toàn dâng hiến cho Tình Yêu nhân từ của Chúa. “Ôi, con yêu Chúa … . lạy Chúa .. con yêu Chúa!” là những lời cuối cùng của chị.

Lời nguyện trên lễ vật gợi lên một khía cạnh khác của hy tế thầm lặng trong “đời sống đơn sơ và can đảm” của thánh Têrêxa Lisieux. Chính vào lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895, thánh nữ được Chúa soi sáng để hiến mình cho Tình Yêu nhân từ. Không lâu sau khi thực hiện cuộc dâng hiến này, khi bắt đầu con đường thánh giá, chị cảm thấy như có một “thương tích tình yêu” giống như hiện tượng in dấu thánh thần bí của thánh nữ Têrêxa Avila.

Têrêxa Lisieux ước muốn đón nhận và đáp lại tất cả các ơn gọi: “Con cảm thấy ơn gọi làm chiến binh, linh mục, tông đồ, bác sĩ, tử đạo”, với “ước muốn thực hiện mọi hành vi anh hùng nhất . . .” Thế rồi một ngày kia, khi đọc Thư 1 Côrintô, chị hiểu rằng “mọi ân điển hoàn hảo nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức ái . . . Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn đến Thiên Chúa.” Sau cùng, đây là câu trả lời và là “sự yên nghỉ” đối với thánh Têrêxa: “Con hiểu rằng đức ái bao gồm mọi ơn gọi, đức ái là tất cả . . . Lúc đó, lòng tràn ngập niềm vui ngây ngất, con la lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con . . . ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm ra, ơn gọi của con là tình yêu! Vâng, con đã tìm ra vị trí con trong Hội Thánh. Ôi lạy Chúa, chính Chúa ban ơn gọi này cho con . . . trong lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu . . . như thế con sẽ là tất cả . . .” (Thư thánh Têrêxa viết cho chị Maria Thánh Tâm, trong Bài đọc Giờ Kinh Sách).

Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh một tính cách đặc trưng khác của thánh Têrêxa, đó là niềm say mê “vì phần rỗi mọi người”. Sau khi qua cuộc kiểm tra theo giáo luật để tuyên khấn trong dòng (8 tháng 9 năm 1890), chị đã tuyên bố chị vào dòng Carmel để “cứu rỗi các linh hồn và nhất là để cầu nguyện cho các linh mục”. Năm 1895, chị được cử làm “chị linh hướng” cho một chủng sinh có ý hướng đi truyền giáo, thầy Bellière, và năm sau, thầy này có thêm một “anh linh hướng”, cha P. Roulland, thuộc Hội Truyền Giáo. Tháng 11 năm 1896, chị làm tuần chín ngày kính thánh tử đạo Théophane Vénard († 1861) để xin ơn được đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng không lâu sau chứng xuất huyết phổi của chị tái phát. Chị trút hơi thở cuối cùng ngày thứ năm 30 tháng 9, 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài hai ngày. Đức giáo hoàng Piô XI phong thánh cho chị này 17 tháng 5 năm 1925 tại Đại Thánh Đường Phêrô ở Rôma, và ngày 14 tháng 12 năm 1927, ngài công bố thánh nữ Têrêxa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3 tháng 5 năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thánh Têrêxa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne d’Arc.

Enzo Lodi


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Br 4, 5-12. 27-29

“Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng”.

Trích sách Tiên tri Ba-rúc.

Hỡi dân Thiên Chúa, Israel đáng ghi nhớ, hãy vững lòng. Các ngươi bị bán cho dân ngoại không phải để bị tiêu diệt, nhưng bởi các ngươi đã trêu chọc cơn thịnh nộ Thiên Chúa, nên các ngươi bị trao phó cho quân thù. Vì chưng, các ngươi đã khiêu khích Ðấng đã tạo thành các ngươi, là Thiên Chúa đời đời, các ngươi tế lễ cho ma quỷ, chớ không phải cho Thiên Chúa. Các ngươi đã bỏ quên Thiên Chúa, Ðấng đã nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đã làm phiền lòng vú nuôi các ngươi là Giêrusalem.

Nó đã chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, giáng xuống trên các ngươi, và nói rằng: “Hỡi những kẻ lân cận Sion, hãy nghe đây, vì Thiên Chúa đã đem đến cho ta cơn khóc lóc cả thể: ta đã nhìn thấy dân ta, con trai, con gái bị lưu đày do Ðấng Hằng Hữu trừng trị chúng. Ta đã vui mừng nuôi dưỡng chúng, nhưng ta đã khóc lóc phiền muộn tiễn chúng ra đi. Không một ai hân hoan cùng ta là kẻ goá bụa và âu sầu: tại tội lỗi con cái ta mà ta đã bị nhiều người lìa bỏ, vì chúng đã lánh xa lề luật Thiên Chúa.

“Các con ơi, hãy vững lòng, hãy kêu cầu cùng Chúa: vì Ðấng đã dẫn đưa các con, sẽ nhớ đến các con. Như lòng các con đã làm cho các con lạc đàng xa Thiên Chúa, thì khi ăn năn trở lại, các con sẽ tìm kiếm Người gấp mười lần. Vì Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng vĩnh cửu cùng với ơn cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 33-35. 36-37

Ðáp: Chúa nghe những người cơ khổ (c. 34a).

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong! – Ðáp.

Xướng: Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion. Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

Bài Ðọc I: (Năm II) G 42, 1-3. 5-6. 12-16

“Giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó chính con trách thân con”.

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: “Con biết Chúa làm nên mọi sự, và không một tư tưởng nào giấu được Chúa. Ai là kẻ mê muội che khuất được ý định của Chúa? Vì thế, con nói bậy về những điều vượt quá sự thông biết của con. Trước kia con nghe tiếng Chúa, còn giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó, chính con trách thân con, và ăn năn sám hối trong bụi tro”.

Sau này Chúa giáng phúc cho ông Gióp nhiều hơn lúc ban đầu. Ông có mười bốn ngàn con chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò và một ngàn lừa cái. Ông còn sinh được bảy trai ba gái. Người con gái thứ nhất ông đặt tên là Nhật, người thứ hai tên Hương, và người thứ ba tên Bình. Trong khắp nước, không tìm thấy thiếu nữ nào xinh đẹp như các con gái của ông Gióp. Thân phụ của các cô cũng chia phần gia tài cho các cô như những anh em trai. Sau đó, ông Gióp còn sống được một trăm bốn mươi năm nữa, và nhìn thấy con cháu đến bốn đời. Khi cao niên đầy tuổi, ông đã qua đời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 66. 71. 75. 91. 125. 130

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu (c. 135a).

Xướng: Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài. 

Xướng: Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. 

Xướng: Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ.

Xướng: Theo chỉ dụ Chúa mà vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. 

Xướng: Con là tôi tớ Chúa, xin Chúa dạy dỗ con, để con hiểu biết những lời Ngài nghiêm huấn. 

Xướng: Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 17-24

“Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”. Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. – Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết”. Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc:

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

MỖI NGƯỜI ĐỀU LÀ NHÀ THỪA SAI (Lc 10, 1-12)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ. Hình ảnh 72 môn đệ được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cho thấy tính phổ quát của sứ vụ này.

Khi được sai đi loan báo Tin Mừng, người thừa sai cần hiểu rõ một nguyên tắc căn bản về sứ vụ tông đồ là: việc Tông đồ là của Chúa. Người tông đồ là người được sai đi để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích là làm sao cho muôn người được ơn cứu độ.

Tuy nhiên, không phải ai được sai đi cũng đều thành công trong sứ mạng, bởi lẽ người tông đồ sẽ bị những thử thách, khó khăn do ngoại cảnh gây nên, và đôi khi do chính sự yếu đuối của bản thân, nên dẫn đến tình trạng buồn chán, thất vọng và buông xuôi…

Vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ về tư cách, phương pháp và tinh thần của người thừa sai, để các ông ra đi và hy vọng mang lại nhiều hoa trái.

Trước tiên: người môn đệ phải noi gương Thầy của mình, đến để cứu độ bằng con đường thập giá. Vì thế, can đảm đón nhận những khó khăn, trở ngại do hiểu lầm, kỳ thị, ghen tức và hóa giải nó trong yêu thương là tinh thần của người môn đệ. Khó khăn này được ví như: “Chiên giữa bầy sói“.

Thứ đến: người môn đệ phải sống cuộc sống thanh thoát, nhẹ nhàng trong sự thiếu thốn. Không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền cách thái quá. Không bị của cải, sự sung sướng và an thân níu kéo bước chân người thừa sai. Bởi vì của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong tương quan với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Cần cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc đời mình qua sự chăm sóc của Ngài, vì thợ thì đáng được thưởng công. Vì thế: không bị, không tiền, không mang hai áo … là tinh thần của người thừa sai.

Tiếp theo: hãy noi gương Đức Giêsu, Đấng đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, còn bản thân Ngài thì lại hóa mình ra không đến nỗi trở nên của ăn cho người khác. Vì thế, người môn đệ cần nhạy bén để khước từ cám dỗ là tìm mọi cách để thay đổi điều kiện sống cho mình, nhằm an thân và sung túc, trong khi đó sứ vụ thì bỏ bê. Như thế, không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng: “Đi hết nhà này đến nhà kia” mà sứ vụ thì không sinh hoa trái.

Mặt khác: hội nhập văn hóa là điều cần thiết để Lời Chúa thấm nhập vào truyền thống, văn hóa, được chuyển tải bằng những thứ ngôn ngữ của chính người bản địa. Những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi cũng cần thích nghi. Được như thế, người thừa sai sẽ không bị cuốn theo bản năng để chỉ lo cho bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu “hạ đẳng” của chính mình. Vì vậy: “Vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì mà người ta dọn cho anh em”.

Hơn nữa: truyền giáo phải đi đôi với bác ái. Nếu lời giảng dạy là để giới thiệu Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, đứng về phía người nghèo, áp bức, bất công để giải thoát con người cách toàn diện, thì việc bác ái chính là một chứng minh cụ thể về tình thương, sự liên đới do lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Vì thế, người môn đệ cần: an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ kẻ yếu đuối… để làm chứng cho: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Cuối cùng: nhà truyền giáo phải là người thấm thía sự bình an của Chúa. Nếu không có bình an thì không thể trao ban cho người khác bình an được. Cuộc đời sứ vụ của người thừa sai mà thiếu đi yếu tố này, thì hẳn chính bản thân cũng bất hạnh, và như thế, chỉ còn gieo rắc sự thất vọng mà thôi. Tuy nhiên, bình an là một ơn ban của Thiên Chúa, kèm theo sự cộng tác của con người. Vì vậy: “Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con”.

Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Xin Chúa sai những người thợ lành nghề để ra đi thu lúa về cho Chúa. Xin Chúa cũng ban cho chính chúng con, là những người cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng truyền giáo ngày lãnh Bí tích Rửa Tội, luôn biết làm gương sáng, chu toàn bổn phận và trung thành với đời sống bác ái yêu thương. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây