CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH
I- ĐÔI DÒNG VỀ CHỦNG VIỆN
Chủng viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột được thành lập vào những năm đầu sau khi thành lập Giáo phận năm 1967. Chính xác hơn, ngày 25/03/1968, Đức Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột Phêrô Nguyễn Huy Mai đã trao bài sai thành lập Chủng viện cho cha Giám đốc Augustinô Nguyễn Văn Tra.
Ngày 08/09/1968, ngày lễ mừng Sinh nhật Ðức Mẹ Maria, Chủng viện Lê Bảo Tịnh khai giảng khoá đầu tiên với lớp Vô Nhiễm gồm 60 chủng sinh. Cơ sở tạm thời của buổi sơ khai là Trung Tâm Caritas nằm trên đường Phan Chu Trinh, góc Võ Tánh, đối diện với Toà Giám Mục, để làm nhà ngủ. Những sinh hoạt khác như cơm nước và học hành thì tập trung tại Toà Giám Mục.
Ban Giám Ðốc và Giảng Huấn đầu tiên gồm có:
• Cha Augustinô Nguyễn Văn Tra, Giám đốc.
• Cha Giuse Nguyễn Tích Đức, Linh hướng.
• Cha Gioan Bùi Quang Đạo, Giám luật.
• Cha Phaolô Lê Thanh Thiên, Quản lý.
Cùng thời gian này, Chủng viện được khởi công xây dựng tại Cây số 5, ngã ba quốc lộ 21 (sau đổi thành 26) và quốc lộ 27, lối đi Nha Trang và Lạc Thiện giao nhau. Trong những năm sau đó, Chủng viện lại tiếp tục mở thêm các lớp sau :
• Lớp Giuse 1969
• Lớp Truyền Tin 1970
• Lớp Phanxicô 1971
• Lớp Têrêxa 1972
• Lớp Don Bosco 1973
• Lớp Savio 1974
Kể từ tháng 9/1969 Chủng viện dời về trụ sở chính ở Cây số 5. Và từ đây, ngoài Ban Giám Ðốc và Giảng Huấn đầu tiên ra gồm có thêm các cha giáo sau:
• 1973 cha Giuse Trịnh Chính Trực làm Giám đốc (thay cha Augustinô Nguyễn Văn Tra đi nhận xứ Chính Toà).
• Cha Antôn Phạm Ngọc Lan làm Quản lý (thay cha Phaolô Lê Thanh Thiên đi coi xứ Vinh Hương)
• Các cha giáo:
Cha Augustinô Hoàng Đức Toàn.
Cha Anrê Trần Xuân Cương.
Cha Giuse Trịnh Văn Hân.
Cha Giuse Nguyễn Văn Niệm.
Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu.
Cha Giuse Bùi Trung Phong.
Cha Vinh Sơn Nguyễn Hoàn (Nam Huân).
Cha Giuse Trần Xuân Lãm.
Cha Anrê Lê Trần Bảo.
Cha J.B. Nguyễn Minh Hảo.
Tuổi đời của Chủng viện Lê Bảo Tịnh gắn liền với tuổi đời của Giáo phận Banmêthuột. Một khoảng thời gian ngắn ngủi đối với một Giáo phận non trẻ, tưởng đã không làm được việc gì. Nhưng với bề dày lịch sử và truyền thống rao giảng tin mừng của Giáo hội, Đức Cha cố Phêrô Nguyễn Huy Mai cùng với các cha giáo đã quan tâm, kịp thời đào tạo những hạt giống tin mừng cho Giáo phận. Cho tới năm 1975, số chủng sinh đã lên tới hơn 200 người.
Biến cố 1975 đã xô đẩy những đứa con Lê Bảo Tịnh ra đi tứ xứ và xem chừng làm đứt đoạn công việc đào tạo này. Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm là, ngoài con số chủng sinh thuộc các lớp đã trực tiếp sống dưới mái trường thân yêu Lê Bảo Tịnh, còn có một số các anh lớp trên đã gắn bó ít nhiều đến Chủng viện Lê Bảo Tịnh trước và sau năm 1975, như các anh Lê Minh (đang định cư ở Úc), anh Phêrô Trần Ðức Thành (hiện coi sóc mục vụ ở Ðan Mạch), cha Micae Trần Thế Hải (cha xứ thuộc hạt Phước Long). Tưởng cũng nên nói thêm là trong những năm đầu từ 1968, thầy Hải có ở Chủng viện mấy mùa trăng để "chuẩn bị tinh thần" trước khi về Giáo Hoàng Học Viện Piô X Ðà lạt. Trong thời gian này, thầy Hải có giúp các chú về nhu yếu phẩm. Sau biến cố 75, một số các anh Ðại chủng sinh của Giáo phận Ban Mê Thuột tu học tại Huế, Ðà Nẵng và Nha Trang đã cùng về sinh hoạt chung với các lớp đàn em tại Chủng viện Lê Bảo Tịnh một thời gian ngắn. Trong số đó, có các anh Phêrô Hà Ngọc Ðoài (hiện phục vụ dân Chúa ở Úc châu), anh FX Hoàng Văn Nghĩa (hiện coi xứ ở Bỉ), anh Ðinh Văn Từ (đang định cư tại Úc), và các anh Lưu Thanh Kỳ, Mai Xuân Nam, Nguyễn Văn Úy, hiện đang coi sóc mục vụ ở các giáo xứ vùng Phước Long và Ban Mê Thuột, cũng như các anh Thành (Duy Hòa), Trần Ngọc Hiền (đã qua đời), Trần Văn Khoa đang nổi đình nổi đám ở Vinh An... là những người đã từng có liên hệ đến Chủng viện Lê Bảo Tịnh. Xin đóng ngoặc ở đây.
Những kẻ may mắn còn được ở lại Chủng viện thì đến tháng 10 năm 1977 phải chuyển về Tòa Giám Mục. Lúc này số chủng sinh chỉ còn lại 42 người. Biến cố này làm ta nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập chủng viện: khởi đầu từ Tòa Giám Mục và bây giờ lại trở về Toà Giám Mục, như thể “lá rụng về cội, nước trở về nguồn”… Trong điều kiện hạn chế đó, Chủng viện chỉ còn giữ lại được bốn lớp lớn mà thôi. Cơ sở của Chủng viện ở Cây số 5 ngày ấy mất tên gọi và trở thành trường Đảng của tỉnh Đăklăk.
Phần các chủng sinh, sinh hoạt ở Tòa Giám Mục chưa đầy nửa năm thì đùng một cái, ngày 8/4/1978, một lần nữa thêm một số các anh em trong số ít ỏi 42 người còn lại đó đã phải khăn gói lên đường về quê sinh sống. Chỉ còn lại vỏn vẹn 18 thầy với "lý lịch trong sạch" đủ điều kiện để được tiếp tục ở lại tu học. Dần dà, vì lý do sức khỏe, số 18 rút xuống còn 14. Tuy nhiên, con số khiêm tốn này cũng không ở được lâu, vì đến ngày 23/6/1983 anh em nhận được giấy cắt hộ khẩu thường trú ở Tòa Giám Mục. Và vào ngày lễ kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Ðức Cha Chính, ngày 29/6/1983, tất cả những đại chủng sinh còn lại này đã phải giã từ mái Nhà Chung để trở về gia đình sinh sống "đợi ngày chiêu sinh". Trên giấy tờ, Chủng viện Lê Bảo Tịnh coi như chính thức bị giải tán từ đó.
Công lao đào tạo bao năm tưởng chừng xuôi theo con nước, nhưng không, những người con mà Thiên Chúa tuyển chọn vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi ơn gọi trong hoàn cảnh mới, và họ vẫn vươn lên trong gian nan thử thách để "nở hoa đời mình".
Và niềm hy vọng ấy đã trở thành hiện thưc. Ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê 3/12/1993, bốn đại chủng sinh đầu tiên của Chủng viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột đã được thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột, qua sự "đặt tay" của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực. Ðó là các tân linh mục JB Hà Văn Ánh, Giuse Bùi Công Chính, Phêrô Trương Văn Khoa và Giuse Nguyễn Văn Khánh. Niềm vui ấy được nhân lên khi cùng năm đó, ở hải ngoại có thêm 3 đại chủng sinh Lê Bảo Tịnh cũng được lãnh nhận thánh chức. Ðó là các tân chức Antôn Trần Mạnh Tiến (Canada), Giuse Nguyễn Kim Ðặng và Tôma Thiện Ðặng Kim Hoàng (USA). Cũng không thể không nhắc tới các anh Phêrô Nguyễn Tôn Hoàn và Giuse Nguyễn Thế Phương đã được thụ phong linh mục tại Canada một vài năm trước. Từ đó đến nay, lần lượt các chủng sinh đã tuần tự bước lên bàn thánh, nâng tổng số linh mục của Chủng viện Lê Bảo Tịnh (thuộc các lớp trước 1975) lên 35 người :
• Lớp Vô Nhiễm : cha JB Hà Văn Ánh – cha Giuse Bùi Công Chính – cha Giuse Nguyễn Ý Định (Xuân Lộc) – cha Giuse Nguyễn Kim Đặng (USA) – cha Phêrô Nguyễn Tôn Hoàn (Canada).
• Lớp Giuse : cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích – cha Đôminnicô Phạm Sỹ Hiện – cha Giuse Nguyễn Văn Khánh – cha Phêrô Trương Văn Khoa– cha FX Trần Văn Loan (Australia) – cha Giacôbê Phạm Xuân Lương – cha Phaolô Nguyễn Công Minh – cha Giuse Nguyễn Thế Phương (Canada) – cha Giuse Trần Thế Thành – cha Giuse Lê Văn Trọng (Australia).
• Lớp Truyền Tin : cha Giuse Trần Ngọc Cầu – cha Matthêu Nguyễn Văn Hiền (Vĩnh Long) – cha Giuse Nguyễn Quốc Loan – cha Giuse Bùi Xuân Mỹ (Australia)- cha JB Nguyễn Đình San (c) – Cha Rémy Bùi Sơn Lâm (Australia).
• Lớp Phanxicô : cha FX Nguyễn Ngọc Hoàng – cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng – cha Gioan Nguyễn Sơn – cha JB Nguyễn Minh Tâm – cha Phêrô Bùi Văn Thục – Cha Giuse Trần Hữu Từ - cha Tôma Thiện Đặng Kim Hoàng (USA) - cha JB Nguyễn Đình Lượng.
• Lớp Don Bosco : cha Phêrô Nguyễn Thành Thiện – cha Phêrô Lưu Thọ - cha Phêrô Hồ Phi Phú (USA).
• Lớp Savio : cha Antôn Trần Mạnh Tiến (Canada) – cha Giuse Hoàng Kim Toan (Sài Gòn) – cha Giuse Vũ Đức Hướng.
Ngoài những chủng sinh đã đạt thiên chức linh mục, những anh em cựu chủng sinh còn lại là số lượng không nhỏ đang sống ơn gọi của mình giữa đời thường. Những con người này luôn mang một niềm tự hào vì mình đã được đào tạo trong nhà Chúa “không thành thân thì cũng thành nhân”. Họ đã đảm trách những vai trò tích cực trong xã hội và cùng cộng tác xây dựng Giáo hội tuỳ theo từng khả năng và hoàn cảnh mỗi nơi.
II- NHỮNG SINH HOẠT NHÓM CỦA ANH EM LÊ BẢO TỊNH ÐỊA PHƯƠNG
Hầu như ở khắp nơi, khi có cơ hội là anh em Lê Bảo Tịnh rủ nhau họp mặt, dù ít dù nhiều. Ðó là những sinh hoạt thường niên hầu như không thể thiếu của anh em Lê Bảo Tịnh ở các địa phương. Ở Úc Châu, ở Canada, ở Mỹ cũng như ở quê nhà đều đã có những dịp họp mặt như thế vào những kỳ nghỉ hè, những dịp mừng bổn mạng Lớp, hay những dịp có "khách quý" viếng thăm hoặc những dịp họp mặt đặc biệt khác. Có thể điểm sơ qua những dịp họp mặt như thế như dịp cha giáo Bùi Quang Ðạo ghé thăm anh chị em ở Úc và Mỹ mấy năm trước đây; dịp cha giáo Trịnh Văn Hân, cha giáo Nguyễn Văn Niệm, cha Quản lý Nhà Chung Trần Văn Phúc ghé thăm anh chị em Lê Bảo Tịnh ở Canada và Mỹ mùa hè năm ngoái; dịp anh em Lê Bảo Tịnh Bắc Mỹ họp mặt nhân đám cưới của anh chị Khôi Hạnh ở Edmonton, Canada hè năm 2000; dịp họp mặt nghỉ hè chung hằng năm của anh em Bắc Mỹ nhân chuyến viếng thăm của anh Trần Ngọc Cầu và anh Nguyễn Chí Công ở Nam Cali mới đây; dịp Huynh Ðoàn Lê Bảo Tịnh Ðakmil họp mặt những năm vừa qua ở địa phương lắm nhân tài này. Hình ảnh ghi lại những dịp họp mặt này cho thấy sự hiện diện khá đông đảo của các anh chị em, nét tươi trẻ trên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười dù đang mang thêm tuổi đời trên vai, mối thân thiết của tình thầy trò, bè bạn, anh chị em với nhau sáng lên trong những ánh mắt chan hòa nghĩa tình.
Tưởng cũng nên nói thêm tí chút về sinh hoạt của anh em Lê Bảo Tịnh vùng Đăkmil: Họp mặt lần đầu tiên vào ngày giỗ Tổ Lê Bảo Tịnh 06/04/2000 tại giáo xứ Vinh Hương, với sự hiện diện của cha giáo Trần Xuân Cương, 6 anh em linh mục và 25/34 cựu chủng sinh.
Anh em nâng niu ngày gặp mặt này như viên ngọc quý. Đúng 2 năm sau, ngày 06/04/2002, ngày kỷ niệm Thánh Tổ Lê Bảo Tịnh lãnh ân phúc tử đạo, anh em lại nhóm họp lần thứ hai tại giáo xứ Vinh An. Về họp mặt lần này có cha giáo Trần Xuân Cương cùng với 6 anh em linh mục và 32/34 cựu chủng sinh, đặc biệt có cả sự hiện diện của cha giáo Hoàng Đức Toàn từ xa về.
Kể từ ngày gặp gỡ đó, anh em coi nhau như những người thân trong gia đình: chia sẻ, giúp đỡ và cầu nguyện cho nhau trong lúc hiếu hỉ; thương yêu, bảo vệ và giúp đỡ các linh mục. Anh em cũng xác định vị trí của người cựu chủng sinh trong sinh hoạt giáo xứ và trong vai trò tông đồ giáo dân của mình. Đó chính là cách thể hiện tích cực và hữu hiệu lý tưởng của mình trong đời thường.
Không chỉ anh em Lê Bảo Tịnh vùng Ðakmil trân trọng những dịp gặp gỡ họp mặt như những "viên ngọc quý" và coi nhau như anh em một nhà, mà ở khắp nơi, tình thân liên đới này như một chất keo gắn kết anh em lại với nhau và tình nhà Lê bảo Tịnh như một thứ nam châm lôi kéo anh em lại gần nhau. Dẫu rằng trong thực tế, không phải mỗi dịp họp mặt là gặp được tất cả mọi anh em trong vùng, nhưng cách chung là anh em đã cố gắng thu xếp thời gian việc nhà việc sở việc xứ hầu có thể "lại gần với nhau" để ôn chuyện xưa cũ, kể nhau nghe chuyện mới và chia sẻ lời cầu nguyện nâng đỡ nhau trên những bước đường đời nặng gánh...
Những dịp sinh hoạt mang tính địa phương này gợi hứng cho sự hình thành ngày họp mặt truyền thống hằng năm và việc thành lập Gia Ðình Banmê Lê Bảo Tịnh sau này.
III- GIA ĐÌNH BAN MÊ LÊ BẢO TỊNH
Những người con trong đại Gia đình Ban Mê Lê Bảo Tịnh luôn thao thức có ngày gặp gỡ nhau để sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, để ôn lại những kỷ niệm xưa cũ thời còn niên thiếu dưới mái trường Chủng viện thân yêu.
Nói đến Gia Ðình Banmê Lê Bảo Tịnh là phải nói đến sự hình thành một "mạng email" do một số anh em Lê Bảo Tịnh hải ngoại khởi xướng từ những năm cuối cùng của thiên niên kỷ trước. Thời gian đó, để mối liên lạc với nhau được dễ dàng và thuận tiện, một số anh em Banmê Lê Bảo Tịnh ở Canada, Mỹ, Úc và Âu Châu đã tìm đến với nhau qua việc hình thành "mạng email" theo kiểu biết ai có địa chỉ internet thì rủ vào, với con số ban đầu rất khiêm tốn. Từ trên dưới 10 người của những năm 1998,1999, đã lên tới 30 người năm 2000. Danh sách này về sau càng ngày càng dài thêm với sự "tìm về" của anh em khắp nơi, nhất là sự góp mặt đáng kể của anh em ở quê nhà. Cho đến lúc này, giữa tháng Ba năm 2006, mạng email của Gia đình Banmê Lê Bảo Tịnh đã lên đến con số 78, ấy là chưa kể đến các cha giáo và một anh em đang chuẩn bị nối mạng. Liên hệ tới danh xưng Gia Ðình Banmê Lê Bảo Tịnh còn có một "nguồn" khác nữa, ấy là Tờ Liên Lạc Gia Ðình Banmê Lê Bảo Tịnh 1-88 ra mắt số đầu tiên năm 1988 tại Canada, do các anh Nguyễn Thế Phương, Trần Mạnh Tiến và Nguyễn Văn Khôi thực hiện trong mục đích nối kết liên lạc với tất cả anh em Banmê Lê Bảo Tịnh khắp nơi trên thế giới. Tờ Liên Lạc ra mắt mỗi năm một lần. Những số đầu do nhóm Canada thực hiện, sau đó được chuyển giao xoay vòng cho các nhóm ở Mỹ và Úc cùng thực hiện theo định kỳ. Tờ Liên Lạc tỏ ra "vắn số" sau khi ra số 6-94, vì điều kiện sinh hoạt của anh em không thuận tiện cho việc đóng góp bài vở, vốn là chất liệu rất cần thiết cho một tờ liên lạc hiện hữu... Từ đó, "mạng email" ra đời để tiếp tục sứ mạng thông tin liên lạc với nhau. Và danh xưng Gia Ðình Banmmê Lê Bảo Tịnh cũng từ đó đã trở nên thân thuộc với mọi anh chị em trong Gia Ðình Banmê này.
Trải qua bao năm tháng thao thức mong làm được một cái gì chung cho Gia Đình Banmê, cha JB Nguyễn Đình Lượng, cùng với sự cộng tác nhiệt tình của một số anh em, đã đứng lên, kêu mời những người con quay về tổ ấm... Thế là, vào dịp chầu lượt Chúa nhật Chúa Chiên Lành ngày 17/04/2005, sau 30 năm xa cách, những cựu chủng sinh giờ đây đã trưởng thành, đã cùng nhau quay về với mái trường xưa : Toà Giám Mục Ban Mê Thuột. Khi rời Chủng viện năm xưa, các anh em đã ra đi đơn độc. Nhưng nay khi quay trở lại mái Nhà Chung này, các anh em không chỉ đi một mình, mà một số đã đem theo "nửa kia" và "hoa trái tình yêu" của mình cùng đi. Về "tổ ấm xưa" không chỉ có các "trò" mà còn có cả các "Thầy" nữa. Trong số các cha giáo về tham dự ngày họp mặt truyền thống đầu tiên và đáng ghi nhớ này, có cha cựu giám đốc tiên khởi Augustinô Nguyễn Văn Tra, cha cựu quản lý Lê Thanh Thiên, cha Nguyễn Văn Đậu, cha Hoàng Đức Toàn, cha Bùi Quang Đạo và cha Trịnh Văn Hân. Cha Nguyễn Minh Hảo dù không thể hiện diện được nhưng vẫn gửi thư đến chúc mừng. Tổng số người có mặt trong ngày đoàn tụ hôm ấy lên tới 150 người.
Thông qua ngày đoàn tụ này, Gia Đình Ban Mê Lê Bảo Tịnh đã bầu ra một Ban Ðại Diện để liên lạc và điều phối những sinh hoạt chung như sau :
• Cha JB Nguyễn Đình Lượng, phụ trách chung.
• Anh Trần Khánh Điệp, Trưởng ban.
• Anh Nguyễn Minh Thành, Cộng tác.
• Anh Nguyễn Chí Công, Cộng tác.
• Anh Nguyễn Thái Hùng, Cộng tác.
• Anh Nguyễn Xuân Lý, Cộng tác và phụ trách biên tập Tập san Lê Bảo Tịnh.
• Anh Đỗ Kim Châu, Cộng tác và phụ trách kỹ thuật và in ấn tập san.
IV- KẾT LUẬN
Những tâm tư, tình cảm ấp ủ bấy nay đã được thỏa lòng khi những thành viên trong gia đình đã có cơ hội gặp gỡ để trao đổi và chia sẻ với nhau trong tư thế của những người con đã trưởng thành. Chúng ta luôn gắn liền niềm vui, cuộc sống và trách nhiệm :
- Trách nhiệm với Quê hương và Giáo hội của chúng ta.
- Trách nhiệm với giáo xứ, giáo họ của mỗi người.
- Trách nhiệm với tập thể Lớp của mình.
- Trách nhiệm với gia đình và con cái.
- Trách nhiệm lớn lao và thiêng liêng nữa là tình liên đới trong tinh thần Lê Bảo Tịnh gắn liền với trách nhiệm làm tông đồ.
Những cặp mắt ngời sáng, những trí tuệ dồi dào tạo nên một sức mạnh vô song khi chúng ta được liên kết lại với nhau. Chắc chắn chúng ta sẽ làm được nhiều điều hữu ích cho Giáo hội, cho Giáo phận nhà, cho tương lai của chính mình và những thế hệ mai sau.
Xin Chúa chúc lành cho công việc của chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành theo như Thánh Ý Chúa.
Xin Thánh Tổ Phao Lô Lê Bảo Tịnh gìn giữ, nâng đỡ và soi sáng chúng con để chúng con đủ nghị lực nêu cao tinh thần phục vụ.
Thổ Hoàng ngày 31/01/2006.
(lễ thánh Bosco linh mục)
Hoàng Công Nga + Huấn
nvk nhuận chính và bổ túc