Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 20/06/2022 08:20 |   453
“Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.” (Mt 7, 17-18)

22/06/2022
THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
55 năm THÀNH LẬP GIÁO PHẬN
tại Giáo phận Ban Mê Thuột mừng kính
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - BỔN MẠNG GIÁO PHẬN
Thánh Gioan Fisher, giám mục và Tôma More, tử đạo

 

t4 t12 TN

Mt 7, 15-20

TRỒNG CÂY LÀNH, ĂN TRÁI NGỌT
“Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.”
(Mt 7, 17-18)

Suy niệm: Mùa hè tới được đánh dấu bằng những buổi tổng kết cuối năm của các trường học. Thầy cô hài lòng, phụ huynh hãnh diện, học sinh cũng vui mừng vì bao công sức, tiền bạc và tâm huyết đầu tư suốt một năm trời nay kết thành trái ngọt qua những kết quả học tập cuối năm, những tờ giấy khen, những món phần thưởng. “Xem quả thì biết cây”, Lời Chúa áp dụng một kinh nghiệm dân gian ai nghe cũng hiểu. Thế nhưng những điều xem ra là trái ngọt đó có thể lại tiềm ẩn những con sâu của bệnh thành tích, của nạn dịch “bằng thật chất lượng ảo”, mà hậu quả di hại đến cả xã hội, đến nhiều thế hệ.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn có sứ mạng là những ngôn sứ thật ươm trồng cây lành để sinh trái ngọt cho Thiên Chúa. Trước tiên, bạn đã tháp nhập chính mình vào cây nho tươi tốt là Đức Ki-tô chưa? Tiếp đến mời bạn nhổ sạch những bụi cỏ dại, bứng tận gốc những loài cây độc tức là loại bỏ những gian dối, bất công, hận thù, những thú vui ích kỷ bất chính ra khỏi tâm hồn mình. Và mời bạn mạnh dạn nhân rộng những hành động tốt đẹp, mời gọi các bạn cùng với mình thực thi sứ mạng ngôn sứ thật: trên một khu đất mà các loại cây tốt mọc lớn mạnh thì các loài cây độc không có cơ phát triển nữa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc lành để xây dựng Nước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhắc con biết sử dụng ơn Chúa Thánh Thần để con biết nhận định đâu là những hoa quả xấu của những ngôn sứ giả và con mạnh dạn làm những việc lành để sinh hoa trái tốt cho nước Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
55 năm THÀNH LẬP GIÁO PHẬN
Tại Giáo phận Ban Mê Thuột mừng kính
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - BỔN MẠNG GIÁO PHẬN

Lễ kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam

 


Ca nhập lễ

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.


Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin...

Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."

Bà nói với người con út: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."

Hoặc đọc: Kn 3, 1-9

"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô, vị chứng nhân trung thành của Chúa Cha đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam ơn can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và cầu xin.

1. Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa ở giữa trần gian bằng lời rao giảng và bằng chứng tá đời sống.

2. Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ.

3. Các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm vác Thánh Giá Chúa mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu biết kết hiệp những nỗi vất vả, lầm than trong cuộc sống hằng ngày với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4. Các thánh tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương các ngài đã để lại, ngõ hầu làm chứng cho Chúa ở đời này, và mai sau được hưởng hạnh phúc vô biên trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Dầu là sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ một thọ sinh nào: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tìm thấy nơi các ngài những mẫu gương nào?

Trước hết các ngài là những đấng đã làm chứng cho niềm tin của mình. Thực vậy, trải qua hơn 300 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương yêu dấu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp, đã phải cam chịu biết bao cuộc bắt bớ cấm cách. Biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ gia đình và sản nghiệp tổ tiên, trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc như giáo dân vùng Quảng Trị Lavang để bảo toàn đức tin của mình. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục và đã chết dưới những cực hình độc ác để tuyên xưng danh Chúa, trong đó 117 vị đã được tông phong lên hàng chân phước. Qua đó chúng ta thấy các ngài đã ý thức và dành cho Chúa một địa vị tuyệt đối, cũng như đã ý thức và dành cho đức tin một sự ưu tiên các ngài có thể nói lên rằng: Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời thế gian, thà chết chứ chẳng thà phản bội Chúa. Bằng một lời nói, bằng một thái độ các ngài có thể giải thoát mình khỏi những cực hình dã man, nhưng các ngài không làm thế vì các ngài đã xác tín vào lời Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi.

Cùng với việc làm chứng niềm tin các ngài còn là những người làm chứng cho tình thương. Tiên vàn là tình thương đối với Chúa. Các ngài đã lấy chính cái chết để nói lên sự gắn bó mật thiết với Chúa. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu mặn nồng như lời Chúa đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu thực mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn cả tử thần nữa. Tiếp đến là tình thương đối với anh em, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ. Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm. Với các thánh tử đạo Việt Nam cũng vậy, mặc dù phải chịu nhiều đắng cay nhưng các ngài vẫn an ủi khích lệ lẫn nhau kiên vững trong đức tin và tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Sau cùng các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng bảo: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Và lời Chúa đã như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể nào so sánh được với niềm hạnh phúc bất diệt mà Chúa sắm sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài. Các ngài đã đau khổ một thời để rồi được hạnh phúc đời đời. Thân xác của các ngài tuy đã chết, nhưng linh hồn của các ngài lại được vui mừng trong vinh quang thiên quốc và nhất là tinh thần của các ngài luôn bừng cháy trong tâm hồn mọi người để rồi chúng ta cũng đi theo dấu chân của các ngài. Đúng thế, hãy làm chứng cho niềm tin và tình thương của mình để rồi chúng ta cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta.

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (Mt. 10:17-22)
Lm Lã Mộng Thường

Nếu để tâm nhận xét nơi lòng mình, kinh nghiệm sống đạo nơi mỗi người chúng ta minh chứng một thực thể hơi lạ lùng. Chúng ta theo đạo, chịu khó tham dự những công việc và nghi thức thờ phượng, nghe giảng giải, đọc kinh sách, nhưng hình như nỗi khát khao nào đó về Thiên Chúa hay về một viễn tượng mơ hồ, như gần, như xa, đôi lúc cảm thấy quay quắt, tha thiết, thúc dục chúng ta cần phải thực hiện điều gì đó để thăng tiến tâm linh nhưng rất khó tìm được đầu mối để bắt đầu; đôi lúc chúng ta lại cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, tự hỏi tại sao mình hiện hữu và sự hiện hữu nơi cõi dương gian này sẽ dẫn dắt chúng ta về đâu, hoặc chẳng lẽ bao công lao gầy dựng cuộc sống, làm lụng vất vả chỉ là phương tiện nối tiếp kéo dài sự hiện hữu của mình nơi mặt đất được thêm ngày nào hay ngày ấy để rồi tất cả sẽ chìm vào lãng quên khi xuôi tay nhắm mắt? Đã bao nhiêu lần nhìn đến những người chung quanh nhất là những bạn trẻ, sao họ vui tươi thoải mái trong khi lòng mình chất chồng muôn nỗi ưu tư bởi chẳng những gánh nặng sống còn nơi cuộc đời mà nỗi ước mơ thầm kín nào đó vẫn dai dẳng níu kéo và hối thúc.

Nhiều khi kiếm tìm nơi sách vở, kinh nọ, truyện kia, người ta chỉ viết về những vấn đề nào đó chứ điều mình thực sự mong mỏi sao chẳng bao giờ thấy được bất cứ tác giả nào đó nhắc đến. Những chủ thuyết, lý thuyết kiến tạo cuộc đời thoải mái hơn hoặc những kết quả thực nghiệm của phát minh khoa học cũng không giải đáp được dẫu chỉ một phần nhỏ nỗi khát khao nơi nội tâm mình đang dằn vặt. Thế nên, nhiều khi con người càng cố gắng tìm kiếm phương cách kiện toàn nỗi khát khao qua nhận thức từ các sách vở thì lại chỉ càng cảm thấy khoảng trống tâm tư thêm diệu vợi. Nói cho đúng, không sách vở nào, không sự khôn ngoan nào có thể giải đáp cho con người những nỗi thắc mắc đơn sơ nhất, chẳng hạn tại sao mình có cuộc đời, và cuối cùng mình sẽ đi về đâu! Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiên giải đáp được trình bày cũng chẳng khác gì lời quảng cáo thuốc lào, chồng hút, vợ say, và thằng bé lăn quay! Chúng chỉ như những lời hoa mỹ nhai đi nhai lại, giải thích về nước trong khi mình đang khát bỏng cổ, không thể nào giúp cho hết khát. Nỗi thao thức, khát vọng thâm sâu ẩn hiện nơi tâm hồn mỗi người không thể giải quyết được bằng bất cứ phương tiện ngoại tại nào mà cần được suy tư, nghiệm chứng bởi chính con người mang nỗi thao thức.

Bài Phúc Âm vừa được công bố đặt nơi miệng Đức Giêsu lời nhắn nhủ đối với những ai theo lời dạy dỗ của Ngài kiếm tìm về thực thể nội tại của mình. Bất cứ ai suy nghiệm Phúc Âm để sống theo những lời Ngài dạy sẽ bị chống đối không những bởi người chung quanh mà ngay cả những người thân thiết nhất nơi gia đình của mình, “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Chúng ta sẽ không kiếm đâu ra được những lời chân thành và hiện thực đến độ mới nghe hay đọc đã cảm thấy đáng ngại ngùng như những lời ghi chép nơi Phúc Âm. Có lẽ chính vì thế, cho dù bỏ công sức, hao tiền tổn của để lục lọi, tìm kiếm sự khôn ngoan thực thiễn hầu có giải đáp cho nỗi khát khao nội tâm nơi kho tàng kinh sách, và cho dù đã nhiều lần vô tình hay hữu ý đọc Phúc Âm, chúng ta cũng không dám để ý nghiệm xét những lời có vẻ không êm tai và nghịch thường này. Lý do thật đơn giản, ai không muốn sẵn cỗ ngồi vào; ai chẳng thích ngồi mát ăn bát vàng! Chính vì thế chúng ta đã vội để cho những lý thuyết dễ dãi lừa dụ và ám ảnh, bịt kín tâm trí, theo năm tháng giết lần mòn hoặc che mờ nỗi thao thức thánh thiện đã được đặt nơi lòng trí tự thuở đời đời, nỗi khát khao nhận biết chính mình, nhận biết mình là ai, và mình liên hệ với Thiên Chúa ra sao!

Mượn giây phút này, tôi mời gọi quý ông bà anh chị em để tâm suy nghiệm câu Phúc Âm, “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết. Nhưng khi người ta bắt nộp chúng con thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì, vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì. Vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.” Chúng ta đã quá dễ dãi chấp nhận những lý thuyết hoặc nhận thức đầy thị dục của loài người tưởng tượng theo nhãn quan thế tục rằng Thiên Chúa chẳng khác gì ông vua nơi gian trần, nhưng linh thiêng, ngự trên chín tầng trời! mặc dầu con người văn minh ngày nay đã gửi vệ tinh ra ngoài không gian mà mãi chưa nghe nói gì về dẫu chỉ tầng trời thứ nhất. Rồi cũng một Thiên Chúa tưởng tượng ấy, chúng ta gán ép cho ngài đầy đủ tính chất tham sân si giống như mình để rồi cố gắng đày đọa cuộc đời mình với ước vọng thỏa mãn hoặc mua chuộc vị thiên chúa tưởng tượng ấy. Đồng thời cũng từ sự tưởng tượng, chúng ta tạo thêm một thiên đàng theo thị dục và rồi lại cũng tạo thêm mối hy vọng to lớn hầu được thiên chúa tưởng tượng của chúng ta sẽ ban cho phần thưởng sau khi chết là chính cái thiên đàng con đẻ từ tưởng tượng của chúng ta. Tất cả chỉ là bánh vẽ! Tất cả chỉ là sản phẩm đầy thị dục nơi lối nhìn thế tục về Thiên Chúa. Thật là đau thương cho kiếp người, quá uổng phí những ngày tháng đã qua! cũng chỉ vì coi thường lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm, chúng ta đã tự đày đọa, dằn vặt mình, và dùng tưởng tượng để biến mình thành mù tối.

Đức Giêsu rõ ràng công bố đã hai ngàn năm qua, “Vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.” Thánh Thần của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Thánh Thần của Thiên Chúa nói trong chúng ta tất nhiên Thiên Chúa ở trong chúng ta. Nơi câu Phúc Âm khác, Đức Giêsu đã trả lời khi có người hỏi về ngày giờ xuất hiện của Nước Thiên Chúa, “Người ta sẽ không nói được: 'Này ở đây' hay 'ở đó,' vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông.” Nước Thiên Chúa là chính Ngài. Nước Thiên Chúa ở trong các ông có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa ngự trị nơi mỗi người chúng ta. Đây chính là Tin Mừng Nước Trời (Mt. 1:23). Thêm vào đó, vì Thiên Chúa ở nơi mỗi người nên đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi con người. Đây là lý do, căn nguyên giải thích tại sao nơi những câu chuyện Phúc Âm mà chúng ta gọi là phép lạ, Đức Giêsu đều tuyên bố, đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, đức tin con là ơn cứu độ của con.

Nhận thức như thế, suy tư để nghiệm chứng thực thể quyền lực tối thượng là chính Thiên Chúa đang ngự trị nơi mỗi người, chúng ta phải và chúng ta có bổn phận tuyên dương cho mọi tạo vật nhận biết chúng ta đã được xuất phát từ gốc thánh thiện là chính Thiên Chúa và Ngài đang ngự trị nơi mình. Bởi thế, bất cứ ai sống trong ơn nghĩa của Chúa phải được gọi là thánh. Chúng ta là thánh vì Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện đang ngự trị nơi mình. Tuy nhiên, điều đáng buồn đó là chúng ta đã vô tình vì tôn phục và tin kính Chúa nên rộng mở lòng tự biến mình thành thùng rác để chứa đựng những điều không nên, những tưởng tượng thế tục về Chúa, che lấp sự cả sáng thánh thiện của Chúa đang chiếu soi nơi mình. Thay vì nhận ra quyền lực tối thượng của Chúa đang hoạt động nơi mình, chúng ta đã nhắm mắt, bịt tai, che mờ tâm trí để tin tưởng rằng, cho rằng mình không xứng đáng.

Hôm nay, nhân ngày lễ kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi mời gọi mọi người, từ nay về sau, để tâm nhận chân sự thánh thiện nơi mình. Mừng kính các thánh Tử Đạo, chúng ta tuyên dương sự tử đạo nơi chính mình. Thử đặt câu hỏi, còn gì đau thương hơn, còn gì khốn khổ hơn trạng thái vô tình bởi không để ý suy nghiệm, chúng ta đã không nhận biết quyền lực cả thể của Thiên Chúa nơi mình để sử dụng mà đày đọa tấm thân thánh thiện hòa nhập với những nỗi cơ cực hàng ngày? Không có tội lỗi nào lớn lao và tệ hại hơn sự dồn ép do thiếu hiểu biết, nói cách khác, bắt Thiên Chúa nơi mình qui phục sự vô minh. Tôi nghĩ, tội tổ tông chính là trạng thái vô minh của con người, không nhận biết chính Thiên Chúa đang ngự trị nơi mình.

Tóm lại, chúng ta đang bắt Chúa tử đạo nơi cuộc đời cũng chỉ vì không suy nghiệm sự hiện hữu quyền lực thánh thiện là chính Thiên Chúa nơi mình. Sự tử đạo của các thánh tử đạo Việt Nam do chính Chúa hiện thân nơi các ngài thực hiện. Vì Thiên Chúa ngự trị nơi mình do đó sống trong ân nghĩa của Chúa, chúng ta là thánh. Nhận thức như thế, xin quý ông bà anh chị em từ nay để ý, đừng làm phiền Thiên Chúa nơi mình mà sống tuyên dương quyền lực thánh thiện của Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 15, 1-12. 17-18

“Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, có lời Chúa phán cùng Abram trong thị kiến rằng: “Hỡi Abram, ngươi chớ sợ, Ta là Ðấng phù trợ và là phần thưởng rất bội hậu cho ngươi”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho con điều gì? Con sẽ qua đi mà không có con; chỉ có Eliêzer này, người Ðamas, con của người giúp việc gia đình con”. Abram nói tiếp rằng: “Chúa không cho con sinh con; đây con của người giúp việc sẽ là kẻ nối nghiệp con”. Tức thì có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Chẳng phải người này sẽ là kẻ nối nghiệp ngươi, nhưng là chính người con ngươi sinh ra, sẽ là kẻ nối nghiệp ngươi”. Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính.

Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia: nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi.

Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông. Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mù mịt phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Euphrát”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước 

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa.

Xướng: Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn. Chính chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu.p.

Xướng: Tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với Isaac.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 22, 8-13; 23, 1-3

“Vua đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa, ký kết giao ước trước mặt Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, thượng tế Helcia nói với thư ký Saphan rằng: “Tôi tìm thấy sách luật trong Nhà Chúa”. Helcia trao sách cho Saphan đọc. Rồi thư ký Saphan đến cùng vua, và thuật lại cho vua rằng: Tôi tớ vua đã thu lượm số bạc dâng cúng trong nhà Chúa, và trao cho đốc công nơi Ðền thờ Chúa, để phát lương cho thợ. Thư ký Saphan cũng thuật cho vua rằng: “Tư tế Helcia đã trao cho tôi cuốn sách”. Thư ký Saphan đã đọc sách đó trước mặt vua. Khi nghe lời sách luật Chúa, vua liền xé áo mình, rồi truyền cho tư tế Helcia và Ahica con Saphan, Acôbor con Mica, và thư ký Saphan cùng Asaia người hầu cận vua rằng: “Các ngươi hãy đi hỏi ý Chúa cho trẫm, cho toàn dân và cho nhà Giuđa, về các lời sách vừa tìm thấy. Cơn thịnh nộ của Chúa đối với chúng ta nặng nề lắm, vì cha ông chúng ta không tuân giữ các lời trong sách này”. Họ thuật lại cho vua các lời của Chúa.

Bấy giờ vua sai đi triệu tập các trưởng lão Giuđa và Giêrusalem đến cùng vua. Vua lên Ðền thờ Chúa với những người thuộc chi tộc Giuđa, toàn thể dân cư Giêrusalem, các tư tế, các tiên tri và toàn dân lớn bé, ông đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa. Vua đứng trên bệ, ký kết giao ước trước mặt Chúa, để ai nấy đi theo Chúa, cùng hết lòng hết sức tuân giữ các huấn lệnh, các lề luật và nghi lễ của Chúa. Họ làm sống lại các lời giao ước đã ghi chép trong sách này: cả dân đều chấp nhận bản giao ước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 33. 34. 35. 36. 37. 40

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài (c. 33a).

Xướng: Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài, để con tuân giữ cho bằng triệt để.

Xướng: Xin dạy con để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.

Xướng: Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ chị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.

Xướng: Xin nghiêng lòng con theo lời Ngài nghiêm huấn, và chớ để con sa ngã vào chỗ lợi danh.

Xướng: Xin cho con ngoảnh mặt, khỏi thấy cảnh phù vân; xin cho con được sống noi theo đường lối Chúa.

Xướng: Này đây, con khao khát huấn lệnh của Ngài, theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 15-20

“Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đứng theo giờ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TRỞ NÊN “QUẢ TỐT” (Mt 7, 15-20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Nhiều người tỏ ra bị sốc khi nghe câu tuyên bố của Đức Giêsu: “… cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt”. Thật ra, trong thực tế, vẫn có nhiều người “gần mực mà không đen”, hay “gần đèn mà chẳng rạng”!

Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu nói ở đây đó là hãy biết cách nhận định khôn ngoan chứ không phải xét đoán hời hợt hay mang sẵn lòng hận thù hoặc tính kiêu ngạo. Nhận định tức là căn cứ vào kết quả để biết con người một cách khách quan. Tiêu chuẩn là: “Xem quả biết cây”.

“Cây” ở đây chính là mình, còn “hoa, lá, cành” chính là những việc đạo đức như: dâng lễ, kinh sách, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và những việc lành khác…. Còn “quả” ở đây chính là gương sáng, hy sinh, yêu thương, tha thứ…, tức là từ bi – bác ái, yêu Chúa hết lòng và thương yêu anh chị em cách chân thành.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”, mà “quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.

Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn gắn chặt cuộc đời của chúng con vào Chúa, để như một sự tác sinh, chúng con được trở nên giống Chúa, hầu trở nên những hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây