29/09/2022
THỨ NĂM TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael
Ga 1, 47-51
PHỤNG SỰ VÀ PHỤC VỤ
Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. ” (Ga 1, 51)
Suy niệm: Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa là ‘Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.’ Các thiên thần chính là những tạo vật vô hình đó. Sứ mạng của các ngài là phụng sự Thiên Chúa (Mi-ca-en, Gáp-ri-en; bài đọc I, Tin Mừng) và phục vụ con người (Ra-pha-en). Các ngài cũng bị thử thách để tỏ lòng trung tín với Chúa, và một số thiên thần bội phản bị phạt là ma quỉ (GLCG số 311; 391; cf bài đọc II). Tuy thiêng liêng, các ngài lại rất gần gũi với chúng ta như bạn hữu để giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng. Giáo Hội muốn chúng ta sống thân mật với các thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người.
Mời Bạn: Các thiên thần là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Học gương của các thiên thần trong việc phụng sự Thiên Chúa. Đừng nói “Non serviam” (Tôi bất tuân phục) như Sa-tan, nhưng mau mắn thực hiện ý Chúa như Gáp-ri-en. Cũng học gương các ngài để tận tình phục vụ anh chị em như Ra-pha-en (cf. truyện Tô-bi-a).
Sống Lời Chúa: Tin Mừng kể lại rằng khi Chúa giáng sinh, các thiên thần ca hát chúc tụng Chúa (cf. Lc 2,13); khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, các thiên thần đến hầu hạ Người (cf. Mt 4, 11), và trong cơn hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Đức Giê-su cũng được các thiên thần đến an ủi (cf. Lc 22,43). Bạn hãy là một ‘thiên thần’ chia vui sẻ buồn với anh chị em xung quanh.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, con xin đàn ca kính Chúa” (Tv 137, 1).
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael
Ca nhập lễ
Hãy chúc tụng Chúa, hỡi các Thiên Thần, dũng lực hùng anh, là những vị thi hành lời Chúa, hầu vâng theo mệnh lệnh Chúa truyền.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Ðấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho Thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các Thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14
“Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Kh 12, 7-12
“Michael và các thiên thần của ngài giao chiến với con Rồng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Ðã xảy ra có đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.
Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời rằng: “Nay đã thành sự: toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và quyền bính của Ðức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ tố cáo họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã thắng được nó nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết. Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa
Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: “Thực vinh quang của Chúa lớn lao!”
Alleluia: Tv 102, 21
Alleluia, alleluia! – Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 47-51
“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con khiêm nhường dâng lên Chúa của lễ này để cảm tạ tri ân. Ðây là của lễ được các Thiên thần đem lên trước Tôn Nhan vinh hiển. Ước chi của lễ này được Chúa thương chấp nhận và đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng các Thiên Thần
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trước mặt các Thiên Thần, tôi đàn ca mừng Chúa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, và ban cho chúng con nguồn sinh lực mới. Ước gì chúng con lại được các Thiên thần hỗ trợ và chúng con sẽ vững vàng tiến bước trên đường dẫn tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael
Kinh thánh chỉ nêu tên Gabriel, Michael và Raphael. Từ Tổng lãnh Thiên thần (archangel) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp αρχάγγελος. Archangelos = αρχ– (arch-) (“đầu tiên, bậc nhất, thủ lĩnh”) và άγγελος (angelos) (“người đưa tin”).
Thế giới thiên thần rất bí ẩn và có thể gây nhầm lẫn cho con người chúng ta. Chúng ta thường không nhìn thấy các thiên thần bằng mắt của mình, mặc dù nhiều nhân vật trong Kinh thánh được ghi lại là đã nhìn thấy các vị ở dạng có thân xác.
Đặc biệt, nhiều người hỏi: “Có bao nhiêu tổng lãnh thiên thần trong Kinh thánh?”
Kinh thánh chỉ cho biết tên của ba thiên thần thuộc hạng “tổng lãnh thiên thần”.
Đó là:
Michael “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến”. (Khải huyền 12:7).
Gabriel “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông”. (Luca 1:19)
Tuy nhiên, trong sách Tôbia, khi Thánh Raphael tiết lộ danh tính của mình, tổng lãnh thiên thần nói,“Tôi là Raphael, một trong bảy thiên thần đứng và phục vụ trước Vinh quang của Thiên Chúa” (Tôbia 12:15).
Điều này khiến nhiều người tin rằng có bảy vị tổng lãnh thiên thần. Con số này cũng xuất hiện trong Sách Hípri, một văn bản cổ của người Do Thái không được chấp nhận là kinh điển trong cả Kinh thánh Do Thái hay Kinh thánh Công giáo.
Vì một số giáo hội Kitô giáo, ví dụ như Chính thống giáo, chấp nhận bảy tổng lãnh thiên thần: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel là “chính thức”, nên một số người Công giáo cũng có lòng sùng kính đối với cả bảy vị tổng lãnh thiên thần kể cả bốn vị ngoài Kinh thánh này. Giáo hội Công giáo đã nói rất rõ ràng rằng điều này là nguy hiểm về mặt tâm linh.
Trong Danh mục về lòng đạo đức bình dân, Giáo hội tuyên bố, “Việc gán tên cho các Thánh Thiên thần không nên được khuyến khích, ngoại trừ trường hợp của Gabriel, Raphael và Michael, là những vị có tên trong Kinh Thánh.”
Kinh thánh là danh sách cuối cùng của chúng ta về các tổng lãnh thiên thần. Là người Công giáo, chúng ta chỉ biết đến ba tên nhất định của các thiên thần của Thiên Chúa. Bất kỳ tên nào khác đều bị nghi ngờ vì nó không phải là một phần của sự mặc khải thần linh.
Điều này không có nghĩa là chỉ có ba tổng lãnh thiên thần. Kinh thánh nói rõ rằng có thể có “hàng ngàn” thiên thần hoặc “vô số” thiên thần, như Thánh Luca đã đề cập lúc Chúa Giêsu giáng sinh,“Và bỗng đâu đến hợp đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa” (Luca 2:13).
Sự sáng tạo của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ba vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời chúng ta cũng không nên phát triển lòng sùng kính đối với các thiên thần không được Lời Chúa xác nhận.
Phụng vụ mừng lễ ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính theo truyền thống của Giáo hội. Theo Nghi thức Đặc biệt trong Sách Lễ Rôma năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, 29 tháng 9 là lễ Thánh Micae. Trước khi cải tổ phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II, Lễ Thánh Gabriel được cử hành vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh Raphael vào ngày 24 tháng 10.(1) Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy một bài giáo lý về các Thiên thần trong các buổi Tiếp kiến Chung của ngài từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1986. Thánh Giáo Hoàng nói: “Theo sách Khải Huyền, các thiên thần tham gia vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang cũng được kêu gọi để đóng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi con người, trong những khoảnh khắc được Thiên Chúa Quan phòng thiết lập. Tác giả của Thư Hípri (1:14) hỏi: “Hết thảy họ lại không phải là những thần phục dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?”
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 328 – 330 dạy chúng ta rằng, “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế”.
Thánh Augustinô nói: “Thiên thần” chỉ chức năng chứ không chỉ bản tính. Xét về bản tính là “thuần linh”. Xét về chức năng là “thiên thần”. Theo hữu thể, là thuần linh; theo hành động, là thiên thần; được tạo ra, ở một thứ bậc cao hơn con người, thiên thần không có cơ thể và không phụ thuộc vào vật chất để tồn tại hoặc hoạt động. Các vị khác với những vị thánh, mà con người có thể trở thành.
Tự bản thể, các thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng “Thánh Nhan Cha Ta ở trên trời” (Mt 18,10), nên các vị là “những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng lệnh Người”, “Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các thần sứ của Người, những anh hùng dũng mạnh làm theo lời Người, sẵn vâng tiếng Người phán ra. Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các cơ binh của Người, tôi trung tùng phục ý Người” (Thánh vịnh 103,1,15). Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài là những thụ tạo có ngôi vị creaturae personalis (Piô XII: Denzinger 3891)(2) có trí năng, ý chí và bất tử, “Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại” (Luca 20,36). Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy, “Tôi nghe tiếng lời ngài. Vừa nghe tiếng lời ngài, tôi đã chết điếng, dập mặt xuống đất. Và này, một bàn tay đụng đến mình tôi, tôi giật nảy, tôi chỗi dậy trên đầu gối… Trong khi ngài nói với tôi lời ấy, thì tôi đã đứng dậy mà cứ run cầm cập.” (Đaniel 10,9-11).
Tổng lãnh thiên thần Michael
Tổng lãnh thiên thần Michael, được đề cập trong Sách Đanien, “Và này Michael, một trong các tướng hàng đầu đã đến trợ lực với ta…. Và không có một ai tăng sức cho ta đấu với các vị ấy, trừ phi là Michael, (thần sứ) tướng của các ngươi” (Đaniel 10,13.22) và trong Khải huyền của Thánh Gioan (Khải huyền 12.7), là hoàng tử của các thiên thần, chiến thắng Satan trong trận chiến của thời kỳ cuối cùng.
Tên của tổng lãnh thiên thần Michael, trong tiếng Do Thái có nghĩa là ai giống như Thiên Chúa? Ngài thường được hình dung như một chiến binh mạnh mẽ, mặc áo giáp và đi dép.
Tên của ngài xuất hiện trong Kinh thánh bốn lần, hai lần trong Sách Đanien, một lần trong Thư thánh Giuđa và một lần Sách Khải huyền. Từ sách Khải Huyền, chúng ta biết về trận chiến trên thiên đường, Thánh Michael và các thiên thần của ngài chiến đấu với Lucifer và các thiên thần sa ngã khác (hoặc ác quỷ).
Tổng lãnh thiên thần Gabriel
Tên của Tổng lãnh thiên thần Gabriel có nghĩa là “Chúa là sức mạnh của tôi”. Trong Kinh thánh, ngài xuất hiện ba lần với tư cách là một sứ giả. Ngài đã được cử đến Đaniel để giải thích thị kiến liên quan đến Đấng Mêsia, Và tôi nghe có tiếng người giữa (sông) Ulai; tiếng ấy gọi lớn và nói: “Gabriel, hãy cho người này hiểu thị kiến!” (Daniel 8:16), “trong lúc cầu kinh, tôi còn đang nói, thì Gabriel, người mà tôi đã thấy trong thị kiến ban đầu, đã vụt bay đến kề bên tôi vào lúc dâng của lễ ban chiều” (9:21). Ngài hiện ra với ông Dacaria khi ông đang dâng hương trong Đền thờ, để báo trước sự ra đời của con trai ông, Thánh Gioan Tẩy giả, “Thiên thần Chúa đã hiện ra cho ông, đứng bên hữu hương án….Ta là Gabriel, kẻ chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, ta đã được sai đến nói với ngươi và đem tin mừng này cho ngươi!” (Luca 1,11-19). Tổng lãnh Gabriel được biết đến nhiều nhất là thiên thần được Thiên Chúa chọn làm sứ giả Truyền tin, loan báo cho nhân loại biết mầu nhiệm Nhập thể, “Tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria” (Luca 1, 26-27).
Lời chào của Tổng thiên thần Gabriel đối với Đức Mẹ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, “Vui lên! Hỡi Ðầy ơn phúc! Chúa ở cùng người!” (Luca 1, 28), đã trở thành lời cầu nguyện Ave Maria, Kính mừng Maria, thường xuyên và quen thuộc của mọi người Kitô hữu.
Tổng lãnh thiên thần Raphael
Hiểu biết của chúng ta về Tổng lãnh thiên thần Raphael đến từ sách Tôbia, “Và Raphael đã được sai đến chữa lành cả hai: giựt khỏi mắt Tôbit những vệt trắng, để ông được thấy tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa – và ban Sara, con gái Raguel cho Tôbia con của Tôbit làm vợ và giải thoát nàng khỏi quỉ dữ Asmôđê” (3, 17). “Và cũng vậy, Thiên Chúa đã sai ta đến chữa lành ngươi và Sara con dâu ngươi. Ta là Raphael, một trong bảy vị Thần sứ hằng túc trực để vào trước vinh quang Chúa” (12,15).
Nhiệm vụ của ngài như một người chữa bệnh tuyệt vời và đồng hành cùng Tôbia trẻ đã khiến ngài được mời gọi cho những cuộc hành trình và vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống. Truyền thống cũng cho rằng Raphael là thiên thần khuấy động nước tại hồ nước nuôi cừu chữa bệnh ở Bethesda. Tên của ngài có nghĩa là “Chúa đã chữa lành”.
Không giống như chúng ta, các thiên thần là những đấng thiêng liêng thuần khiết và không có bất cứ gì là vật chất. Các ngài không có cánh, thân xác hoặc gươm kiếm. Các Tổng Lãnh Thiên Thần được giao phó công việc giao tiếp và đưa những sứ điệp quan trọng cho con người. Các Tổng Lãnh Thiên Thần có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Thánh Micae và các thiên thần có quyền lực trục xuất Satan ra khỏi một nơi chốn.
Các Tổng Lãnh Thiên Thần vẫn hiện hữu ngày nay. Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần bất tử và các vị sẽ không bao giờ ngưng hiện hữu, cho đến muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc cực thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phúc cho ngôi nhà của chúng con, gia đình chúng con, mọi người trong gia đình chúng con. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ.
Thánh Thiên Thần Michael, xin hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.
Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con sự khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Thiên Thần Raphael, hãy bảo vệ chúng con khỏi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.
Xin các thiên thần hộ mệnh thánh thiện gìn giữ chúng con ngày đêm trên con đường dẫn đến ơn cứu độ. Amen.
(1)Năm 745, tại công đồng Latêranô, Đức Giáo Hoàng Zacharia đã tuyên bố: “Giáo hội Công Giáo chỉ nhìn nhận ba tên gọi chính thức của các thiên thần: Michael, Gabriel và Raphael”.
Phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II mừng chung các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael vào ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại giáo đường kính thánh Michael ở thế kỷ IV, trong một miền quê Rôma nhưng ngày nay không còn.
(2)Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum: Tuyển tập các tín biểu, định tín và tuyên bố về các vấn đề đức tin và luân lý.
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
Từ: aleteia.org và catholicculture.org
Nguồn: https://hdgmvietnam.com
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12
“Thầy Esdra mở sách luật ra, chúc phúc cho dân và toàn dân đáp lại: Amen! Amen!”
Trích sách Nơkhemia.
Trong những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.
Thầy thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc.
Nơkhemia là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.
Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta”.
Các Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: “Anh chị em hãy thinh lặng, vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn”. Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống, gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu rõ những lời mình nghe giảng dạy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong.
Bài Ðọc I: (Năm II) G 19, 21-27
“Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống”.
Trích sách ông Gióp.
Ông Gióp nói: “Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá?
“Vì tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Chúa”.
Xướng: Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con.
Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.
Alleluia: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 1-12
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: “Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.
Hoặc đọc:
Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
MỖI NGƯỜI ĐỀU LÀ NHÀ THỪA SAI (Lc 10, 1-12)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ. Hình ảnh 72 môn đệ được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cho thấy tính phổ quát của sứ vụ này.
