Chữ nghĩa thuở thiếu thời

Thứ ba - 14/04/2020 05:47 |   890
Cho tới tận bây giờ, vinh nhục phận đời đã lắm, tôi vẫn còn mang nặng điều ấy náy như mặc cảm lỗi lầm cho sự bốc đồng, ấu trĩ về tính tự hào vô căn cứ.
Chữ nghĩa thuở thiếu thời

CHỮ NGHĨA THUỞ THIẾU THỜI

[26.06.2013 20:28]

(Chân thành tri ân cha giáo Jn Bùi Quang Đạo)
 
Cho tới tận bây giờ, vinh nhục phận đời đã lắm, tôi vẫn còn mang nặng điều ấy náy như mặc cảm lỗi lầm cho sự bốc đồng, ấu trĩ về tính tự hào vô căn cứ. Chữ nghĩa vô duyên mà nó thâm nhập vào trí óc tôi tự lúc nào chẳng biết.

Nhớ lại năm học đệ lục (lớp 7), trong một bài làm bình giảng quốc văn với đề bài “chí làm trai”, tôi đã xử dụng hai câu thơ của Phan Bội Châu để mở đầu như thế này:
“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt chả hơn ai”.
Vừa mới học xong thơ song thất lục bát, cách gieo vận, nên tôi đã sửa lại chữ “có” trong nguyên bản để thay bằng chữ “chả” cho vần với chữ cả ở trên. Đồng thời còn chê ông Phan Bội Châu không biết gieo vận.
Tôi đã cố gắng thực hành một bài làm hay, đủ các yếu tố căn bản (cho là vậy) để tạo nên một bài xứng đáng được điểm cao trong kỳ khảo hạch.
Khi cha giáo gọi tôi lên và có lời khen ngợi cách lập luận và diễn tả, tôi như bay bổng trên chín tầng mây rực rỡ hào quang. Tôi kiêu hãnh nhìn ngang đám bạn học, mặt vênh lên để đám bạn nhìn rõ hơn khuôn mặt mình.
Một cách từ tốn, ngài hỏi tôi:
-   Có phải con đã làm hai câu thơ này?
       Không chút đắn đo, tôi bạo miệng.
-   Dạ, con làm đó, thưa cha.
Vẫn nhẹ nhàng, ngài ôn tồn giảng giải về lối hành văn, nêu ra xuất xứ của hai câu thơ trên rồi kết luận chắc chắn.
-   Lần sau, nếu có mượn ý và ngôn ngữ người khác, con nhớ phải bỏ trong ngoặc kép, đồng thời ghi chú là của ai trong ngoặc đơn, và tuyệt đối không được sửa chữ.
Bài văn mắc lỗi mượn ý, nặng suy diễn “từ” lung tung nên phải chịu điểm thấp nhất kèm thêm một lời cảnh cáo.
Tôi trở về chỗ với khuôn mặt tương phản với lúc bước lên, thầm mong có một lỗ nẻ để chui xuống.
Ôi! Một sự trừng phạt êm ái mà thâm sâu một đời người.
 
Trong hiện tại, khi giao tiếp với nhiều người, cả khi nghe nhìn trên phương tiện truyền thông, tôi vẫn luôn thấy ngượng ngùng và xấu hổ. Cái sự tự hào văn hóa được dùng như một bình phong tô trét màu mè lòe loẹt, uốn lượn nơi đầu môi chót lưỡi những con chữ nhập nhằng, thừa nét thiếu ý do yếu kém tri thức mà đâu nhận biết: cái nghĩa của chữ thì tròn trịa, ý tứ đầy đủ, cớ sao lại lộng ngôn!
Cái văn vẻ làm lộn xộn cộng đồng, nên chăng phải xét lại.
Ngẫm người mà nghĩ đến mình!

 
Vy Phương

 

 
 
Sau khi đăng bài: " Chữ Nghĩa Thuở Thiếu Thời" trên Trang Nhà, BBT đã nhận được bài viết dưới đây của Tay Chiêu. Xin chuyển đến mọi người để chúng ta tham khảo thêm.     
BBT

     
Chú thích của Tay Chiêu
 
Bài “An Mai Quân” bằng chữ Hán của cụ Phan Bội Châu
 
Phiêu bồng ngã bối các tha hương
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa
Tu mi tam độ nhập linh đường
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú
Bất thế phong vân đế chủ trương
Giả sử tiền đồ tận di thản
Anh hùng hào kiệt giã dung thường
.

 
Được cụ Đào Trinh Nhất dịch là:
 
An ủi Mai Lão Bạng
Bơ vơ đất khách bác cùng tôi:
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi.
Tính mạng bao phen gần chết hụt.
Mày râu ba lượt bị giam rồi!
Trời toan đại dụng nên rèn chí,
Chúa giúp thành công tất có hồi
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

 
Trước đây nhiều người lầm tưởng 2 câu cuối của bài thơ này là của nguyễn Công Trứ vì thể hiện khí phách giống như tính khí của cụ Uy Viễn tướng công. Có bản chép khác như:
 
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai
 
Đúng ra câu thơ “Anh hùng hào kiệt giã dung thường” dịch sát nghĩa là: “Anh hùng hào kiệt cũng thường thôi”, nhưng khi người dịch phóng bút tạo ra sự thách đố: “có hơn ai” thì đó mới là tài.
 
Tay Chiêu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây