Chuyện Hải Phòng -5

Thứ hai - 07/10/2024 06:10 | Tác giả bài viết: VDB |   155
Kể chuyện anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), mà không nói tới thuốc lào Tiên Lãng là một thiếu sót lớn.

CHUYỆN HẢI PHÒNG -5

LBT 071024a


Chuyện thứ năm:

Kể chuyện anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), mà không nói tới thuốc lào Tiên Lãng là một thiếu sót lớn.

Sử sách xưa ghi lại, nơi đây sản xuất ra một loại thuốc lào quý tiến vua nên người đời mới có thơ rằng:

Thuốc lào Tiên Lãng
Chồng hút, vợ say,
Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà.
Có cô hàng xóm đi qua
Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần.
... Ngọc hoàng trông thấy hay hay
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào!

Có nhiều sự tích về thuốc lào được dân gian kể lại

Câu chuyện bên sông Thái Bình giữa hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng. Có đôi trai gái yêu nhau ra bờ sông tình tự, lấy lá thuốc lào cuộn lại rồi hút, ri say, rồi ngủ quên, khi nước triều lên, cả hai bị cuốn trôi

Câu chuyện cô gái lái đò và anh học trò nghèo đi thi. Truyền thuyết kể lại: Người học trò đỗ đạt quên mất lời thề với cô lái đò. Nhớ thương người học trò, cô gái biến thành cây thuốc lào. Đến khi quay lại bến cũ, anh học trò chỉ thấy một cây cỏ lạ, có lá rất to. Buồn tình, anh đốt lá ngửi khói thì thấy mùi thơm và hình ảnh của cô gái lái đò năm xưa.

Vì thế, người ta gọi thuốc lào Vĩnh Bảo và Tiên Lãng là “tương tư thảo”, hoặc say như điếu đổ…

Không phải là thực phẩm, nhưng thuốc lào lại là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống xã hội thường ngày của số đông dân chúng. Có người sáng thức dậy đã phải “ăn điếu thuốc lào”, rồi mới làm gì thì làm.

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên...

Câu ca ấy cho ta thấy cái sức lôi cuốn, cái êm say mỗi lần thưởng thức, hòa quyện trong từng làn khói mỏng của dân nghiện thuốc lào.

Có một thời, người ta tranh luận, so sánh thuốc lào ở Vĩnh Bảo và thuốc lào ở Tiên Lãng bên nào thơm ngon hơn. Cuối cùng, họ mở cuộc thi hút thuốc lào giữa hai làng Lý Học (Vĩnh Bảo) và Kiến Thiết (Tiên Lãng). Kết quả một chín một mười, nhưng độ say của thuốc lào Vĩnh Bảo êm và kéo dài; thuốc lào Tiên Lãng hương thơm ngây ngất đến nỗi có người say lảo đảo, cảm giác lâng lâng, bay bổng.  

Sự nghiện thuốc lào ở mỗi bên mỗi khác, mỗi đất một hương vị và độ say khác nhau. Đồng thời, mỗi nơi lại một kiểu cách thưởng thức thuốc lào riêng biệt. Dần dà, một nét văn hóa thuốc lào được hình thành giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện” vậy.

Nói đến thuốc lào là nói đến điếu và âm thanh vang lên từ điếu. Ngay cả với những loại điếu khan không dùng nước thì cũng rạo rực âm sắc từ độ rít, đến độ cháy của điếu thuốc vê tròn mà thành: “say nhau lăn lóc như điếu cày khan”. 

Người nghiện nặng thì hút điếu cày khan. Còn người thưởng thức hương vị thuốc lào thì dùng điếu bát và điếu cày nước. Ở Tiên Lãng có trưng bày một chiếc điếu cày lớn để thể hiện một nét văn hóa lâu đời. Đó là một điếu cày bằng chất liệu tre bương, dài tới 4,7m, miệng điếu có đường kính 15cm, nõ điếu cao 27cm. Tất nhiên, nếu ai muốn hút, phải có người “điếu đóm”, vê thuốc, châm lửa, phục vụ cổ võ chung quanh. 

Ngày xưa các nhà quý tộc hút điếu bát, cũng phải có người “điếu đóm”, bởi vì họ dùng chiếc xe điếu rất dài, rất cầu kỳ. Hàng chục kiểu dáng điếu bát đã ra đời, cùng với đó là những chiếc xe điếu cũng được phô bày, với những nét văn hóa đa dạng của tầng lớp người thưởng thức, qua đó cũng thể hiện sự giàu sang hay nghèo hèn.

Văn hóa thuốc lào đã xuất hiện trong văn thơ tự bao đời. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương miêu tả:

“Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao.
Mân mân mó mó đút ngay vào.
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục.
Âm dương hỏa khí sướng làm sao”.

Lê Thánh Tông những lúc mệt mỏi trên con đường chính sự, nhà vua đã dùng hình ảnh chiếc xe điếu để nói lên tâm trạng của mình:

“Động sóng tuôn mây khi chán miệng.
Nghiêng trời lệch đất thuở buông tay”.


Trong dân gian cũng có bài đồng dao viết về chiếc xe điếu, nghe vui mà cũng đầy nỗi ưu phiền:

“Điếu không se, điếu lăn điếu lóc.
Gái không chồng, ngồi khóc cả đêm”.


Có những nỗi niềm gửi vào khói thuốc, như thế hẳn biết bao người đã gắn bó cuộc đời mình với chiếc điếu mỗi khi trầm tư. Ngay cả với tình yêu, nhiều anh chàng cũng mơ màng theo làn khói mà ngóng trông:

“Thoáng bóng ai về trong khói thuốc.
Mắt cười lúng liếng lá răm tươi”.


Cái giá của thuốc lào là thế, một nét văn hóa của miền đất phù sa Tiên Lãng.

Nói chuyện về thuốc lào cũng phải nói đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) thuộc làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiện tượng duy nhất trong những ông trạng nước Việt về lý số kinh dịch và cả cuộc đời làm quan. Năm 45 tuổi (1535) ông đỗ Trạng Nguyên được nhà Mạc bổ làm quan. Năm 1543, ông cáo quan về làng dy học.

Trạng Trình vang danh khắp chốn với những lời sấm truyền ảnh hưởng đến vận mệnh vương triều. Gặp lúc nhà Lê suy tàn, ông chia sẻ qua hình ảnh khói thuốc lào, với những vần thơ đầy tâm trạng:

“Thôi thôi mặc lũ thằng hề.
Gió mây ta lại tìm về gió mây”. 


Nhưng có lẽ cuộc đời của Trạng Trình gắn bó với quê hương qua cuộc sống bình dị của ông:

“...Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống.
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. 


Cũng bình dị như Nguyễn Bỉnh Khiêm, câu ca hài hước về thuốc lào Vĩnh Bảo có phần dân dã hơn bên Tiên Lãng:

“Thuốc lào Vĩnh Bảo
Chồng hút, vợ say.
Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà.
Có anh hàng xóm đi qua.
Hít phải khói thuốc say ba, bốn tuần.
Thêm chú gà trống ngoài sân.
Mổ nhầm bã thuốc, cánh, chân... cứng đờ.
Lại còn chị mái hoa mơ.
Bị nhiễm hơi thuốc, bơ phờ cả... lông...”.

VDB

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây