THẦY TRÒ DẠY NHAU

Thứ tư - 16/09/2020 00:26 |   1176
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
THẦY TRÒ DẠY NHAU

THẦY TRÒ DẠY NHAU

Thường Tung yếu, Lão Tử đến thăm, hỏi rằng:

- Tôi xem ra tiên sinh mệt nặng. Dám hỏi tiên sinh còn có câu gì để dạy đệ tử chúng con nữa không?

Thường Tung nói: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, ngươi đã biết điều ấy chưa?

- Lão Tử thưa: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, có phải nghĩa là không quên nơi quê cha đất tổ không?

- Ừ phải đấy. - Thế qua chỗ có cây cao mà bước rảo chân, ngươi đã biết điều ấy chưa?

- Qua chỗ cây cao mà bước rảo chân, có phải là kính những bậc già cả không?

- Ừ phải đấy.

Thường Tung há miệng ra cho Lão Tử coi và hỏi rằng:

- Lưỡi ta còn không?

- Lão Tử thưa: Còn.

Thường Tung lại há miệng cho Lão Tử coi nữa và hỏi rằng:

- Răng ta có còn không?

- Lão Tử thưa: Rụng hết cả.

- Thế ngươi có rõ điều ấy không?

- Ôi! Lưỡi mà còn lại có phải tại nó mềm không? Răng mà rụng hết có phải tại nó cứng không?

- Ừ phải đấy. Việc đời đại để như thế cả. Ta không còn gì để nói cùng các ngươi nữa.

THUYẾT UYỂN

GIẢI NGHĨA

- Tiên sinh: tiếng học trò gọi thầy.

- Đệ tử: học trò.

- Cố hương: chỗ làng mình sinh trưởng ở đấy.

- Cây cao: đời cổ, lúc một nước mới lập thành, thì phàm những miếu, xã, đường, đàn đều có giồng những cây quý cả. Nước càng lâu dài, thì cây càng cao và cổ, bởi thế nên quý cây cao.

- Bước rảo: bước đi mau.

- Đại để: tóm tại, như nghĩa chữ đại khái.

NHỜI BÀN

- Quê hương là nơi ông cha mình ở đấy, chính mình cũng sinh trưởng ở đấy. Biết kính quê hương, tức là biết xứ sở mình mà không quên nguồn gốc.

- Cây cao tất là cây mọc đã lâu năm, trông thấy cây cao, bóng cả mà đem lòng kính trọng, tức là biết quý bậc lão thành mà không quên công đức. Người đã biết hai điều ấy tất là người có bản lĩnh, có thể trông cậy được rồi.

Tuy vậy, mà còn chưa đủ. Người ta ở đời không phải chỉ quay mắt nhìn về trước là xong, cốt lại phải liên can với những người hiện thời nữa. Mà trong cách liên can ấy, thì không gì bằng khiêm nhượng là hơn. Xưa nay luân lý đâu đâu cũng dạy như thế: "Dịu hơn là xẵng", “Lạt mềm buộc chặt". Đến như bài này, lấy cái răng, cái lưỡi làm thí dụ, lại đặt vào lúc người hấp hối dặn lại, thực là một bài dạy ta thấm thía đến nơi, khiến ta phải cảm động mà biết thực hành vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Trong con người, răng quả thực là vật cứng, nhưng nó đâu có lâu, bền bằng cái lưỡi mềm dẻo của ta, ta chỉ thấy người già rụng răng, chứ không thấy rụng lưỡi bao giờ...

Ngụ ngôn Esope:

Khi nói đến cái lưỡi, người ta thường nhắc đến câu truyện ngụ ngôn về cái lưỡi của Esope.

Một hôm, ông chủ Xanthos gọi tên đầy tớ:

- Esope, hôm nay ngươi hãy cố tìm mua cho ta một món đồ ăn quý, tốt, đặc biệt nhất. Có hiểu không?

- Dạ.

Esope mau lẹ ra chợ mua một xâu lưỡi lợn, bò dê, cừu… đem về.

Xanthos hỏi:

- Tại sao ngươi mua toàn lưỡi như thế?

Esope trả lời:

- Thưa ông, vì tôi thiết tưởng không có gì quý và tốt cho bằng lưỡi. Lưỡi là chìa khóa triết lý, mỹ thuật, chân lý và cả Tình yêu…

Xanthos cho là tên đầy tớ kỳ khôi. Hôm sau ông lại gọi Esope:

- Hôm nay thì mày hãy mua cho ta một của gì người ta cho là xấu nhất.

Không chút lưỡng lự, Esope lại ung dung ra chợ… Và khi trở về, lại thấy mang theo một… xâu lưỡi.

- Tại sao hôm nay, ngươi lại còn mua lưỡi nữa?

- Thưa ông, tôi trộm nghĩ, lưỡi cũng là một lợi khí nguy hiểm nhất trên đời. Nó là mầm chiến tranh ly loạn, là nguyên nhân mọi sự chia rẽ hiềm thù ghen ghét, lừa dối… Tôi trộm nghĩ: trên đời không gì xấu và hèn cho bằng lưỡi.

Câu chuyện Esope có vẻ trào lộng, nhưng bao hàm một triết lý sâu xa, phũ phàng.

Tục ngữ ta cũng đã có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Tráo trở như con quay đủ mặt. Vì thế người ta mới nói:

Ở sao cho vừa lòng người?
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê!
Cao, chê ngổng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra.
Khôn ngoan thì bảo rằng ngoa,
Vụng dại thì bảo người ta rằng đần…
(Ca dao)



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây