William G. Most
Việc tạo dựng
Tạo dựng là làm nên mọi thứ từ hư vô, không sử dụng bất cứ vật liệu nào. Chúng ta không thể hỏi: tại sao Thiên Chúa đã chờ quá lâu trước khi tạo thành thế giới, vì trước khi tạo dựng, không có thời gian. Thời gian là thước đo của sự thay đổi dựa trên tỉ lệ trước và sau (Aristotle, Physics 4,11). Vì vậy – nếu chúng ta có thể sử dụng từ đó để nói về sự vĩnh cửu – khi không có sự thay đổi, không có thời gian. Thời gian bắt đầu khi thụ tạo thay đổi đi vào hiện hữu. Thời gian là một chuỗi thay đổi liên tục không ngừng nghỉ. Phía trước là khoảnh khắc mà chúng ta gọi là tương lai – nó nhanh chóng thay đổi thành hiện tại – rồi thành quá khứ.
Thiên Chúa vẫn có thể đã tạo ra một thế giới vĩnh cửu, mà không có sự bắt đầu hay kết thúc. Nhưng Ngài đã chọn để tạo ra một thế giới với một khởi đầu – “trước” thời gian là hư vô. Sách Sáng thế chương 1,1 nói với chúng ta: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo nên các tầng trời và đất”. Và Chúa Kitô đã nói với Cha Ngài: “Cha đã yêu con trước khi tạo thành thế giới” ( Ga 17,24).
Tại sao Thiên Chúa lại tạo dựng? Mục đích của việc tạo thành thế giới gắn liền với mục đích của con người. Thánh Irênê đã viết: “Vào lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng ông Adam, không phải vì Thiên Chúa cần đến con người, nhưng Ngài có lẽ cần có một ai đó để lãnh nhận ân huệ của Chúa” (Chống lại Lạc giáo 4.14.1). Vì vậy chúng ta có thể nói Ngài đã luôn yêu thương chúng ta, vì Ngài luôn luôn muốn cho chúng ta sự thiện hảo căn bản nhất, chính là hiện hữu. Ngoài ra, Ngài muốn rằng: “Tất cả được cứu độ và hiểu biết chân lý” (Tm 2,4). Nếu muốn điều tốt cho ai đó là tình yêu, thì đây là tình yêu đích thực. Nhưng khi chúng ta yêu, chúng ta cần một khởi đầu, chúng ta cần nhìn thấy cái gì đó thiện hảo hay tốt lành nơi người khác. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta không tồn tại.
Khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vì vinh quang của chính Ngài, chúng ta phải hiểu những lời này theo cách hiểu của Công đồng Vatican I: “Thiên Chúa đã làm nên thụ tạo bởi bản chất của nó sẽ đem lại vinh quang cho Ngài”, mặc dầu Thiên Chúa không thu được gì bởi vinh quang đó. (Chúng ta đọc điều này ở các điều khoản và sắc lệnh của Công đồng Vatican I, được tìm thấy ở Colectio Lacensis, VII.116). Tương tự, Người muốn chúng ta vâng phục vì tất cả mọi sự thiện hảo nói rằng các thụ tạo phải vâng phục Đấng Tạo Thành, và bởi vì như thánh Irênê đã nói: Thiên Chúa muốn có ai đó để Người tỏ lòng rộng lượng trong sự thiện hảo vô biên – nhưng chúng ta phải cộng tác để lãnh nhận các ân huệ của Người.
Thiên Chúa giữ cho mọi sự hiện hữu bằng cùng một quyền năng như Người đã tạo dựng chúng từ hư không. “Và nếu như Người không muốn thì làm sao một vật có thể tồn tại nổi?” (Kn 11,25). Giống như các hình ảnh trên màn hình phụ thuộc vào máy chiếu, sự phụ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa để hiện hữu cũng như vậy.
Các thiên thần, tốt và xấu
Thiên thần là một tinh thần thuần, tức là, thiên thần không có vật chất, không có thân xác. Mỗi thiên thần là một ngôi vị, có lý trí và ý chí như chúng ta, nhưng thiên thần có bản tính cao hơn chúng ta. Thiên Chúa sai các thiên thần đi thực hiện nhiệm vụ trên trái đất này, trên thực tế, từ thiên thần có nghĩa là “người được sai đi” hoặc “sứ giả.” Những quy chiếu lâu đời nhất về các thiên thần trong Cựu ước có thể khiến chúng ta tự hỏi liệu các thiên thần có phải là những hữu thể tách biệt – hay cụm từ “sứ giả của Chúa” chỉ đơn thuần có nghĩa là Thiên Chúa? (cf Tl, chương 6). Nhưng trong phần sau của Cựu ước và trong Tân ước, điều đó hoàn toàn rõ ràng rằng thiên thần là những thụ tạo riêng biệt. Chúng ta thấy điều này qua nhiều quy chiếu về thiên thần trong Kinh thánh, ví dụ: Tv 148,2; 103,20-21; Mt 22,30; Luca 1,26; 2 Pr 2,4; Khải huyền 5,11.
Các thiên thần không được tạo thành ở trên thiên đàng, tức là, với sự diện kiến Thiên Chúa. Nếu thiên thần được tạo dựng trên thiên đàng, thì tội lỗi đã không xảy ra. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho các thiên thần một số lệnh truyền – chúng ta không biết điều đó – có một số thiên thần vâng lời, số khác thì không. Những thiên thần không vâng lời bị rơi vào sự dữ, và trở thành ma quỷ. Khi chúng ta phạm tội, trí năng của chúng ta bị giới hạn bởi phần vật chất của trí tuệ, đó là bộ não trong đầu chúng ta. Vì bộ não vật chất kém mạnh mẽ hơn nhiều so với trí năng tinh thần mà linh hồn chúng ta có. Điều này có nghĩa là chúng ta hiếm khi có thể thấy ngay mọi thứ cách toàn vẹn. Nhưng một thiên thần không có giới hạn như vậy, vì thế thiên thần có thể nhìn thấy ngay mọi thứ cách toàn vẹn. Vì vậy, thiên thần không thể thay đổi quyết định của mình, và nói: “Bây giờ tôi thấy nó khác rồi; giá mà mình đã không làm như vậy.”
Các thiên thần sa ngã, chính là ma quỷ, vẫn giữ nguồn sức mạnh to lớn theo bản tính của một tinh thần thuần. Vì vậy, thiên thần có thể làm những điều có vẻ như phép lạ đối với chúng ta.
Các thiên thần tốt được sai đến để hướng dẫn và bảo vệ chúng ta. Họ cũng có quyền lực rất lớn. Mỗi chúng ta đều có một thiên thần hộ thủ. Điều này được ngụ ý trong Kinh thánh và được tìm thấy trong Truyền thống lâu đời của Giáo hội. Sau khi Phêrô được thiên sứ cứu ra khỏi ngục, các môn đồ kinh ngạc nói: “thiên sứ của ông ấy đấy” (Cv 12,15).
Các thiên thần hộ thủ có thể đưa những suy nghĩ tốt lành vào tâm trí chúng ta và bảo vệ chúng ta. Thánh Vịnh 91,11 nói: “Bởi chưng người truyền cho thiên sứ, giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường” Trong lúc bị cám dỗ, các thiên thần có thể cho chúng ta cả ánh sáng và sức mạnh. Họ không ngừng cầu nguyện cho chúng ta, và họ dâng những lời cầu nguyện của chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
Rõ ràng, đó là một cảm thức tốt để tôn kính thiên thần bản mệnh của chúng ta, để nuôi dưỡng tình bạn, để cám ơn và cầu xin sự trợ giúp của các ngài. Vì thế, Thiên Chúa đã nói trong sách Xuất hành 23, 20-21: “Này đây, Ta sai sứ giả của ta đi trước mặt ngươi, bảo vệ ngươi và dẫn đưa người đến nơi Ta đã dọn sẵn. Hãy lắng nghe tiếng người, đừng chống lại người, vì danh Ta ở trong người và người sẽ không tha thứ”.
Vì sự bất tuân, những thiên thần hư đốn chịu án phạt đời đời. Thánh Phêrô sử dụng ngôn ngữ thơ ca, nói rằng: “Khi thiên thần phạm tội, Thiên Chúa đã không dung thứ cho họ, nhưng đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm để chờ cuộc phán xét” (2 Pr 2,4).
Như chúng ta đã nói, ý chí của ma quỷ gắn chặt trong sự ác, và vì vậy chúng cố cám dỗ người ta, hãm hại họ về mặt thiêng liêng, và thậm chí đưa họ xuống hỏa ngục. Chúng muốn đưa chúng ta ra khỏi sự phụng sự trung thành với Thiên Chúa. Trích thư thứ nhất của thánh Phêrô 5,8-9 khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, đang rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế .”
Thiên Chúa cho phép ma quỷ làm điều này bởi vì Người quyết định tạo ra những hữu thể thiêng liêng, có ý chí tự do. Cản trở điều đó sẽ đi ngược lại với định luật tự nhiên của Người. Người rút sự thiện ra khỏi sự ác: cám dỗ cho chúng ta cơ hội để bày tỏ đức tin của chúng ta và tín thác vào Người; nhờ chiến đấu, chúng ta có cơ hội tăng trưởng về mặt nhân đức. Và Người đã ban cho chúng ta một năng lực phản kháng mạnh mẽ nơi các thiên thần bản mệnh, và Mẹ Diễm Phúc cùng các thánh.
Nguồn: https://www.ewtn.com/catholicism/teachings/creation-and-the-angels-92
Chuyển ngữ: Nhóm dịch thuật Học viện Durando
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn