Người sống lại như lời Thánh Kinh…
admin
2020-04-11T00:36:59-04:00
2020-04-11T00:36:59-04:00
https://lebaotinhbmt.net/song-dao/nguoi-song-lai-nhu-loi-thanh-kinh-305.html
https://lebaotinhbmt.net/uploads/news/2020_04/chua-phuc-sinh-gpls-56.jpg
Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột
https://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 11/04/2020 00:35 |
1540
Đức tin Công Giáo dạy chúng ta rằng: Đức Giê-su, “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.
Chúa Nhật Lễ Phục Sinh
Người sống lại như lời Thánh Kinh…
Đức tin Công Giáo dạy chúng ta rằng: Đức Giê-su, “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.
Trong niềm tin đó, Chúa Nhật hôm nay (12/04/2020), như một truyền thống đẹp, toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Thánh Lễ “MỪNG CHÚA PHỤC SINH”.
Chúa Giê-su có thật sự phục sinh không? Thưa, điều này là có thật. Và, các thánh tông đồ chính là những nhân chứng sống động về sự kiện này.
Các ngài là những người đã được chứng kiến tận mắt, được chạm tận tay, được nghe tiếng nói của chính con người thật của Đức Giê-su, sau khi Ngài sống lại. Nói tắt một lời, các ngài đã được diện đối diện với Đức Giê-su Phục Sinh.
Hai vị tông đồ Phê-rô và Gioan, có thể nói, là những người đầu tiên cảm nghiệm được niềm vui này. Chính thánh Gio-an đã kể lại cảm nghiệm đầy cảm xúc của mình khi đến ngôi mộ chôn Chúa Giê-su vào ngày thứ nhất trong tuần.
Tại nơi đây, Ông đã thấy, thấy nơi đây chỉ còn là “ngôi mộ trống” và ông đã tin Đức Giê-su Phục Sinh. Ông đã ghi lại đầy đủ chi tiết về sự kiện này, như lời ông nói: “để anh em tin”.
Câu chuyện đã được thánh Gio-an ghi lại như sau.
**
Sự kiện vô tiền khoáng hậu này đã xảy ra vào “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Đối với các môn đệ xưa, đó là một ngày đầy âu lo, thấp thỏm, hy vọng…
Các ngài âu lo điều gì vậy? Thưa, vì có tin rằng: các vị thượng tế và kỳ mục đã cho nhóm lính canh mộ một số tiền lớn và bảo họ tung tin rằng: “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.” (Mt 28, 13).
Tin đồn đó, có khác nào sợi dây thòng lọng chờ chực xiết vào cổ các môn đệ bất cứ lúc nào. Thêm đó, ngoài kia những đôi mắt cú vọ của người Do Thái vẫn đang rình rập quanh nơi các ông ở.
Còn thấp thỏm và hy vọng ư! Vâng, tính từ hôm thứ-sáu-buồn, ngày Đức Giêsu thọ nạn, cho đến hôm nay là ba ngày rồi, chẳng biết lời Thầy đã phán hứa: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, đến lúc nào sẽ ứng nghiệm!
Và, khi Phê-rô và Gio-an đang mang trong lòng nỗi ưu tư ấy, thì bỗng nhiên hai ông nghe rõ tiếng chân chạy cùng tiếng lao xao mỗi lúc một gần.
Một người phụ nữ xuất hiện. Với khuôn mặt đầy sự căng thẳng, bà ta lắp ba lắp bắp nói với Simon Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (x.Ga 20,1-2).
Người phụ nữ này chính là bà Maria Mác-đa-la. Bà ta là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Hôm thứ sáu, ngày Đức Giê-su bị bắt, bà ta có theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh khổ nạn và cái chết của Ngài.
Hôm ấy, ông Giosep, người Arimathe, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn.Và sau khi mọi nghi thức tẩm liệm xong, ông Giosep “lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ra về. Bà Maria Mác-da-la và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó và quay mặt vào mồ” (x. Mt 27, 60-61).
Thế mà hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi đến mộ, bà Maria Mác-đa-la thấy “tảng đá đã lăn khỏi mộ”. Thế có lạ không kia chứ!
Nghe qua lời kể của Maria Mác-đa-la, không một phút chần chờ: “ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy”. Vâng, cả hai người cùng chạy, chạy không khác gì những vận động viên chạy nước rút.
Và, cuối cùng thì “người môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới trước”. Khi tới nơi, người môn đệ kia “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào” (x.Ga 20, 5).
Các ông Phê-rô thì sao! Thưa, ông Simon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Đến nơi, “ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải còn ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20, 6-7).
Kỳ lạ thật! mọi sự hoàn toàn khác hẳn hôm tẩm liệm Đức Giê-su. Xác Thầy Giê-su đâu, các ông không thấy. Và ngôi mộ… chỉ là “ngôi mộ trống”.
Ai đã tạo ra sự kiện khác thường này! Thưa, không thấy thánh Gio-an giải thích, nhưng khi tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra nơi chôn cất Thầy Giê-su, ông Gio-an cho biết, rằng “ông đã tin”.
Vâng, hôm ấy, theo lời trần tình của tông đồ Gio-an, thì: “trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (x.Ga 20, 9).
Sau đó, chuyện kể rằng: “Các môn đệ lại trở về nhà”.
***
Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết – Alleluia.
Vâng, chúng ta được nghe những nhà hộ giáo nói rằng, “tảng đá đã lăn khỏi mộ” và “ngôi mộ trống” chính là dấu chỉ sự Phục Sinh của Đức Giê-su.
Thế còn hôm nay, đâu là “dấu chỉ” để nói lên chân lý ngàn đời này!
Thưa, là lịch sử hơn hai ngàn năm Ki-tô giáo.
Là niềm tin của các tông đồ, một niềm tin không lay chuyển, một niềm tin dám “thí mạng sống” của mình về điều mình đã tin rằng: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 39-41).
Là sự phát triển của Giáo Hội, một sự phát triển không dựa vào sức mạnh của họng súng, của búa liềm, của giáo mác v.v…
Đó… đó chính là những “dấu chỉ” để chúng ta tiếp tục tin rằng: Đức Giê-su đã Phục Sinh.
Tiếp đến, niềm tin và sự bình an của các môn đệ xưa, với ơn Chúa Thánh Thần, vẫn tiếp tục được đổ tràn trên toàn Giáo Hội nói chung, và cách riêng với mỗi chúng ta, cũng chính là “dấu chỉ một Giê-su Phục Sinh”, Ngài vẫn cùng đồng hành với mỗi người chúng ta, như xưa Ngài đã đồng hành với hai môn đệ trên làng Em-mau.
Và, sự tồn tại của Giáo Hội, hơn hai ngàn năm qua, trong khi có biết bao đế quốc sụp đổ, biết bao quốc gia bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, cũng chính là “dấu chỉ một Giê-su Phục Sinh”, Ngài vẫn “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.
***
Xưa, nhìn vào ngôi mộ trống, tông đồ Gio-an đã tin. Nay, nhìn vào những “dấu chỉ” nêu trên, chúng ta cũng sẽ như ngài Gio-an mà mà lớn tiếng nói: chúng tôi đã thấy và đã tin?
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên rằng, tại Bê-ta-ni-a hôm Đức Giê-su cho “anh La-da-rô sống lại”, dù lúc đó Ngài chưa “trổi dậy từ cõi chết”, nhưng cô Mác-ta vẫn tin, tin vào lời tuyên phán của Đức Giê-su rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống… CHỊ CÓ TIN THẾ KHÔNG?”.
Hôm ấy, sau lời tuyên phán của Đức Giê-su, cô Mác-ta đã thưa rằng: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy…” (x.Ga 11, 27).
Nhắc lại câu chuyện “anh La-da-rô sống lại” để làm gì? Thưa, là để chúng ta xác tín lại niềm tin của mình, niềm tin vào lời tuyên phán của Đức Giê-su: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống… Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”.
Nhắc lại câu chuyện “anh La-da-rô sống lại” để làm gì? Thưa, để chúng ta xác tín lại niềm tin của mình, tin rằng: dù xác anh La-da-rô đã “nặng mùi rồi… ở trong mồ đã được bốn ngày”, nhưng Đức Giê-su, với chỉ một lời phán “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ! Người chết liền ra”.
Cuối cùng, nhắc lại câu chuyện này còn để chúng ta không còn âu lo, không còn thấp thỏm, âu lo và thấp thỏm trước con virus corona, một con virus quỷ quái đang giết chết biết bao nhiêu mạng sống con người trên khắp thế giới, hôm nay.
Vâng, chúng ta đừng lo âu và thấp thỏm nữa. Bởi vì, như xưa, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ như thế nào, thì hôm nay Ngài cũng đang nói với chúng ta như thế, rằng: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn (dịch) này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.
Chúng ta có tin thế không? Hay, chúng ta lại đang đặt niềm tin vào thế gian, vào những tổ chức của thế gian, những tổ chức chỉ đưa ra những lời gian dối, những việc làm dối trá v.v… đại loại như WHO, một tổ chức đang bị nhiều... rất nhiều quốc gia trên thế giới, lên án?
Còn chúng ta, chúng ta có lên án không? Chắc chắn là không rồi, phải không, thưa quý vị! Không lên án, không có nghĩa là chúng ta tán thành những việc làm gian dối, những lời nói dối trá. Không lên án, bởi vì chúng ta là Ki-tô hữu, quyền phán xét, dành cho Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ bắt những kẻ gian dối đó, phải “trả hết đồng xu cuối cùng”.
Chúng ta hãy làm như thế. Bởi vì, làm như thế chúng ta sẽ để lại thế giới này thêm một “dấu chỉ”, một dấu chỉ về một Giê-su Phục Sinh, một Giê-su Phục Sinh không luận tội, không luận phạt, nhưng là một Giê-su Phục Sinh, khi bị treo trên thập giá, đã cất tiếng nguyện rằng: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Cuối cùng, chúng ta làm như thể là để chứng minh cho thế giới biết rằng, người Ki-tô hữu chính là cánh tay nối dài của Đức Giê-su Phục Sinh, một Giê-su đến thế gian là để ban “Bình An” cho thế gian, như Ngài đã từng phán rằng: “Thầy ban bình an cho anh em”.
Đức Giê-su Phục Sinh đã ban bình an cho chúng ta. Thế nên, chúng ta phải là “khí cụ bình an” của Ngài. Bởi, chỉ có như thế, chúng ta mới được đứng chung hàng ngũ hậu duệ của tông đồ Gio-an, một Gio-an “đã thấy và đã tin”, tin rằng, “theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.
Vâng, chỉ có như thế, chúng ta mới không ngượng miệng khi lớn tiếng tuyên xưng, rằng: Đức Giê-su: “Người sống lại như lời Thánh Kinh”.
Petrus.tran