Khi được sai đi loan báo Tin Mừng, người thừa sai cần hiểu rõ một nguyên tắc căn bản về sứ vụ tông đồ là: việc Tông đồ là của Chúa. Người tông đồ là người được sai đi để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích là làm sao cho muôn người được ơn cứu độ.
Tuy nhiên, không phải ai được sai đi cũng đều thành công trong sứ mạng, bởi lẽ người tông đồ sẽ bị những thử thách, khó khăn do ngoại cảnh gây nên, và đôi khi do chính sự yếu đuối của bản thân, nên dẫn đến tình trạng buồn chán, thất vọng và buông xuôi…
Vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ về tư cách, phương pháp và tinh thần của người thừa sai, để các ông ra đi và hy vọng mang lại nhiều hoa trái.
Trước tiên: người môn đệ phải noi gương Thầy của mình, đến để cứu độ bằng con đường thập giá. Vì thế, can đảm đón nhận những khó khăn, trở ngại do hiểu lầm, kỳ thị, ghen tức và hóa giải nó trong yêu thương là tinh thần của người môn đệ. Khó khăn này được ví như: “Chiên giữa bầy sói“.
Thứ đến: người môn đệ phải sống cuộc sống thanh thoát, nhẹ nhàng trong sự thiếu thốn. Không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền cách thái quá. Không bị của cải, sự sung sướng và an thân níu kéo bước chân người thừa sai. Bởi vì của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong tương quan với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Cần cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc đời mình qua sự chăm sóc của Ngài, vì thợ thì đáng được thưởng công. Vì thế: không bị, không tiền, không mang hai áo … là tinh thần của người thừa sai.
Tiếp theo: hãy noi gương Đức Giêsu, Đấng đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, còn bản thân Ngài thì lại hóa mình ra không đến nỗi trở nên của ăn cho người khác. Vì thế, người môn đệ cần nhạy bén để khước từ cám dỗ là tìm mọi cách để thay đổi điều kiện sống cho mình, nhằm an thân và sung túc, trong khi đó sứ vụ thì bỏ bê. Như thế, không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng: “Đi hết nhà này đến nhà kia” mà sứ vụ thì không sinh hoa trái.
Mặt khác: hội nhập văn hóa là điều cần thiết để Lời Chúa thấm nhập vào truyền thống, văn hóa, được chuyển tải bằng những thứ ngôn ngữ của chính người bản địa. Những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi cũng cần thích nghi. Được như thế, người thừa sai sẽ không bị cuốn theo bản năng để chỉ lo cho bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu “hạ đẳng” của chính mình. Vì vậy: “Vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì mà người ta dọn cho anh em”.
Hơn nữa: truyền giáo phải đi đôi với bác ái. Nếu lời giảng dạy là để giới thiệu Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, đứng về phía người nghèo, áp bức, bất công để giải thoát con người cách toàn diện, thì việc bác ái chính là một chứng minh cụ thể về tình thương, sự liên đới do lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Vì thế, người môn đệ cần: an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ kẻ yếu đuối… để làm chứng cho: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.
Cuối cùng: nhà truyền giáo phải là người thấm thía sự bình an của Chúa. Nếu không có bình an thì không thể trao ban cho người khác bình an được. Cuộc đời sứ vụ của người thừa sai mà thiếu đi yếu tố này, thì hẳn chính bản thân cũng bất hạnh, và như thế, chỉ còn gieo rắc sự thất vọng mà thôi. Tuy nhiên, bình an là một ơn ban của Thiên Chúa, kèm theo sự cộng tác của con người. Vì vậy: “Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con”.
Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Xin Chúa sai những người thợ lành nghề để ra đi thu lúa về cho Chúa. Xin Chúa cũng ban cho chính chúng con, là những người cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng truyền giáo ngày lãnh Bí tích Rửa Tội, luôn biết làm gương sáng, chu toàn bổn phận và trung thành với đời sống bác ái yêu thương. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn