NGHĨA CÔNG NẶNG HƠN TÌNH RIÊNG

Thứ ba - 29/06/2021 23:59 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   601
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
NGHĨA CÔNG NẶNG HƠN TÌNH RIÊNG

NGHĨA CÔNG NẶNG HƠN TÌNH RIÊNG

Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa bé đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ đi, không ngoảnh lại.

Một viên tướng nước Tề cho bắt đến hỏi:

Đứa trẻ nàng bế chạy là con ai? còn đứa trẻ nàng bỏ liều lại là con ai?

- Người đàn bà thưa: Đứa tôi bế là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.

Viên tướng nước Tề nói: Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?

- Người đàn bà nói: Con tôi là "tình riêng” con anh tôi là "nghĩa công". Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc nghĩa. Tôi không thể nào chịu tiếng “vô nghĩa" mà vác mặt sống ở nước tôi được.

Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu vói vua Tề rằng:

"Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều "Nghĩa" chẳng chịu đem "Tình riêng" mà hại "Nghĩa công" huống chi là những bực quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về".

Vua cho là phải.

Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ “Nghĩa cô

LƯU HƯƠNG LIỆT NỮ TRUYỆN

GIẢI NGHĨA

- Tề: một nước thời Xuân Thu ở vào hạt tỉnh Sơn Đông bây giờ.

- Lỗ: tên một nước thời Xuân Thu ở vào phủ Duyện Châu cho đến Bì Tứ tỉnh Sơn Đông.

- Giáp giới: chỗ hai xứ, hai nước giáp nhau.

- Bảo toàn: giữ cho trọn vẹn.

- Nghĩa công: việc lành, việc phải mà đối với cả mọi người ta nên làm hay phải làm.

- Tình riêng: lòng thật thương yêu quí mến để xử riêng với một người nào.

- Nghĩa cô: người đàn bà có nghĩa.

NHỜI BÀN

Tình với nghĩa cùng là quí, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận: tình nặng hơn nghĩa, thì ta giữ tình: nghĩa nặng hơn tình, thì ta trọng nghĩa.

Như người đàn bà nói trong truyện đây là so cái “tình riêng” đối với "nghĩa công", thì không còn phải do dự gì nữa. Thế nào là tình riêng? - Là cái lòng yêu riêng của một mình mình. - Thế nào là nghĩa công? - Là cái việc phải đối với nhà, với nước, với thiên hạ. Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng so với nghĩa công thì nghĩa công còn nặng gấp mấy người. Nghĩa công đã nặng, thì đến cái thân là của yêu nhất của mình ở đời mình còn có thể bỏ đi để mà giữ nghĩa, huống chi là những việc ngoại thân. Người đàn bà đây hiểu thấu nhẽ ấy, nên mới đành bỏ con yêu của mình để giữ lấy con yêu của anh. Khi mình giữ được con cho anh, thế là giữ được nòi giống để nối dõi ông cha nhà chồng, mà thân mình còn sống, thì lo gì không con, nên cố giữ toàn cái nghĩa đối với anh rứt là phải. Đành đem nghĩa để cắt tình, chẳng nệ vì tình mà hãm hại nghĩa, ăn ở như vậy, thật là một cách biết xử cảnh biến ai cũng phải phục, phải khen vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Lê Lai cứu chúa

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Lê Lai là vị tướng luôn sát cánh xông pha nhiều trận hiểm nguy. Bấy giờ quân Lam Sơn ít lính, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Cuối tháng 4 năm 1418, Lê Lợi bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu.

Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

– Nay thế trận hiểm nguy, có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không?

Các tướng đều ngồi yên không ai dám thưa. Lê Lai đứng dậy nói:

– Thần nay nguyện được tử trận thay cho chúa công.

Lê Lợi rất thương cảm. Lê Lai nói:

– Tình hình nguy khốn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì?

Lê Lợi vái trời khấn rằng:

– Lê Lai có công đổi áo, nếu sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.

Lê Lai vâng mệnh mang 2 voi và 500 quân kéo ra trại quân Minh khiêu chiến. Quân Minh đổ ra đánh. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào giữa trận hô to:

– Ta là chúa Lam Sơn đây!

Quân Minh ngỡ là Lê Lợi nên xúm lại đánh kịch liệt. Lê Lai xung trận giết giặc rồi kiệt sức, bị quân Minh bắt và đem hành hình. Hôm ấy là ngày 29 tháng 4.

Nhân lúc quân địch lơi lỏng, Lê Lợi cùng các tướng phá vòng vây trở về, chờ thời cơ phục binh, tiếp tục kháng chiến.

Đến tháng chạp năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, đánh đuổi quân Minh ra khỏi lãnh thổ, dành lại độc lập cho nước nhà.

Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Trong cuộc sống, nếu mọi người đều chung tay xây dựng công ích thì thế giới ngày càng tươi đẹp; nhưng nếu ai cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng cho bản thân mình thì thế giới sẽ trở nên tồi tệ.

Lê Lai đã vì nghĩa công mà quên đi tình riêng, hy sinh cả mạng sống mình để cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây