Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 02/08/2021 17:55 |   719
“Này bà lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,27-28)

04/08/2021
THỨ TƯ TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục

 

t4 T18 TN

Mt 15, 21-28

LÒNG TIN MẠNH THẬT!

Bà ấy nói: “Thưa Ngài, lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Đức Giê-su đáp: “Này bà lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,27-28)

Suy niệm: Trong khi các môn đệ, và ngay cả Phê-rô vẫn bị Chúa trách vì lòng tin yếu kém, thì người đàn bà Ca-na-an này lại là một trong số ít người được Chúa khen có lòng tin mạnh mẽ. Đó là một lòng tin kiên trì đến độ lì lợm. Một lòng tin mạnh mẽ đến độ bất chấp mọi sỉ nhục. Lòng tin của bà đã biến điều không thể thành có thể, một lòng tin có sức khiến cả Chúa cũng phải thay đổi chương trình của Ngài. Lòng tin của bà quả là “mạnh thật.” Và Chúa đã xác nhận sức mạnh của lòng tin đó khi nói: “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Mời Bạn: Não trạng “hiện đại” của chúng ta ngày nay thường nghĩ rằng tin vào Thiên Chúa như thế là hạ thấp phẩm giá con người. Thế nhưng, lạ một điều, người ta lại dễ dàng đặt niềm tin của mình vào những điều thật là tầm thường, kém cỏi: Bạn nghĩ gì về những lời quảng cáo coi một chiếc xe, chiếc điện thoại di động, thậm chí hộp kem đánh răng như là “niềm tin của bạn”?

Chia sẻ: Bạn đã biểu hiện lòng tin một tình huống cụ thể như thế nào? Làm thế nào để biểu hiện lòng tin mạnh mẽ hơn trong một tình huống tương tự?

Sống Lời Chúa: 1/ Ngay khi thức giấc mỗi ngày, bạn làm một hành vi đức tin qua việc hướng lòng về Chúa, dâng cho Ngài ngày mới và mọi việc sắp làm trong ngày. 2/ Bạn đang gặp điều bế tắc trong cuộc sống ư? Bạn hãy suy niệm lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an này và hãy thử làm như chị.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa củng cố đức tin còn yêu kém của con. – Đọc kinh Tin.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục

 

Tiểu sử: Ngày 4/8: Thánh Gioan Maria Vianney – Linh mục (1786 – 1859)

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ trong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của người mà cố gắng đem nhiều anh em về với Ðức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng vĩnh cửu, xin đổ tràn Thần Khí xuống của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, và nhờ lời thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê chuyển cầu, xin cho chúng con được xác hồn trong trắng để cử hành mầu nhiệm thánh này. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Phúc cho người đầy tớ, khi Chúa đến, thấy nó đang tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, Chúa sẽ đặt kẻ ấy lên coi sóc tất cả gia sản của Người.

Suy niệm

Thánh Gioan Maria Vianey và toà giải tội

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về cha thánh Gioan Maria Vianney một câu thật ngắn gọn: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân”.

 

Công việc mục vụ ngồi tòa, giải tội là sứ vụ đức ái mục tử đẹp nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Thời trẻ Gioan có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm Linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Khi làm Linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy. Tòa giải tội là nơi ngài đưa các linh hồn về cho Chúa nhiều nhất. Tòa giải tội đã thu hút biết bao hối nhân tìm đến với xứ Ars. Tòa giải tội là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của thánh nhân.

1. Thời gian ở tòa giải tội.

Một phần lớn cuộc đời Linh mục của cha Vianney trôi qua trong tòa giải tội. Trong 30 năm dài, một làn sóng người hành hương không ngừng đổ về ngôi nhà thờ cũ kỷ của họ Ars. Mùa đông rét buốt, số người đến đây không ít hơn các mùa ấm áp.

Tứ tháng 11 đến tháng 3, cha sở phải ngồi tòa trung bình không dưới 12-13 giờ mỗi ngày. Người ta đứng thành hàng dài, từ trong nhà thờ ra bên ngoài, nối đuôi nhau không ngớt chờ đợi tới phiên mình.

Trong năm 1845, có ngày số người hành hương đến Ars lên tới ba hay bốn trăm. Tại nhà ga lớn nhất của Lyon, người ta mở một văn phòng hoạt động 24/24 để bán vé tàu cho khách đi Ars, vé có giá trị tám ngày, đó là thời gian trung bình người ta phải đợi cho đến phiên mình vào tòa xưng tội với vị Linh mục thánh thiện nổi tiếng.

Vào mười năm cuối đời, Thánh Vianney phải giải tội từ mười sáu đến mười tám tiếng một ngày! Còn khách hành hương nói chung phải đợi ba mươi, năm mươi, bảy mươi giờ trước khi được lãnh nhận bí tích hòa giải. Cũng có khi người ta mua lại chỗ đứng của người nghèo. Ai muốn đi ra ngoài phải thỏa thuận vời người bên cạnh hoặc với người bảo vệ nhà thờ. Đêm thì sao? Khi cửa nhà thờ đóng lại, người ta đánh số chổ của mình. (x.Linh mục, người loan báo Tin Mừng, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

2. Ai đến với tòa giải tội?

Họ gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi: có giáo dân, tu sĩ, linh mục và đôi khi cả giám mục nữa; họ là quý tộc và bình dân, kẻ vô chủ nghĩa và người học thức, người thành thị và người thôn quê,… Có khi nguyên một gia đình ngồi trên xe ngựa đến từ những tỉnh xa xôi. Từ những vùng lân cận, người ta tuôn về đây bằng đôi chân hay bằng xe, theo đường bộ hay đường thủy. Năm cuối cùng của cuộc đời cha Vianney (1858-1859), số khách hành hương lên tới tám mươi ngàn, chỉ tính riêng số người dùng các phương tiện chuyên chở công cộng; còn tính chung có lẽ là khoảng một trăm ngàn đến một trăm hai mươi ngàn.

Đám đông này rất trật tự và nghiêm trang. Họ đến là để nhìn một vị thánh, để xưng tội, để cầu nguyện hay để hoàn thành một lời khấn với thánh nữ Philomêna. Có những người vào làng Ars như vào một đền thánh; vừa nhìn thấy tháp chuông nhà thờ, họ liền cất nón mũ xuống và làm dấu thánh giá. Một nhân chứng kể lại quang cảnh họ nhìn thấy vào tháng ba năm 1859: đông đảo những người ngoài họ Ars đứng trong nghĩa trang cũ và đến tận trong những con đường nhỏ kế cận chờ đến phiên vào tòa giải tội.

Buổi sáng vào khoảng chín giờ, Cha Vianney dành một số thời gian cho các tu sĩ và linh mục. Ngài giải tội cho họ ở một tòa đặt sau bàn thờ chính. Có lần Đức Giám mục địa phận nhà cũng ngồi chờ phiên mình. Cha giải tội cũng dành một số ngoại lệ cho giáo dân con chiên cha, người bệnh, người tản tật và những hối nhân không thể chờ đợi. Đối với trường hợp cuối cùng này, ngài thường dùng ơn “nhìn thấy trong tâm hồn” để nhận ra từ trong dòng người chờ đợi, rồi ưu tiên cho họ.(sđd, trang 62-63).

3. Cha Vianney khuyên bảo các hối nhân như thế nào?

Nói chung, ngài mạnh mẽ thẳng thắn, nhân từ nhưng không yếu đuối. Ngài biết cần phải “đánh” điểm nào cho trúng đích. Đọc một số lời khuyên còn ghi lại, tôi thấy ngài thường ngắn gọn, đầy tâm tình chứ không máy móc lạnh lùng.

Để lay tỉnh những “đại tội nhân”, khá nhiều khi ngài tung ra một câu đanh thép: “này con, con bị luận phạt đời đời”. Phát ra từ môi miệng một vị thánh mà người ta tin là ngài đọc được tương lai, câu đó giống như một lời phán quyết khủng khiếp. Nhưng thật ra ngài chỉ muốn nói: “nếu con không xa lánh dịp tội ấy, nếu con cứ duy trì cái thói quen tội lỗi ấy, nếu con không nghe theo lời khuyên dạy thì con sẽ bị luận phạt”.

Đối với những người đạo đức, ngài không cần nhiều lời. Nhưng ngay cả với trường hợp này, vẫn là những mũi tên nóng bỏng đâm thấu tận con tim: “xin Đức Cha yêu thương các Linh mục của ngài!”. Đó là lời duy nhất ngài nói với Đức cha De Langalerie, Giám mục địa phận Belly đang quỳ gối trước mặt ngài. Một cộng sự viên gần gũi của ngài xưng thú: “con đã lười biếng làm điều này nhưng tận đáy lòng, con vẫn thiện chí”, cha giải tội đáp lại duy nhất một câu “Ồ! thiện chí, thiện chí … hỏa ngục cũng lót toàn thiện chí”. Linh mục Monnin kể: “tôi đã xưng tội với ngài hai lần. Lần nào cũng thế, sau mỗi tội tôi xưng ra dù là tội nhẹ nhất, ngài đều nói: ‘đáng tiếc quá’. Từ một người khác, đó có thể là một cách nói thông thường, nhưng từ môi miệng của Cha Sở họ Ars, Linh mục Monnin coi như là tiếng kêu của lòng tin, lòng thương xót và sự ghê tởm đối với tội lỗi; ngài thêm: “Nhất là giọng nói đầy âu yếm đã đánh động tôi” (sđd, trang 64).

4. Cha Vianney yêu thương tội nhân.

Cha Vianney ghê tởm tội lỗi bao nhiêu thì yêu mến người tội lỗi bấy nhiêu. Ngài có một lòng cảm thương vô bờ đối với hối nhân. Tình yêu ấy được biểu lộ qua những nhân đức sau đây.

a. Cầu nguyện cho tội nhân.

Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!. Ngài trả lời: “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

b. Đền tội thay cho họ.

Ngài ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi và mong cho tội nhân hối cải.Trong những năm cuối đời, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân. Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Cha Vianney nhiều khi còn khóc trong tòa giải tội nữa. Ngài khóc vì người ta xúc phạm tới Chúa, ngài cũng khóc vì thương các linh hồn… Chính sự thánh thiện của ngài mang lại cho lời khuyên răn và nước mắt của ngài có sức mạnh và hiệu lực. Có người hỏi: “sao cha khóc thế?” ngài đáp ngắn gọn: “tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ”.

c. Yêu thương tội nhân

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối như gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?”, ngài trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

d. Luôn nhẫn nại

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì ?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.

e. Hiền hòa, kính trọng hối nhân.

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”.

Suốt ngày bị công việc mục vụ dồn ép như thế, ngồi nghe hối nhân hàng giờ như thế mà ngài vẫn không mất kiên nhẫn, không la lối nạt nộ ai bao giờ, thật là lạ lùng.

Ngài luôn hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có Linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám Mục Giáo Phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức cha hãy yêu thương các Linh mục của Đức cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó. (x. Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh mục, Lm Micae Trần Đình Quảng; simonhoadalat.com).

5. Theo gương cha thánh, Linh mục cử hành Bí Tích Hòa Giải

Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất, đòi hỏi nhất, nhưng đó là một tác vụ cao đẹp nhất, an ủi nhất của Linh mục trong đời mục vụ. (x.Chân dung Linh mục trang 39, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ, ngồi tòa giải tội giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội luỵ trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, chứa đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần, nhưng Linh mục không để mình bị lây nhiễm rác rưới.Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào tòa nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi.

Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ, trước khi ngồi tòa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; trong khi giải tội, linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải; sau khi đã ra khỏi tòa hòa giải, Linh mục phải trung tín với ấn tòa giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

Là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất bởi lẽ, qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình và nhận ra lòng thương xót của Chúa. Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm tư không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội. Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng. Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến tòa giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục.

Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa (Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2002, số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương một cách hữu hiệu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyên Linh mục phải sống khả tín và khả ái.

– Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” (PO, 12)

– Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” (Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành”Nghiêm nhặt quá làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi qúa gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” (Thư TNTT số 8).

Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4 tháng 8), đọc lại nét tiêu biểu cuộc đời thánh nhân nơi tòa giải tội. Như người ta đã nói: phép lạ lớn nhất của cha Vianney thánh thiện là tòa giải tội của ngài bị bao vây suốt ngày đêm. Cũng có thể nói cách khác: phép lạ tiêu biểu của ngài là sự hoán cải của những người tội lỗi. Các Linh mục noi gương cha thánh thực thi sứ vụ khó khăn và cao đẹp này. Mỗi lần ban ơn xá giải là Linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ds 13, 1-3a. 26-14, 1. 26-29. 34-35

“Ðất ngon lành họ đã không thèm” (Tv 77, 24)

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê (ở trong hoang địa Pharan) rằng: “Ngươi hãy sai đàn ông, mỗi chi tộc một người (thuộc hàng vương công trong chúng), đi xem đất Canaan mà Ta sẽ ban cho con cái Israel”.

Sau bốn mươi ngày, những người dò thám đất đi khắp miền, đoạn trở về.

{Họ đi gặp Môsê, Aaron và toàn thể cộng đồng con cái Israel ở sa mạc Pharan, tại Cađê. Và họ đã báo cáo với các ông và toàn thể cộng đồng, và cho người ta thấy thổ sản đất ấy. Họ đã tường thuật và nói: “Chúng tôi đã vào đất, nơi các ông sai chúng tôi đến, và thật là đất chảy tràn sữa và mật, và đây là thổ sản đất ấy. Hiềm một nỗi là dân cư trong xứ hùng cường! Thành trì kiên cố (và) lớn lắm, và chúng tôi đã thấy ở đó cả những con cháu Anaq. Có Amalec ở vùng Namsa; có dân Hit-tit, Giơbusi và Amori ở trên núi; còn dân Canaan thì ở gần biển và bờ sông Giođan”.

Bấy giờ Caleb truyền cho dân nín bặt trước Môsê. Ông nói: “Ta cứ lên chiếm đất ấy, vì ta sẽ thắng nổi nó!” Những người cùng lên với ông đáp lại: “Ta không thể lên đánh dân ấy, vì nó mạnh hơn ta”. Và họ buông lời chê bai giữa con cái Israel về đất họ đã dò thám, họ nói: “Ðất chúng tôi đã băng qua để dò thám là đất làm tiêu diệt cả những người ở trên ấy; dân chúng tôi đã thấy trong xứ toàn là những người vóc dạng. Chúng tôi đã thấy ở đó những người khổng lồ (con cháu của Anaq thuộc hạng người khổng lồ). Quay nhìn lại mình, thật chúng tôi chỉ như những con châu chấu, và trước mắt họ, chúng tôi chỉ như thế đó”.

Và toàn thể cộng đồng kêu la; họ lên tiếng}, và đêm ấy toàn dân la lối khóc lóc. (Họ trách móc Môsê và Aaron, và nói rằng: “(…) Phải chi chúng tôi chết quách ở trong sa mạc này!”).

Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Dân bạc ác này kêu trách Ta cho đến bao giờ? Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel. Ngươi hãy nói với chúng rằng: Chúa phán: Ta hằng sống, như các ngươi đã nói, Ta đã nghe, nên Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy. Xác chết của các ngươi sẽ nằm trên rừng vắng này. Tất cả các ngươi, tính từ hai mươi tuổi trở lên, đều đã kêu trách Ta. Các ngươi đã xem thấy đất, trong bốn mươi ngày, (thì) một năm kể thay cho một ngày; các ngươi mang lấy cái khổ của sự gian ác các ngươi, và sẽ biết sự thù ghét của Ta: vì Ta đã phán thế nào, thì Ta sẽ làm cho dân bạc ác này dấy lên chống lại Ta như vậy: nó sẽ hao mòn và chết trên rừng vắng này”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 105, 6-7a. 13-14. 21-22. 23

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con 

Xướng: Chúng con đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng con, chúng con đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng con khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa.

Xướng: Nhưng họ đã mau quên công việc của Chúa khi gia ân huệ cho dân Ngài, họ không tin cậy vào định kế của Ngài. Họ chiều theo dục vọng ở nơi hoang địa, và thử thách Thiên Chúa trong cõi cô liêu.

Xướng: Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ. 

Xướng: Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là Người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Người, để Người nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 1-7

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Ta sẽ là Thiên Chúa của mọi chi tộc Israel, và chúng sẽ là dân Ta”.

Chúa phán thế này: “Dân thoát khỏi tay gươm, đã được nghĩa trong rừng vắng: Israel sẽ đi vào nơi an nghỉ của mình. Từ xa Chúa đã hiện ra với ta mà phán rằng: “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến. Rồi Ta lại kiến thiết ngươi, hỡi trinh nữ Israel, ngươi sẽ được tái thiết. Ngươi lại mang những trống cơm, sẽ bước đi với hội hát vui mừng. Ngươi lại trồng nho trên các núi đồi Samaria; kẻ vun trồng cứ vun trồng và sẽ không hái trái nho khi chưa đến mùa. Vì sẽ đến ngày những người canh gác trên núi Ephraim sẽ kêu lên: “Hãy chỗi dậy, chúng ta đi lên Sion, đến cùng Chúa là Thiên Chúa chúng ta”.

Vì Chúa phán thế này: “Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại; hãy nói cho người ta nghe; hãy ca hát và nói lên rằng: ‘Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel'”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

Xướng: Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. – Ðáp.

Xướng: Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. – Ðáp.

Xướng: Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế. Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan; sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. – Ðáp.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NHỜ NIỀM TIN CỦA MẸ MÀ NGƯỜI CON ĐƯỢC CỨU SỐNG (Mt 15, 21- 28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong câu chuyện kể về phép lạ của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, người ta kể về gương sáng đức tin của một bà mẹ. Chuyện kể rằng: nhờ mối liên hệ thân tình với Đức Hồng Y, lòng quý trọng và niềm tin tuyệt đối vào ngài, vì thế, bà thường xuyên cầu khấn với ngài khi con bà đang trong tình trạng hôn mê sâu nhiều tháng và chỉ còn chờ chết ngay tại đất nước Hoa Kỳ văn minh tiến bộ vào hạng nhất nhì thế giới!

Quả thật, cậu chủng sinh con bà đã thoát khỏi tử thần khi được chính Đức Hồng Y cầu thay nguyện giúp nhờ vào lòng tin của bà mẹ.

Hôm nay, Tin Mừng cũng trình thuật phép lạ Đức Giêsu đã làm khi cho một bé gái thoát khỏi quỷ ám nhờ vào lòng tin của mẹ em.

Thật vậy, lời cầu xin “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi” của người phụ nữ xứ Canaan đã đụng chạm đến lòng trắc ẩn của Đức Giêsu, nên bà đã được Ngài xót thương. Nhưng Đức Giêsu còn muốn kiểm chứng đức tin của bà xem có phát xuất từ con tim yêu mến hay chỉ là thực dụng???

Tuy nhiên, càng đi sâu vào câu chuyện, chúng ta lại càng thấy niềm tin ấy được tỏa sáng. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì qua sự thinh lặng của Đức Giêsu và nhất là lời khước từ của Ngài khi nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Đồng thời, bà còn gặp khó khăn khi những người Dothái cũng như của chính các môn đệ ngăn cản không cho bà đến gần Đức Giêsu, thế nhưng, niềm hy vọng vào tình thương của Chúa đã làm cho bà đặt hết niềm tin tưởng nơi Ngài. Vì thế, bà đã thốt lên: “Nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Đứng trước niềm tin đặc biệt đó, Đức Giêsu đã phải chạnh lòng thương đến con bà khi nói: “Lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Trong cuộc sống hiện nay của chúng ta nhiều khi đức tin mang tính nhất thời, tức là chỉ tin khi thuận tiện. Mặt khác, niềm tin của mỗi người có lúc mang tính nửa vời, tức là tin Chúa 50%; 50% còn lại thì dành cho những thần khác…

Tuy nhiên, niềm tin thì hời hợt như vậy, nhưng khi có người khác thể hiện niềm tin vào Chúa thì chúng ta lại tìm cách ngăn cản hay cho là phù phiếm… như các môn đệ và người Dothái khi xưa. Phải chăng họ không muốn vào Nước Trời, nhưng những người muốn vào thì chính họ lại ngăn cản không cho vào.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt niềm tin tuyệt đối nơi Chúa. Đồng thời ý thức rằng: niềm tin trưởng thành là một niềm tin trải qua thử thách và có kinh nghiệm thực sự về Chúa. Cuối cùng, hãy biết noi gương Chúa để thi ân giáng phúc cho những người hoạn nạn, kể cả họ là kẻ thù của ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi chúng con biết yêu mến Chúa và luôn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Xin cũng cho chúng con có lòng nhân hậu với hết mọi người. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây