KHÔNG CHỊU NHỤC
Đời vua Trang Công nước Tề, có một chàng tên là Tân Ti Tụ đêm nằm thấy một người to nhớn mặc quần gai, áo vải, đội mũ trắng, đi giày mới, đeo thanh gươm tự dưng vào tận nhà mắng, rồi nhổ vào mặt.
Chàng ta giật mình sực tỉnh dậy, mới biết là chuyện chiêm bao. Thành ngồi suốt đêm, lấy làm bực dọc khó chịu lắm.
Sáng hôm sau, chàng ra mời một người bạn thân đến và nói rằng:
- Bác ơi! Từ thuở bé đến giờ, tôi vẫn là người hiếu dũng, đến nay đã sáu mươi tuổi chưa hề phải đứa nào toả nhục bao giờ. Thế mà đêm qua phải một đứa nó làm nhục tôi. Tôi định tìm kỳ được đứa ấy để báo thù mới nghe. Nếu tôi tìm thấy nó thì hay, nếu không tìm thấy, thì tôi chết mất.
Rồi từ hôm đó cứ sáng nào chàng ta cũng cùng người bạn ra đứng ở ngoài đường cái để rình. Rình đã ba ngày mà không thấy đâu, chàng ta về nhà uất lên mà chết.
Như câu chuyện này mà ta cho là phải thì chưa chắc đã là phải. Tuy vậy, cứ xem một cái tâm không chịu nhục ở trong truyện, thì đã có cái gì hơn được chửa?
LÃ THỊ XUÂN THU
- Hiếu dũng: thích dùng sức khoẻ không chịu kém người.
- Toả nhục: làm ức, làm cho mất thể thống.
- Uất: bực tức quá chừng, không hãm lại được.
Tác giả kể chuyện rồi bình một câu ở dưới như thế cũng là đủ.
Quả vậy, xem chuyện này, không cho là phải được, là vì tức ai, chớ tức một người gặp trong lúc chiêm bao mơ ngủ, thì là tức hão huyền, tức cái không đáng tức.
Nhưng tựu trung, câu chuyện lại có một điều thật rất đáng khen, mà chính thâm ý câu chuyện muốn nâng cao lên, tức là cái lòng biết nhục, biết lấy liêm sỉ làm trọng. Ôi! Trong khi giấc ngủ mơ màng, bị người nhục, còn không chịu được, thì trong khi thật tỉnh táo rõ ràng mà bị người nhục, thì đáng như thế nào?... Thế mà khen thay ở đời có lắm kẻ hoặc ham mê danh lợi, hoặc quen thói tôi đòi, chôn hết cả liêm sỉ, mà chịu hết mọi nỗi nhục nhằn đè nén, không bút nào tả ra cho xiết được. Đối với những hạng ấy, Tản Ti Tu đây thực đáng là một cái gương soi sáng sâu vào đến tâm, não vậy.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn