Lời Chúa THỨ TƯ LỄ TRO

Thứ hai - 15/02/2021 17:03 |   915
“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)

17/03/2021
THỨ TƯ LỄ TRO



Mt 6,1-6.16-18

NHẬP VAI GIÊ-SU

“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)


Suy niệm: Trong một bộ phim Tam Quốc Chí, để có thể nhập vai Quan Vũ, diễn viên đóng vai này đã phải ăn chay trường trong nhiều tháng liền. Kết quả là cung cách quân tử Tàu của Quan Vũ được thể hiện rất đạt, như nhiều khán giả cảm nhận. Hôm nay Hội Thánh bắt đầu bước vào mùa Chay. 40 ngày mùa Chay là 40 ngày các Ki-tô hữu được mời gọi sống lại tâm tình của Đức Giê-su ngày xưa, nhập vai Giê-su một cách nào đó. Phương cách để nhập vai Giê-su là ba công việc truyền thống: ăn chay, làm việc bác ái (bố thí) và cầu nguyện. Mà đã ăn chay thì bụng phải đói, phải cồn cào ruột gan. Cái đói thể lý nhắc ta về một cái đói lớn hơn: đói Thiên Chúa, khát khao Ngài; cần Ngài cho tâm hồn tựa như cần lương thực cho thân xác.

Mời Bạn: Bắt đầu mùa Chay qua việc ăn chay một cách nghiêm túc, chay miệng lẫn chay lòng: giữ tâm hồn thanh thản, an bình, không giận dữ, không oán thù, không nóng nảy chua cay, cũng chẳng tranh giành ảnh hưởng hay tranh chấp tài sản. Làm sao để sau 40 ngày muà Chay, bạn nhập vai Giê-su đạt hơn, để không còn là bạn sống nữa mà là Chúa Giê-su sống trong bạn (Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi sẽ cố gắng để thực hành ba việc: ăn chay (lòng), bố thí, cầu nguyện mỗi ngày, theo hoàn cảnh của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống cuộc vượt qua mỗi ngày của con. Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ, vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến về người khác. Amen.    (Rabbouni)

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ LỄ TRO

Dẫn vào Thánh Lễ: 

Lễ Tro nhắc bảo mùa Chay bắt đầu. Tro bụi là biểu tượng sự dòn mỏng của con người, nay còn mai mất, nên khi nhận một ít tro, người tín hữu phải nhớ mình là kiếp phù du.
Cha Marco cho biết: “Trong Cựu Ước, tro được dùng như dấu chỉ sự khiêm nhường và tính phải chết; đồng thời cũng là dấu chỉ lòng lo buồn và thống hối về tội lỗi.”
Theo Tân Ước, nghi thức sức tro, mở đầu Mùa Chay là mùa thống hối, nhắc bảo mỗi Ki-tô hữu phải làm mọi việc vì sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân, dù là việc làm nhỏ bé nhất.
Tro là dấu chỉ để mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mình là tội nhân, là người có tội, như lời Thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”

Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa yêu thương mọi loài, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành, Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối và tha thứ cho họ, vì Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ge 2, 12-18
Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.
Trích sách Tiên tri Giô-en.
Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa
Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.
Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.
Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 20 – 6,2
“Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Ðức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát.
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.

PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.
Ðó là lời Chúa.

Làm phép và xức tro
Sau bài giảng chủ tế chắp tay nói:
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, và khiêm tốn xin Người giáng phúc cho chúng ta, để cử chỉ sám hối chúng ta sắp làm được Chúa thương chấp nhận.
Thinh lặng cầu nguyện giây lát, chủ tế dang tay đọc:
Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và thứ tha cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngay chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Ki-tô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Hoặc:
Lạy Chúa, Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn. Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh X hoá nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Xin giúp chúng con hằng cố gắng giữ Mùa Chay thánh này để được Chúa thứ tha tội lỗi và biết sống một đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Chủ tế thinh lặng rảy nước thánh, rồi xức tro cho từng người có mặt và nói:
Hãy ăn năn sám hối và đón nhận tin mừng
Hoặc:
Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi.
Trong khi đó hát tiền xướng.
Xức tro xong, chủ tế rửa tay và kết thúc bằng lời nguyện cho mọi người
Không đọc kinh tin kính.

Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Khởi đầu mùa Chay thánh, chúng ta kêu cầu Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và nâng đỡ chúng ta trên hành trình sám hối đích thật. Với tâm tình sốt sáng, chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới.
1. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô được Chúa tuyển chọn kế vị thánh Phê-rô và mục tử hướng dẫn đoàn chiên Chúa, xin cho Ngài khi thi hành sứ mạng cao cả Chúa đã trao phó, lãnh nhận được sức mạnh từ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và niềm an ủi nhờ ánh sáng của Người.
2. Cầu cho các nhà lãnh đạo các quốc gia. Xin Chúa ban cho họ trở thành khí cụ bình an và hòa giải của nhân loại, đồng thời hằng tích cực hoạt động để phẩm giá con người được tôn trọng và thăng tiến.
3. Cầu cho các Dự Tòng đang chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh. Xin cho họ được tràn đầy tình yêu của Chúa Ki-tô và cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống.
4. Khởi đầu mùa chay thánh với nghi thức xức tro, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta trái tim mới và trung tín để nhận ra thân phận tro bụi, và hồng ân làm con cái Chúa.
Chủ tế: Lạy Cha, Cha mời gọi chúng con lắng nghe và hướng dẫn chúng con trên con đường trở về với Cha; xin đón nhận lời cầu nguyện của chúng con, để khi sống mùa Chay thánh này, nhờ Lời Chúa Giêsu, Con Cha yêu dấu hướng dẫn, và được thánh hóa bằng ân sủng của Cha, chúng con có thể tiến lên núi thánh phục sinh với bàn tay thanh sạch và trái tim nhân hậu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con long trong dâng lên Chúa lễ tế đầu Mùa Chay thánh này. Xin soi sáng mỗi người chúng con biết ăn năn hối cải và tăng cường việc bác ái yêu thương, hầu chế ngự mọi tính mê tật xấu. Nhờ đó, chúng con được sạch tội, và thêm lòng sốt sắng thông phần cuộc khổ nạn của Ðức Ki-tô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng mùa chay III hoặc IV

Ca hiệp lễ
Ai ngày đêm suy ngẫm luật Chúa, sẽ đâm hoa kết quả đúng mùa.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chớ gì Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô chúng con vừa lãnh nhận, giúp chúng con biết ăn chay hãm mình sao cho đẹp lòng Chúa, và nhờ đó tâm hồn chúng con được khỏi hết tật nguyền. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TỰ BIẾT MÌNH

 

THỨ TƯ LỄ TRO

(Ge 2, 12-18; 2 Cr 5, 20. 6, 2; Mt 6, 1-6. 16-18)

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ tinh thần của người Ấn Độ đã tự thuật một câu chuyện liên quan đến cuộc đời của ngài lúc còn nhỏ như sau:

Hồi ấy, mới 15 tuổi, tôi đã lấy trộm một chiếc vòng vàng của cha tôi và đem bán để lấy tiền trả nợ. Lấy được vàng, có tiền trả nợ, lòng tôi lúc bấy giờ nhẹ nhõm và sung sướng vì đã giải quyết được một việc qua trọng! Tuy nhiên, niềm vui chỉ đến trong chốc lát, vì ngay sau đó, nó đã nhường lại cho sự áy náy, mất bình an ngự trị.

Sau đó, tôi quyết định làm một cuộc cách mạng, đó là viết tội lên một tờ giấy và trình lên cha tôi. Kết quả, sau khi đọc những lời thú tội của tôi, trong thinh lặng, ông đã xé tờ giấy đó thành nhiều mảnh nhỏ và nói với tôi: ‘Biết mình là điều rất tốt’”.

1. Hãy tự biết mình

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh bằng việc cử hành nghi thức xức tro trên đầu. Nơi nghi thức này, Giáo Hội mời gọi mỗi người: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”; hoặc: “Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi”.

Qua lời mời gọi ấy, Giáo Hội hướng chúng ta về một thực tại, đó là: ý thức thân phận mỏng manh của đời người với những yếu đuối, tội lỗi của kiếp nhân sinh. Vì vậy, cần phải trở về với Chúa.

Trở về với Chúa để được đón nhận ơn tha thứ. Trở về với Chúa để làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, để trở về với Chúa cách thực sự và ý nghĩa, điều quan trọng, đó là hãy “tự biết mình” .

Bao lâu ta không biết mình, bấy lâu lòng ta tự mãn, tự kiêu, và, sẽ không cần phải sám hối.

Thật vậy, dù trong trần gian này, chúng ta có là tổng thống, chủ tịch nước, vua chúa, quan quyền hay thường dân; giàu có hay nghèo hèn; khỏe mạnh hay đau yếu; đẹp trai, xinh gái hay xấu xí, già hay trẻ; được trọng vọng tôn vinh hay bị coi thường, khinh bỉ; hoặc đang nổi danh như cồn hay âm thầm chốn lao tù…Tất cả phải thuộc nằm lòng bài học quan trọng này, đó là: thân xác ta từ bụi tro mà ra, thì một mai sẽ trở về cát bụi. Cuộc sống của ta như hoa kia sớm nở tối tàn, vắn vỏi tựa bóng câu. Vì thế, cái chết nó có thể đến với hết mọi người và bất thình lình như một tên trộm hay như ông chủ đi ăn cưới về lúc đêm khuya.

Chính vì vậy, mỗi khi lãnh nhận tro xức trên đầu, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy biết mình và nghiêm túc để nghĩ đến thân phận, giới hạn của con người, đồng thời cần phải biết sám hối, ăn năn trở về với Chúa để xin Người xót thương.

Tuy nhiên, sám hối không thôi thì chưa đủ, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy ra khỏi sự kiêu ngạo, ích kỷ, an thân để đi đến hành động cụ thể, đó là: cầu nguyện, ăn chay và thi hành bác ái.

2. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo

Lời ngôn sứ Giôen nhắc cho chúng ta về cách thức sám hối, ngài kêu gọi: “Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Ge 2,13 ),

Khi kêu gọi như thế, tiên tri Giôen muốn dân chúng hãy có tinh thần sám hối thực sự, tinh thần ấy phải phát xuất tự đáy lòng của mình chứ không chỉ hình thức bên ngoài như ủ rũ héo hon, sầu lo, đau đớn…, mà là thay đổi từ ánh mắt, cách nhìn, tư tưởng trong niềm tin và hân hoan.

Sự sám hối ấy phải luôn luôn diễn tiến ngang qua chính bản thân của mỗi người. Tuy nhiên, vì chúng ta là dân Thiên Chúa, là một cộng đoàn, nên mọi thành phần đều có sự liên kết mật thiết với nhau và đều có can hệ với nhau trong các việc tốt cũng như xấu, phúc cũng như tội. Vì vậy, ngoài việc chúng ta làm một cuộc hoán cải nội tâm cá nhân với Chúa, mỗi người còn phải thể hiện sự quyết tâm thay đổi đời sống ấy bằng những hành vi cụ thể như cầu nguyện, ăn chay, hy sinh, hãm mình, từ bỏ và thi hành việc bác ái với tha nhân.

Trước tiên là cầu nguyện âm thầm và kín đáo:

Khi nói đến cầu nguyện ân thầm và kín đáo: Đức Giêsu muốn nói đến sự khiêm nhường thẳm sâu phải có lúc cầu nguyện. Khi con người đến với Thiên Chúa, nếu không khiêm nhường, ắt sẽ không thể đi vào mối tương quan với Người được. Hình ảnh và thái độ của người Pharisêu và người Thu Thuế lên đền thờ cầu nguyện cho ta thấy hệ quả sự kiêu ngạo và khiêm nhường khi hai người trở về!

Mặt khác, âm thầm và kín đáo còn có ý nói đến một tâm hồn với đời sống nội tâm sâu xa. Khi có một chiều sâu tâm linh, người ta không cần phải lải nhải lắm lời mới hy vọng Thiên Chúa nhận lời, mà ngược lại, điều quan trọng, đó là chiêm ngắm, lắng nghe và nhạy bén với Thánh Ý Thiên Chúa để mau mắn thi hành.

Thứ đến là ăn chay: ngay sau khi dạy cho các môn đệ về thái độ cầu nguyện, tiếp theo, Đức Giêsu đã chỉ ra cho các ông việc cần làm, đó là ăn chay. Ở đây, Đức Giêsu không hướng dẫn xem ăn chay như thế nào cho đúng theo nghĩa đen, mà Ngài nhấn mạnh đến tinh thần của sự việc:

“Khi các ngươi ăn chay thì chớ sầm mặt lại như bọn giả hình (….) Còn ngươi ăn chay thì đầu hãy xức dầu, và mặt mày hãy lau rửa…” (x. Mt 6, 16-18).

Đức Giêsu không thể chấp nhận việc ăn chay của người môn đệ giống như những người Pharisêu và những người Dothái đương thời, đó là mỗi khi họ ăn chay, họ tỏ ra rầu rĩ, thiểu não, tang thương.

Ngược lại, Ngài muốn người môn đệ phải hân hoan khi ăn chay, vì ăn chay là để đón chờ chàng rể đến. Thế nên tránh nhũng thứ chè chén say sưa hay khuôn mặt rầu rĩ…

Cuối cùng, đó là thi hành bắc ái: nếu cầu nguyện là để gặp gỡ Thiên Chúa; ăn chay là để hy sinh hãm mình đền tội, thì việc chia sẻ bác ái chính là điều kiện để hoàn thiện hai điều trên, vì: mến Chúa mà không yêu người thì nói dối; yêu người trên đầu môi chóp lưỡi thì thật là đáng khinh bỉ. Nhưng mến Chúa thì luôn gắn liền với yêu người.

Khi Đức Giêsu kêu gọi chia sẻ cho người nghèo, Ngài muốn chúng ta hãy mở rộng tấm lòng của mình cách đặc biệt, cụ thể, để Chúa đến với cõi lòng chúng ta ngang qua những hành vi chia sẻ cho người nghèo.

Tuy nhiên, ngay cả việc bác ái, Đức Giêsu dạy chúng ta phải ý tứ khi chia sẻ, Ngài nói: đừng gõ trống khua chiêng, đừng để tay trái biết việc tay phải làm. Nếu không thi hành trong lòng mến và vô vị lợi như thế, thì việc bác ái của chúng ta sẽ chỉ là công dã tràng mà thôi.

Mong sao, khi Mùa Chay đến, mỗi người chúng ta hãy làm mới lại mối tương quan với Đấng thấu suốt sự kín nhiệm qua việc năng kết hiệp mật thiết và sâu lắng trong đời sống cầu nguyện để được Người nhận lời. Đồng thời, hãy “tự biết mình” là con người mỏng dòn, yếu đuối và đầy rẫy tội lỗi, nên rất cần một hành động sám hối để xin ơn tha thứ và quyết tâm quay trở về với Thiên Chúa. Cuối cùng, đó là thi hành việc bác ái qua hành vi tha thứ cho người xúc phạm đến mình; hay một nghĩa cử bao dung, liên đới với những người mà họ không ưa mình, đồng thời, hãy rộng tay giúp đỡ vật chất cho những anh chị em túng nghèo chung quanh chúng ta.

Được như thế, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh đúng với tâm tình mà Chúa và Giáo Hội mong muốn. Ngược lại, nếu chỉ giữ đạo cách hình thức, hời hợt, lễ nghi bề ngoài, mà tâm hồn không một chút rung động, tâm trí không một chút suy tư và liên đới, thì hết Mùa Chay này đến Màu Chay khác đến rồi lại đi, nhưng tâm hồn và đời sống của chúng ta vẫn chỉ trơ trơ như gỗ đá, hay như một cỗ máy biết nói.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực, để trong suốt Mùa Chay này, chúng con biết sống theo tinh thần Chúa đã dạy để được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa mang lại. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây