KẾT NỐI 4: Chuyện Người Samari

Thứ sáu - 27/03/2020 23:32 |   686
Chủ đề năm nay đưa ra thật là cắc cớ: - “Ai là anh em tôi?”
KẾT NỐI 4: Chuyện Người Samari
KẾT NỐI 4: Chuyện Người Samari
[15.04.2012 17:24]
Chủ đề năm nay đưa ra thật là cắc cớ: - “Ai là anh em tôi?

Ai là anh em tôi? - Người Công giáo có thể dễ dàng trả lời rằng: “Mọi người là anh em tôi!”. Tuy nhiên, xét cho cùng, chúng ta đã làm được gì cho những người anh em của chúng ta? Nhạc sĩ Vũ Thành An đã rất có lý khi nói: “Triệu người quen, có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?” (Bài không tên số 4).

Đặt ra câu hỏi: Ai là anh em tôi? Chúng ta liên tưởng ngay đến trình thuật Tin Mừng thánh Luca, đoạn 10, câu 29 đến 37, “Người Samari nhân hậu”. Thật là tuyệt vời, khi chẳng cần biết nạn nhân bên vệ đường là ai, người Samari đã nhào tới chăm sóc tận tình. “Dùng rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10, 34). Lại còn, lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” (Lc 10, 35). Chắc chắn đây là một người có lòng nhân hậu “trên cả tuyệt vời”!. Chúa Giêsu đã nói với người thông luật: “Ông hãy về và làm như vậy.” (Lc 10, 37).

Thật là khó, khó lắm! Giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách xa vời vợi.

Làm sao có thể yêu người thân cận như chính mình được??? Làm sao có thể săn sóc, giúp đỡ ông bạn hàng xóm như chính anh em mình được??? Thật là vô lý!!! Lương tháng của tôi cũng chỉ vừa đủ ăn… không có tiền dư thì tôi lấy gì để giúp đỡ người khác? Nếu giúp đỡ người khác, lấy gì cho gia đình ăn đây!!!? Đối với tôi là thế, vậy mà, nhìn lại chúng ta thấy có biết bao đoàn thể, cơ sở thiện nguyện đang hoạt động mạnh mẽ. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân mình cho đồng loại…

Ngẫm lại, công việc từ thiện bác ái là rất đúng, rất tốt, rất tuyệt vời. Nhưng cũng có không ít người làm việc bác ái với thái độ của người làm ơn, ban phát. Chúa Giêsu bảo: “Họ đã được thưởng công rồi”. (Mt 6, 16) Có người tưởng như mình đạo đức hơn người khác vì đã bỏ công, bỏ của giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, người dân tộc, người sa cơ lỡ bước. Họ đã ngủ quên trong vòng hào quang đạo đức đó. Lại có những người do “cái tôi” của mình lớn quá, làm che mất hình ảnh Chúa hiện hữu trong người anh em mình. Họ chỉ nhìn thấy chính họ!!!

Tìm trong Thánh Kinh, chúng ta thấy:

Chúa Giêsu không lập trại tế bần giúp người nghèo. Chúa Giêsu không lập viện dưỡng lão chăm sóc người già cả. Chúa Giêsu chưa giúp đỡ tiền của cho bất cứ ai!!! Mà chỉ ngồi quan sát!!! “Chúa Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao.” (Mc 12, 41) Thậm chí Chúa Giêsu còn nói: “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được!” (Mc 14, 7)

Tóm lại, những việc đạo đức, tích cực tham gia những công tác bác ái xã hội là rất đáng trân trọng, rất nên làm, rất cần thiết… nhưng vẫn chưa đủ… Vì trong mối tương quan thân mật giữa con người và Thiên Chúa, chúng ta vẫn mãi là kẻ nghèo hèn trước mặt Chúa.

Trở lại dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”, qua hình ảnh và việc làm của người Samari, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết về “lòng thương xót”. Lòng thương xót chính là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Không có lòng thương xót, sẽ không có ơn cứu độ. Thánh nữ Maria Faustina Kowalska, thư ký về Lòng Thương xót Chúa, đã viết trong Nhật ký: “Không phải các ân sủng, các mặc khải, các lần ngất trí, hoặc các ân huệ làm cho linh hồn nên hoàn hảo, nhưng chính là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa...” (NK 1107).

Để trả lời câu hỏi “Ai là anh em tôi?”, chúng ta mạnh dạn thưa rằng: Đó là tất cả mọi người mà hằng ngày chúng ta gặp gỡ họ. Đó là những người thân thiết trong gia đình, những người sống chung quanh chúng ta, và tất cả mọi nơi trên trái đất này! Vâng, tất cả “mọi người là anh em tôi”. Hằng ngày, chúng ta vẫn đọc Kinh Tin kính: “…tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công…” thì tất nhiên chúng ta phải tin rằng mọi người trên toàn thế giới đều là anh em và đều được thông phần trong ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Vậy thì chúng ta phải làm gì cho anh em mình đây?! Chợt nhớ câu chuyện Bích Ngọc kể về một người phụ nữ đến tâm sự với Nhà sư như sau:       

- Thầy ơi! Hôm qua con gặp một chuyện hết sức là bực mình, con rất tức giận.          

Nhà sư hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Chị nói:

- Thưa Thầy, số là ngày hôm qua con gặp một người ăn mày ‘sổ ruột’, anh ta nói với con bằng vẻ mặt đau đớn và sầu khổ, thấy thương tình con đã dốc gần hết hầu bao cho anh ta. Đến chiều, con vào quán cơm và gặp anh ta ở đó. Anh ta kêu một phần cơm đặc biệt, dáng người sạch sẽ ngồi ăn ung dung. Còn con, vì đã cho anh ta gần hết hầu bao nên chỉ dám kêu một dĩa cơm xoàng ăn lót dạ. Trước khi ra về con để ý thấy anh ta không bị ‘sổ ruột’. Vậy là anh ta đã lừa con, nên con tức giận. Thực sự con đã bị đánh mất niềm tin rồi Thầy ạ!

Nhà sư trả lời:

- Tại sao con lại tức giận và buồn phiền chứ, lẽ ra con phải vui mới đúng. 

- Thầy bảo sao? Anh ta lừa con, lừa mọi người mà Thầy bảo con vui sao?

- Con đừng vội nóng, có phải mục đích của con cho anh ta tiền vì muốn anh ta có tiền để phẫu thuật đường ruột không? Con thương cảm anh ta vì anh ta bị tật nguyền, đúng không? Vậy khi con thấy anh ta lành lặn thì con phải mừng chứ, vì anh ta không phải người tật nguyền mà.

Đó là sống bằng cái TÂM của nhà Phật.

Còn chúng ta, hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố sá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em. (Mt 6, 1-6. 16-18).
Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây