Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh
Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hoa, tỉnh Thanh Hóa, là con thứ ba trong một gia đình 6 anh em. Năm 12 tuổi cậu Tịnh được cha Duệ xứ Bạch Bát giúp chuẩn bị vào chủng viện, Lê Bảo Tịnh không học giỏi đặc biệt, nhưng rất chăm chỉ và ham đọc sách nên biết nhiều.
Thầy Tịnh ảnh hưởng đường lối tu đức của cha Havard, giám đốc chủng viện, thích đời sống khắc khổ của các thánh tu rừng như thánh Antôn nên tập bớt ngủ, ăn chay hãm mình, nằm ngủ dưới đất. Đặc biệt mỗi ngày Thầy lén để dành một phần cơm phơi khô chuẩn bị trốn đi tu rừng.
Một ngày kia Thầy đã âm thầm bỏ chủng viện để lên rừng Bạch Bát tập sống đời ẩn tu. Thầy đã tìm được một cái hang yên tĩnh để cầu nguyện chiêm niệm. Thầy tự tay trồng khoai mì để sinh sống.
Trong thời gian này thì chủng viện và Đức Cha cho lệnh tìm thầy khắp nơi, không cha nào được phép giải tội cho Thầy Tịnh. Vào dịp Lễ Phục Sinh năm ấy, Thầy Tịnh về đồng bằng xưng tội thì bị khám phá ra và phải về trình diện Đức Cha.
Thầy Tịnh tiếp tục học Thần Học và được Đức Cha tín nhiệm phái đi Macao đón hai cha thừa sai và đem đồ tiếp tế cho địa phận. Năm 1837, Thầy Tịnh được cử đi lo việc truyền giáo tại vùng Bái Thượng ranh giới Lào. Vùng này nổi tiếng nhiều cọp. Có lần trên đường đi Thầy đã phải ngủ lại giữa rừng cùng với vài người cùng đi. Trong tình trạng nguy hiểm, thầy đã lấy cây làm bốn Thánh Giá cắm chung quanh chỗ ngủ, xin Thánh Giá Chúa che chở bảo vệ. Quả thực sáng dậy, họ thấy các nốt chân cọp dẫm nát chung quanh…
Cuộc truyền giáo kéo dài một năm thật kết quả, nhiều người đã được rửa tội. Thầy về Kẻ Vĩnh báo cáo Đức Cha. Trong thời gian này đang có cuộc bắt đạo dữ dội. Đức Cha lại sai Thầy Tịnh đi Macao đón cha thừa sai. Về được ít lâu, năm 1841, Thầy Tịnh đi dạy giáo lý ở Kẻ Đầm thì bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn.
Một hôm bị đánh đau quá, Thầy sợ chết trước khi có án tử, nên Thầy đã ngoái cổ lại nói với bọn lính: “Các anh đánh như gãi ngứa vậy thì nhằm nhò gì!”. Quan thấy đã hết sức hành hạ Thầy như vậy mà không ăn thua gì nên tạm ra lệnh ngưng đánh.
Thầy Tịnh có tài tranh luận và châm biếm. Một hôm quan hỏi tại sao các linh mục Công giáo có thể sống độc thân được, Thầy đã trả lời bằng cách chơi chữ nho: Người độc thân là “Nhân” (người), người có gia đình thêm một nét nữa thành “Điạ” (gồ ghề), người nhiều vợ thêm một nét nữa thành “khuyển” (chó). Thời đó quan nào cũng có nhiều vợ, nên quan đã tức giận lấy thước đánh gãy răng Thầy Tịnh.
Tình trạng tù đày như vậy kéo dài 7 năm. Ngày 20.4.1843 Thầy đã viết một lá thư dài cho chủng viện Kẻ Vĩnh: “Tôi, Phaolô, đang bị xiềng xích vì Chúa Kitô. Tôi xin tường thuật lại những gian nan khốn khó. Lao tù này là hình ảnh sống động của hỏa ngục đời đời. Xin anh em khẩn nguyện với Vua quyền năng dũng mãnh ban cho tôi đủ gan dạ chiến thắng. Xin thương đến tôi vì tay Chúa đã đụng chạm đến tôi.” Lạy Chúa, Chúa đã cảm nghiệm vâng lời khó khăn là dường nào. Mỗi ngày Chúa nhìn thấy tôi tớ Chúa bị còng chân tay, bị đeo gông xiềng xích, bị đủ mọi thứ gian nan. Xin Chúa hãy biểu dương uy quyền của Chúa, xin hãy cứu thoát và nâng đỡ con, để trong thân xác yếu hèn này cả trăm họ sẽ nhìn thấy và ca tụng sự dũng mãnh của Chúa.” Tuy nhiên, tôi vẫn tạ ơn Chúa, vì Ngài đã chọn sự yếu đuối để làm cho sự hùng mạnh phải bẽ mặt, đã chọn sự hèn mọn để đả phá sự cao sang. Tôi vẫn hân hoan vì đâu tôi có đơn thương độc mã mà luôn có Chúa ở cùng. Chính Ngài, Thầy Chí Thánh, đã vác hết gánh nặng Thánh giá, tôi chỉ ghé vai chịu một chút phần đuôi. Nên tôi sẽ cam chịu tất cả những gian lao khốn khó ở đời này cho tới hơi thở cuối cùng. Giữa lúc cuồng phong vũ bảo. Tôi thả neo níu chặt vào ngai Chúa: đây là niềm tin tôi giữ mãi trong lòng.”
Cũng năm đó án tử hình của Thầy được đổi thành án lưu đầy đi Bình Định. Trên đường đi, Thấy dừng tại Hếu. Nhiều người lương và cả quan nghe tiếng các linh mục Công giáo có tài chữa bệnh thì tìm đến Thầy. Thực sự, Thầy Tịnh không có khả năng đó, nhưng rồi Thầy cũng cầu nguyện xin sức mạnh chữa lành của Chúa, rồi lấy cao nóng dán vào đôi mắt lòa của quan Nguyễn Đình Tân, và ông ta được chữa khỏi cách lạ lùng.
Cuối năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi ra lệnh ân xá tù nhân, nên Thầy Tịnh được thả về chủng viện Kẻ Vĩnh. Đức Cha ra lệnh Thầy học làm lễ và đã truyền chức linh mục cho Thầy năm 56 tuổi.
Năm 1849, cha Tịnh được cử làm giám đốc chủng viện. Cha cổ võ đời sống nội tâm rất mạnh nơi các chủng sinh. Cha hâm mộ Kinh Thánh và có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Cha thường lần chuỗi, ăn chay trưóc các ngày lễ kính Đức Mẹ. Cha nói: “Mọi ơn được ban qua Đức Me. Yêu mến Đức Mẹ thì Mẹ sẽ dẫn đến với Chúa”. Cha đề cao đời sống cầu nguyện, vì cầu nguyện có sức mạnh cứu các linh hồn và làm cho người ta được ơn biến đổi hơn cả lời giảng. Cha có một phong thái dâng lễ rất sốt sắng, và rất chịu khó giải tội như Thánh Gioan Vianney.
Cha soạn một số sách cần thiết cho giáo dân: Đời Sống Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Dẫn Giải Phúc Âm, Giáo Lý căn bản, sách Xét Mình và những lời nhắn nhủ...
Cha có lòng tôn kính và tin tưởng vào sức mạnh của Thánh Giá. Nên Cha đã cho dựng Thánh Giá ngoài trời, để cùng đi chặng đàng, và chính Ngài vác Thánh Giá để nói lên ý nghĩa lời Chúa vác Thánh Giá của chính mình mà theo Chúa. Cha thường nói: “Thánh Giá là sức mạnh và là dấu nhắc nhớ Chúa”.
Bị bắt lần thứ hai: Dù được quan Nguyễn Đình Tân nhớ ơn cũ hết lòng che chở, Cha Tịnh cũng bị vây bắt bất ngờ cùng với chủng viện Kẻ Vĩnh. Cha đã đứng ra chịu mọi trách nhiệm và bị tống giam.
Mười hai ngày trước khi bị xử tử, ngày 24.3.1857, Cha Tịnh đã viết một lá thư dài cho chủng viện với tâm tình rất sâu sắc. Cũng như thư trước, sau khi tả cảnh khốn cùng và những phấn đấu vật vã trong lao tù, Ngài tin tưởng: “Tôi vẫn thầm xác tín rằng: không gì có thể làm cho tôi xa lìa tình thương của Chúa Giêsu Kitô, dù lao tù, dù đói khát, dù gươm giáo, dù sự chết, là vì chính Chúa Giêsu là sự sống của tôi…” Và Ngài nhận ra ý và tình thương của Chúa qua mọi khó khăn: “không phải vì tình cờ mà chúng tôi bị rơi vào những bàn tay hung ác, nhưng đó là một sự xếp đặt của Chúa Quan Phòng.”
Ngài cũng chỉ dẫn cho các chủng sinh cách tử đạo bằng đời sống thường ngày, làm chứng có thể đạt bằng Bát Phúc: “Tử đạo bằng máu quả thực là họa hiếm, Thiên Chúa chỉ ban cho một số ít người: vì là hồng ân hoàn toàn chứ không phải công nghiệp của ai. Nhưng mà tử đạo bằng ước muốn, bằng tình yêu… là của hết mọi người. Và cũng có thể là của riêng những người có tinh thần nghèo khó, hiếu hoà và tâm hồn trong sạch.”
Lần thứ hai này, Cha Tịnh bị cầm tù 38 ngày. Trước ngày tử hình. Cha còn nói: “Là đạo thật thì dù có bị bắt bớ tàn phá cũng không hề gì, trái lại sẽ còn đông người theo.” Ngày 6.4.1857, Cha bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu, ăn mặc chỉnh tề như để tiến lên bàn thờ hiến lễ cuộc đời, trên tay vẫn cầm cuốn sách nguyện và tràng hạt Mân Côi. Sau khi bị chém đầu, xác Ngài được đưa về an táng tại Chủng viện Kẻ Vĩnh.