THAM THÌ THÂM
Ngu Thúc có hòn ngọc. Ngu Công nghe tiếng muốn lấy, sai người đến cầu.
Ngu Thúc trước không chịu cho. Sau hối lại, nói rằng:
- Tục ngữ có câu: "Kẻ thường dân vốn không có tội, chỉ vì có ngọc bích mà thành có tội”. Ta giữ làm gì hòn ngọc này? Thật là mua tai hại vào mình.
Rồi liền đem ngọc dâng cho Ngu Công.
Ngu Công đã lấy được ngọc, nghe Ngu Thúc còn thanh gươm báu, muốn lấy nốt, lại cho người đến cầu gươm.
Ngu Thúc giận quá, nói:
- Ngu Công cầu hết cái này, lại đến cái khác. Thật là người vô yêm! Đã là vô yêm, thì tất có ngày hại cả đến thân ta nữa.
Nói rồi, đem quân đi đánh Ngu Công.
Ngu Công thua, chạy ra đất Cung Trì.
"TẢ TRUYỆN"
- Tham thì thâm: muốn được nhiều không chán, thường hay gặp tai hoạ. Chữ thâm vốn nghĩa là sâu, đây có ý nói là sâu cay đau đớn.
- Hối: ăn năn nghĩ lại tự biết làm thế là không phải.
- Tục ngữ: câu nói dùng lâu ngày thành thói quen, ai ai cũng nói như vậy.
- Câu tục ngữ: "Kẻ thường dân..." chính chữ Hán là: "Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội"
- Ngọc bích: thứ ngọc quí nhẵn, hình tròn và có lỗ.
- Vô yêm: muốn lấy cho nhiều, không biết thế nào là vừa, là chán.
Tham là mốt nết rứt xấu. Tham vừa người ta còn có thể chiều hay nể, chớ tham quá lắm, như chỉ biết có mình không biết còn ai nữa, thì ai người ta chịu nổi!
Ngu Công đây muốn ngọc, mà được ngọc đã là may, lại còn muốn cả gươm, thì Ngu Thúc chịu sao được mà không tính cách để trị lại. Ôi! Gươm đã chẳng được, nước cũng không còn, lòng tham chẳng là hại lắm ru!
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
Ở vùng núi Tuyên Hưng có loài đười ươi có thể nói được tiếng người, người ta bắt chúng về nuôi làm cảnh tập nói một vài tiếng cho vui.
Lúc ấy ở kinh thành Thăng Long có một lão nhà buôn giàu có nhưng rất tham lam, lão ta rất khinh miệt người nghèo khó. Một hôm có mấy người khiêng võng đến trước tiệm nhà lão, một người gia nhân vào nhà và nói:
– Bà lớn nhà tôi bị cảm không ra gió được, ông chịu khó mang hang ra võng cho Bà chọn.
Nghe thấy có Bà lớn đến mua hàng, lão chủ tiệm hí hửng mang hàng ra cho Bà lớn chọn. Lão đưa món nào Bà lớn ở trong võng cũng nói: “Được, được”. Gia nhân lại nói:
– Bà lớn bảo mang hết hàng bà chọn về dinh để lấy tiền.
Lão chủ tiệm mừng rỡ vô cùng. Lão hí hửng đi theo Bà lớn vừa đi lão vừa lẩm bẩm:
– Đúng là bán cho nhà quan nói gì cũng mua.
Đến một ngôi nhà lớn gia nhân lại nói:
– Ông ngồi chờ ở đây, tôi sẽ mang tiền ra.
Lão chủ tiệm hí hửng ngồi chờ, đám gia nhân mang hàng đi vào cổng lớn nên lão không hề nghi ngờ gì. Lão ngồi đợi mãi đến chiều mà không thấy ai ra thì lão vào trong ngôi nhà thì thấy giữa sân là cái võng của Bà lớn. Lão giật tấm vải che ra thì hốt hoảng nhận ra Bà lớn là một con đười ươi. Đười ươi nói: “Được, được”.
Lão hốt hoảng chạy sâu vào bên trong thì thấy đó chỉ là một căn nhà bỏ hoang, đám gia nhân đã mang hàng theo cửa sau chạy đi mất.
Biết mình đã bị lừa, lão chạy ra chửi rủa con đười ươi, nhưng nó vẫn chỉ nói “Được, được”.
Lão chủ tiệm đành nuốt giận đi về nhà. Đó là bài học thích đáng cho tính tham lam của lão thấy lợi là hoa mắt không suy tính thiệt hơn.
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn