KỶ NIỆM NÀO CHO GIU SE?

Thứ hai - 24/02/2020 17:06 |   711
Là lớp thứ hai của Chủng viện Lê Bảo Tịnh, theo sau lớp anh cả Vô Nhiễm, hình như suốt 6 năm tiểu chủng viện (1969-1975) đứa em Giuse này cứ ganh đua để vượt đàn anh, nhưng rồi phải nhận rằng lớp đàn anh luôn luôn xứng đáng là Anh Cả, nghĩa là đàn em chưa lần nào bấm còi qua mặt được
KỶ NIỆM NÀO CHO GIU SE?

KỶ NIỆM NÀO CHO GIU SE?

[13.10.2009 18:17]

Viết kỷ yếu là để lưu giữ những kỷ niệm. Những kỷ niệm nào sẽ được lưu giữ cho lớp Giuse?...

Là lớp thứ hai của Chủng viện Lê Bảo Tịnh, theo sau lớp anh cả Vô Nhiễm, hình như suốt 6 năm tiểu chủng viện (1969-1975) đứa em Giuse này cứ ganh đua để vượt đàn anh, nhưng rồi phải nhận rằng lớp đàn anh luôn luôn xứng đáng là Anh Cả, nghĩa là đàn em chưa lần nào bấm còi qua mặt được, trong bất kỳ lĩnh vực nào: học hành, văn nghệ, thể thao, báo chí, sinh hoạt đoàn thể v.v… còn mặt tu đức thì chỉ có Chúa Trời mới biết được (dĩ nhiên?...)

Chỉ có một điều hơn được đàn anh, và hơn cả các lớp đàn em (Truyền Tin, Phanxicô, Tê rê sa…) đó là về số lượng: Nhập chủng viện ngày 30/08/1969 với sĩ số là 69 người  (lẽ ra là 70, như 70 môn đệ được Chúa Giêsu sai đi truyền giáo ấy mà, nhưng một người đã không đến để ăn cơm nhà Đức Chúa Trời).

Rồi như các môn đệ, “Được gọi thì nhiều mà chọn thì ít! Vào nhiều nhưng cũng ra nhiều hơn tất cả;  đặc biệt sau mùa hè đỏ lửa 1972 (lớp tám), có đến 19 tráng sỹ ra đi như Kinh Kha vào đất Tần, một đi chẳng lại về! Lý do cũng dễ hiểu: Ngay Cha Giám Đốc Aug. Nguyễn Văn Tra cũng phải đưa cả hai tay lên trời mà kêu rằng: “Cái lớp này là Lớp Gấu !'' Nghịch như gấu, dữ như gấu và… hỗn như gấu, thậm chí lập được cả một “Băng Dao Găm”, có Đảng trưởng, Đảng phó hẳn hoi, thế là Chúa cũng phải chào thua không gọi tiếp.

Sau biến cố lớn năm 1975. Lớp còn lại 18 sinh linh.

Thập bát La Hán này cũng không được yên… Các vị không chịu ở “Chùa” mà đi Thế Thiên Hành Đạo liên tục, nhất là khi đàn anh Vô Nhiễm lên đường đi nghĩa vụ lao động theo  tiếng gọi của Tổ Quốc ta ơi!

Địa chỉ của 18 vị La Hán này tuy ghi rõ là: 70 Phan chu Trinh, nhưng vị thì ở đập thủy lợi EaKao, vị thì mút mùa ở Buôn Trấp, vị lại rong ruổi trên công trường Chư Knia… cho đến ngày15/4/1978 một lần nữa chia tay nhau. Chia tay TGM để về lại cuộc sống đời thường, chỉ còn 4 vị tiếp tục ở lại cùng 14 anh em ba lớp Vô Nhiễm, Truyền Tin và Phanxicô được kể là những người “công chính” vì có lý lịch “trong sạch”...

Chao ôi! Số người đáng được trèo lên Cao Sơn mà ít vậy thay!... Rồi ngày ấy thế nào cũng đến: 1983, Đức Cha Phêrô buộc lòng phải để các thầy trở về mái gia đình, giải tán chủng viện, các Cha Giáo sư lần lượt đảm nhiệm các Giáo xứ.

Hôm nay, 24 năm sau ngày giải tán, anh em càng nhận rõ bàn tay của Chúa quan phòng: từ những cánh chim lưu lạc, lớp Giuse lại đứng đầu về số Linh mục: 10 người và chưa hết. Hẳn điều đó làm các Cha Giáo vui lòng.

Càng vui nữa, khi anh em vẫn tụ hội hàng năm vào ngày 19 tháng 03. Lễ Thánh Bổn mạng GIUSE.

                                       NGƯỜI CÔNG CHÍNH TRẦM LẶNG.

                                Tình nghĩa huynh đệ vẫn tràn đầy như thuở nào

                                        Đó mới là thứ KỶ YẾU được viết lại.

                               Một thứ KỶ YẾU được khắc ghi trong lòng người.

Lm. Phaolo Nguyễn Công Minh

 Tags: kỷ niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây